Họa sĩ Vũ Thái Bình: Bền bỉ, an nhiên yêu Dó
- Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: Khai phá một không gian khác
- Họa sĩ Văn Sáng thương hiệu cuối trang sách
- Họa sĩ Vũ Thái Bình vẫn miệt mài “thổi hồn vào Dó”
Triển lãm cá nhân lần thứ 3 của người hoạ sĩ nhỏ bé, hiền lành nhưng niềm đam mê với màu nước trên giấy dó thì ngày một rộng lớn hơn, tươi mới hơn qua mỗi lần giới thiệu trước công chúng.
Vũ Thái Bình là một cái tên không xa lạ trong giới Mỹ thuật Việt Nam gắn liền với nghệ thuật vẽ tranh màu nước trên chất liệu độc đáo rất Việt Nam là giấy dó.
Họa sĩ Vũ Thái Bình |
Chính thức ra mắt trong triển lãm cá nhân “Sắc dó 1” năm 2016, sau gần 15 năm làm việc miệt mài trên nhiều chất liệu, hoạ phẩm, và cũng từng ấy năm tìm tòi, trải nghiệm trên chất liệu giấy dó và kỹ thuật vẽ màu nước chồng màu nhiều lớp.
Những tác phẩm khổ nhỏ, những gương mặt, dáng hình người bà, người chị hay em bé thôn quê... những ghi chép phong cảnh bản làng xa, con vật nuôi gần gũi, bình dị được Vũ Thái Bình thể hiện bằng màu nước trên giấy dó có sức hút đặc biệt người xem. Không chỉ bởi kỹ thuật vẽ rất riêng, mà còn có đôi chút bất ngờ bởi khả năng mang chở cảm xúc thị giác mới lạ của loại chất liệu xưa cũ.
Nếu coi “Sắc dó 1” là lần “Chạm ngõ” thì “Sắc dó 2” năm 2018 như là “Ăn hỏi”. Những tác phẩm khổ lớn mà không ít người xem còn nhớ mãi: "Trưa vắng", "Quê tôi", "Những gì còn lại", "Đợi", "Thời gian", "Tìm bạn", "Nhớ"... Vô tình mà hữu ý, tên các tác phẩm của Vũ Thái Bình, câu chuyện anh muốn kể thông qua thứ chất liệu quê hương đã đạt đến sự đồng điệu, như lời hoạ sĩ chia sẻ “Giấy dó giúp cho tôi diễn tả được tốt nhất những gì tôi muốn”.
Còn như hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Rung động với nét đẹp thường ngày của con người và muôn vật chốn quê xa bái ngái Thượng ngàn. Mặt Dó mượt mềm chiều lòng kẻ nặng tình, cho Vũ Thái Bình cuống lên khi hồn gọi hình, hình đợi hồn trong những khoảng trống siêu nhiên của Dó Việt. Nước cứ vô bờ trong cảm xúc vô thức. Màu đa sắc thả mờ nhòe đến không màu, vây bủa như lạt mềm buộc hờ để bạn và tôi khó thoát giữa những sợi tơ trời mong manh nơi bức họa. Mặc người vẽ cứ liêu phiêu câm nín trong cuộc chơi với Dó khi thả vào không gian mỏng một câu chuyện khác, một cách nhìn khác đầu thế kỷ”.
“Nghệ" (Kỹ thuật) - Thuật (Phương pháp) tranh màu nước trên giấy Dó của Vũ Thái Bình thông qua các triển lãm cá nhân và các triển lãm “Góp Dó” cùng với nhóm các hoạ sĩ, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 dù đã nhiều lần được giới thiệu đến công chúng. Nhưng mỗi lần, mỗi cuộc lại mới mẻ, lại thẳm sâu hơn cũng như triển lãm “Sắ Dó 3” lần này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Mùa Xuân”, chất liệu: Màu nước - Giấy Dó. |
Với 25 tác phẩm đa số là khổ lớn, được chia tách có dụng ý trong 2 phòng triển lãm liền nhau tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng tên gọi: “Tây Bắc & Đời thường”. Nét mới đầu tiên phải kể đến cả với những người đã thưởng lãm tranh màu nước trên giấy dó của Vũ Thái Bình nhiều năm nay là: Điệp.
Nhiều người đã biết đến dòng tranh dân gian làm nên một phần bản sắc văn hóa Việt trong đó có tranh Đông Hồ. Thi sĩ Hoàng Cầm phải thốt lên “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Giấy điệp là loại giấy dân gian của Việt Nam. Trong quy trình sản xuất giấy điệp, người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, rồi trộn bột đã nghiền với hồ (có lẽ là bột gạo nếp đã được nấu) rồi dùng chổi lá cây thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng, có ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp.
Nếu như tranh dân gian dùng Điệp làm nền thì Vũ Thái Bình dùng Điệp làm nhấn. Các bức tranh phong cảnh Tây Bắc như: "Mùa cây thay lá", "Tháng giêng", "Mùa đông", "Xuân sắp về", "Xuân về"... được hoạ sĩ dùng Điệp khiến không ít người xem phải "reo lên" như được chạm vào lớp sương mù mát rượi thanh khiết, "hát lên" khi giơ tay vẫy rạng rỡ hoa mận hoa đào, hoặc giật mình khẽ nhón chân giữa vườn cải vàng hoa đung đưa trong gió nhẹ.
