Họa sĩ Đào Hải Phong: Điện ảnh, hội họa và cuốn phim đời

Thứ Năm, 25/08/2011, 08:10

Tháng 11/ 2010, hai họa sĩ nổi tiếng đương đại: Lê Thanh Sơn và Đào Hải Phong cùng triển lãm tại Anh. Đào Hải Phong bỏ không sang London khai mạc. Qua lâu rồi thời náo nức đi Tây. Cuộc sống có chất lượng cao, với anh không phải chỉ là sự giàu kiểu "trọc phú", mà là giàu có tinh thần, gìn giữ những giá trị cổ điển trong tư duy hiện đại là cách nuôi dưỡng và dự trữ tâm hồn bằng lối sống tinh sành.

Phong lưu và "ngông" đúng điệu

Chiếc Porsche màu đỏ có túi vải vắt hai bên yên sau. Mỗi sáng Đào Hải Phong đạp xe tới quán café và xưởng vẽ, nghiêm túc và đều đặn. Nhà 139 Bà Triệu mặt tiền hơn 6 mét, sau cánh cổng là thế giới yên tĩnh. "Không cho thuê, để quét lá ở sân", không phải thói "ngông" của kẻ quá nhiều tiền, mà của người biết sống.

160m2, 5 tầng kiến trúc hoàn hảo này hoàn thành năm 2000, sau hơn một năm xây dựng. Họa sĩ muốn kiến tạo ngôi nhà để sống. ở đó, có nhiều cái đẹp. Đào Hải Phong có được những thứ mà nhiều người mơ ước. "Giàu vì bạn, sang vì vợ". Vợ Phong là người anh rất yêu, rất trọng. Và dù vẻ lịch lãm, dáng kiêu bạc của anh luôn hấp dẫn phụ nữ hiện đại, thì Phong vẫn rất "ngay ngắn" trong đời sống, như cách anh đối với hội họa. Anh bảo: "Vợ nghiêm túc nên mình không dám đánh đổi gia đình cho các cuộc phiêu lưu". Chị Nguyễn Diệu Thúy đẹp mặn mà, đang là CEO Công ty dược Servier của Pháp. Ông Tổng Giám đốc Pháp sau nhiều lần e dè, ngại họa sĩ kiêu hoặc tính tiền đắt, đã sung sướng không ngờ khi quý ông họ Đào tặng bộ ảnh tranh phong cảnh để in lịch 2010, vẽ bộ tranh mèo cho công ty in lịch 2011, vì  vợ.

Thích design, hình thức đồ đựng chính là yếu tố quyết định họ Đào mua đồ. Nước hoa chẳng hạn. Thấy lọ đẹp, anh mua. Mùa đông mùi Kenzo, mùa hè hương Bulgari. Quý ông tuổi 46, 1m67, 65 kg chăm chỉ tập thể hình và bơi ở Vincom, nơi vợ tập yoga, aerobic. Nhiều doanh nhân tập cùng Phong, họ giàu hơn anh nhiều lần, lại luôn nể trọng họa sĩ. Không chỉ là danh tiếng, hàng rào văn hóa, mà bởi sự hiểu biết, tri thức về đồ sử dụng. Cố ý không sắm ôtô, anh nói: "Có người mua xe vay trả góp lấy oai. Tôi mua, ít nhất loại 100.000 USD trở lên, nhưng yêu tự do hơn. Đi đâu cũng lo chỗ đậu, sợ va quệt, xước, thì là nô lệ của xe. Thà dùng tiền cho gia đình du lịch, xem bảo tàng, danh lam thắng cảnh khắp thế giới còn hơn chạy ôtô đường Hà Nội".

Vợ Spacy, chồng Dylan, lúc thư thả đạp xe đua, Đào Hải Phong có những "bí mật" sau cánh cổng sắt nâu trong ngôi nhà gần 100 bộ cửa, nơi người cha mà anh rất yêu quý, họa sĩ, NSND Đào Đức (1928 - 2007) đã sống. Nhà treo rất ít tranh. Dùng đồng hồ quả lắc cổ của Pháp, chủ nhân muốn nghe tiếng chuông. Phòng nào cũng có bộ dàn âm thanh, vì ông chủ thích bật đĩa dương cầm và pop cả khi vẽ. Thừa hưởng niềm say mê điện ảnh từ cha, Đào Hải Phong yêu thơ và điện ảnh. Cặp vợ chồng "tài tử giai nhân" có riêng một phòng chứa giày, kính và đồng hồ hiệu trăm chiếc. Hai con trai của họ: Đức Duy (lớp 11) và Duy Nguyên (lớp 8) khôi ngô, học giỏi, luôn được bố dạy về giá trị văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn. Đức Duy muốn trở thành designer giỏi.

