Mộng ảo Đào Hải Phong

Thứ Tư, 15/01/2020, 08:01
Đào Hải Phong là một họa sĩ làm thơ bằng tranh. Thế giới trong tranh của anh là thế giới thi họa. Mỗi một bức tranh giàu cảm xúc, giàu hình ảnh như một tứ thơ, một bài thơ hay và đẹp. Và anh như một nhà thơ kể câu chuyện của mình bằng hòa sắc...


Tôi chơi với một vài người bạn họa sĩ. Cảm tranh của họ, thiết tha rung động với vẻ đẹp mà họ tỏ bày, ấn tượng bởi những sáng tạo thẩm mỹ của họ mà thành ra tôi yêu hội họa, lân la đến với hội họa, viết về hội họa.  Trong quá trình tìm kiếm những vẻ đẹp ấy, tôi nhận ra những liên tưởng thú vị. Hội họa cho cả người vẽ lẫn người thưởng thức một cảm giác đắm say vô tận.

Hội họa mở ra một thế giới khác để mỗi người có thể tìm đến/thấy khoảng riêng của mình, để được đắm vào thế giới đẹp đẽ và nhiều mơ ước ấy.

Tranh của Đào Hải Phong dẫn dụ tôi lạc lối vào một không gian lạ, ở đó thi ca và hội họa quấn quýt vào nhau, nương tựa nhau, gợi mở nhau. Có thể nói, Đào Hải Phong là một họa sĩ làm thơ bằng tranh. Thế giới trong tranh của anh là thế giới thi họa. Mỗi một bức tranh giàu cảm xúc, giàu hình ảnh như một tứ thơ, một bài thơ hay và đẹp. Và anh như một nhà thơ kể câu chuyện của mình bằng hòa sắc. 

Tôi muốn làm thơ bằng hội họa

Tôi từng đến các triển lãm của anh để đọc những bài thơ bằng hội họa với màu sắc riêng lạ của anh. Tôi cũng đã đến xưởng vẽ của anh để đọc cả những bài thơ anh chưa từng công bố. Anh thú nhận trong cuốn sách "Lối Phong" để đời của mình rằng: "tôi muốn làm thơ bằng hội họa".

Có lẽ nhất quán với ý niệm ấy, với mục đích ấy, sở trường ấy mà Đào Hải Phong chú trọng biểu đạt và diễn tả cảm xúc của mình trong từng bức tranh đậm nét chất thi ca. Tranh của Đào Hải Phong thuyết phục người xem ngoài đẹp còn cả những gợi cảm đến nao lòng.

Tác phẩm “Con đường xanh” của họa sỹ Đào Hải Phong.
Tác phẩm “Bốn mùa bình yên” của họa sỹ Đào Hải Phong.

Nghệ thuật xét cho cùng nếu không gieo được vào thị giác, trí não người thưởng thức một sự ám ảnh lâu dài, để khi khép lại tác phẩm ấy, trong tâm tưởng người xem vẫn vang lên những dư âm về nó… thì chưa chắc nghệ thuật ấy đã mang lại được những giá trị đích thực.

Tranh của Đào Hải Phong nằm lại trong tâm trí người xem nhiều trường liên tưởng. Nó giày vò người xem bởi vẻ đẹp hư ảo, vẻ đẹp chênh vênh giữa thực và mộng. Nó gợi lên cho người thưởng thức một nỗi cồn cào khao khát kiếm tìm vẻ đẹp ấy trong thế gian mà họ đang đi qua. Nó để lại trong người xem những dư âm tiếc nuối về những vẻ đẹp nằm ở đâu đó mà dường như không phải là thế gian này. Xem tranh Đào Hải Phong xong, tôi thường thở dài với nỗi ngùi ngẫm trong lòng, rằng tìm đâu một khung trời "vĩnh viễn ướp hương hoa" để ta có thể chạm tay tới vẻ đẹp ấy.

