Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Khai phá một không gian khác

Thứ Sáu, 15/01/2021, 22:35
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp là một trong số ít gương mặt tài năng đại diện cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong các bảo tàng nghệ thuật danh giá thế giới từ những thập niên 90 của thế kỷ XX.


Tranh của ông được lưu giữ tại: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Queensland, Australia, Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Malaysia, Bảo tàng nghệ thuật Biblioteca Archivio - Italia... trong những bộ sưu tập cá nhân lớn của người Việt và nước ngoài.

Với phẩm chất thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật, trong những năm qua họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp vẫn miệt mài với sáng tạo trong hội hoạ và liên tục có những seri tác phẩm mới được trưng bày. Năm 2015, 2016 là 2 triển lãm cá nhân “Độc Thoại” của ông. Có lẽ trong thế hệ mình, ông là người vẫn còn giữ được lửa đam mê sáng tác cháy bỏng với tinh thần mạnh mẽ. Mới đây nhất, triển lãm “Mặt Lạ” bao gồm 43 tác phẩm hội họa giá vẽ khổ vừa và lớn được giới thiệu với công chúng Thủ đô.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp.

“Mặt Lạ” không phải là một cuộc trưng bày tranh “chân dung nhân vật” theo cái nhìn tả kể đơn thuần. “Mặt Lạ” là một cuộc bóc tách sự thật bên ngoài để tìm kiếm sự thật trong sâu thẳm. Hội hoạ của Nguyễn Xuân Tiệp là cái Đẹp của sự bí ẩn, tính ẩn dụ, và trên hết đó là vẻ đẹp của một hồn cốt Việt. Trong dòng chảy tư duy lớn của ông, mỹ cảm của dân tộc luôn là điều ông đau đáu, tìm kiếm. 

“Mặt Lạ”- Nguyễn Xuân Tiệp là một sự kiện mỹ thuật quan trọng trong đời sống tinh thần của giới chuyên môn và cũng mở ra không gian nghệ thuật chất lượng cao dành cho những người yêu nghệ thuật đích thực. Đi vào tranh Nguyễn Xuân Tiệp là bước qua cái thực tại để tới một chiều không gian khác; Là sự giao hoà linh khí của vạn vật. Ở đó trời đất, con người, cây cỏ chỉ có một tiếng nói chung, tiếng nói của trạng thái tinh thần và xúc cảm.

Ông thường nhắc nhớ về hoạ sĩ Trần Trung Tín (1933-2008) một cách tôn trọng nhất. Tuy hội hoạ của ông và Trần Trung Tín là hai con đường khác biệt nhưng dường như điểm chung của hai nghệ sĩ chính là: Coi vẽ là làm nghệ thuật thuần tuý. Chỉ có nghệ thuật thuần tuý mới cho ông tiếp tục khai mở những tầng sâu còn ẩn khuất trong tâm khảm.

Một tác phẩm trong series “Mặt Lạ” của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp.

“Mặt Lạ” được hình thành từ trước năm 1996 cho tới 2020. Những tác phẩm trong loạt tranh này được ông chọn lọc sau 24 năm ngẫm ngợi và thực hành để trưng bày, thêm một dấu mốc tạm thời. “Từng ấy năm gây dựng, dung dưỡng một nhánh tinh thần giữa nhiều nhánh khác đang cùng phát lộ, vậy nguyên cớ nào, năng lượng nào đã giúp ông toả mình tận hiến? Trong ông có nhiều cơn thôi thúc, chúng là nguyên do chính, nguồn năng lượng gốc mà ông chưa bao giờ bận tâm lý giải cho tường tận. Ông bận tâm cho việc vẽ. Ông đã có một Tình Yêu lớn. Đó cũng là hạnh phúc của người nghệ sĩ”. Nguyễn Sơn đã viết về ông như vậy.

Sự hồn hậu mộc mạc của giấy dó, dưới bút pháp của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp trở nên biến ảo, kỳ lạ. Ông đã tạo ra một không gian mới cho chất liệu truyền thống Việt Nam, không gian của tâm tưởng. Nhưng gương mặt lạ mà quen, quen mà lạ. Đó là những gương mặt phản ảnh nhiều chiều kích của đời sống đương đại, phức tạp, hỗn loạn và luôn biến đổi. Người nghệ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp luôn đi tìm câu trả lời cho chính mình giữa những biến loạn của đời sống. Và vì thế, ông không ngừng vẽ, không ngừng làm mới mình.

“Mặt Lạ” - một ý tưởng hội hoạ khác biệt

Hội họa của Nguyễn Xuân Tiệp dựa trên những chiêm nghiệm, chứng thực và chuyển thể dị biệt. Trong triển lãm này với gần 50 bức tranh bao gồm chất liệu giấy dó và acrylic, là tập hợp các tác phẩm vẽ trong nhiều năm từ 1996 - 2020 để nói lên câu chuyện “Mặt lạ” hay chuyện cõi nhân gian thông qua tín ngưỡng Mẫu và đường nét trong hội họa. Phải chăng tác giả muốn cho chúng ta tiếp cận không chỉ không gian mà cả tiến trình thời gian của một đề tài liên quan đến những khuôn mặt từ đời thường đến tâm linh.