Họa sĩ Đào Hải Phong tại xưởng vẽ.

Diệu Thúy, sành điệu thời trang, lại khéo tay cắm hoa, nấu nướng, làm bánh gatô, mứt quất, táo. Bí quyết sự quyến rũ của anh trong cuộc sống và nghệ thuật, là không để người khác chán. Giữ hình ảnh, phong thái, lao động cật lực và biết hưởng thụ, lối sống của quý ông thượng lưu. Anh thẳng thắn: "Khi vợ chán mình, đàn ông có bản lĩnh đừng níu kéo, nài ép, hãy dứt khoát chia tay". Trong câu nói, chứa sự tự tin, kiêu hãnh. Với Phong, sang là đẹp, đẹp phải sang. Nội thất nhà anh "mix" giữa phương Đông và phương Tây, đồ gỗ trắc và gỗ giáng hương song hành cùng tiện nghi hiện đại.

Không chấp nhận sáng tạo kiểu "sản xuất"

Năm 1980, được phân phòng 509 nhà E3 khu Bách Khoa, họa sĩ Đào Đức để dành tới 1982, khi con trai vào đại học, ông cho con làm xưởng vẽ... Gần 30 năm, Phong vẽ ở đấy, giữ căn phòng đầy kỷ niệm của bố mình. Salon des arts là phong cách phòng khách mà bố anh ưa thích, nơi hội tụ bạn bè văn nghệ. "Tôi không đàn đúm nhiều họa sĩ, thích hay đi chơi cùng bạn bè vợ, vãn chùa xa lúc ra Giêng".

Anh sống bằng tranh. "Nhưng xưởng vẽ không phải xưởng sản xuất. Tôi không bao giờ vẽ lại bức nào, dù ai trả đắt gấp 5, 10 lần. Không trùng lặp cảm xúc được". Mỗi bức, anh vẽ mất 1 tháng.

Thỉnh thoảng thấy Đào Hải Phong đồ hiệu từ đầu đến chân, ngồi uống trà chén vỉa hè gần nhà, lúc lại gặp anh đánh bộ nâu sồng dự khai mạc triển lãm mùa Thu hay áo pull quần sooc giày Ý ngồi nghe thơ Việt - Mỹ.

Mùa hè và đường Lê Thanh Nghị ồn ã dưới kia như bị chặn lại ngoài vườn treo balcon. Xưởng vẽ "lưng chừng trời" (tầng 5) của Đào Hải Phong là căn hộ cao cấp: sàn gỗ mát lạnh, đầy đủ tiện nghi: TV Samsung, đầu đĩa và loa Sony. Ngắm họa sĩ ký họa phố cổ, tôi bị hút vào những ngón tay điệu nghệ duyên dáng đưa bút chì trên toile trắng. Quan sát nhiều, tôi nghiệm thấy, ai có bàn tay chân đẹp thường là người tinh tế.

"Anh có giận dữ phẫn nộ khi qua phố Nguyễn Thái Học, đầy tranh chép của Đào Hải Phong?". "Trước khi nói về điều đó, tôi muốn nhắc một kỷ niệm ấu thơ. Mỗi lần bố đạp xe đèo tôi qua số nhà 65 Nguyễn Thái Học, tôi thấy như được tới Thánh địa. Bậc maitre ở đấy, có Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm; rồi Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Gấm. Nhiều năm nay trước cửa nhà 65 ô hợp đủ thứ: chữa khóa, bán sim, sửa xe, tranh chép ... biến nơi ấy thành chỗ tạp nham với nhiều thứ rẻ tiền bao vây. Thánh địa còn bị biến đổi như thế thì cả phố "biến chất" cũng là lẽ thường. Tôi không khinh bỉ, mà khó chịu. Rồi buồn. Thì ra vẫn tồn tại lớp công chúng hội họa chỉ trưng hàng giả, trong đó khá đông những kẻ có tiền. Nguyên tắc chép tranh không được chép nguyên khổ, và chuyện này ở châu Âu nghiêm luật cũng vẫn tồn tại. Phải chấp nhận một đội ngũ sống bằng chép tranh và công khai đấy là tranh chép. Đành rộng lòng nghĩ tranh mình cho người ta cơ hội kiếm cơm, thôi thì để họ mưu sinh. Trừ số khách quen gặp mua trực tiếp, tôi thường bán lô cho gallery. Riêng chuyện này tôi căm ghét phẫn nộ. Đó là một số gallery cố tình làm tranh giả và bán với giá tranh thật cho khách nước ngoài hoặc những khách trong nước mới phất. Đấy là lừa đảo, lưu manh. Với tôi, nghệ thuật loại trừ tính thương mại. Nếu lúc sáng tác chỉ nghĩ đến tiền thì là con buôn. Tôi không đi cãi nhau với gallery tranh giả, luật nước ta chưa có chế tài làm họ sợ. Và khi ở phương Tây, điều đó cũng không tránh khỏi, thì họa sĩ đành chuyên chú vẽ và nhắc người mua hãy tìm hiểu kỹ".

