Lê Thiết Cương: Những câu chuyện vô ngôn

Thứ Sáu, 09/08/2019, 08:50
Ấp ủ tới tận 18 năm, chậm rãi, cẩn trọng, thong thả, họa sĩ Lê Thiết Cương đã lại làm mới mình khi kể cho những người yêu nghệ thuật một câu chuyện về điêu khắc của anh - một lĩnh vực không phải là sở trường nhưng lại khiến anh giày vò suốt 18 năm qua bởi đam mê và khát khao sáng tạo. Và anh đã nuôi giữ ngọn lửa ấy song hành trên con đường hội họa của mình.


Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với anh xung quanh sự kiện ra mắt cuốn sách “Chuyện Ghế” và triển lãm điêu khắc cùng tên.

- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, sao phải lâu đến thế, những 18 năm để cuối cùng kể ra một câu chuyện?

+ Nhanh cũng hay mà chậm lại hay cách khác. Tôi hợp với chậm, sống chậm. Nhịp sống cũ của văn minh lúa nước - nông thôn – châu thổ sông Hồng – nhà quê ngấm trong máu của tôi. Tôi học người nhà quê được nhiều.

Bà nội tôi sinh ra ở một làng cổ ven sông Đáy, bờ ao trước nhà luôn có mấy cây chuối, khi ra buồng, bà chọn một nải ngon nhất, còn ương, cho vào chum thóc, thắp một nén nhang đen, đậy cái mâm gỗ lên, đợi hôm sau nải chuối chín… rồi mới mang mời khách. Mùi thơm đặc biệt an lành của nhang đen, “mùi thơm” của sự ân cần, cẩn trọng của bà tôi ướp vào quả chuối đã hơn nửa thế kỷ đến giờ tôi vẫn nhớ… “Chuyện Ghế” của tôi cũng là thế.

Thiết kế xong, để 18 năm, rồi xem đi xem lại, chọn những ghế ưng nhất mới dám bầy ra mời bạn bè xem. Nói thêm là cái nếp chậm ấy nó sẵn trong tôi chứ tôi đâu có cố, mà có cố thì cũng cố đôi ba năm chứ cố sao được ngót hai chục năm. Rượu vừa nấu xong đã uống sao ngon được?

- Lần đầu tiên làm triển lãm về điêu khắc, anh có tự tin khi trình làng cho thiên hạ mỗi ngày một sành về nghệ thuật thưởng thức những sáng tạo của mình?

+ Ghế của tôi đứng giữa điêu khắc và thiết kế (graphic design). Tôi là họa sĩ nhưng tôi có khả năng thiết kế, tôi đã thiết kế nhiều bìa sách, bìa đĩa nhạc cho bạn bè. Thiết kế hay điêu khắc thì ngoài tạo hình, phần quan trọng là tỷ lệ, cao thấp, ngắn dài, vuông tròn, thẳng cong, đặc rỗng. Hài hòa được các cặp đối lập này thì ghế sẽ đẹp. Ghế / điêu khắc của tôi bộc lộ sở trường của tôi. Tôi không kiêu căng nhưng chắc chắn không tự ti. Tôi hoàn toàn tự tin về triển lãm “Chuyện Ghế”.

Hai tác phẩm ghế của họa sỹ Lê Thiết Cương.

- Có gì đặc biệt trong câu chuyện Ghế mà anh kể? Cuốn sách và triển lãm liên quan hay đúng hơn là nối liền với nhau bởi những gạch nối gì? Những gì anh kể trong sách - Thiên về chữ, có khác với những gì anh mang đến - Bằng hiện vật cũng là “Chuyện Ghế”?

+ Mỗi một lần triển lãm, dù là tranh hay gốm hay ghế tôi đều in một cuốn sách. Đó là cách duy nhất lưu lại những tác phẩm của mình, vì sau mỗi triển lãm, phần lớn các tác phẩm sẽ đến với người sưu tầm chứ đâu nó ở với mình mãi được. Trong cuốn “Chuyện Ghế” sẽ có hai bài thơ về Ghế của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhà thơ Hữu Ước.

- Tuyên ngôn nghệ thuật của anh, dù là hội họa, điêu khắc, hay thiết kế đều đề cao sự tối giản, cô đọng, súc tích. Cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng“nói” ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng “vô ngôn”. Anh có thể lý giải một chút về sự lựa chọn này.

+ Quan niệm nghệ thuật của tôi là tối giản, dù là vẽ tranh, làm gốm, điêu khắc hay thiết kế cũng vậy, tôi không thể làm gì khác ngoài tối giản. Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Nói cách khác, tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay của tôi, là người nào của ấy, là “căn cước” của tôi - Lê Thiết Cương.

Tôi thích tư tưởng của nhà Phật, trong đó có Thiền học, mà Thiền thì vốn “vô ngôn”, dùng ít nguyên liệu nhất mà lại nói được nhiều nhất, đó là sức mạnh của tĩnh lặng. Trong Kinh Duy Ma Cật có câu tôi rất tâm đắc “mặc như lôi”, im lặng sấm sét.

