Một gia đình có ba nhà văn

Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:50
Gia đình rất đỗi tự hào, yên ấm, hạnh phúc của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang ở đất võ Bình Định luôn giàu có tiếng cười. Không chỉ bởi họ luôn đoàn kết, chia sẻ, mà còn được làm những việc mình thích, theo đuổi đam mê.


Đặc biệt, cặp đôi nhà văn “song bút hợp bích” này có cậu con trai Nguyễn Trần Thiên Lộc cũng đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một gia đình có ba hội viên đang sung sức là điều khá hiếm.

Hành trang nhà văn là sự tận tâm và hứng thú

Tôi biết vợ chồng Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang vốn đã nhiều năm và luôn kính nể anh chị bởi sức làm việc, sự tận tâm với nghề và nhiều chuyến rong ruổi cùng nhau sáng tác, nghiên cứu. Họ kết hôn đã hơn 30 năm rồi, hồi khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc hành nghề chữ nghĩa, kèm theo là những lo toan con cái, cơm áo, nhà cửa…

Còn nhớ, thuở ấy nhà thơ Trinh Đường sau khi đọc một số bài thơ “Đất vua”, “Đám cưới Huyền Trân”… của Nguyễn Thanh Mừng và ghé Quy Nhơn thăm, đã từng cảm tác tặng một bài thơ vẽ lại cảnh sinh hoạt của gia đình nhà văn:

ĐÙA VỚI MỘT BẠN THƠ GIỮ XE ĐẠP NGOÀI GIỜ

Son xưa đã tróc theo vàng
Huyền Trân công chúa khỏi sang Chiêm Thành
Trẫm buồn trông thấy ái khanh
Da xanh như một cung đình không vua
Đành thân bôi mặt vẽ bùa
Xe trông phiên sáng rau mua chợ chiều
Bán thơ, thơ rẻ hơn bèo
Căng dây xé vé đành liều mày râu
Đọa đày long thể bấy lâu
Thiết triều, mừng được ở đầu bến xe
Đền đài một mảnh liếp che
Gió đông cắt mặt, nắng hè cháy lưng
Mặc ai tế tửu bồi thần
Dân đen xin được làm dân qua thì
Thương hoàng hậu với hoàng nhi
Trẫm xin thiết lập triều nghi bên đường.

Ngoài chung tình yêu văn chương là tình yêu đối với di sản - cổ tích vốn đậm đặc ở đất An Nhơn, nơi có thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế. Đặc biệt, chốn này từng in bước vân du của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sau đó ít lâu, năm 1306, bước vu quy của Huyền Trân công chúa. Bởi thế cả hai có công trình nghiên cứu dày dặn hai vợ chồng đứng tên: “Huyền tích Kinh xưa - Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế”.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và con trai - nhà văn Nguyễn Trần Thiên Lộc.

Tôi hỏi: “Nhiều tập khảo cứu anh chị làm chung, điều đó có tạo thêm giá trị của cuốn sách?”. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nói: “Làm chung nhưng theo đặc thù của sách nghiên cứu, có đề cương, mỗi người viết từng mảng theo sở trường và văn phong của mỗi người. Các đầu sách ấy là văn hóa bản địa, cơm đùm cơm nắm đi thực tế chung để khai thác tư liệu từ dân gian, các "báu vật nhân văn sống" đầu ghềnh cuối bãi”.

Tôi lại nghĩ về những vần thơ của chị, như đã thấm bao khúc nhôi của những cuộc hành hương gió bụi và ân nghĩa: “Nghe trong từng hạt bụi/ Lời nghìn trùng khát khao/ Chưa quen mà đã nhớ/ Tiếng chân người mai sau…”. Sau này, khi nhắc lại chuyện nghèo xưa, Thanh Mừng cười lớn, cái cười rất ca dao Bình Định: “Lên non tay vịn chưn trèo - Nương theo nhành quế có nghèo cũng thơm!”.

Vâng, từng viên gạch cổ, từng làn rêu tím, từng tiếng voi gầm ngựa hí, gương mặt vua quan, danh nhân, mỹ nữ, người cần lao xưa ở xứ sở này thấm đẫm trong những trang nghiên cứu của họ. Đặc biệt, sự cảm thấu đã cho Nguyễn Thanh Mừng một phát hiện để gọi thành tên, và mệnh đề “Đất võ trời văn” của anh thành slogan của vùng đất này.

Tôi hỏi Nguyễn Thanh Mừng rằng, một gia đình có tới 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, điều đó có gây áp lực gì cho anh khi sáng tác? Nguyễn Thanh Mừng nói, áp lực chính của người sáng tác là phải vượt qua chính mình. Trong hành trang nhà văn, không chỉ có món quà gọi là hứng thú, mà còn hình vóc của sự tận tâm, làm được điều đó chính là mình đã khắc lên ngòi bút mình phù hiệu mang tên tự trọng trước bạn đọc.

Nguyễn Thanh Mừng tiếp: “Tôi xuất thân từ một gia đình nhà giáo nơi góc núi Chúa, có hổ gầm vượn hú, cạnh dòng sông Lại vừa khắc kỷ, vừa khoáng đạt, ngay từ tuổi thơ ba má tôi đã đặt những pho sách cổ điển trong tai tôi và trên lòng tay tôi. Và tôi đã nhận thức rằng, những pho sách ngày càng đầy lên trong tủ sách ấy được trả giá bằng những mùa dừa, mùa xoài thanh ca, những bông lúa vàng đầy những mồ hôi nước mắt và cả máu từ những mái nhà Việt thời chiến tranh khói lửa, kỳ vọng vào chữ nghĩa. Chỉ nở nụ cười khi thấy trên tay con cái mình ngày thành niên là nghiên bút hòa bình chứ không phải vũ khí binh đao”.