Phong vẽ kỹ sống kỹ, điều anh học từ cha. Họa sĩ Đào Đức được nhiều người quý trọng bởi sinh thời không ham hố gì; khi qua đời, ông để lại tác phẩm và nhân cách. Tranh của ông được vẽ trong những chuyến chọn cảnh, làm phim, mỗi ký họa đều như bức tranh hoàn chỉnh. Ông là họa sĩ thiết kế đầu tiên và tài năng bậc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam, người đã tạo bối cảnh nên thơ, đầy chất Việt cho nhiều phim kinh điển: "Chung một dòng sông" (1959), "Mối tình đầu", "Đến hẹn lại lên", "Đêm hội Long Trì". Cố gắng học, đọc, tôi luyện và sáng tạo, định danh mà không núp bóng cha, khi cái tên Đào Hải Phong nổi tiếng rồi, nhiều người mới biết anh là con họa sĩ Đào Đức.

Công chúng chưa nhiều người biết, Đào Hải Phong và Lê Thiết Cương bạn thân đều là con nhà nòi điện ảnh trước khi chuyển hẳn sang làm họa sĩ độc lập, họ được đào tạo bài bản tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tham gia các đoàn phim. Đào Hải Phong vẫn đang là họa sĩ biên chế của Hãng Phim truyện Việt Nam (từ 1988). Anh đã thiết kế cho các phim truyện nhựa: "Chuyện tình bên dòng sông" (quay tại Quảng Bình, đạo diễn Đức Hoàn), "Người rừng" (đạo diễn - NSND Nguyễn Văn Thông), "Cát bụi hè đường" (đạo diễn - NSND Khánh Dư) và làm phó họa sĩ cho bố trong phim "Đêm hội Long Trì".

Trở về bản nguyên

Bây giờ, Đào Hải Phong chỉ chuyên chú những cuốn phim đời bằng màu sắc hình ảnh của anh. Về sự nối nghiệp truyền đời của các gia đình nghệ sĩ, anh thẳng thắn: "Một số không muốn con theo nghề, sợ con khổ. Đa số muốn con tiếp tục và rạng danh. Nhưng nghệ thuật khốc liệt, nó không chỉ do sự muốn hay đầu tư của cha mẹ, mà còn do năng khiếu và quan tâm của con. Nhiều đứa con không theo được vì không dễ như ai đó tưởng. Hiện, có nhiều nghệ sĩ vỏ, giả, mượn danh nghệ thuật làm đồ trang sức. Nghệ sĩ đích thực phải có tâm hồn đẹp, hiểu biết. Với nghề, phải cật lực yêu say". 

Đi đâu rồi cũng về nhà ấm áp, viện bảo tàng sống động. Ngủ tầng 3,  còn tầng 1, đôi lúc hứng lên ngồi vẽ; là nơi khai bút đầu năm, vào ngày đẹp tháng Giêng. Thích chơi đồng hồ, có 30 chiếc của các hãng nổi tiếng. "Anh có sợ thời gian?". "Bắt đầu sợ, khi con lớn cao hơn bố". Dạy và mong muốn con thành người tử tế, không bắt buộc có tiếng tăm như bố và ông. Song, danh tiếng là thứ đồ hiệu hấp dẫn mà quý ông này đang sở hữu. Tranh của anh gần như không vẽ người. Nhà, cây, ụ rơm, quả đồi. Cây đỏ rực, trĩu tuyết hay vàng như bay thốc cả mùa Thu, dùng màu xanh chói rất riêng (tuýp Ultramarine của Pháp). Hội họa đương đại Việt Nam, không ai dùng màu xanh ấy

Vi Thùy Linh
.
.