“Mặt lạ” không phải là chân dung bề ngoài mà là diễn biến nội tâm và nét là ngôn ngữ chính, xuyên suốt.

Hành trình đi tìm bản ngã của mình đưa Nguyễn Xuân Tiệp đến với nét trên các họa tiết cổ, hoa văn trống đồng. Ở đó ông thấy sự tinh tế, minh triết của văn hóa Việt. Học nét, vẽ nét đến lúc nét như là mình. Có lúc nét ào ạt, tùy hứng, lúc khác lại chậm rãi, khúc chiết. Khi thì tương phản to-nhỏ, lúc lại lan tỏa trộn lẫn. Nét có lúc câm lặng rồi bừng sáng. 

Chân dung tự họa như vui, buồn, cô đơn, giác ngộ, hoang dã… như rồng, như thú, như chim, như đang say… Đâu đó xuất hiện những con vật góp chuyện như chim như cá tung tẩy múa ca, thủ thỉ và ranh mãnh. Có những chân dung người nào đó tư lự, ngơ ngác… Khi lại là câu chuyện của nhân duyên… Người phụ nữ trong tranh đi từ đời thường (tức giận, lạnh lùng..) đến (nhẹ nhàng, thuần khiết…) như Thánh nữ. Và cao hơn cả là Mẫu. 

Mỗi bức tranh đem lại những trạng thái cảm xúc khác nhau. Nhưng khi hợp lại ẩn dụ câu chuyện lớn. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đã chạm đến bản ngã của mình. Hội họa của ông là hội họa của tâm tưởng thông qua nét vẽ giàu biểu cảm. Ta chờ xem những ý tưởng mới từ ông. 

Xét về bối cảnh Việt Nam: Mỹ thuật đang nằm ở đâu trong Nghệ thuật tạo hình thế giới? Chỉ có một cách là tự thân. Chỉ có người Việt bằng văn hóa Việt mới có thể chinh phục được. Một nền nghệ thuật lớn mạnh chỉ trông chờ vào một vài cá nhân. Tôi chia sẻ quan niệm đó với họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. (Nguyễn Xuân Long).

“Mặt Lạ” của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp

Sinh ra từ huyền bí, không gian án ngữ nơi tâm trí trong tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp như một thực thể nguyên thủy trỗi dậy hay một cõi hỗn mang vô định hình. Lúc tinh khiết, khi đặc quánh, khi thô lậu, khi lồi, khi lõm… mà sinh diệt chuyển động tiến hóa không ngừng.

Trong sự tiếp biến của không gian đấy, Nét được tạo khởi. Nét lúc này không phải là nét. Đó là cái mới mà tôi cảm thấy trong loạt tác phẩm lần này, so với trước đây, của họa sĩ. Nét ở đây là Ánh sáng, thứ ánh sáng được hoài thai như một tinh linh thuần khiết, biến vô hình thành hữu hình, hình thành (những) Mặt “Lạ”. Bất giác tôi tự hỏi, phải chăng trước khi ta là Ta thì những gì được nhìn thấy và cảm thấy đều là mặt Lạ. Để rồi, ta luôn mơ tưởng, sợ hãi, giận dữ, tiếc nuối, hồ nghi, mải miết kiếm tìm hay chối bỏ khuôn mặt đó - là Ta hay là Lạ?

Bộ tranh này của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp cho ta sự day dứt đâu là khuôn mặt Lạ, đâu là Ta. Vấn vương trong Ta có Lạ và trong Lạ ta tìm thấy Ta? Lạ mà Ta, Ta đó nhưng cũng Lạ! Câu hỏi đó có thể sẽ luôn day dứt. Vô vàn khuôn mặt Lạ sẽ tái sinh trong Ta và trở thành chính Ta, thật Lạ? (Trịnh Minh Tiến)

Mặt lạ, mặt ai?

Nền cốt miên viễn của hồn Dó Việt, tự khi nào đã có nơi cư ngụ an nhiên theo bản thể Giời cho Nguyễn Xuân Tiệp. Cây đàn muôn điệu buông nhàn. Ngọn bút như bùa chú gọi ngũ cung, ngũ sắc, ngũ hành cuốn theo tam, tứ tấu thả bùa mê cho những giấc mơ hoa chợt hiện. Hồn Dó mang hồn bạn và tôi cứ lãng đãng thường ngày. Đâu là cuộc sống trần gian, đâu là ảo mộng ở chín tầng trời? Phiêu lãng mắt em cười, bạn tôi mơ như vọng miền xanh thẳm. Nhạc nhân gian nơi mười hai bến nước đợi người. Em lạ, bạn tôi lạ và trăng kia cũng lạ. Nào, cứ thả mình cho hồn Dó vây quanh. Nhịp sống trần gian, nhịp sống Giời cho sống. Hồn nép theo hình, Dó thả tới trời xanh… (Họa sĩ Lương Xuân Đoàn)

Việt Linh
.
.