NSƯT Triệu Trung Kiên: Không ngại thử thách để làm mới cải lương

Thứ Bảy, 10/09/2016, 08:37
Khai thác đề tài chiến tranh cách mạng vốn bị mặc định là khô khan nhưng vở “Hừng đông” (tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) đã khiến khán giả TP Hồ Chí Minh phải trầm trồ tán thưởng bởi sự cách tân táo bạo... 


Chẳng ai ngờ một vở cải lương lịch sử lại có sự xuất hiện của một ban nhạc đường phố 9x ngẫu hứng với pop, jazz, dân gian đương đại. Với “gã đầu trọc” Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, không gì là không thể...

- Đưa “đứa con” của mình vào TP Hồ Chí Minh – nơi được coi là “thánh đường cải lương”, anh có lo sợ không, nhất là vở khai thác đề tài chiến tranh cách mạng – một đề tài nặng tính chính trị, tuyên truyền - trong khi khán giả miền Nam thường quen với yếu tố trữ tình của cải lương?

+ Vài năm trước, chúng tôi từng mang “Chuyện tình Khau Vai” rồi vở “Mai Hắc Đế” vào phục vụ khán giả miền Nam và được họ đón nhận nồng nhiệt. Chúng tôi cũng biết thói quen xem cải lương của khán giả TP Hồ Chí Minh khác rất nhiều so với khán giả phía Bắc. Và thói quen đó cũng ảnh hưởng trở lại sự phát triển của sân khấu cải lương.

Nhưng chúng tôi muốn khẳng định rằng sân khấu cải lương không chỉ có yếu tố trữ tình mà còn có nhiều vở mang tính hoành tráng, sử thi, bi hùng... Mỗi vở cải lương khi đề cập đến từng đề tài thì nó phải được định hướng theo đề tài đó. “Hừng đông” là đề tài đấu tranh cách mạng khắc họa hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu.

Chúng tôi không thể thêm bớt, hư cấu và cũng khó có thể làm cho lung linh lên được vì cuộc đời cụ Phan Đăng Lưu được sử sách ghi chép khá tỉ mỉ, thời gian lịch sử cũng không quá xa với chúng ta. Hư cấu chỉ được áp dụng khi lịch sử không nhắc đến, đó là khoảng trống như quyển sách bị mất mấy trang. Nhưng hư cấu phải thống nhất với dòng chảy lịch sử chứ không thể làm sai lạc hoàn toàn câu chuyện.

Trong vở này, chúng tôi muốn kể lại một cách chính xác từng sự kiện, từng nhân vật, thông điệp lịch sử để cho khán giả xem và cảm nhận. Lời thoại cũng phải đúng, chẳng hạn lời trong cuộc họp, lời ra chỉ thị... Chúng tôi không thể biến nó thành văn biền ngẫu để dễ nhớ. Vì vậy việc chuyển thể cải lương khá khó, phải dựa vào tài năng của người chuyển thể.

Hoàng Song Việt là người rất chắc tay khi bắt đúng khoảnh khắc cho hệ thống bài bản của cải lương phát huy được tác dụng. Nhưng để người xem không nhàm chán hoặc khiến họ không có cảm giác đang đọc sách, đọc báo hay xem phim tài liệu, chúng tôi vẫn phải dùng thủ pháp “lạ hóa” cho vở diễn là đưa vào một lực lượng có vẻ rất phi lý: ban nhạc đường phố HUB của Hà Nội.

- Nhưng không phải sự cách tân nào cũng thành công vì nó không khác gì nước cờ mạo hiểm...

+ Cải lương có thể lạ hóa được vì bản chất của nó là luôn luôn cải cách. Quan trọng là do người sáng tạo và khán giả có tiếp nhận nó hay không. Ta có thể đưa bất cứ cái gì lạ nhất, mới nhất vào sân khấu cải lương, sau đó phải chờ ý kiến khán giả xem họ cảm thụ thế nào, họ có chấp nhận hay không.

Nếu chấp nhận ta phát triển tiếp, nếu không thì bỏ. Rất may là chúng tôi luôn có sự đồng hành của các nhà tài trợ để hết mình vì nghệ thuật, làm sao vở đạt chất lượng để chinh phục khán giả nhiều nơi. Nghệ thuật rất sòng phẳng, qua thời gian, cái gì hấp thụ được là hấp thụ, đào thải là đào thải. Chẳng hạn như trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt Remix” của Trấn Thành bị khán giả phản ứng thì nó ngay lập tức phải đào thải.

- Vậy anh làm thế nào để hài hòa giữa Đông – Tây,  kim - cổ, giữa ngẫu hứng và trang nghiêm trong một vở mang nặng tính chính trị, giáo dục như “Hừng đông”?

+ Lúc mới nêu ý tưởng, chúng tôi cũng gặp nhiều ý kiến lo ngại vì cải lương mà đưa jazz, dân gian đương đại..., bọn trẻ thì áo quần hầm hố, tóc vàng, tóc đỏ. Đặc biệt, tác giả Nguyễn Thế Kỷ rất lo lắng, nhưng tôi quả quyết: “Anh yên tâm, anh cứ tin ở em”.

