“Lối” của Phong

Thứ Sáu, 29/11/2019, 07:36
Đây là lần thứ hai tôi thực sự "đắm" vào thế giới hội họa của Đào Hải Phong. Tôi đến triển lãm lần hai vào một buổi sáng ít người và ngồi lì ở đó từ sáng cho tới trưa muộn chỉ để dạo bước trên "Lối Phong" của anh.


Trước đó, cách đây vài năm, tôi từng mục sở thị công việc của anh ở xưởng vẽ, nơi riêng tư để anh có thể tha hồ giày vò cảm xúc, để rồi trút bỏ những cung bậc cảm xúc ấy vào hội họa.

Và lần này, tại triển lãm "Lối Phong", anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của riêng mình, những thành công, vinh quang và cả những trải nghiệm lạ lùng. Thêm một lần nữa, tôi lạc lối vào "con đường mộng ảo của Phong", con đường đi vào bất tận mà ở đó không còn chút ranh giới nào giữa thực và ảo.

Tôi đã có cuộc trò chuyện với anh tại triển lãm đặc biệt lần này.

- Thưa họa sĩ Đào Hải Phong, vì sao là "Lối Phong" mà không phải là "Con đường của Phong"? "Lối Phong" chắc chắn phải có một ý nghĩa gì đặc biệt lắm?

+ Mỗi một nghệ sĩ nên có nhân sinh quan, trong đời sống xã hội cần có một Cách sống - Kiểu sống - Khái niệm sống cho riêng mình. Nhờ thế, cuộc sống sẽ trở nên đáng yêu và có ý nghĩa. "Lối Phong" không chỉ là "con đường" mà tôi đã đi trong sự nghiệp, mà còn là một "lối sống".

Chân dung hoạ sĩ Đào Hải Phong- ảnh Tô Chiêm.

- So với những triển lãm cá nhân trước thì sự khác biệt của "Lối Phong" lần này là gì? Anh có thể chia sẻ một chút về những triển lãm trước đó? Rõ ràng mỗi một lần triển lãm là một lần họa sĩ làm mới mình, thêm khẳng định mình, vượt qua chính mình?

+ Sự khác biệt lớn nhất ở triển lãm lần này là tôi thực sự thoải mái và tự hào vì mình được là khách mời đặc biệt của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, nhân kỉ niệm Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-ASEAN 2019, cùng đó có sự tham gia của hai nữ nghệ sĩ trẻ đẹp người Hàn Quốc chơi nhạc dân tộc trong ngày khai mạc. Nhà văn hóa đã tạo điều kiện cho tôi hết sức, tôi không bị họ can thiệp bất kì điều kiện gì.

Còn những cuộc triển lãm khác ở nước ngoài trước đây thực sự là những lần rất áp lực về tác phẩm, cả về chọn tranh đến sức mua của các nhà sưu tập. Mình không được hoàn toàn quyết định, vì kiểu gì cũng có sự can thiệp của giám đốc gallery. Mỗi lần triển lãm ở nước ngoài là một lần thách đố cho những triển lãm sau. Tôi nghĩ đây không chỉ là nỗi trăn trở của riêng tôi.

Lâu đài

- Một chút về quan điểm nghệ thuật của anh nhé. Trong "Lối Phong" anh chia sẻ: "Tôi thích làm thơ bằng hội họa". Hội họa như thơ, những bài thơ vô ngôn chỉ có sắc màu và cảm xúc lên tiếng, nghĩa là một thứ hội họa đẹp và đầy chất "romantic". Liệu điều đó có làm cho anh xa rời cuộc sống không? Người nghệ sĩ trong anh đối diện như thế nào với cuộc sống?

+ Mỗi bức tranh của tôi là một không gian sống, một cảm giác, một kỉ niệm vừa riêng vừa chung. Cuộc sống không ai giống ai, nhưng mọi người hầu như vẫn thuận theo cùng một quy luật sống để tồn tại, để nương tựa vào nhau. Nghệ thuật không phải là phương tiện máy móc để minh họa trần trụi cuộc sống. Làm vậy dễ bị sống sượng vô duyên.

