Mùa thu tôi yêu

Thứ Năm, 30/07/2020, 15:46
Vậy là mùa Thu trong tôi cũng đồng nghĩa với tục ngữ và ca dao, với cô Kiều và Nguyễn Du, với hạt gạo và mẹ hiền, với bài Quốc ca và Tổ quốc, với những bộ quân phục xanh biếc. Với ngần ấy điều, làm sao những bài thơ của tôi lại không gắn bó với Mùa Thu, gắn bó với Hồn Việt Ngàn Năm cho được! Mùa Thu cũng chính là Mùa Thơ.


Một mùa Thu lại tới!

Đến độ tuổi nào đó con người ta mới cảm nhận hết được sắc thái và sự sâu lắng của mùa Thu, có phải thế không bạn? Trong bài thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, sau câu thơ mở đầu thật da diết là tôi đã thảng thốt kêu lên: “Chỉ tiếc mùa Thu vừa mới đi rồi!”. Tại sao lại là mùa Thu, mà không phải là mùa Đông hay mùa Xuân??? Tôi đã tự hỏi lòng mình nhiều lần như thế, nhưng chưa lần nào trả lời cho rõ ràng được, quả thật là có điều gì đó bí ẩn ở đây chăng? 

Với bao nhiêu năm cầm bút, hai tiếng “Mùa Thu” được nhắc đi nhắc lại trong thơ tôi với một mật độ khá dày đặc. Thậm chí có lúc, tôi còn lấy tên cho cả một tập thơ là “Xúc xắc Mùa Thu”. Trong số rất nhiều bài thơ viết về mùa Thu đó, bài thơ “Thư mùa Thu” đã được Báo Văn nghệ trao giải Nhất trong cuộc thi Thơ năm 1972 - 1973 cùng với các anh chị: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Một mùa Thu lại tới!

Có nghĩa là tôi lại phải cố gắng tìm cách trả lời cho câu hỏi: “ - Tại sao mùa Thu lại gắn bó với thơ tôi đến thế?”. Và tôi nhớ lại ngày mùng 6 tháng 9 năm 1971, tôi cùng 300 sinh viên Trường Đại học tổng hợp đã đồng loạt khoác lên người bộ quần áo lính để lên đường ra trận. 

Đúng như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết trong những dòng mở đầu của cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, mà cũng đột ngột quá".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Có lẽ tôi trở thành “nhà thơ - chiến sĩ” cũng đột ngột như thế! Thạc được phân về Binh chủng Thông tin, còn tôi thì trở thành anh lính cao xạ. Nguyễn Văn Thạc làm thơ và tôi cũng làm thơ - Thạc làm thơ xong thì âm thầm giấu đi, còn tôi thì liều mạng cho mấy bài thơ của mình vào trong cái “cát tút pháo 37 hai nòng” để gửi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Gửi thơ xong rồi, đơn vị lập tức hành quân cấp tốc vào mặt trận Quảng Trị đỏ lửa. 

Bây giờ cho phép tôi được nói thật ý nghĩ của lòng mình khi đó, tôi đã nghĩ: “Hy sinh là cái chắc!”. Thú thực là chúng tôi không sợ chết cho lắm, Nguyễn Văn Thạc đã ghi hộ chúng tôi những điều này vào trong cuốn nhật ký của anh: “Có phải đời ta là cầm súng AK đánh giặc. Đứng trên đồi phun lửa vào kẻ thù, dạn dày, thầm lặng... chẳng cần ai biết đến đâu. Rồi lúc nào ta chết, chỉ cầu xin một điều, trên nấm mồ của ta là cây bạch đàn, cây bạch đàn mảnh dẻ... Nằm trong lòng đất, giá còn được nghĩ, ta sẽ làm thơ, ừ, làm thơ, làm toán... Chà, lập dị, lập dị, ngớ ngẩn đến thế nữa cơ”. 

Không sợ chết... nhưng trong lòng tôi khi ấy lại nao nao lên một ý nghĩ: “Nếu mình hy sinh mà mấy bài thơ gửi về may mắn được in, mình sẽ không bao giờ còn được cầm quyển Tạp chí Văn nghệ Quân đội trên tay nữa, tiếc thật!!! Tiếc thật!!! Đúng là dớ dẩn, dớ dẩn thật rồi!!!”.

Và “Đùng” một cái, giữa tiếng bom tiếng đạn ùng oàng đến long cả màng nhĩ - Đột ngột quyển Văn nghệ Quân đội có in chùm thơ 3 bài của tôi rơi vào giữa khẩu đội cao xạ khét lẹt thuốc súng. Tôi lặng cả người đi, rồi muốn hét lên thật to: “-Thạc ơi! Văn ơi! Đồng đội ơi! Văn nghệ Quân đội in thơ của mình rồi!”. Trong 3 bài thơ ấy, có một bài tên là “Mùa Thu Tôi Yêu”:

Từ trong tục ngữ ca dao
Mùa Thu tôi tự khi nào đã yêu…
Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi
Chày mùa Thu gõ mãi lời nước non...

