Kịch tác gia Ngọc Thụ: Sức bền của sự sáng tạo

Thứ Năm, 04/06/2020, 09:21
Cách đây hai năm, kịch tác gia Ngọc Thụ cho ra đời tập chuyên luận "Nghĩ và viết", lúc đó ông bước vào tuổi 77. Đọc những trăn trở và suy nghĩ về nghề của ông, tôi ngỡ tập sách này mang ý đồ tổng kết sự nghiệp giống như NSND Trọng Khôi cho in cuốn tạp văn "Sân khấu và đời diễn" khép lại sự nghiệp nghệ thuật của đời mình. Hóa ra, không phải.


Với Ngọc Thụ tôi kinh ngạc chứng kiến sau "Nghĩ và viết"; những hoạt động nghề nghiệp dường như lại sung mãn và hào sảng hơn. Nhìn lại những gì Ngọc Thụ làm được trong hai năm qua, tôi chợt nghĩ: Hình như sau khi sơ kết những giai đoạn sống và làm nghệ thuật của mình bằng "Nghĩ và viết" để rút ra những kinh nghiệm, Ngọc Thụ lại tiếp tục nỗ lực cống hiến, vươn cao hơn cho giai đoạn sáng tạo tiếp theo.

Nếu lấy kịch bản "Lướt trên sóng dữ" viết về Trần Khánh Dư là kịch bản đầu tiên sau khi in tập tiểu luận "Nghĩ và viết" (lúc này gia tài kịch bản của Ngọc Thụ đã dư con số 105) thì vào những ngày trung tuần tháng ba - khi cả nước đang oằn mình vì đại dịch COVID-19, Ngọc Thụ lại hăm hở viết kịch bản mới nhất. Đây là kịch bản thứ ba trong 9 kịch bản ông sáng tác vào tuổi 78.

Kế liền kịch bản về Trần Khánh Dư, Ngọc Thụ bắt tay vào viết kịch bản về ca sĩ có hai dòng máu Mỹ - Việt đi tìm mẹ ruột trong vài ba thập niên. Kịch bản này được viết gần như song song với kịch bản về đề tài lực Công an. Sau đó, với cảm hứng khi Đoàn Kịch nói Hải Phòng dựng lại kịch bản về người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, Ngọc Thụ viết "Vòng xoáy cuộc đời".

Mực chưa khô (Ngọc Thụ sáng tác bằng cách viết bút mực cổ truyền), ông bất ngờ gọi điện cho tôi thông báo việc được tỉnh nọ đặt viết kịch bản về một chiến sĩ cộng sản tiền bối khác. Hai năm với 6 kịch bản, đối với một kịch tác gia sân khấu U80 quả là một kỉ lục kì diệu, chứng tỏ sức sáng tạo mạnh mẽ, cảm hứng tràn đầy và một thái độ làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc với niềm say mê lớn bất chấp tuổi tác.

Đọc số kịch bản Ngọc Thụ viết trong hai năm qua, hơn một lần tôi cảm nhận được chuyên môn của một kịch tác gia lão làng trong nghề. Ông đã từng viết những kịch bản được liền một lúc hàng chục đoàn kịch trong cả nước dàn dựng. Đó là những kịch bản có sức sống lâu bền với hàng ngàn suất diễn sau vài chục năm. Thậm chí đến hôm nay, không ít kịch bản của Ngọc Thụ đã trở thành kịch mục nổi tiếng, làm nên thương hiệu và thành vốn "kiếm sống" cho không ít đoàn kịch.

Đó là kịch bản "Hoàng hậu ba tư" (hơn 10 đơn vị sân khấu dựng), "Lửa phi trường", "Những cánh chim trong bão", "Yếm đào áo trận", "Thằng mồ côi và công chúa ăn mày"… Từ kết cấu chặt chẽ với những mảng miếng trò đầy tính sân khấu kịch, gợi mở rất nhiều cho việc dàn dựng của đạo diễn, đến những lời thoại ăm ắp hành động, đủ sức cho diễn viên tung hứng khi giao đãi với nhau và bộc lộ tính cách nhân vật…

Tất cả trở thành sở trường của Ngọc Thụ thủa sung sức và trong những kịch bản mới viết, không những được lưu giữ mà còn được nâng lên, phát triển thành thạo. Chính thế nên sự thâm hậu, chuyên nghiệp trong nghệ thuật viết kịch của Ngọc Thụ càng được mài giũa, bổ sung, khẳng định tố chất của một tác giả tài hoa, gạo cội trong làng sân khấu Việt Nam.

Trong sân khấu, người viết kịch bản được duy danh bằng hai cách gọi là soạn giả và tác giả. Qua nghiên cứu sơ bộ, soạn giả là dành cho những người chuyển thể, hoặc sáng tác dựa trên những cốt chuyện trong kho tàng chuyện cổ tích dân gian, truyện nôm khuyết danh, hay các tác phẩm văn học… Còn tác gia là những người viết nên kịch bản sân khấu từ chính sự sáng tạo toàn diện của mình từ cốt chuyện, nhân vật. Với Ngọc Thụ, có thể dùng cả hai cách gọi đều đúng. Trong gia tài hơn 105 kịch bản của ông, 2/3 là sáng tác, 1/3 là phóng tác và gần 20 kịch bản chuyển thể.