Thế nên có đôi lúc đứng trước những bức tranh: "Hoàng hôn tím", "Con đường xanh", "Bình minh mưa", "Tiếng vĩ cầm", "Đồi trăng", "Hoàng hôn trắng", "Phố nhạc Jaz", "Đồi cổ tích", "Lâu đài"… tôi như một người lạc lối vào thế giới hoa mộng. Nhiều cảm xúc chợt đến ào ạt, trái ngược nhau, giày vò nhau bởi tôi như đứng trước một vẻ đẹp vừa hoàn hảo vừa mất mát.

Hoàn hảo bởi đẹp quá, và mất mát bởi tìm đâu ra vẻ đẹp ấy trong đời sống thực ở quanh mình. Nghệ thuật là vậy, nó để lại nhiều dư ba ám ảnh. Đứng trước bao nhiêu rực rỡ, lộng lẫy, kiêu sa và mơ mộng đầy thổn thức của Đào Hải Phong, tôi vẫn phải nhận về một một nỗi day dứt khôn cùng của tiếc nuối... cô đơn... lẫn như mất mát. Một chút gì đó của nỗi buồn vô ngôn cứ tan chảy trong lòng…

Tôi đã nhiều lần thắc mắc về những ngôi nhà, những cái cây trong tranh của Đào Hải Phong không có ở ngoài đời thực. Tôi không thể kiếm tìm những vẻ đẹp huy hoàng ấy trong thực tại. Có lúc tôi đã thoáng "oán hờn" vì bất lực, vì thấy nó hiếm hoi, khó kiếm tìm.

Tôi nghĩ Đào Hải Phong là một người "sùng đẹp", anh yêu thương và trân quý những vẻ đẹp lạ lùng của thế gian, của đời sống bình dị và yên lành. Anh trao gửi vào tranh tất cả sự trân trọng và tôn thờ tối thượng ấy với cái đẹp. Anh tạo ra một không gian cho cái đẹp ấy tồn tại và hiện hữu. Anh như người bảo vệ trung thành cất giữ cái đẹp theo cách cực đoan của riêng mình.

Bao bọc những giấc mơ đẹp của mình khỏi những rạn vỡ, những mất mát mà thế giới không ít thô lậu này có thể làm ảnh hưởng. Anh đóng khung những "hoàn hảo" của mình lên tranh để cho những vẻ đẹp ấy vĩnh viễn ở lại, ngát hương trong sự thanh bình… của trí tưởng tượng. Nghệ thuật nếu không gieo vào lòng người thưởng thức những ám ảnh, những giằng xé mâu thuẫn trong nội tâm liệu nó còn có sứ mệnh gì.

Ngay cả việc đặt tên tranh của anh đã như thơ, đã là một câu thơ, một tứ thơ mang nhiều sức gợi. Những: "Tiếng vĩ cầm", "Gió trời", "Nắng thênh thang", "Hồ trăng", "Dòng sông hát", "Ngõ trăng"… đủ đã thấy tâm hồn của Đào Hải Phong lãng mạn đến thế nào. Đặt tên tranh đẹp để xứng với những bức tranh rất đẹp, Đào Hải Phong đúng nghĩa là người tôn thờ cái đẹp. 

Thế mới biết vì sao tranh Đào Hải Phong được nhiều nhà sưu tập trong nước, trên thế giới săn tìm và yêu thích; được người yêu nghệ thuật tin dùng lựa chọn cả mấy chục năm nay; bị giới chép tranh, đạo tranh lựa chọn số một là bởi, ngoài hay và đẹp, tranh Đào Hải Phong còn gợi cho người xem mơ đến một ngôi nhà bình yên mà hạnh phúc.

Một ngôi nhà chứa những điều đẹp đẽ, những hạnh ngộ an lành. Nó như những bài thơ được chưng cất từ những rung động thiết tha với đời sống. Nó chở đầy những khát vọng yêu thương. Nó nói lên mộng ước của người họa sĩ về việc tạo ra một thế giới đẹp mà bình yên. Đào Hải Phong nặng lòng một tâm thế của người viết lên những ước mơ.

