Mùa xuân, nhớ một nhạc sỹ tài năng

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:15
Cứ mỗi khi ngồi vào máy thực hiện bài vở cho các số báo Tết, tôi lại nhớ một chuyện có lẽ suốt đời không thể quên. Số là cách đây mấy năm, tôi nhận lời viết bài giới thiệu những ca khúc hay nhất về mùa xuân từ trước tới nay.


Vị Tổng biên tập tờ báo không quên lưu ý tôi: Chỉ giới hạn trong phạm vi ca khúc Việt Nam và của dòng văn nghệ cách mạng (tức là không gồm cả những bài hát về mùa xuân của các nhạc sỹ miền Nam vùng Mỹ- ngụy kiểm soát trước năm 1975). Một tuần sau ngày nộp bài, tôi phát hiện mình đã mắc "sai lầm chết người".

Đó là việc tôi đã quên hẳn, để bỏ qua một bài hát cực kỳ nổi tiếng về mùa xuân của một nhạc sỹ đoản mệnh, đồng thời là một liệt sỹ quá chói sáng về tài năng cũng như lòng yêu nước. Vâng. Đó là bài hát "Xuân và tuổi trẻ" của La Hối (1920-1945).

Có thể thế hệ sinh sau năm 1975 không biết bài hát này, không nghe tên tác giả. Nhưng những ai sinh ra và lớn lên từ trước Cách mạng Tháng Tám thì không thể không biết bởi là một tác phẩm rất nổi tiếng khiến nhiều người từng mê đắm ("Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống / Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…").

Nhạc sĩ La Hối.

Thì ra, khi được vị Tổng biên tập tờ báo nọ lưu ý là giới thiệu ca khúc về mùa xuân trong dòng cách mạng, tôi đã chỉ chú ý đến những bài lâu nay vẫn thường xuyên được phát trên các làn sóng phát thanh, truyền hình, biểu diễn trên những sân khấu ngoài miền Bắc, đặc biệt là có nội dung gắn với thời cuộc, đậm chất chính trị, kiểu như "Cung đàn mùa xuân" (nhạc Cao Việt Bách; lời thơ Lưu Trọng Lư), "Một mùa xuân nhỏ" (nhạc Trần Hoàn; lời thơ Thanh Hải), "Xuân chiến khu", "Mùa xuân bên cửa sổ" (Xuân Hồng)…

Khi ấy, tuy cũng biết đến bài của La Hối và nghĩ là một ca khúc hay nhưng tôi không biết tác giả đã hy sinh trong phong trào hoạt động chống phát xít Nhật hồi trước Cách mạng Tháng Tám, lại thấy bài hát chẳng đả động gì đến thời cuộc nên tôi đã  cho qua. Sau đó ngẫm lại, tôi bèn nói tờ báo bổ sung "Xuân và tuổi trẻ" cùng đôi lời về người nhạc sỹ đoản mệnh. Báo đã vào nhà in nhưng thật may là vẫn còn đang "xếp hàng", chưa in. Biên tập viên đã kịp làm theo yêu cầu của tôi.

Một chuyện nữa: Năm 2016, tôi có dịp sang Thái Lan. Trong một chương trình biểu diễn đãi khách du lịch của những cô gái chuyển giới, có hát bài "Xuân và tuổi trẻ" của La Hối. Các cô đều xinh đẹp, cao như hoa hậu và hát rất đều, hay (tất nhiên là "hát nhép" vì các cô chỉ có thể múa theo hướng dẫn của biên đạo mà không biết hát).

Sau đó, tôi hỏi người dàn dựng chương trình (người Thái) là vì sao lại tìm đến bài của La Hối mà không là bài khác vì Việt Nam còn rất nhiều bài hay về mùa xuân. Người này nói: "Đó là một bài rất hay. Dân Thái Lan chúng tôi cũng nhiều người biết. Việt Kiều ở bên này rất nhiều. Ai cũng thích bài này. Hơn nữa, bài hát chỉ nói đến mùa xuân vui tươi, con người lạc quan, yêu đời, luôn phơi phới hướng đến tương lai, không có màu sắc chính trị gì".