Tôi cũng hỏi Nguyễn Trần Thiên Lộc câu hỏi tương tự. Thiên Lộc trả lời: “Từ khi bước vào con đường chữ nghĩa, tôi không nghĩ việc cha mẹ là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng sẽ là áp lực của mình. Tôi luôn coi đó là động lực để mình độc lập sáng tác. Thế nên về phía dư luận, tôi chỉ quan tâm xem độc giả nhận được gì, có phản hồi gì về nội dung tác phẩm, còn những việc phát sinh khác, tôi thấy không cần để ý”.

Vợ chồng Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang hy vọng con cái mình có những trải nghiệm cần thiết để tự quản lý cuộc sống khi vào đời. Dọc con đường ấy tìm được tình yêu đích thực trong công việc và lý tưởng sống, biết vun xới không ngừng tri thức, khát vọng và đam mê của mình.

Trong thế giới của con

Thiên Lộc năm nay bước sang tuổi 28, nhưng anh đã có hơn 10 đầu sách, chủ yếu viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến những tác phẩm “Lắng nghe muông thú”, “Kèng kẹc học chữ”, “Giải cứu Chép Trắng”, “Bữa tối của Sói”, “Mũi Đỏ và Răng Nhỏ”, "Frou Frou"… Có tác phẩm đã in nhiều thứ tiếng Italia, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan. Có thể thấy, đối tượng chủ yếu trong sáng tác thiếu nhi của bạn là về những con vật và thế giới tự nhiên, thiên nhiên hoang dã. Thiên Lộc có một khả năng “lắng nghe muông thú” khá đặc biệt.

Cũng bởi thuở bé, Lộc thường cùng nhóm bạn lang thang trong bãi đất trống trước nhà, rình bắt tụi châu chấu, chuồn chuồn trong bụi cỏ, hay vớt nòng nọc từ các vũng nước loang lổ sau những cơn mưa. Chàng trai mang những con vật mình bắt được về nhà nuôi, rồi ao ước có thể nói chuyện, đánh bạn và chơi đùa với chúng. Nhưng suốt thời thơ ấu, với cách làm cưỡng ép ấy, sau cùng chẳng có con vật nào chịu "làm bạn" với Lộc.

Khi đã lớn, ý định "trò chuyện" với loài vật từ thuở bé chưa khi nào nguôi lặng trong tâm hồn Lộc và anh nuôi dưỡng tình yêu hồn nhiên ấy trên trang sách. Đó là nguyên liệu sống, biến thành cảm hứng chủ đạo cho sáng tác của Lộc.

Một số tác giả cùng trang lứa cho rằng Lộc thông minh, đã có sự lựa chọn, cân nhắc khi chọn lối đi riêng, không hề dễ dàng là đi vào khai thác thể loại truyện đồng thoại. Đây được xem là mảng còn khá mỏng trong sáng tác cho thiếu nhi. Và khi đã hiểu, đã thấm, cộng với năng khiếu, Lộc đã thành công.

Nói về con trai, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang bảo rằng: "Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thiên Lộc đã trả lời phỏng vấn rằng bản thân đã chọn con đường văn học thiếu nhi, tôi nghĩ rằng đó tức không phải lĩnh vực mà bố mẹ nó từng qua và để lại bóng cây hay dấu chân nào ở đó. Có điều này, từ hồi lọt lòng, Lộc và các thành viên nhí trong nhà đã “hứng trọn” cả nỗi nhọc nhằn từ sinh hoạt văn chương chữ nghĩa kèm theo nghĩa vụ và trách nhiệm công chức của bố mẹ.

Khi con trai tìm được lối đi riêng, đó cũng là điều đáng mừng của người làm bố, làm mẹ trong gia đình văn chương. Bù lại, khi Thiên Lộc lớn dần lên, các tủ sách từ ba tầng lầu, những bạn bè văn chương của bố mẹ từ bốn phương trời ghé lại thăm Quy Nhơn, các hội nghị, hội thảo, trại sáng tác mà bố mẹ dự có dắt nó theo hồi tiểu học… Tất cả đã cho Thiên Lộc một môi trường để hun đúc năng khiếu thiên bẩm".

Và niềm hy vọng

Bây giờ thì cuộc sống đã khác. Những chuyến đi thực tế của nhà thơ chồng và nhà văn kiêm nữ tiến sĩ vợ đã vượt qua, và chiếc xe đạp cũ đã hoàn thành sứ mệnh nhân chứng: “Bon bon xe đạp cà tàng/ Vợ chồng con cái dọc ngang đất trời/ Vượt qua thế kỷ hai mươi/ Cười ngờm ngờm mắt thở sùi sụt tai” (Những vòng xe đạp - Nguyễn Thanh Mừng). Vợ chồng nhà văn đã có thành quả là cả hai đều nhiều lần nhận giải cao từ địa phương đến Trung ương, những giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân... về thơ, truyện ngắn và khảo cứu lịch sử văn hóa địa phương.

Họ đã yên tâm sống và khẳng định cái tài của mình trong làng văn nghệ nước nhà, đồng thời không ngừng tiếp tục đặt khát vọng và tin yêu vào chặng đường mới, những tác phẩm mới. Gia đình ba nhà văn của họ đã có thêm một điều đáng mừng nữa, là cách đây hai năm, con trai út của vợ chồng họ, em trai Thiên Lộc là Nguyễn Trần Khải Duy - đã vượt qua cả nghìn tác giả dự thi để đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Lục bát Tết của Saigonbook. Biết đâu, đó cũng là những khởi đầu, đặt nền móng cho con đường văn chương của Khải Duy, và gợi thêm niềm hy vọng mới cho gia đình văn chương khá độc đáo này.

Nguyễn Văn Học
.
.