Vẫn vẹn nguyên nét đẹp mộc mạc, dịu dàng, thuần khiết của nước màu nhiều lớp trên giấy dó nhưng cái “sáng bừng” bởi Điệp theo cách của Vũ Thái Bình thì thật đáng chiêm ngưỡng.
Không dừng lại ở đó, kỹ thuật và phương pháp kiểm soát độ thấm và loang của màu nước trên giấy dó của Vũ Thái Bình thể hiện trên nhiều bức vẽ trong triển lãm đã biến hiện thực thành siêu thực. Có phải thế mà các bức trong nhóm tác phẩm “Đời thường” như: "Bóng cha", "Chợ trưa", "Ngày mới", "Thành quả"... tuy khung hình hẹp, bố cục đơn giản nhưng chiều sâu của không gian và thời gian trong tranh như không có giới hạn.
Đã nhiều người xem tranh nàu nước trên giấy dó của Vũ Thái Bình có cùng chung nhận xét: Hoạ sĩ kết duyên với dó hay chính dó mời gọi và mê hoặc hoạ sĩ? Sẽ không bao giờ có sự lý giải tường minh như chính những bức tranh đẹp tự nó thay cho mọi lời giải thích. Chỉ thấy các bức theo phong cách siêu thực, ấn tượng như: "Chợ chiều", "Hôm qua", "Hôm nay", "Ngày mai", "Mùa đông"... cái ranh giới giữa tâm hồn nghệ sĩ và hỗn mang cấu trúc tự thân của Dó đã xoá nhoà.
Thưởng lãm một tác phẩm hội hoạ có chiều sâu, nơi người xem cảm thấy được trao quyền về mặt tinh thần để rung động về vẻ đẹp theo cách của mình. Nhiều người thưởng lãm tranh của Vũ Thái Bình đều cùng chung một quan điểm nên xem trực tiếp và xem lại vì mỗi lần ngắm lại thêm một tầng nghĩa mới.
Tác phẩm “Xuân về 1”, chất liệu: Màu nước - Giấy Dó. |
Cuối cùng của phòng tranh, trong một sắp đặt có chủ ý, bức tranh khổ nhỏ nhất có hình ảnh đức Phật theo cá tính Vũ Thái Bình. Bức tranh có tên gọi là "Tĩnh". Vượt qua năm 2020 đôi phần ảm đạm cảm xúc vì dịch bệnh, cần lắm những giây phút Tĩnh tâm.
Thưởng lãm cái đẹp thông qua hội hoạ là một cách để sưởi ấm tâm hồn. Nhân cách người nghệ sĩ bộc lộ thông qua tác phẩm của họ. Vũ Thái Bình khiêm tốn, nhưng chưa bao giờ che giấu đam mê tôn vinh, lan toả những nét độc đáo của giấy dó quê hương thông qua hội hoạ.
Gần đây, Vũ Thái Bình "sắp xếp" lại cuộc đời mình. Cụ thể là anh xin nghỉ công việc với mức lương ổn định lâu nay để toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Anh bảo, đã đến lúc thấy cần phải dành nhiều thời gian hơn cho vẽ, cho những thôi thúc từ bên trong phải tận hiến cho Dó, cho hội họa chân chính.
Dù vẫn biết, rời bỏ một điều vốn thân quen không phải dễ dàng, nhất là với tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm. Nhưng rất may là nỗi đau qua đi, cái đẹp ở lại. Thành quả anh nhận được cho sự hy sinh, chấp nhận ấy là triển lãm với những tác phẩm được đánh giá là mang tính bứt phá so với những lần trước và với hội họa Việt Nam.
Vũ Thái Bình thì cho rằng, những gì anh đạt được ngày hôm nay có phần không nhỏ sự hỗ trợ của bạn bè, người thân. Đặc biệt gia đình nhỏ với người đồng hành luôn ủng hộ mọi quyết định của anh.
Nhìn vào con đường lao động nghệ thuật của Vũ Thái Bình, thấy anh không có một xuất phát điểm thuận lợi như nhiều người nhưng những gì có được với hội họa cho đến thời điểm này là kết quả sự cần cù và nghiêm cẩn với nghệ thuật.
Bốn triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm tập thể đều đặn từ năm 2000 đến nay cho thấy sức sáng tạo và lao động nghệ thuật đáng nể ở người họa sĩ bé nhỏ này. Trong bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào, Vũ Thái Bình luôn dành cho hội họa một thái độ nghiêm túc hiếm có. "Sắc Dó 3" chính là "quả ngọt" cho một chặng đường bền bỉ, kiên gan vượt khó ấy.
Và như lời họa sỹ Lương Xuân Đoàn dành tặng Vũ Thái Bình: "Vài thập kỷ qua, Dó Việt - món quà quê của người Việt vẫn là một sự thách thức mở khi chỉ cất giọng dịu dàng gọi duyên trong vòng xoay hữu hạn đang tìm cửa vào lối ra của Mỹ thuật Việt đương đại. Dó không khó cho duyên. Đã có không ít người đến, vui thấp thoáng, đánh trống ghi tên rồi cũng vô tăm tích. Kẻ kiên tâm ẩn phận, lẳng lặng đeo bám mệnh nghiệp, vẽ không xong thì vò giấy bỏ sọt, chẳng bận lòng theo sức nặng vô hình của Dó với ngày tháng cứ trôi qua. Người an nhiên gai góc ấy là Họa sĩ thế hệ 7x Vũ Thái Bình"