NSND Đào Trọng Khánh: Bạn tốt, rượu ngon, đời nghệ sĩ...

Thứ Năm, 01/07/2010, 10:50
Bạn, trong tâm thức của NSND Đào Trọng Khánh, chính là cuộc sống của ông. Ông nổi tiếng yêu và chiều bạn...

Quý trọng ông từ rất lâu, và cũng chật vật hẹn hò với ông từ rất lâu, tôi mới có dịp được tiếp kiến. Ông sống chủ yếu ở Hải Phòng, thỉnh thoảng mới về Hà Nội tụ họp bạn bè. Trong căn hộ bé xíu trên đường Hoàng Hoa Thám, ông như ngồi  thiền, xung quanh là đồ cổ, sách vở chen chúc. Và trong câu chuyện,  khả năng linh hoạt của ngôn từ được ông vận dụng tối đa, nên  những chi tiết thường nhật nhất cũng có thể biến thành những trận cười hay một ý niệm sâu sắc nào đấy, mà chỉ có người từng trải với cuộc đời như ông mới có thể chưng cất được. Ông là NSND Đào Trọng Khánh.

Đào Trọng Khánh chỉ vào la liệt những đồ cổ trong căn phòng bé nhỏ của mình, bảo: "Tôi là có duyên với đồ cổ lắm đấy nhé. Ngày trước, có lần tôi lơ vơ ra cánh đồng, thế nào mà lại nhặt được toàn đồ quý. Tôi mà chủ đích kinh doanh thì nhiều tiền lắm. Nhưng tôi chả giữ, cứ thiếu tiền mời rượu bạn là tôi bán một vài thứ đi. Rẻ tôi cũng bán. Nhiều người biết chuyện cứ hay tiếc cho tôi, bảo, sao ông dại thế, tiền cả đống mà ông cứ ném qua cửa sổ là sao. Nhưng tôi chả tiếc. Vì mình không coi mấy món đồ cổ ấy là tài sản. Với mình bạn và rượu còn quý hơn nhiều".

Rồi lạc sang chuyện bạn và chuyện rượu, NSND Đào Trọng Khánh say sưa với những hồi ức, kỷ niệm. Bản tính ham vui, lối sống phóng khoáng, tâm hồn nghệ sĩ và khả năng đối ẩm, đối thoại tốt nên Đào Trọng Khánh thường được các bậc tài danh yêu mến, và ông may mắn được làm bạn với họ từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông nheo nheo mắt cười: "Tuổi già như tôi thì chỉ có những câu chuyện quá khứ thôi. Mà quá khứ thì cái gì còn đọng lại với mình nhỉ? Nào phải công danh sự nghiệp gì to tát đâu. Chỉ là nỗi nhớ về những người bạn, mà giờ đây, phần lớn họ đều đã ngồi chơi thong dong ở cõi khác rồi".

Hỏi về những kỷ niệm uống rượu của Đào Trọng Khánh với 4 danh họa "Phái, Sáng, Liên, Nghiêm", ông nhớ lại: "Tôi ngày đó chỉ là loại trẻ nít, các bác quý thì cho hầu rượu thôi. Tôi hay làm chân lon ton đi mua rượu. Rượu ở Hà Nội ngày đó ngon lắm nhé. Thường tôi phải chạy đến ngõ Gạch để mua rượu Cúc mùa hè, rượu Sen mùa đông ở cửa hàng của một bà cụ. Thỉnh thoảng các bác vui vẻ thì kêu tôi ngồi làm mẫu để các bác vẽ. Nhưng tôi chả còn giữ được bức nào. Về họa sĩ Nguyễn Sáng thì tôi nhớ nhất là bác hay ăn cơm ở một cái quán quen trong ngõ Yên Thế. Bác rất hay trầm ngâm trước mâm cơm. Thực ra là bác đang ngắm thức ăn. Bác cứ nhìn săm soi từng món một. Hôm nào có món tôm thì bác ngắm nghía lâu đến sốt cả ruột. Sau khi kỹ càng, bác thường trỏ vào con đẹp nhất, bảo: "Tôi ăn con này này", khiến mọi người cười ồ. Với bác Bùi Xuân Phái tôi cũng có nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng bác Phái là người thâm trầm hơn, hay nghĩ ngợi. Ban đầu tôi cũng làm bộ sưu tập tranh của các bác. Nhưng rồi tôi không giữ được lâu, ai xin tôi cũng cho, hoặc là tôi mang đổi lấy rượu đãi bạn hết".

