Khoảng trống Nguyễn Trọng Tạo

Chủ Nhật, 29/12/2019, 07:54
Từ xa xưa, các cụ đã nói: "Bầu rượu túi thơ". Người nghệ sĩ nói chung luôn sống khác người một chút, sống tới tận cùng cảm xúc, tận cùng bản ngã. Với Nguyễn Trọng Tạo, "ham chơi" không phải là lêu lổng ở người thường, mà là những cuộc "trao - nhận" của cảm xúc, từ đời sống đến tác phẩm...


Khi tôi viết những dòng chữ này, ngày mới đã điểm những khắc đầu tiên. Đêm nay tôi không sao ngủ được. Có cái gì đó vướng vít trong đầu, có ai đó như nhắc tôi điều gì. Vừa hay tin chát của nhà văn Như Bình đến giữa khuya, cộng hưởng với nỗi niềm, gõ binh boong vào óc tôi: "Anh, sắp đến giỗ đầu nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, anh viết cho Văn nghệ Công an bài báo về những ngày cuối cùng của anh Tạo nhé". 

Tôi bật dậy và tỉnh như sáo. Đúng thật là thần giao cách cảm, sắp giỗ đầu của anh Tạo rồi, thảo nào những ngày vừa rồi, tâm trí tôi gần như phiêu bồng ở một phía xa xăm.

Không ai nghĩ rằng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gặp bạo bệnh và ra đi. Cuối năm 2017 anh dự định khánh thành ngôi nhà anh ước ao ở Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. 6 giờ sáng ngày 28/12/2017 anh còn nhắn tin cho tôi: "11h trưa 31/12 em à. Nếu đi ô tô Hòa (nhà thơ Đoàn Xuân Hòa - NV) thì 2 anh em đi sớm nhé. Nếu xe khách thì đi 20h30 tại bến Nước Ngầm. Mong các chú vào". Anh nhắn mời chúng tôi vào khánh thành nhà. Không ngờ tối 30/12 anh gặp bạo bệnh.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bên cây đàn ông yêu thích.

Tình trạng của anh lúc đấy bị nhận định là rất nặng, tiên liệu xấu, chảy máu não, huyết áp rất cao, có lúc 195/111, lúc tỉnh lúc mê, liệt người, không nói được…Sau này hồi sức lại được, Nguyễn Trọng Tạo nói, anh từng "muốn chết" sau khi tỉnh lại trên giường bệnh. Trong vòng 20 ngày đầu anh rất thất vọng khi bản thân không cử động, không tiếng nói, mất cảm giác toàn bộ…

"Tôi như một người chết. Vô hồn. Cứ mê mê tỉnh tỉnh như thế, nhiều lúc chỉ… muốn chết. Nhưng khi có chút ý thức muốn tự tử, tôi cũng không đủ thời gian và sức khỏe để mà tự tử. Có lúc nghĩ đến tự tử rồi lại mê man mất rồi…" - Anh nhớ lại quãng thời gian đầy tuyệt vọng khi gặp cơn bạo bệnh đầu tiên.

Rồi bằng những nỗ lực thần kỳ, anh qua được cơn bạo bệnh đầu tiên ấy. Chính anh đã viết bài thơ: "Bay vào cõi chết/ Tôi thấy tôi như không phải là tôi/ Tôi nói say sưa với bạn vừa gặp lại/ Bạn ngỡ tôi nói tiếng nước ngoài" và: "Chỉ thầy thuốc tự tin và ngửi mùi sống/ Rồi một ngày tỏa hương/ Sự sống/ Những máu đông máu tan thành hy vọng/ Tiếng méo hóa thành tròn/ Bại chân thành chiến thắng/ Trí nhớ hóa lời yêu/ Òa lên/ Cảm xúc…".

Sau khi "bay qua cõi chết" một cách kỳ diệu, ngày 26/5/2018 anh "xách ba lô lên, và đi" một hành trình: Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Huế và khi về lại quê nhà vừa đúng một tháng. Tôi gọi đó là "Con đường bè bạn" như tên một bài thơ tặng anh. Không ai nghĩ đó là chuyến anh đi "chào" những bạn bè tri kỷ, nơi anh có quá nhiều kỷ niệm.