Nước Non! Nước Non! Phải rồi, vì Non Nước Việt Nam thương yêu này, mà chúng tôi sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra trận. Nguyễn Văn Thạc đã khóc cũng như bao chàng sinh viên đã khóc vì buổi chia tay thiêng liêng quá: “nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!

Vậy là mùa Thu trong tôi cũng đồng nghĩa với tục ngữ và ca dao, với cô Kiều và Nguyễn Du, với hạt gạo và mẹ hiền, với bài Quốc ca và Tổ quốc, với những bộ quân phục xanh biếc. Với ngần ấy điều, làm sao những bài thơ của tôi lại không gắn bó với Mùa Thu, gắn bó với Hồn Việt Ngàn Năm cho được! Mùa Thu cũng chính là Mùa Thơ.

Sau này khi chiến tranh đã kết thúc, tôi trở về nhà và được nghe mẹ tôi kể lại rằng có một đêm vào năm 1972 đã khuya lắm, bố tôi chở mẹ tôi trên chiếc xe đạp đến nhà một người đồng đội của tôi để hỏi thăm tin tức cậu con trai, vì có tin tôi đã hy sinh. Nhưng gia đình người đồng đội cũng chả biết gì hơn, vì khi ấy đánh nhau ác liệt quá, bọn lính chúng tôi hành quân vào sâu mãi, không đứa nào kịp viết thư về nhà. 

Bố mẹ tôi vô cùng lo lắng lại lọc cọc chở nhau về bằng chiếc xe đạp trên những đường phố vắng lặng của Hà Nội. Trời tự dưng đổ trận mưa to, cả hai ông bà vội nép vào một mái hiên bên đường. Một cái đài của buổi phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ở trong ngôi nhà gần đấy, bỗng ngân nga vang vọng ra giọng ngâm thơ của Trần Thị Tuyết:

...Đây con cá của dòng sông
Đây mùa Thu trái ước mong chín già
Từ trong mưa nắng đời ta
Mùa vui lại tỏa hương hoa cuộc đời
 Con chim trắng tự do ơi
Mùa Thu ấy có bao người hồi sinh
Tôi thầm kêu: Hồ Chí Minh
Tiếng tôi bay đến Ba Đình trong mơ
Mùa Thu ấy có ai đưa
Vào trong máu với trong thơ triệu người...

Mẹ tôi nắm chặt lấy tay bố tôi và kêu lên: “ - Bài thơ “Mùa Thu Tôi Yêu” của thằng Cầm đấy! Thằng Cầm vẫn còn sống! Còn sống!”.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi - Những giọt nước mưa của đêm chiến tranh ấy vẫn còn rơi trong hồn tôi - Những dòng nước mắt chảy giàn giụa trên khuôn mặt Nguyễn Văn Thạc trong buổi chào cờ vẫn hiện ra ngời sáng như ngọc trước mắt tôi.

Trang thơ mùa thu trên internet của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Có lẽ nào - tôi lại không yêu Mùa Thu!

MÙA THU TÔI YÊU

Từ trong tục ngữ ca dao
Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu
Từ trong tiếng khóc cô Kiều
“Ba thu dồn lại…” bao nhiêu tháng ngày
Từ trong lấm láp bàn tay
Mẹ ru tôi ngủ giấc ngày còn thơ
“Tháng bảy lác đác cành ngô
Tiếng chày ai nện đêm thu nghẹo người”
Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi
Chày mùa thu gõ mãi lời nước non
Từ thu có ông trăng tròn
Từ thu trong quả bưởi thơm ngọt ngào
Từ thu rước đèn ông sao
Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Mùa thu ấy bạn cầm tay
Cùng tôi đi hết quãng ngày còn thơ
Mùa thu ấy thực hay mơ
Bi bô tôi học bên bờ tre xanh
Đứng cạnh tôi, mẹ và anh
Lũy tre đã hóa trưởng thành quanh tôi
Nẻo đường du kích gần thôi
Bác thương tôi lắm gửi lời nhớ nhung:
“Thu này Bác gửi thư chung
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa
Thu này hơn những thu qua
Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần”
Mùa thu ríu cả bàn chân
Bác ơi cháu thấy trong lòng nao nao
Từ trong kháng chiến gian lao
Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu.
Trong mầu xanh, tiếng chim kêu
Đây hóa lá của bao nhiêu ruộng đồng
Đây con cá của dòng sông
Đây mùa thu trái ước mong chín già
Từ trong mưa nắng đời ta
Mùa thu lại tỏa hương hoa cuộc đời
Con chim trắng tự do ơi
Mùa thu ấy có bao người hồi sinh
Tôi thầm kêu: Hồ Chí Minh
Tiếng tôi bay đến Ba Đình trong mơ
Mùa thu ấy có ai đưa
Vào trong máu với trong thơ triệu người

Mùa thu mây tóc Bác Hồ
Mùa thu quả bưởi hương đưa ngọt ngào
Mùa thu tục ngữ ca dao
Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu.

Hoàng Nhuận Cầm
.
.