Họa sĩ điêu khắc động “Nguyên Trâu”: Mỗi người có một định mệnh nghệ thuật

Thứ Sáu, 12/02/2021, 14:17
Cầm tinh con chuột nhưng cứ bị nhầm sang con trâu do cái tên gọi thường ngày mà bạn bè thân hữu dành cho anh là “Nguyên Trâu”. Ngày xuân Tân Sửu, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với họa sĩ “Nguyên Trâu” xung quanh hình tượng con trâu trong tác phẩm của anh.


- Chào anh Nguyên Trâu. Nhiều người yêu nghệ thuật của anh đinh ninh anh cầm tinh con “Sửu”. Cái sự “bé cái nhầm” này hẳn phải có nguyên do của nó chứ?

+ Tôi cầm tinh con “Tý” nhưng “Sửu” lại là vật chủ của tôi. Thế mới vui, do ông trời se duyên cả đấy. Trong 12 con giáp, con nào tôi cũng yêu, cũng đắm đuối với chúng. Nhưng có lẽ con Trâu là định mệnh nghệ thuật của tôi nên tôi trở thành “Nguyên Trâu” là vì thế.

Tác phẩm “Nhà trâu” - sáng tác mới của họa sĩ Lê Đình Nguyên (tức “Nguyên Trâu”).

- Nghệ danh Nguyên Trâu có từ bao giờ? Vì sao anh lại chọn con trâu mà không phải bất kỳ con gì khác?

+ Tôi đã từng vẽ tranh, nặn tượng rất nhiều thể loại, và làm nhiều tượng 12 con giáp. Nhưng trâu là con vật thân thuộc, gần gũi mà tôi yêu thích nhất trong hành trình sáng tạo của riêng mình. Tôi cũng không tự lấy tên nghệ danh “Nguyên Trâu”. 

Chuyện là thế này: Cuối năm 2010, tôi ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời về đề tài con trâu (triển lãm này do hoạ sĩ Lê Thiết Cương, bạn tôi đứng ra tổ chức tại nhà riêng Gallery 39 Lý Quốc Sư của anh). Tôi dắt 36 con trâu gỗ tượng trưng cho 36 phố phường Hà Nội về nhà Cương để trình làng. Lê Thiết Cương liền đặt tên cho triển lãm này là "Trâu Nguyên". 

Trong lời khai mạc hôm đó, họa sĩ Lê Thiết Cương sau khi giới thiệu về đàn trâu của tôi xong đã nói: "Từ giờ phút này - Tôi với tư cách là bạn thân của họa sĩ Lê Đình Nguyên... xin phép được đặt cho Nguyên một cái tên nghệ danh là: “Nguyên Trâu!". Và kể từ hôm đó, mọi người trong giới gọi tôi là Nguyên Trâu. Cái tên đó ngày càng gắn bó với tôi cho đến tận bây giờ.

- Con trâu đã đồng hành bên cạnh anh trên con đường nghệ thuật ra sao?

+  Tôi là cậu bé sinh ra tại Hà Nội. Năm lên 4 tuổi (1964), tôi đã cùng lũ trẻ thành phố sơ tán về nông thôn để tránh bom Mỹ. Từ một đứa trẻ thành phố, chỉ biết những con vật nuôi trong nhà nhỏ bé như chó, mèo, gà, chim. Lần đầu được nhìn thấy những con trâu đen, to đùng, hiền lành nơi vùng quê, làm tôi vô cùng ngỡ ngàng và thích thú. Được anh chủ nhà cho cưỡi trên lưng trâu, theo trâu ra đồng cày ruộng, nhìn đàn trâu hiền gặm cỏ trên triền đê. Rồi chiều tối đàn trâu đủng đỉnh trên đường làng tự tìm ngõ nhà mà về chuồng... Tiếng mõ trâu lục lạc trong những năm tháng ấy theo tôi đến tận bây giờ!

- Anh là một họa sĩ thành công với việc tạo hình điêu khắc động cho con trâu. Hẳn anh có những kỷ niệm về trâu nghệ thuật rất đáng nhớ?

+ Trên con đường nghệ thuật của tôi, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc ra đời của tác phẩm “Trâu Nguyên”, một tác phẩm điêu khắc động đầu tiên của tôi bày ở triển lãm lần đầu như tôi vừa chia sẻ. Tôi muốn kể lại kỷ niệm đó sâu hơn, cũng là gắn với cái tên nghệ danh của tôi như thế nào.

Trong thời gian làm các tác phẩm chuẩn bị cho triển lãm đầu tiên về trâu của mình, một buổi sáng, trên đường về quê mua gỗ để đục trâu, bất chợt tôi thấy trên mặt con đê xanh có một tốp nông dân đang tời dây thừng trên một cỗ máy gỗ rất đơn sơ. Họ quay manivent để bện những sợi thừng đay dài lăn theo con đê xanh. Nhìn cỗ máy vặn thừng rất lạ, tôi thích thú dừng chân vẽ lại cỗ máy đó. Vẽ gần xong thì tôi lại nhìn ra nó là một con trâu. Về, vẽ thêm đầu, thêm cặp sừng, thêm đuôi, thêm chân vào thì nó thành con “Trâu Tời”. 

Từ bản vẽ ban đầu, sau nửa tháng đục đẽo, lắp đặt, đưa động cơ điện vào vận hành..., con trâu của tôi đã biết quay tròn cái bụng căng quấn đầy dây thừng, đuôi là cái tay quay quay tít với cái đầu trâu khục khặc lì lợm cùng tiếng động lục cục mà âm thanh thật phát ra bí mật từ trong bụng con trâu. Một con trâu cần mẫn làm việc, bản lĩnh bước đi trên con đường đầy sỏi đá... 