Bạn, trong tâm thức của NSND Đào Trọng Khánh, chính là cuộc sống của ông. Ông nổi tiếng yêu và chiều bạn. Thời của ông, đất nước còn chìm trong chiến tranh, khói lửa. Cái nghèo thường bủa vây những người bạn văn nghệ sĩ: "Chúng tôi nghèo lắm, lúc nào cũng thèm từng bữa rượu. Tôi thương nhất là Thanh Tùng. Tôi biết rõ nhân vật cô gái trong bài thơ nổi tiếng "Thời hoa đỏ" của Tùng. Đó là cô Nhàn, rất đẹp, bị bệnh tim, sau này cô ấy chết. Tùng lấy một người vợ rất bình thường. Hai vợ chồng làm nghề bán canh bánh đa ở Hải Phòng. Sáng sáng chồng dậy chuẩn bị nồi niêu mang ra vỉa hè cho vợ bán. Nhưng rồi cô vợ chơi hụi, vỡ nợ, trốn vào Nam, lang thang ở chợ Bến Thành. Thanh Tùng thương vợ nhưng không biết làm thế nào để đưa vợ về, anh thường than thở, ước gì  có 2 chỉ vàng để vào Nam đưa vợ về. Hai chỉ vàng ngày ấy là một gia tài lớn, chúng tôi chả bao giờ có thể dành dụm được".

Trong câu chuyện của mình, Đào Trọng Khánh còn xót xa về một người bạn nữa, đó là Lưu Quang Vũ. "Vũ hiền lắm, hay đỏ mặt và cũng hay hứa hươu hứa vượn  lắm. Nhưng mà tôi chịu được Vũ. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những ngày tháng đói nghèo nhưng vui và đầy ắp lý tưởng. Nhờ có Vũ mà tôi biết làm thơ, đến với thơ. Cũng nhờ có Vũ mà tôi đến với phim tài liệu để nhận ra rằng, phim tài liệu và thơ rất giống nhau".

Hôm ra mắt tuyển thơ Lưu Quang Vũ "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi", Đào Trọng Khánh đã khiến cho hàng ngàn khán giả xúc động khi ông kể lại những kỷ niệm đẹp của hai người bạn nghệ sĩ thời tuổi trẻ. Rồi, trỏ vào bức chân dung Lưu Quang Vũ trẻ trung, tay cầm điếu thuốc, mắt nhìn xa xăm, ông nói: "Vũ bây giờ vẫn trẻ thế kia mà tôi đã già thế này rồi".

Nổi tiếng trong vai trò là một đạo diễn phim tài liệu nhưng Đào Trọng Khánh còn được bạn bè biết đến như một nhà thơ với bút danh Đào Nguyễn. Những câu thơ hay của ông còn ám ảnh tâm trí bạn bè như: "Chiều thu đẩy một người rối trí ra đường/ Đi dạo quanh một chiếc lá rụng khổng lồ". Viết về Hải Phòng, mảnh đất quê hương, trong những năm chống Mỹ, Đào Trọng Khánh viết: "Thượng Lý tiễn người đi mây trắng ngang trời/ Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới/ Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi..." Với quan niệm thơ là duyên, Đào Trọng Khánh thường không giữ bản thảo thơ mình. Ông viết xong chỉ để bạn bè đọc. Rồi khi cần ông đổi lấy rượu uống chơi. Nên, khi có đơn vị làm sách muốn in cho ông một tập thơ, họ phải kiên nhẫn đi chép thơ ông trong trí nhớ của các bạn bè thân thiết.

Không nhắc về sự nghiệp điện ảnh của NSND Đào Trọng Khánh sẽ là một thiếu sót lớn khi viết về ông. Chỉ cần nhìn vào danh mục những phim tài liệu ông đã làm có thể thấy tầm vóc con người nghệ sĩ trong ông. Những tác phẩm như "Việt Nam - Hồ Chí Minh", "Truyền kỳ sự thật", "Nửa thế kỷ một ngày", "Một thế kỷ, một đời người", "Đồng chí Phạm Văn Đồng", "Một phần 50 giây cuộc đời", "Lửa thiêng", "Vũ nữ Trà Kiệu"... đã trở thành những chuẩn mực về phim tài liệu. Đào Trọng Khánh đặc biệt có duyên khi làm phim tài liệu về các nhân vật lịch sử như Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...Theo ông, để một bộ phim về một vĩ nhân có đời sống lâu dài trong lòng người xem thì bí quyết chính là sự giản dị. Nghĩa là người đạo diễn phải nhìn các vĩ nhân như những con người bình thường, không thần thánh hóa cũng không lên gân lên cốt. Cái mộc mạc, cái thật sẽ luôn truyền được một cảm hứng mạnh mẽ đến với người xem.