Trong gia tài đồ sộ kịch bản của Ngọc Thụ, số kịch bản mang nhãn soạn giả có nhiều kịch bản thành công trên sàn diễn. Đáng kể nhất là kịch bản hai tập "Hoàng Hậu Ba Tư". Trong kịch bản này, Ngọc Thụ lộ rõ khả năng chọn được những chuyện có cốt phù hợp với thể loại sở trường của ông là cải lương, đồng thời ông biết lẩy ra, làm nổi những nhân vật, tình tiết hấp dẫn.

Còn khi là một tác giả thì các kịch bản tiêu biểu như "Cánh chim trong bão", "Di sản mùa xuân"… lại lộ rõ tài năng kết cấu kịch bản theo phương pháp cổ điển, từ cách đặt, phát triển và giải quyết mâu thuẫn. Qua 9 kịch bản Ngọc Thụ viết ở tuổi 77-78 thì cả hai khả năng soạn giả và tác giả vẫn được duy trì một cách bền bỉ và linh hoạt.

Bên cạnh việc sáng tác, kịch tác gia Ngọc Thụ ở tuổi bát thập vẫn tỏ ra năng lực của một người hoạt động chuyên nghiệp về sân khấu. Khi làm Trưởng ban sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội, ông vẫn là người có công lớn trong việc tổ chức các Trại sáng tác từ khâu chọn, lựa kịch bản, đến việc quản lý trại và nghiệm thu các tác phẩm của trại viên.

Trại viên của Trại sáng tác sân khấu Hà Nội vẫn nhận ra sự cần mẫn trong công việc của một Trưởng ban - Trại trưởng, sự sắc sảo trong những nhận xét, đánh giá tác phẩm của đồng nghiệp. Với vị trí là Chủ tịch Câu lạc bộ tác giả phía Bắc, trong hai năm qua, ông là người đi đầu trong việc tìm những mối liên kết giữa địa phương và tác giả kịch bản để tạo cảm hứng và tìm đầu ra cho sáng tác. Việc tổ chức thành công trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Bắc Ninh mùa hè 2018 là một ví dụ điển hình.

Một cảnh trong vở diễn "Chia tay lần cuối" của Đoàn kịch Công an đoạt Huy chương Vàng hội diễn ngành Công an 1990.

Ngoài vai trò của một Trưởng ban - một hội viên lâu năm có tay nghề vững vàng, Ngọc Thụ còn là một "nhà tham luận" tích cực trong hầu hết các cuộc hội thảo do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội hay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Tôi có ấn tượng mạnh mẽ nhất khi Ngọc Thụ là đại biểu "nổ phát súng" đầu tiên khi ông giơ tay phát biểu ở Đại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần thứ 9 với những đề xuất táo bạo, nhận được sự tán thưởng của hầu hết các đại biểu khi ông lên tiếng về việc cần bảo vệ quyền lợi sáng tạo của hội viên, chống lại quyền lợi nhóm trong việc dàn dựng kịch bản.

Là một tác giả chuyên nghiệp có thâm niên, Ngọc Thụ luôn đứng hàng đầu khi tham gia các cuộc vận động sáng tác của các địa phương, các ngành. Dường như rất ít khi vắng bóng ông ở các cuộc vận động sáng tác của Bộ Công an, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh cả trong hai vai nhà tổ chức và nhà viết kịch.

Tôi có may mắn được cùng Ngọc Thụ tham dự trại sáng tác của ngành Công an vào mùa hè 2019 và những gì diễn ra càng tạo dấu ấn sâu sắc của kịch tác gia đàn anh này đối với tôi. Gần trọn một tháng - không kể thời gian từ khi ngành Công an phát động đợt sáng tác "Vì bình yên cuộc sống, vì an ninh Tổ quốc" - ở tuổi 78 Ngọc Thụ đã cùng các trại viên ngồi trên ôtô vượt qua hơn 6.000 cây số dưới thời tiết thay đổi gần như bốn mùa, khi là cái nắng gay gắt của xứ Nghệ, khi là tiết cuối thu, đầu đông ở cao nguyên Lâm Viên.

Ông đã trải qua tất cả với nghị lực và sức chịu đựng của mình để cho ra kịch bản về đề tài Công an được ban tổ chức và đồng nghiệp đánh giá cao. Kịch bản "Héo hắt miền quê" viết về lực lượng Công an ông được nhận giải A; kịch bản "Lướt trên sóng dữ" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải A

Gần một tháng cùng Ngọc Thụ tại trại viết Bộ Công an, tôi nhận ra kịch tác gia mặc dù lớn lên, trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp và thành danh ở Hà Nội, nhưng chất mộc mạc, nghĩa tình của người con vùng lúa Thái Bình vẫn hiện rõ trong ông. Đó là cách sống chân thật, đôi khi còn thô ráp, đầy nghĩa tình thủy chung bên cạnh sự sắc sảo, linh hoạt của con người làm nghệ thuật đất Thăng Long. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật chính là sự ghi nhận của Nhân dân và nhà nước đối với công lao mà Ngọc Thụ đã cống hiến cho nghệ thuật, cho nền sân khấu Việt Nam.

Nguyễn Hiếu
.
.