Tôi cảm nhận được anh đã mệt nhiều, nhất là từ giữa tháng 8/2018, sau khi tổ chức xong đêm nhạc "Khúc hát sông quê" trên quê hương thành phố Vinh, Nghệ An. Ngày 28/7/2018, chính nhà văn Như Bình phỏng vấn anh về đêm nhạc duy nhất này. Anh soạn trả lời và gửi vào inbox cho tôi: "Em soát lỗi và mail lại cho anh". Anh luôn hy vọng "Sự bất diệt/ Mãi sinh sôi", và bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo "Bay qua cõi chết" của nhà văn Như Bình, tôi đã giúp anh Tạo hiệu đính lại từng chữ.

Nhưng không một ai hình dung, sự hồi sinh kỳ diệu của anh chỉ như là ngọn đèn bùng ánh sáng vào giây phút cuối để rồi lụi tắt mãi mãi. Tối 24/8/2018, anh nhắn tin tôi trưa mai ra 41 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình dự sinh nhật anh. Trước đó, ngày 23/8 anh đã phải vào Viện Phổi Trung ương kiểm tra vì phổi có vẻ không ổn. Lễ sinh nhật cuối cùng của anh tổ chức trong tình cảm yêu thương chan chứa của con cháu và bạn bè. Tất cả người thân của anh đều ngậm ngùi xa xót khi đã biết trước anh khó tránh khỏi mệnh trời với cơn bạo bệnh khủng khiếp lần thứ hai "Ung thư phổi". Chỉ riêng anh lúc này là chưa biết…Những chuyên gia đầu ngành về phổi đã nhận định tai biến chiều 30/12/2017 trước đó của anh cũng chính là do tế bào ung thư phát tác.

Anh Tạo trở bệnh nhanh, mỗi lúc càng nặng, càng nguy hiểm. Hai tháng trước lúc mất là quãng thời gian tôi gần gũi bên anh nhiều chứng kiến anh chiến đấu, giành giật sự sống cùng "thần chết".  Tối 20/11/2018, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phải vào cấp cứu tại A9 Bệnh viện Bạch Mai. Có mặt tại Khoa Cấp cứu, không riêng người thân mà gần như tất cả những người bạn ruột thịt thường ngày của anh đều có mặt, trong đó có Nguyễn Đình Toán, nhiếp ảnh gia tri kỷ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái và một số tri kỷ khác. Từ đây những ngày tháng cuối cùng của anh gắn với Trung tâm Ung bướu Bệnh viện tuyến đầu này. Và rồi anh ra đi đúng vào 19h50 ngày 7/1/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai. Sự ra đi của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bạn bè, giới văn nghệ sĩ và người hâm mộ. Đó là một chiều mưa lạnh phủ lên Hà Nội. Bạn bè se sắt trong nỗi niềm.

"Anh Tạo mất đi là một tổn thất lớn cho văn học, công chúng, những người yêu mến nghệ sĩ tài ba. Anh là một con người đa tài từ âm nhạc, văn học, hội họa, kể cả lý luận phê bình. Có thể nói, chúng ta có nghệ sĩ đa tài, đa diện, đa thanh như anh Tạo là rất hiếm. Nguyễn Trọng Tạo có thể ví như Nguyễn Đình Thi hay Văn Cao trước đây. Đó là những người đã định hình giá trị lớn trong văn học nghệ thuật, và anh Nguyễn Trọng Tạo cũng gần được như thế" - Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát biểu trong đám tang nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Từ xa xưa, các cụ đã nói: "Bầu rượu túi thơ". Người nghệ sĩ nói chung luôn sống khác người một chút, sống tới tận cùng cảm xúc, tận cùng bản ngã. Với Nguyễn Trọng Tạo, "ham chơi" không phải là lêu lổng ở người thường, mà là những cuộc "trao - nhận" của cảm xúc, từ đời sống đến tác phẩm.

Tác giả (trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo những ngày trong bệnh viện.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người quảng giao, có sức hút khó lý giải. Anh không chỉ là một tài năng về văn học nghệ thuật, mà sức hút của anh với bạn bè vô cùng mạnh, đó là sự lan tỏa của một trái tim đăm đắm con người. Anh làm một cái nhà bên kia sông Hồng để giao lưu, bầu rượu túi thơ với bạn bè. Anh không chỉ dốc bầu rượu, mà nhiều khi dốc cả túi tiền với bạn hữu. Với bạn bè anh không tiếc gì, không phải ai cũng làm được điều ấy.