Thế giới của thơ và mộng, có mà không

Những câu chuyện mà Đào Hải Phong kể trong tranh của anh không rối rắm phức tạp. Thậm chí nó đơn giản vô cùng, bởi bấy nhiêu cũng chỉ là chuyện của ngôi nhà, những cái cây, trong đó gợi lên những khắc khoải xao xác về khát vọng hạnh phúc. Vẫn biết Đào Hải Phong là người viết cổ tích và tranh của anh là những câu chuyện cổ tích có hậu cho mỗi chúng ta tìm đọc, nhưng không hiểu sao tôi luôn cảm giác chênh vênh khi đặt mình vào khung cảnh ấy.

Những ngôi nhà, những cái cây có khi neo giữa dòng sông, có khi lưng chừng trời, có khi phập phồng trong màn sương mù, hay đang trôi giữa biển cả… Sự "chênh vênh bất hợp lí" của vật và cảnh, của vật và không gian, cộng với sự nổi loạn trong cách dùng màu đã làm nên một căn tính đặc biệt ấn tượng của Đào Hải Phong, dẫn lối người xem đến một miền cổ tích, một thế giới giữa thực và mộng.

Tính cách nổi loạn duy nhất trong con người thâm trầm mực thước chỉn chu Đào Hải Phong có lẽ là ở cách anh dùng màu. Cảm giác như bao nhiêu cái mực thước, cân bằng của anh đều bị tước bỏ, bị xóa sạch mỗi khi anh đứng trước giá vẽ. Ai đó nói tranh của Đào Hải Phong là thông điệp của bình an, hạnh phúc không hề sai, nhưng tôi còn thấy cả ở đó những chênh vênh bởi nội tâm phức tạp, nhiều mâu thuẫn giằng xé ẩn sâu phía dưới. Những giằng xé nội lực ấy như một dòng sông sục sạo cuộn chảy trong con người Đào Hải Phong mỗi khi anh cầm cọ.

Cái con người mộng mơ, bạo liệt và hoang dã đó giấu kín rất sâu. Hai con người trong một bản thể, tranh đấu nhau bạo liệt, triệt hạ nhau tận cùng, nhưng cũng yêu thương nâng niu và bao bọc chở che nhau tận cùng. 

Hình như chỉ có hội họa mới là nơi Đào Hải Phong thực hơn, dữ dội hơn. Ở đó anh an tâm tìm thấy nơi an trú và trút bỏ cảm xúc. Hội họa dường như là tri âm tri kỷ, là người bạn hiểu anh, độ lượng và thứ tha, dung chứa mọi giới hạn của anh. Ở đó Đào Hải Phong tha hồ phá bỏ mọi rào cản.

Nhưng có gì đó phía sau những gam màu chói nóng, kiêu hãnh kia, phía sau vẻ đẹp tròn trịa tràn đầy viên mãn kia, tôi vẫn thấy trong tranh của Đào Hải Phong nét mang mang buồn, mang mang một nỗi u hoài, nuối tiếc không diễn tả thành lời. Phải chăng đó là cốt lõi của âm dương ngũ hành, là căn cốt của vụ trụ, vừa có vừa không, có đấy mà không đấy… có có mà không không...

Vĩ thanh

Với nghệ sĩ, mỗi một tác phẩm là một con đường, là một đích đến, là một thử thách buộc mình phải chiến thắng. Sau mỗi một tác phẩm, người nghệ sĩ lại lang thang đi tìm bản ngã của mình. Nghệ thuật là vô đích.

Họa sĩ Đào Hải Phong từng thốt lên: "Bản thân tôi luôn quan niệm nghệ thuật là vô đích. Sau nhiều năm làm việc, tôi luôn cảm thấy những bức tranh chưa vẽ có thể chạm tới đích của mình chăng? Rồi bất chợt ngoảnh lại nhìn điểm xuất phát cũng chẳng thấy đâu nữa".

Như Bình
.
.