Đêm biểu diễn đó có rất nhiều bài hát của nước Thái, thêm một số bài ngoại quốc khác. Bài hát của La Hối đã nổi bật, gây ấn tượng rất đặc biệt. Ai cũng thích thú. Người dàn dựng còn cho tôi biết bài này luôn có trong mọi chương trình do anh ta thực hiện.

Rõ là "Xuân và tuổi trẻ" tuy ra đời cách đây đã trên 70 năm (tác giả sáng tác năm 1944) nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không bị mòn cũ theo thời gian. Hình như ca khúc này mang giá trị vĩnh hằng bởi ý nghĩa nhân văn, tính nhân loại của nó. Con người ở bất cứ đâu trên hành tinh này cũng đều hướng đến mùa xuân với tất cả những gì vui tươi, lạc quan, tốt đẹp nhất. Tiết tấu khoan thai, thong thả, điệu đà với nhịp ¾ (valse) quen thuộc khiến bài hát không quá xa lạ với lỗ tai người ngoại quốc. Đó cũng là yếu tố khiến bất cứ ai nghe cũng dễ có cảm tình.

Bài hát rất quen thuộc với nhiều thế hệ công chúng thế kỷ trước. Lớp cao tuổi ngày hôm nay lại trỗi dậy biết bao bồi hồi mỗi khi nghe lại bài này, đã sống lại dĩ vãng vàng son với nhiều kỷ niệm sôi nổi thời hoa niên. Tuy nhiên, đã không nhiều người tường tận về tác giả. La Hối sinh năm 1920 ở thành phố cổ Hội An (Quảng Nam), vốn là Hoa kiều nhưng các cụ trên ông mấy đời đã đến Hội An sinh sống.

Lúc nhỏ, ông là một cậu bé thông minh, ngoan ngoãn, học rất giỏi và có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Chỉ tự mày mò mà cậu chơi được nhiều nhạc cụ như măngđôlin, băngjô, ghita, pianô. 14 tuổi, cậu đã sáng tác bài hát. Lớn hơn một chút, cậu tập viết nhiều bản nhạc không lời để sau đó ban nhạc của cậu tập đàn với nhau.

19 tuổi, La Hối lập nên "Hội Yêu âm nhạc" (société philharmonique) và là Hội trưởng. Thành viên có thêm mấy đàn em được ông dìu dắt, sau đó cũng trở thành nhạc sỹ như Dương Minh Viên (tác giả bài "Du kích Ba Tơ"), Dương Minh Ninh (tác giả bài "Tự túc"), Trọng Nguyễn (tác giả bài "Nắng chiều"), Trương Đình Quang (nhà nghiên cứu âm nhạc)…

Văn bản bài hát của nhạc sĩ La Hối được xuất bản năm 1954.

Đầu năm 1945, lúc này phát xít Nhật đã tràn sang nước ta, gây nhiều điêu linh, thống khổ cho đồng bào. La Hối chứng kiến giặc khủng bố, đàn áp đồng bào dã man đã vô cùng căm giận. Lòng yêu nước được kích thích, chàng đã gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống Nhật ở Hội An. Chàng hoạt động sôi nổi, không sợ hy sinh, bất chấp giặc giăng lưới bắt mình, đã cùng đồng đội in truyền đơn rồi rải khắp nơi để tuyên truyền ý thức chống Nhật, phá đường để ngăn cản bước tiến của giặc và đánh bom, tập kích trại lính Nhật khiến chúng rất hoảng sợ.

Tháng 5/1945, La Hối cùng 10 đồng đội bị Hiến binh Nhật bắt, tra tấn dã man rồi xử bắn. 11 chiến sỹ cảm tử bị chúng chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường (Ngày nay, ngôi mộ này đã được chính quyền cải táng và di dời về nghĩa trang dành cho những người chống phát xít Nhật ở Hội An). La Hối ngã xuống trên mảnh đất mình sinh ra lúc mới 25 tuổi, bỏ lại nhiều mơ ước, dự định về âm nhạc.

