NSND Đào Trọng Khánh: Người lưu giữ ký ức
- NSND Đào Trọng Khánh ra mắt sách "Đất & Người"
- NSND Đào Trọng Khánh: Bạn tốt, rượu ngon, đời nghệ sĩ...
- NSND Đào Trọng Khánh: “Thân bút hợp bích”
1. Sức hút của cái tên NSND Đào Trọng Khánh không ồn ào, nó thuộc về một nhóm các trí thức Hà Nội và bạn bè yêu văn nghệ. Họ trân trọng ông, một tài năng, một nhân cách, cả cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật. Còn thế hệ hậu sinh chúng tôi thì ngưỡng vọng ông, một trí thức lớn, một trong những con người đã đi qua những biến cố, thăng trầm đặc biệt của đất nước - những con người dần dần thưa vắng trong đời sống hôm nay.
Ở tuổi ngoài 80, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng NSND Đào Trọng Khánh vẫn kịp ra mắt độc giả cuốn sách dày dặn hơn 500 trang, “Đất và người”. Khác với các đạo diễn, nhà làm phim, sách sẽ viết về công việc làm phim, hay những kỷ niệm thời làm phim. Sách của NSND Đào Trọng Khánh là những câu chuyện kể về cuộc đời, thời cuộc, về những nhân vật gắn liền với lịch sử, những thước phim ông đã làm về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, về tuổi trẻ của những người cộng sản.
Những trang viết của một người học rộng, hiểu sâu, đi nhiều và có nhiều trải nghiệm với cuộc đời, những suy tư, trăn trở trước thời cuộc. Ông chia sẻ: “Tôi đã ghi những hình ảnh tư liệu này cách đây hơn 50 năm. May mắn là những hình ảnh ngày ấy vẫn còn hoang sơ, không giống như bây giờ. Đáng tiếc, tôi chỉ dựng được ít phút. Thời lượng thật ít ỏi”.
Nhưng chỉ ít phút, với thời lượng ít ỏi mà ông nói đó, đối với bạn đọc hôm nay là cả một kho tàng của dữ liệu và sự kiện cùng cái nhìn dũng cảm, khách quan trước lịch sử và thời cuộc.
Bên cạnh những nhân vật lịch sử, ông còn viết về các nghệ sĩ đồng nghiệp, Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Kha, Nguyễn Phan Chánh… Ông có tài ký họa, chỉ vài nét chấm phá, mấy câu mà ra chân dung nhân vật. Ông bắt nét rất tinh, nhân vật ai cũng có hình thù, thần thái không lẫn vào đâu được.
“Những năm chiến tranh, Lưu Công Nhân áo chim cò, quần sooc, to như ông tây, đứng phơi nắng bên sông như người nhập hồn”. Hay ông viết về một người bạn - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền rằng: “Trong những tác phẩm của Nguyễn Thị Hiền, những chân dung và tĩnh vật, sự lặng lẽ của Dòng Chảy, ẩn sâu bên trong là sự chuyển động vô tận như sự chuyển động của ánh sáng - Dòng Chảy Ánh Sáng của tri thức và tuyệt đối”… Những trang ký họa nhân vật bay bổng, có lẽ đó là lúc ngòi bút của ông thăng hoa nhất, bởi ở đó, ông cũng gặp chính mình, thời đại của mình.
2. NSND Đào Trọng Khánh học biên kịch ở Trường Sân khấu Điện ảnh, cả cuộc đời chỉ viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu. Ông đi nhiều, dấn thân với cuộc sống và làm nên những thước phim tài liệu để đời.
Nhà phê bình điên ảnh Thiên Sơn kể rằng: “Hồi đó, ông còn ở khu tập thể nghèo của các nhà điện ảnh (rất nhiều nhà điện ảnh danh tiếng đã sống ở đây). Những ngày nóng nực không có điều hòa, mồ hôi nhễ nhại, ông vẫn nói chuyện say sưa về văn chương và điện ảnh. Tôi nhớ căn phòng tối không nhìn rõ mặt người, nhớ sàn nhà lát gỗ đen bóng loáng, nhớ mái tường rêu mốc và dáng ông mập mạp, đôi khi đánh trần cho đỡ nóng, nhớ giọng hào sảng và những câu chuyện không dứt về hành trình làm phim và về những kỷ niệm lạ lùng của những năm tháng tưởng chừng như trong cổ tích...
Hồi đó, với tư cách là biên tập viên một tờ báo chuyên về điện ảnh, tôi đã đề nghị ông viết nhiều bài ghi lại những kỷ niệm làm phim. Ông cũng hào hứng chiếu lại cho tôi xem những phim ông tâm huyết: “1/50 giây cuộc đời”; “Vũ nữ Trà Kiệu”.
