Một người thơ muốn “tinh quặng thành vàng”

Thứ Hai, 20/05/2019, 07:56
Mấy năm gần đây, tôi nhận được khá nhiều tập thơ, nhất là những tập thơ đang được dư luận cho là cách tân, đổi mới. Tôi là người yêu thơ và cũng muốn góp đôi lời về những ý kiến cho rằng thơ đang "lệch chuẩn", đang xa rời bạn đọc.


Thực ra, trong bất cứ lĩnh vực nào, lao động sáng tạo luôn là sự đổi mới, là sự khổ luyện. Người ta thường nói: Khổ luyện mới thành tài.

Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ, tôi thiển nghĩ những người có năng khiếu về thơ, nói đúng hơn là phải có tài thơ thì mới trở thành nhà thơ đích thực, nếu không có yếu tố quan trọng hàng đầu này thì dù khổ luyện đến mấy cũng khó mà trở thành tài thơ, trở thành nhà thơ đích thực.

Cũng là tình cờ, tôi gặp người thơ Hoàng Liên Sơn tại nhà một người bạn. Nhìn Sơn, tôi ngờ ngợ như gặp ở đâu rồi. Thì ra Hoàng Liên Sơn đã được giải ba cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh", giai đoạn hai gọi là cuộc thi "Tầm nhìn thế kỷ" do Báo Tiền Phong tổ chức, thời tôi còn làm Tổng biên tập.

Bìa tập thơ mới của tác giả Hoàng Liên Sơn.

Hoàng Liên Sơn tặng tôi mấy tập thơ, trong đó có tập "Chuông gió" (Nhà xuất bản  Hội Nhà văn, 2015) và sau đó gửi tôi một tập thơ mới in, tập "Quyền tỏa sáng" (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2018).

Dạo trước, tôi đọc ở đâu đó hai câu thơ và thấy thích:

Sự mất ngủ của tôi ơi
Tiếng chuông gió ngoài hiên lanh canh đáp lời ...
Hóa ra, đó là hai câu trong bài thơ "Tiếng gọi" của Hoàng Liên Sơn in trong tập "Chuông gió".

Thú thực, vì bận cho cuốn tiểu thuyết mới sắp xuất bản nên tôi chỉ đọc qua hai tập thơ của Hoàng Liên Sơn gửi tặng, rồi để đó. Hôm mới đây, người bạn tôi hỏi đã đọc xong hai tập thơ chưa, viết cho mấy lời nhận xét, tôi ngớ ra, nên về nhà đọc lại. Hóa ra, đọc kỹ mới thấy nhiều bài, nhiều câu trong đó tôi thích và nhận ra một điều là người thơ này rất trăn trở, tâm huyết với thơ, quyết làm mới thơ, nói như nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức trong bài viết về tập thơ "Quyền tỏa sáng" (in ở phần sau tập thơ): Thơ  Hoàng Liên Sơn "Tìm ý nghĩa cuộc sống trong ký sự" và "Muốn tinh quặng thành vàng".

Bây giờ tôi mới biết Hoàng Liên Sơn học chuyên toán, vốn là sinh viên Đại học Bách Khoa, tham gia thành lập Hội thơ Facebach. Bách tức là Bách Khoa.

Thời đó, có nhiều sinh viên Bách Khoa làm thơ, dự thi thơ Tác phẩm tuổi xanh. Trong đó có một sinh viên được giải nhất cuộc thi mà tôi thích là Đỗ Huy Chí. Nhiều câu thơ của Đỗ Huy Chí đến nay tôi vẫn thuộc lòng: "Cái thời bỏ túi viên bi/ Đã cho nhau đấy, có khi lại đòi/ Em và bè bạn và tôi/ Mặt trăng có mắt, mặt trời có râu..."

Trở lại với thơ Hoàng Liên Sơn, chất liệu cuộc sống hàng ngày đầy ắp trong từng câu, từng chữ, từng bài. Đọc thơ Hoàng Liên Sơn, tôi hiểu cuộc sống, hiểu cuộc đời hơn là cảm nhận cuộc đời. Tôi thấy Hoàng Liên Sơn rất tự tin trong thơ, trong sự làm mới thơ.