- Có một dạo còn thấy họa sĩ Lê Thiết Cương làm video, phim ngắn... Nhưng hình như sau đó lại thấy im lặng. Phàm một người làm được nhiều thứ, thứ gì cũng làm khá, nhiều khi khiến thiên hạ dễ thấy ôm đồm, lan man... họa sĩ Lê Thiết Cương có phải là người làm quá nhiều thứ không vậy, và anh có sợ bị gọi là lan man?

+ Làm nhiều hay ít, lan man hay không thì nên lấy chất lượng tác phẩm làm tiêu chí. Trước khi là họa sĩ thì tôi là một con người, cụ thể là một con người nghệ sĩ. Tôi có làm nhiều mấy thì cũng chỉ là làm nghệ thuật chứ tôi không làm được việc gì khác ngoài nghệ thuật.

Hơn nữa, muốn làm được nhiều thứ ngoài vẽ ra, ví dụ như làm gốm thì việc đầu tiên là phải tìm hiểu, nghiên cứu, thế có nghĩa rằng làm chính là học, tự học. Ngay cả khi làm ra được một cái lọ gốm không đẹp thì vẫn được, được hiểu biết, được hoàn thiện mình thông qua cái sự tự học ấy. Nghệ sĩ thì không nên không học. Tôi nghĩ vậy.

- Tôi lại thấy rõ Lê Thiết Cương là một trong số ít những họa sĩ luôn tìm tòi trên con đường sáng tạo. Anh không chịu đứng yên trong sự chuyển động của vũ trụ. Trong cuộc vật vã loay hoay đi tìm căn tính của mình, rốt cuộc anh nhận ra điều gì quan trọng nhất ở anh để làm nên thương hiệu Lê Thiết Cương?Gọi anh là “Nghệ sĩ tự do”, “nghệ sĩ đa zi năng” có lẽ là thích hợp hơn cả?

+ Tính của tôi là đã nghĩ ra ý tưởng nghệ thuật gì thì phải làm ngay, vẽ ra ngay, nặn ra ngay, thiết kế ra ngay, nếu không thì sẽ ốm, ốm nghĩa đen. Mà tôi thì luôn có nhiều ý tưởng nên tôi chả thể đứng lại, đứng yên một chỗ. Với tính cách ấy thì nên là nghệ sĩ tự do để luôn được sống theo cảm xúc của mình. Người đi làm thì phải theo cảm xúc của sếp, người đi buôn thì phải theo cảm xúc của khách hàng. Tôi chọn tự do để được sống theo cảm xúc của mình.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

5h chiều Thứ 6, ngày 9/8/2019 tại Gallery 39, Lý Quốc Sư, Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ cho ra mắt cuốn sách “Chuyện Ghế” và khai mạc triển lãm cùng tên. Khoảng 30 tác phẩm Ghế chất liệu sắt được họa sĩ sáng tác trong hai năm từ 2001 -2002, tính đến nay đã 18 năm.

Đây cũng là triển lãm đầu tiên của một họa sĩ  chuyên về điêu khắc/ ghế. Và một số ghế gỗ cổ trong bộ sưu tập đồ gỗ Việt Nam của Công ty Phòng tranh 39 cũng được trưng bày trong triển lãm.

Sau hơn 30 năm làm nghệ thuật, triển lãm là định nghĩa rõ nhất về quan niệm thiết kế tối giản mà Lê Thiết Cương theo đuổi. Tất cả các tác phẩm của ông dù là tranh hay gốm, điêu khắc hoặc thiết kế cũng đều giản dị, cô đọng, súc tích. Cố gắng thật ít lời mà vẫn diễn tả được nhiều nhất. Cố gắng“nói” ít nhất, nói bằng cách không nói, bằng “vô ngôn”.

Điều khác biệt trong các tác phẩm điêu khắc / Ghế của ông là ở ngôn ngữ tạo hình khúc triết. Kết hợp tương phản của những cặp đối lập để tạo ra bất ngờ. Mảng và nét, mảng đặc và mảng rỗng, đầy ắp và trống trải, cân bằng và nghiêng lệch, kỷ hà và đường cong, hiện đại và truyền thống v.v.. Sự hấp dẫn không phải ở bản thân những yếu tố riêng rẽ đó mà khi chúng tiếp xúc hoặc đối thoại cùng nhau.

Một số tác phẩm trong serie "Chuyện Ghế" cũng đã xuất hiện tại các sự kiện như: Chương trình Văn hóa và cuộc sống (VTV, 2004), Tạp chí Nhà Đẹp (2005), Đêm thơ Vi Thùy Linh (2012), Triển lãm thiết kế Múa đôi (cùng nghệ sĩ Đinh Công Đạt 2016), Chương trình Nguyệt Hạ (ca sĩ Giang Trang 2018)… Toàn bộ các tác phẩm "Chuyện Ghế" cũng đã nộp đơn đăng ký Sở hữu Kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam.

Ngoài Ghế, triển lãm cũng trưng bày các tác phẩm mới sáng tác của các khách mời thuộc Nhóm họa sỹ 39: Lê Vi, Bình Nhi, Phương Bình, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước.

Miêu Thủy (thực hiện)
.
.