Khán giả cứ hình dung đơn giản thế này: Chúng tôi là những người dựng vở cải lương để kể một câu chuyện lịch sử và thế hệ trẻ xuất hiện trên sân khấu với tư cách là người nghe chúng tôi kể chuyện. Sau khi xem mỗi đoạn của vở diễn, ban nhạc đường phố đó sẽ thể hiện xúc cảm của mình bằng âm nhạc do chính các bạn sáng tác, ví dụ như đoạn các bạn thấy ông phu xe bị thực dân Pháp đánh chết hay đoạn một anh chiến sĩ trong tù muốn nghe “Bèo dạt mây trôi” trước khi trút hơi thở cuối cùng...

Âm nhạc của các bạn hòa quyện cùng cảm xúc ngân lại sau đoạn diễn đó. Thể loại âm nhạc thế nào không quan trọng, quan trọng là nó hòa quyện và chạm được vào cảm xúc khán giả. Và rõ ràng nó đã nhận được sự phản hồi tốt. Nghĩa là chúng tôi lựa chọn đúng. Ngoài ra, còn có đoạn các bạn trẻ HUB thấy mật thám theo dõi cụ Phan Đăng Lưu thì hốt hoảng đòi báo cho cụ Phan Đăng Lưu biết để tránh, nhưng như thế là các bạn đã tham gia vào câu chuyện, là phá vỡ vở cải lương.

Chúng tôi có một chút cài cắm như thế để thấy rằng nếu như những bạn trẻ ngày nay được sống trong thời khắc lịch sử đó thì họ cũng có trách nhiệm với dân tộc chứ không hẳn thờ ơ, vô cảm với vận mệnh đất nước như chúng ta than thở, lên án.

Một cảnh trong vở “Hừng đông”.

- Ngoài những yếu tố trên, còn có yếu tố nào để một vở khai thác đề tài đấu tranh cách mạng trở nên hấp dẫn?

+ Chúng tôi cố gắng kể câu chuyện hết sức chân thực nhưng vẫn chú ý vào những điểm nhấn. Điểm nhấn của vở diễn là sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, nỗi khổ ải trong nhà đày Buôn Ma Thuột, sự thống khổ của người dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chẳng hạn có phân cảnh một cô gái Nam Bộ có người yêu bị bắn chết vì tham gia cách mạng nhưng vẫn phải giả vờ hát “Dạ cổ hoài lang” cho bọn lính nghe để ngụy trang cho cuộc họp chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ.

Một điểm nhấn nữa là trường đoạn cuộc khởi nghĩa nổ ra, những người dân Nam Bộ với cuốc, thuổng, gậy gộc lao vào chiến đấu với thực dân Pháp trên tay là súng, lớp lớp nhân dân ngã xuống trong biển máu. Nó cho thế hệ sau thấy rằng để có được độc lập tự do, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng xương máu như thế nào.

- Hiện nay, cải lương rất được các gameshow ưu ái và coi như món đặc sản. Không chỉ nghệ sĩ cải lương mà nhiều thí sinh, người chơi cũng liên tục sử dụng cải lương và làm mới nó để dựng tiết mục dự thi cho mình. Anh có lo ngại nếu đi theo hướng này, dần dà cải lương sẽ đánh mất tính nghệ thuật để phục vụ cho bài toán lợi nhuận?

+ Cải lương có thể làm mới và xuất hiện ở bất cứ cách thức nào, miễn là khi cải lương xuất hiện nó được trân trọng và phát huy hết vẻ đẹp của mình. Đồng thời nó phải là những tác phẩm hay, đặc sắc, không hề bị một ý định mờ ám nào đó chi phối để nó méo mó. Bởi không ít gameshow có nhiều vở rất tốt.

Quả thật, đó là một kênh hữu hiệu để khán giả tiếp thu và yêu mến cải lương hơn. Nhưng cũng có những tác phẩm xuất hiện trên một số gameshow không chấp nhận được, nó làm xấu đi hình ảnh nghệ sĩ, làm xấu đi nghệ thuật cải lương. Ví dụ như tác phẩm bị bóp méo để mua một vài tiếng cười. Hay một số nghệ sĩ cải lương dựng những tiết mục khiến người xem thấy phản cảm.

Chẳng hạn như trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt remix” của Trấn Thành rõ ràng không phải là một cách cứu vãn cải lương. Tôi không phản đối “hài hóa” cải lương vì nếu hài mà hay, đẹp đẽ thì không vấn đề gì. Nhưng hài mà tệ, khiến cho người ta thấy ghê ghê, không tạo thẩm mỹ đẹp thì không nên. Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù xuất hiện bất cứ đâu, trong bất cứ phương thức hay hình thức nào, nếu cải lương được xuất hiện ngay ngắn đầy đủ đúng với phẩm chất nghệ thuật của mình và nó tạo được hiệu quả về mặt thẩm mỹ, được sự yêu mến của khán giả thì đó là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, các gameshow thường thiên về giải trí và phải mang về hiệu quả kinh tế cho đơn vị tổ chức nên tôi cũng e ngại hiện tượng cải lương bị thương mại hóa mà đánh mất đi cái hay, cái đẹp và phẩm chất nghệ thuật của mình.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Thi Uyên (thực hiện)
.
.