Khi mang tác phẩm này đến bày ở phòng triển lãm, Lê Thiết Cương thích thú hỏi: “Ông đặt tên tác phẩm này là gì?”. Tôi nói ngay: “Là Trâu Tời”. Tôi nói với Cương: “Mình cả đời cứ làm việc vất vả như con tằm nhả tơ ấy ông ạ!...”. Cương lặng đi rồi nói: “Đây là một tác phẩm đỉnh cao nhất trong đàn trâu của ông. Thôi, để tôi đặt tên cho nó là Trâu Nguyên luôn nhé!”.

Những kỷ niệm đáng nhớ trong sáng tác tạo hình các tác phẩm về trâu nhiều lắm. Có những lúc tưởng đã xong một tác phẩm rồi, nhưng tôi thấy không đẹp, không thích nữa nên quyết định phải bỏ đi. Bao tiền bạc công sức bỏ ra… tiếc lắm chứ. Nhưng rồi, chính những chú trâu dở dang đó lại trở về với tôi trong những giấc mơ. May mà tôi vồ lấy giấy bút vẽ lại ngay được, nếu không nó “chạy” đi mất.

Tác phẩm “Gốm Trâu” - sáng tác mới của “Nguyên Trâu”.

- Trong quan niệm thẩm mỹ của anh, hình tượng con trâu đẹp ở chỗ nào và nó khác biệt hơn các con giáp khác ở chỗ nào?

+ Với tôi, trâu rất đẹp, đẹp hơn các con giáp khác bởi lẽ ngoài con rồng ra, thì nó là con vật to nhất, vạm vỡ nhất, nó còn là một linh vật của nền văn minh lúa nước rất đậm chất Việt Nam. Người Việt Nam ta coi: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ngoài vẻ đẹp tạo hình đen bóng, cùng cặp sừng vênh vênh lúc thì đầy dũng khí, lúc hiền lành thơ mộng. Trâu thung dung gặm cỏ trên thảm cỏ xanh, cặp sừng lại hoá vầng trăng khuyết... Một vẻ đẹp rất mộc mạc, thật thà, thân gần với những người nông dân trên cánh đồng. Tôi yêu trâu, và trâu đem đến cho tôi nguồn cảm hứng tạo hình bất tận! Ngoài con chó, con ngựa là loài khuyển mã chí tình ra, thì con trâu cũng thủy chung với con người không kém. Nó biết vâng lời chủ, cũng buồn, vui, cũng biết khóc khi bị chủ mắng.

- Triển lãm trâu mới nhất của Lê Đình Nguyên diễn ra năm 2017. Tôi nhớ trong đó ngoài hình tượng trâu lúa, trâu đèn đậm chất văn hóa Việt thì hình tượng trâu bom như là một nét độc đáo, một điểm tỏa sáng, và nhiều ý nghĩa của triển lãm.

+ Đó là triển lãm cá nhân thứ hai của tôi, mang tên “Nguyên Trâu 2” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Người thúc giục tôi làm ra được triển lãm đồ sộ với hàng trăm tác phẩm trâu này lại là hoạ sĩ Thành Chương. Sau này tôi nhớ ơn anh vì chính anh đã thúc giục tôi không được ngủ quên trên thành công, phải tiếp tục đam mê sáng tạo, và con đường nghệ thuật không dành cho kẻ lười biếng. 

Ở triển lãm này, ngoài seri “Trâu áo tơi”, “Trâu đèn”, “Trâu đàn”, tôi còn làm cả một seri “Trâu bom” nữa. Những vỏ bom Mỹ, những trái đạn pháo “vua chiến trường” 175 ly đã được tôi vào tận Quảng Trị, Khe Sanh mua về để chế tác thành những chú trâu nặng hàng tấn. Tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt kỳ công với các tác phẩm này để nói lên một khát vọng hoà bình, để gửi đi thông điệp hàn gắn vết thương chiến tranh và tình yêu cuộc sống. 

Tôi đã tạo hình cho đậu trên lưng “Trâu bom” là những chú chim đang hót. Trên lưng những chú “Trâu pháo” là... mạ xanh, lúa đang thì con gái và hoa nở rực rỡ... Tôi tâm huyết với các tác phẩm “Trâu bom” vì nó là những chú trâu gây xúc động nhất trong triển lãm lần ấy.

- Năm Trâu, anh có dự định gì mới về tác phẩm trâu - linh vật nghệ thuật của mình không?

+ Tôi chưa có dự định mới gì cho năm Tân Sửu này. Ở tuổi đã ngoài vòng hoa giáp, tôi thích ẩn dật, yên tĩnh, nhẩn nha làm những gì mình thích, mình yêu chứ không có tham vọng gì lớn. Còn sáng tạo nghệ thuật thì lạ lắm. Cứ sống đẹp đi, cứ đam mê thật lòng, cứ sáng tạo rồi “thần nghệ thuật” sẽ đến dắt mình đi.

- Nhưng chắc chắn anh “Nguyên Trâu” có tác phẩm mới đón Tết Nguyên đán 2021 chứ?

+ Tôi vừa vẽ xong một seri bình gốm Trâu của tôi và một chùm tác phẩm “Nhà Trâu” cũng làm từ chất liệu gốm nung nặng lửa. Những chú “Nhà Trâu” này được thắp lửa ấm áp từ bên trong… như tôi thích và yêu về một mái ấm bình yên với những nguyện cầu bình yên cho năm 2021 này.

- Xin trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Đình Nguyên!

Khánh Thy (thực hiện)
.
.