Tôi yêu văn học, thơ, ca dao tục ngữ của người Việt. Tôi coi đó là người thầy lớn của tôi trong cuộc sống. Tôi hấp thụ, tiêu hóa những giá trị đó như nguồn dinh dưỡng tinh khiết nhất nuôi dưỡng tâm hồn và lối sống của mình.

- Ngay cả tên những bức tranh như "Mùa riêng"; "Ngõ trăng"; "Gửi trăng vào đêm"; "Hoàng hôn sen"; "Hoàng hôn đỏ"; "Sinh nhật đỏ", v.v... thì mỗi cái tên đã là một bài thơ kiệm lời bên cạnh bài thơ vô ngôn lộng lẫy của hòa sắc. Nhưng cũng có những nhận xét rằng "Càng đi sâu vào thế giới hội họa của Đào Hải Phong… chỉ thấy ở đó một màu sắc lãng mạn ngập tràn mà thiếu đi dấu ấn của thân phận, số phận con người". Tranh anh hầu như không thấy bóng dáng con người? Đó là nét độc đáo riêng của Đào Hải Phong chăng? Anh nghĩ sao về nhận xét này?

Mùa xuân.

+ Tên tranh của tôi chỉ là mong muốn đi tìm sự tương tác với công chúng, tìm sự sẻ chia như tìm người tri kỉ. Trong tranh tôi con người đôi khi cũng không cần thiết lộ diện. Trộm nghĩ sẽ hay hơn rất nhiều. Như người phụ nữ im lặng tìm đấng trung nhân.

- Trong cuốn sách của anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Nghệ thuật thật kỳ diệu, không vẽ về nước mắt mà ta thấy nước mắt, không vẽ về nụ cười mà ta thấy nụ cười"… Vậy tranh của anh hầu như không vẽ về con người nhưng ta thấy bóng dáng con người ở phía sau những ngôi nhà đẹp, khung cảnh đẹp, chắc chắn phần lớn họ mang những gương mặt của hạnh phúc. Người nghệ sĩ, mà cụ thể riêng với hội họa có bắt buộc phải đối diện với hiện thực cuộc sống trong tác phẩm của anh ta không? Anh đã đối diện với điều đó như thế nào?

+ Với tôi, nghệ sĩ là không ngừng tưởng tượng. Đôi khi sự tưởng tượng ấy vượt lên trên cả những giấc mơ. Cá nhân tôi may mắn có một cuộc sống yên bình. Nhưng mặt khác, tôi luôn nhạy cảm với đời sống, với thân phận của mỗi con người, nhạy cảm với hỉ, nộ, ái, ố. Vì vậy tôi luôn có những trạng thái khác nhau. Tôi biến những cảm giác đó thành chất xúc tác, thứ vô cùng quan trọng để tạo nên tác phẩm. Cô đơn là một phần trong mỗi con người chúng ta, chỉ có điều họ dùng chất liệu "cô đơn" đó cho việc gì mà thôi. Với tôi, tôi dùng nó cho hứng khởi trong nghệ thuật.

Tác phẩm - Mùa chín.

- Trong cuốn sách "Lối Phong", anh và các bạn trẻ đã kết hợp sáng tạo, anh có thể chia sẻ thêm về hành trình này?