Đào Trọng Khánh cho rằng phim tài liệu là thể loại rất gần với thơ. Điều này có thể mình chứng khi ông viết lời bình cho phim. Hàng triệu khán giả đã rơi nước mắt khi xem hình ảnh cùng với lời bình sâu lắng trong phim "Việt Nam - Hồ Chí Minh" của ông và nhiều phim khác. Ông hóm hỉnh kể: "Ối anh khi thấy tôi thường làm phim về các nguyên thủ quốc gia cứ nghĩ là quan hệ của tôi ghê gớm lắm, nên mang tiền qua nhờ tôi giúp đỡ để mua giúp chức nọ, chức kia. Tôi thường phải khéo léo đánh bài chuồn".

Phim tài liệu, trong suy nghĩ của rất nhiều người, là thể loại khô khan, ít tưởng tượng, hư cấu, nhưng NSND Đào Trọng Khánh thì quan niệm khác: "Khả năng liên tưởng của phim tài liệu là vô biên, giống như trong thơ vậy. Tuy nhiên, phim tài liệu phải dựa trên một tư liệu tốt. Và đặc biệt không được sắp đặt. Nếu để khán giả không tin vào phim anh làm là anh cầm chắc thất bại. Tôi cho rằng làm phim tài liệu cũng là một cái duyên. Vào cái thời khắc anh cầm máy đi ra đường, nó sẽ cho anh một bộ phim khác với bộ phim của thời khắc khác. Nó có gì mang tính ngẫu nhiên nhiều hơn là việc anh cứ chăm chăm quay cho được cảnh này hay cảnh kia. Làm phim về nhân vật thì may mắn nhất là khi nhân vật ấy còn sống. Nếu nhân vật ấy mất đi rồi, thì trên cái nền của những tư liệu mình có trong tay, có khi là rất vô hồn, anh phải làm cho nó sống động là rất khó. Vì vậy, để làm phim tài liệu hay, phải thực sự trí tuệ".

NSND Đào Trọng Khánh có nhiều học trò trong lĩnh vực phim tài liệu. Nói về sự lãng quên, sự bội bạc khó mà tránh khỏi trong đời sống, ông rất đại lượng: "Học trò nó phải phủ nhận thầy mới là giỏi. Nó có "bội bạc" với thầy cũng là lẽ thường thôi".

Từ một người thủy thủ lênh đênh trên tàu ở vùng biển Hải Phòng, Đào Trọng Khánh lên bờ để trở thành một phóng viên chiến trường. 4 lần cầm máy quay đi vào vùng khói lửa, ông đã bỏ quên cả tuổi trẻ của mình nơi đạn bom khốc liệt. Rồi phải lòng "nàng Thơ", bén duyên điện ảnh, cuộc đời người đàn ông cao lớn ăn sóng nói gió Đào Trọng Khánh đã đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nghệ thuật đã cho ông nhiều vinh quang. Có tới không dưới hai chục lần tên ông được xướng lên trong các lễ trao giải điện ảnh trong và ngoài nước cho thể loại phim tài liệu. Bạn bè ông ở bốn phương trời, nơi nào cũng đông vui, cũng tràn ngập yêu thương và chia sẻ. Tuy nhiên, vẫn có những nỗi buồn, những bi kịch riêng mà ông giữ lại trong lòng, không dễ gì bày tỏ. Để rồi, sau những ồn ào cuộc nhậu, những bữa chiều chuộng bạn bè, ông lại trở về căn gác của mình, trò chuyện với  ngổn ngang đồ vật. Tôi trộm nghĩ, đó có thể sẽ là những cuộc đối thoại sâu thẳm nhất, mà cũng có thể là dữ dội nhất trong đời sống nội tâm của ông...

Bình Nguyên Trang
.
.