Một người “lập dị”

Thứ Sáu, 02/03/2018, 08:31
Trong con ngõ của Hà Nội, có một ngôi nhà nằm khiêm nhường dường như không hề thay đổi mấy chục năm nay. Chủ của ngôi nhà là một đôi vợ chồng già sống đời thanh bạch. Bà chăm lo hương khói, ông chăm đọc sách, tưới cây mỗi ngày.


Hai ông bà từng xuất hiện trong phim tài liệu "Dành tặng ông Điều" - tác giả Nguyễn Hiền Anh (giải Búp Sen vàng - phim tài liệu đầu tay xuất sắc năm 2015) mà ông là nhân vật chính. Không gian sống của họ là ngôi nhà nhỏ hai tầng, mọi sinh hoạt chủ yếu ở tầng một. Qua một gác lửng, tầng hai đặt ban thờ, cũng là chỗ nằm nghỉ của ông buổi tối. Trong ngôi nhà, những cuốn sách xếp ở vị trí khiêm tốn, theo thời gian đã ố vàng, cũ kĩ, nhiều cuốn đã nằm yên từ lâu, thế nhưng chúng là một phần không thể thiếu trong "gia tài" của ông.

Sinh năm 1928, ông Nguyễn Trọng Điều đã ở tuổi 90. Nhiều năm nay ông chỉ ở nhà đọc sách, dịch sách, dạy học và làm thơ, coi đó làm niềm vui, sở nguyện của mình. Trong con mắt của không ít người, ông là một người lập dị. Một thời gian dài ông chỉ mặc một bộ quần áo, không cắt tóc nhiều năm, dành trọn suy nghĩ cho việc dịch sách mà ông gọi là "xuống ruộng cày".

Ông Nguyễn Trọng Điều.

Hàng nghìn trang sách của hai cuốn hồi ký do cựu Tổng bí thư Liên Xô Gorbachyov và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết được ông dịch ra tiếng Việt. Hàng trăm bài thơ ông làm và sưu tầm được ông dịch sang tiếng Anh. Ông làm việc này "không phải để kiếm tiền" hay "tranh giải gì" mà là "ghi lại cho thế hệ sau". Sinh ra trong một thế kỷ nhiều biến động, từ nhỏ ông Điều đã được học "tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ thứ hai và tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất".

Trong chương trình giáo dục của người Pháp lúc đó, "rất ngược đời, giáo viên rất sợ học sinh". Bởi vì họ đánh giá "học sinh là sản phẩm của giáo viên, thanh tra giáo dục chấm điểm phương pháp dạy học của giáo viên bằng cách kiểm tra học sinh". Kết thúc thời gian học phổ thông, ông Điều lấy bằng tú tài, theo sở thích và điều kiện, ông có ý định tiếp tục học đại học lĩnh vực Khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên dự định không thành vì trường học đào tạo lĩnh vực này đóng cửa, ông chuyển sang học luật dưới hình thức tự nguyện (học cùng sinh viên chính thức, tùy chọn vấn đề mình quan tâm, không bắt buộc thời gian, chương trình học). Song thời gian học luật của ông cũng chỉ kéo dài 6 tháng.

Những biến chuyển của thời cuộc kéo theo những thay đổi trong đời sống gia đình, xã hội hình thành nên suy nghĩ của ông, rằng "tài sản có có thể mất, mất không tiếc" vì làm lại lại có. Ông ý thức về sự tự học, đó là phải học mãi, "trường đại học của cuộc đời mới chính là trường đại học". Và "sống không phải là để oán trách, phải vượt qua những trở ngại".

Bắt đầu đi làm năm 17 tuổi bằng việc dịch các tài liệu, viết tốc ký cho hãng xuất nhập cảnh của Pháp; năm 18 tuổi ông Điều đã có thể "tậu được ôtô" bằng tiền lương. Nhưng ông không coi đó là mục đích của mình. Ông quan niệm, "tiền ở trong đầu chứ không phải ở trong túi" và nó "không phải là thứ để đánh giá con người".

Bởi vì với ông "tiền không phải là cái mang lại kiến thức, hiểu biết mà là làm và học". "Hai cái hỗ trợ cho nhau, không phải học rồi bỏ đi hoặc làm cái gì mà không được học". Dù làm công việc gì, ở đâu (thư ký văn phòng, biên soạn tài liệu cho hãng Thông tấn hay làm cho Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, trụ sở tại Hà Nội…) ông vẫn giữ tinh thần này. Ông đọc tài liệu đủ loại, đặc biệt là những cuốn viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, suy ngẫm để "hiểu được những cái tốt ở trong đầu óc, trong lương tâm, trong lương tri của bản thân. Nếu không hiểu bản thân thì mình không hiểu được người khác". Tuy rời cơ quan làm việc từ năm 1991 nhưng ông về hưu mà không nhận lương gần 30 năm nay.

Thực tế có không ít người cho ông già "lập dị" là không bình thường, thậm chí "ngốc nghếch" vì không biết tranh thủ hưởng thụ. Với ông, quan điểm mỗi người khác nhau. "Có người bỏ thì giờ, công sức làm việc tốt, tranh thủ xây dựng, đóng góp mới là lý tưởng của họ". Với ông "vấn đề cuộc sống không phải tính bằng năm tháng, sống là phải làm ra của cải vật chất hoặc tài sản trí tuệ hữu ích cho thế hệ sau".

Một cuốn sách ông dành thời gian đọc đi đọc lại nhiều năm là bản dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Pháp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Thông qua bản dịch, "mỗi lần đọc là một lần học để hiểu nội dung tiếng Việt cụ Nguyễn Du muốn nói chứ không phải cái từ tiếng Việt cụ dùng", thêm "thán phục và hiểu cụ Nguyễn Du nhiều hơn".

"Cái vốn liếng của nền giáo dục mọi người được rèn luyện từ bé chỉ là một chiếc chìa khóa để đi vào cuộc sống và cuộc sống thực tế vận dụng chiếc chìa khóa đó để mở tất cả những sự thật hàng ngày ta gặp phải để giải quyết chúng, thì mới có giá trị. Nếu không dùng, chiếc chìa khóa sẽ mòn, rỉ và vô hiệu".

Lời khuyên của ông không phải là vô ích cho những người đồng điệu, những người mà nói như ông, là cùng tần số tâm hồn thì gặp nhau. Hà N ội quanh những con phố cũ không rộng lớn, tìm vào mỗi ngôi nhà không phải quá khó khăn, nhưng để hiểu mỗi con người đã sống ở đó cũng giống như việc đọc từng trang sách, cần nhẫn nại, bền bỉ mỗi ngày. Hà Nội vốn đẹp bởi có những con người thầm lặng ấy.

Hải An
.
.