La Hối sáng tác nhiều, phần lớn xoay quanh chủ đề mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, học đường, nhưng bị giặc Nhật tịch thu hết văn bản. Một số bài sau khi hoàn thành, ông đã trao cho người tình cất giữ. La Hối mất, gia đình quá đau buồn, không còn nghĩ đến người con gái được ông yêu thương và nhờ cất giữ những bản nhạc. Về sau chỉ còn lại mấy bản thảo ca khúc, trong đó có "Xuân và tuổi trẻ". Bài này La Hối sáng tác năm 1944 khi đang bị Nhật ráo riết săn lùng.

Trong hoàn cảnh phải ẩn náu và đối phó với âm mưu của giặc cùng rất nhiều lo toan khác, ta vẫn thấy tác phẩm toát lên niềm ung dung, thanh thản, tự tại và đầy hứng khởi, lạc quan về mùa xuân và cuộc sống. Đủ thấy La Hối tuy còn rất trẻ nhưng đã sâu sắc, chín chắn và tràn đầy bản lĩnh thế nào.

Lúc đầu, "Xuân và tuổi trẻ" có nhan đề  Pháp ngữ là "Printemps et la jeunesse" và được một người gốc Hoa đặt lời bằng tiếng Hoa. Đến đầu năm 1946, Đoàn kịch Anh Vũ gồm các văn nghệ sỹ tên tuổi như Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Bùi Công Kỳ… đến Hội An biểu diễn.

Vốn đã biết và ưa thích "Xuân và tuổi trẻ", lại biết tin La Hối đã hy sinh, cảm kích tấm gương quả cảm của tác giả bài hát, nhà thơ kiêm kịch sỹ Thế Lữ (1907 - 1989) bèn xin phép gia đình nhạc sỹ được đặt lời mới. Thế là ca từ bằng Việt ngữ ra đời, rất hài hòa, nhuần nhuyễn với giai điệu. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát phối hòa âm, Văn Chung biên đạo vũ điệu, Thế Lữ  (Trưởng đoàn Anh Vũ) tổng đạo diễn. Ca khúc được dàn dựng công phu và ra mắt công chúng ở Nhà hát Phan Hương tại Hội An chỉ sau đó 1 tuần, nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của bà con phố cổ. 

Ngoài "Xuân và tuổi trẻ", La Hối còn có một số bài hay nữa là "Thanh niên tiến hành khúc", "Xuân sắc quê hương", "Gió thiêng liêng"… Ngoài chủ đề tình yêu, một âm hưởng được biểu hiện dào dạt trong nhiều ca khúc của ông là cảm hứng yêu nước, chí khí của tuổi trẻ. Ta hãy nghe lời của bài "Gió thiêng liêng": "Lời đất nước gieo niềm tin/ Gió lên kia rồi/ Gió thiêng liêng bừng chí thanh niên/ Lời đất nước giục lòng ta…".

Nhiều người cho rằng nhạc của La Hối có giai điệu đẹp, trong sáng, lạc quan, lại được ra đời trong hoàn cảnh ông hoạt động chống Nhật khá căng thẳng như ta đã thấy. Vậy phải có một "động lực". Ngoài lòng yêu nước, căm thù giặc, ắt còn là một tình yêu luôn rạo rực trong trái tim chàng trai trẻ mới ngoài 20 tuổi. Vốn bản tính kín đáo, ít nói, người ta chỉ biết ông có tình yêu với một cô gái dạy đàn pianô ở Hội An mà không thể biết rõ gì hơn. Sau khi La Hối qua đời, cô gái đi đâu, ra sao, có còn sống đến ngày hôm nay không hay qua đời khi nào, không ai biết.

Nếu La Hối không ra đi qua sớm, nền âm nhạc chúng ta hẳn là sẽ còn có nhiều trước tác của người nhạc sỹ tài hoa, giàu lòng yêu nước. Nhưng ông sẽ sống mãi trong tâm khảm những người yêu âm nhạc. Không biết tại Hội An có đường phố nào mang tên ông?

Nguyễn Đình San
.
.