Căn nhà 308, chung cư HH2A, nơi anh sống những năm tháng cuối đời, gần như trở thành địa chỉ quen thuộc để Nguyễn Trọng Tạo giao đãi bạn bè. Không có bạn bè, anh buồn, "như chai rượu đã cạn rồi". Ở một mình, nhưng tủ lạnh nhà anh bao giờ cũng đầy ắp sản vật tiếp bạn.

Trong bài thơ "Ăn cơm với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo", tôi viết: "Tủ lạnh nhà anh giấu cả trời xanh/ cá biển Diễn Châu còn tươi mắt lưới/ lươn Nghệ óng vàng gà quê đúng tuổi/ có cả thịt bò nhập ngoại bạn bè mua...". Và: "Anh hỏi mến yêu: thế đã no chưa/ canh măng thịt cá thu kho đất Diễn/ rau lang luộc xanh một màu lưu luyến/ chỉ mới nhìn nhau đã thấy no rồi".

Tôi nhớ, trong đám tang, một người bạn của anh mắt đỏ hoe: "Không biết, anh Tạo mất rồi, lấy ai để anh em thi thoảng còn gặp nhau". Tôi im lặng nhưng trong đầu nghĩ rằng, không ai làm được như anh. Đơn giản, với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gặp bạn bè cũng là sự dâng hiến. Nguyễn Trọng Tạo là con người sống hết mình với bạn bè, với đồng nghiệp, với quê hương, đất nước mình.

"Hôm Noel tôi tới thăm Nguyễn Trọng Tạo, ông cứ khóc hoài, còn giờ thì mình khóc ông ấy", nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha là người bạn thân thiết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ. Nguyễn Thụy Kha nói: "Đây là cái chết được báo trước, nhưng khi nó đến thì tôi vẫn rất buồn. Bạn đã đi trước mình rồi". Tôi đã nhìn thấy có lúc anh khóc rưng rức trên vai "Giấc mơ sông Thương" Nguyễn Phúc Lộc Thành, có lúc nước mắt anh lăn lặng lẽ khi nhờ tôi mời bạn bè anh ra quán, thay mặt anh tiếp bạn bè xứ Nghệ ra thăm trong những ngày cuối cùng ở Bệnh viện Việt Xô. Nghệ sĩ như Nguyễn Trọng Tạo luôn khát sống để cống hiến.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Nguyễn Trọng Tạo là một người chơi. Người ta thấy anh rong chơi. Khi bia rượu, khi nghệ thuật cũng như một cuộc rong chơi vậy. Anh là người chơi tận lực, tận mình, tận hiến; nhưng đã có đóng góp cho thi ca, âm nhạc, hội họa. Lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn".

Mới đó nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã đi về cõi khác tròn năm. Muốn viết nhiều về những ngày cuối cùng của anh mà nghẹn lòng không viết nổi. Chỉ lan man vài ba kỷ niệm với anh. Nhớ về anh, trong tôi luôn hiện rành rẽ khuôn mặt nhân từ với nụ cười đôn hậu, nhẹ bẫng.

Tôi nghĩ, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về sự nghiệp văn - thơ - nhạc của Nguyễn Trọng Tạo. Âu, lẽ thường tình. Sẽ có yêu và đố kỵ khác nhau về con người Nguyễn Trọng Tạo. Âu, cũng bình thường. Con người sống nếu được yêu tất cả chỉ có thể là khác người. Riêng tôi, cảm nhận rằng, anh ra đi để lại một khoảng trống, không chỉ của người thân và bè bạn.

Tôi đã được chứng kiến đám tang của một thi sĩ mà những người xa như nhà thơ Lê Thanh My (An Giang), nhà văn Ngô Thảo (TP. Hồ Chí Minh), nhà thơ Lê Huy Mậu (Bà Rịa Vũng Tàu), nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (Đà Nẵng)....đều có mặt. Tiễn đưa anh rất đông, lạ kỳ không có ai chen lấn vào viếng trước để về, như một nghĩa vụ. Nhiều người có mặt, trước khi thân xác anh được hóa vào cõi khác.

Anh đi xa một năm, nhưng lạ kỳ, với những người thân, đều nghĩ anh vừa mới đi đâu đó, hẹn cuộc nhậu đâu đó và rồi sẽ về...

Ngô Đức Hành
.
.