+ "Lối Phong" là cuốn sách rất đặc biệt, không giống những cuốn trước của tôi. Ngoài đội ngũ đóng góp bài viết, nhiếp ảnh và hỗ trợ, có ba con người chính làm nên nó. Tôi là nhân vật, là chất liệu, là người cung cấp tư liệu, thông tin về đời sống nghệ thuật. Duy Đào, con trai cả của tôi là người thiết kế, tư duy sáng tạo, người thể hiện những hình ảnh về cả đời sống lẫn nghệ thuật của tôi đến bạn đọc qua một lăng kính hiện đại. Lê Hải, bạn của Duy, là người kể chuyện, lo bao quát tổng thể bếp núc, biên tập tất cả các tư liệu liên quan, khai thác những câu chuyện đời thường. Rồi Hải chắt lọc, trau chuốt để giữ lại những chi tiết thú vị nhất, thật nhất và "là tôi" nhất.

Tiếng mưa

Tôi chỉ có nhiệm vụ thật tin tưởng vào các bạn trẻ, tin vào suy nghĩ ở thế hệ của họ với cuộc sống và giao toàn bộ cho các bạn đảm nhiệm. Tôi dặn duy nhất một câu với Hải và Duy: "Cháu và con lưu ý đừng làm cuốn sách này ra thành sách báo hiếu dành cho người quá cố". Hai bạn cười và trả lời: "Chú không phải nhắc, bọn cháu đã nghĩ đến điều đó trước tiên rồi".

Thế là tôi yên tâm và chỉ việc chờ "Lối Phong" ra đời.

- Rõ ràng nó rất đẹp, một tác phẩm sách quá thành công, nó là sự kết hợp tinh túy giữa trí tuệ và tài năng nghệ thuật. Anh có thể chia sẻ thêm một chút về công việc của hai con trai hiện nay?

+ Hai con trai của tôi hay nhất là mỗi bạn chọn 2 hướng khác nhau, và tất nhiên lối của các bạn đang đi sẽ không bị dẫm lên nhau trong hành trình  cuộc sống. Bạn lớn đang làm tại một công ty Design ở Mỹ, bạn ấy được cấp visa tài năng trẻ, và nhận được nhiều giải thưởng nghề nghiệp do nước Mỹ trao tặng. Bạn bé lựa chọn ngành tâm lí học, một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam và ban đầu tôi cũng rất hoang mang. Song có điều làm tôi yên tâm là ngành của bạn ý đọc rất nhiều sách, mà tôi tin rằng những người đọc nhiều sách sẽ là những người có ích cho xã hội.

Sang sông.

- Ở "Lối Phong" có rất nhiều câu chuyện đã kể, có nhiều những chia sẻ có tính chất tổng kết cuộc đời sáng tác cũng như cuộc đời chân thực của anh. Vậy tóm lại thông điệp sâu sắc nhất của "Lối Phong" là gì?

+ "Lối Phong" là một cuốn sách song ngữ Anh-Việt. Tôi muốn nó được những người nước ngoài quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam xem và đọc, để hiểu thêm về một họa sĩ Việt mang trong mình tình yêu làng quê của mình như thế nào. Còn ở phương diện cá nhân, tôi chỉ muốn kể lại bằng hội họa, bằng hình ảnh một ngày, một tháng hay nhiều năm công việc của tôi, như một cuốn phim ngắn quay chậm những điều bình dị vậy thôi. Đây cũng là mong muốn của Duy Đào. Một trong những thành công của đội ngũ thực hiện cuốn sách là dù sách dày, nhưng nó làm người xem không ngại đọc.

- Sau "Lối Phong" sẽ là gì? Anh sẽ tiếp tục bước đi trên con đường êm đềm hay mạo hiểm tạo ra một lối khác?

+ Sau "Lối Phong" à? Đương nhiên tôi vẫn đi trên lối của tôi, lối nhỏ mà tôi đã đánh cược hai phần ba cuộc đời để làm nên nó. Giờ tôi vẫn thấy thật thoáng và thênh thang.

Bên nhau.

Ngoài ra, tôi thèm được thưởng thức một Lối X, Lối Y, Lối Z… nào đó của một nghệ sĩ khác.

- Cảm ơn họa sĩ Đào Hải Phong về cuộc trò chuyện này.

Như Bình
.
.