Tôi đồng tình với nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức khi ông viết "Đọc thơ Hoàng Liên Sơn, ta thấy, anh luôn dựa vào hiện thực cuộc đời, ngay cả những sinh hoạt trực tiếp trong gia đình để phát hiện ra những nguyên lý, những điều cao cả hay ý nghĩa cuộc sống".

Hình như đó là xu hướng của những người làm thơ cách tân, đổi mới bây giờ chăng?!

Những câu thơ như:

...Em là cây dễ lay

Nhưng khó đốn ...

...Thương con có một người cha

Keo kiệt và khắc nghiệt ...

(Bên ấy)

...Sự thông minh và chăm ngoan đòi quyền tỏa sáng

Bố mẹ nào có thể chối từ đây? (Quyền tỏa sáng)

...Quặn thắt

Mình trải đủ một đời trong một lát bên nhau

(Một lát - một đời)

...Anh muốn hỏi thêm em gì nữa

Bớt chữ "yêu" đi rồi em sẽ trả lời

(Ngờ ngợ)

Dù lối đi gập ghềnh

Có bước đều, có bay, có nhảy

Em ơi, đến nhé!

Anh đã nghe vâng

Tiếng vâng như thêm một dấu huyền

(Ngôi nhà)

...Mình anh biết

Vì sao áo anh sờn vừa dáng vết răng

Chỉ chỗ sơn biết

Đã giúp em kìm được những gì (Chế độ riêng tư)

Tôi thiển nghĩ, nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Hoàng Liên Sơn như tôi vừa dẫn dụ ở trên đúng là có ý tưởng, có cách nhìn khá tinh tế nhưng hình như cảm xúc trong nhiều bài thơ của Hoàng Liên Sơn chưa theo kịp với ý tưởng. Mà trong thơ, ấy là tôi nói những bài thơ hay, cảm xúc và ý tưởng phải hòa quyện. Ý tưởng nẩy sinh khi cảm xúc dâng trào, mới tạo nên sự đồng điệu trong tâm hồn của người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu.

Tôi thích những câu thơ như thế này của Hoàng Liên Sơn:

...Anh phủi giúp mãi chi một cánh nhỏ hoa đào

Bám hờ trên áo

Không chỉ mùi hương thơm của tóc

Hương đào thơm đang ở quá gần ...

...Mai này

Khi mùa đào đi qua

Dải đất dưới chân ta sẽ trở thành thỏi socola vĩ đại

Anh có về phủi bụi áo ai không? (Vườn đào chiều cuối năm)

Những câu thơ vừa tinh tế, vừa nhiều cảm xúc hài hòa, làm xúc động người đọc.

Hình như Hoàng Liên Sơn cũng như nhiều người làm thơ cách tân, đổi mới bây giờ không muốn thơ là "Một ngôi đền thiêng" như ông cha mình thường nói, mà là một quảng trường ồn ào, náo nhiệt hay như "Một ngôi nhà", ngôi nhà thân thiết, luôn mở rộng cửa với mọi người...Không biết có đúng vậy không?!

"Thế nào là chữ nghĩa kỳ khu? Hãy đọc kỹ từng chữ: mãi, một, nhỏ, bám hờ và tự hỏi tại sao lại là chữ ấy chứ không phải chữ khác ..." - Chính Hoàng Liên Sơn đã viết như vậy khi tự bình một bài thơ của mình, bài "Vườn đào chiều cuối năm". Mới thấy tác giả trăn trở rất nhiều, từng câu, từng chữ trong những bài thơ của mình. Ấy là người thơ Hoàng Liên Sơn đang muốn tự mình "Tinh quặng thành vàng" như nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức đã viết chăng?

Xưa nay tôi vẫn thường nghĩ rằng làm thơ không phải là một nghề. Ông cha mình coi thơ như một Ngôi đền thiêng không phải là không có lý.

Người ta chỉ có thể tinh quặng thành vàng khi trong quặng đó có những hạt vàng, dù là những hạt vàng rất nhỏ.

Người làm thơ cũng vậy, phải có năng khiếu về thơ, nếu không nói là tài thơ, thì mới trở thành nhà thơ đích thực, tôi thiển nghĩ vậy!

Viết tại nhà vườn, 3-2019

Dương Kỳ Anh
.
.