Đối với tôi, Đào Trọng Khánh là người duy mĩ, ông có công trong việc tạo ra những bộ phim tài liệu nghệ thuật thực sự với những hình ảnh đẹp, quý, hiếm, đầy chất thơ và cấu tứ độc đáo. Với 2 bộ phim được nêu tên trên đây, tôi nghĩ ông đã mang lại một phong cách riêng sang trọng cho phim tài liệu nghệ thuật Việt Nam, vượt thoát khỏi tính thời sự, tập trung trình bày những vẻ đẹp bất tử”.
Ông đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực làm phim tư liệu. Và dù làm việc ở cương vị nào thì những bộ phim ông làm luôn tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng và đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 giải kịch bản, 4 giải Đạo diễn xuất sắc nhất). Đặc biệt, năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu gồm: “1/50 giây cuộc đời”, “Việt Nam - Hồ Chí Minh”; “Vũ nữ Trà Kiệu”; “Truyền kỳ sự thật”; “Hình bóng tổ tiên”; “Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người”.
Tác phẩm mới của NSND Đào Trọng Khánh. |
Ông được bạn bè cùng thời và cả thế hệ hậu sinh trân quý dù ông sống ở Hải Phòng. Phòng khách của ông liên tục đón bạn bè khắp chốn bốn phương. Tôi nhớ, Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lần nào ghé ra Hà Nội cũng tranh thủ xuống Hải Phòng thăm ông. Lần gần đây nhất, chị giật mình vì ông đã già yếu, bệnh tật. Bạn bè trân quý ông, bởi một tài năng, hơn thế, ông còn là một nhân cách sống.
Chỉ có điều, những người cũng thế hệ ông đang lần lượt ra đi, thưa vắng dần trong đời sống vội vã hôm nay, mang theo rất nhiều những ký ức, những di sản văn hóa một thời. Vì thế, cuốn sách, có thể là tác phẩm cuối đời của ông, cũng là một cách ông trả nợ nhân gian trước khi hoàn thành kiếp sống của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Tôi đã đọc cuốn sách, có người muốn đặt tên tò mò hơn, hấp dẫn hơn nhưng tôi hoàn toàn đồng ý cái tên giản dị như vậy, như cuộc đời anh Đào Trọng Khánh. Khi đọc, tôi thấy anh có một điều khác biệt quá nhiều với những gì các nhà văn, nhà thơ đã đi qua. Một thời gian dài, đã quá nhiều sự kiện, biến cố lịch sử, biến cố chính trị của đất nước đã thay đổi, đã đi qua, nhưng anh vẫn viết lại về những lãnh tụ, nhân vật chính trị, những sự kiện lịch sử cách đây hàng nửa thế kỷ hoặc hơn nữa mà không thay đổi. Ông để nguyên vẹn, bởi vì đó là sự trung thực và một điều quan trọng là ông nhìn cách mạng hay nhìn chính trị bằng con mắt hoàn toàn nghệ sĩ, chứa đựng nhân văn rất cao. Ở nhân vật, ông khám phá điều tốt đẹp nhất của nhân vật đối với giai đoan lịch sử đó. Đào Trọng Khánh là một nhân chứng đứng giữa tất cả những dòng hải lưu của lịch sử đi qua ông. Chính vì thế ông được bạn bè cùng thời hay sau này kính trọng. Như họa sĩ Lê Thiết Cương nói, Đào Trọng Khánh là một thi sĩ. Tôi đọc thấy rất ít thơ nhưng nếu ông viết thơ chỉ nhiều bằng một phần ba các nhà thơ ở Hải Phòng thôi, ông sẽ trở thành nhà thơ xuất sắc của Hải Phòng. Tôi là người làm thơ, tôi thấy ở đó là một tâm hồn lớn, độ sâu lớn. Có một vài câu thơ tôi nhớ mãi, đó là khi trẻ cuộc đời ông trôi như một cánh buồm, và bây giờ ông chỉ là một bến bờ đã cũ. Cánh buồm kia là một khởi đầu và bến bờ lại là một khởi đầu khác. Phải đi hết cuộc đời của cánh buồm, thời gian của cánh buồm, hết sóng gió, thì mới có thể trở thành một bến bờ, nơi hạ thủy những cánh buồm khác”. Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ở trong sâu thẳm của Đào Trọng Khánh, cội rễ chữ của Khánh là “tính không”, là hư vô, chân không, chân không dược hữu, cái không nhưng lại có và đầy ắp là cái có - không, không - có của Phật giáo. Cho dù hơn 500 trang trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn- thấy để đến nhìn- không nhìn, nhìn- không. Chỉ khi nhìn- không thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để bịa để vô lý, “vô nghĩa” lên ngôi. Nhìn - không chính là thi ca, là con mắt của nhà thơ. Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Khánh là một thi nhân. “Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã thành bến cũ/ Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ/ Nay cá đã phơi rồi - lưới rách lua tua/ Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô/ Ta sẽ thả các người xuống nước/ Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất/ Nơi đáy sâu im lặng đời đời?” (Bến đò Tam Bạc - Tự ước một mình- thơ Đào Trọng Khánh). |