Họa sĩ Trần Tuấn Long: Người độc hành lặng lẽ
- Nữ họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc: Nâng niu những ước mơ không lành lặn
- Họa sĩ Nguyễn Văn Phúc: Gửi hồn trong những tấm nhôm
- Họa sĩ Vũ Thái Bình: Bởi một tình yêu với Dó
- Họa sĩ Kù Kao Khải: Xù xì “chuyện quê”
Dự kiến, sau khi kết thúc triển lãm "Giá Thánh", 26 bức tranh sơn mài khổ lớn sẽ được đưa đi triển lãm tại Đài Loan.
Họa sĩ Trần Tuấn Long cho biết, không phải đến khi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại anh mới manh nha ý định tổ chức triển lãm này. Anh đăng ký dự triển lãm "Giá Thánh" trong năm 2016 nhưng vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kín lịch cho đến hết năm, nên triển lãm của anh bị "đẩy" sang đến tận tháng 3-2017 mới có chỗ.
Vì thế, nhiều người lầm tưởng sao khi đạo Mẫu được vinh danh anh mới quyết định triển lãm. Kỳ thực, đây là sự trùng hợp vô tình mà thôi nhưng cũng chính nhờ thành quả quá trình âm thầm sáng tạo của anh suốt 19 năm qua có thêm phần giá trị và được quan tâm hơn.
Có thể nói rằng, suốt những năm tháng qua, Trần Tuấn Long đã đi một con đường độc đạo, trở thành kẻ độc hành lặng lẽ trên con đường lựa chọn đề tài sáng tạo. Và "Giá Thánh" đã thực sự tạo nên sự khác biệt, độc đáo và để lại dấu ấn với người xem - điều mà bất kỳ một nghệ sĩ làm công việc sáng tạo nào cũng đều hướng tới.
Có thể nói rằng, cũng từ khá lâu người ta mới thấy ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có một triển lãm cá nhân có sự đầu tư chiều sâu vào một đề tài và được làm kỳ khu như "Giá Thánh". Có được điều này cũng là "duyên phận", bởi vì theo như chia sẻ của họa sĩ Trần Tuấn Long, anh đã bị cuốn vào một đề tài mà tự anh vẫn biết là nó khá... nhạy cảm!
Họa sĩ Trần Tuấn Long tại triển lãm “Giá thánh”. |
Nói cách khác là, tự mình lựa chọn cho mình một "đường đi khó", một con đường chông gai với những nguy cơ thất bại luôn tiềm ẩn, rình rập. Khi anh bắt đầu vẽ bức tranh đề tài hầu đồng đầu tiên là năm 1998, lúc đó việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn bị cấm đoán, bị coi là việc làm có tính chất "mê tín dị đoan" chứ chưa có sự cởi mở như bây giờ.
Chính vì thế, những bức tranh anh kỳ công làm nên, có khi mất từ một đến vài tháng nhưng lại rất khó bán. Nhưng cũng chính vì việc nó khó bán và không được chào đón ở các triển lãm trước đó, cho nên hôm nay anh mới có được một triển lãm đầy đặn, đánh dấu cả một quãng đường dài lao tâm khổ tứ vì nó như thế này.
Suốt 20 năm qua, dù âm thầm theo đuổi đề tài tái hiện hình tượng các nhân vật ông hoàng bà chúa trong tín ngưỡng thờ Mẫu và các nghi thức hầu đồng với các Thánh giá như Quan lớn đệ Nhất, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, chầu Lục, cô Chín..., nhưng họa sĩ Trần Tuấn Long với sở trường sơn mài của mình vẫn sáng tác tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, chân dung... vốn là những đề tài khá dễ xem, dễ bán để duy trì niềm đam mê âm thầm của mình.
Các sáng tác anh dành cho mảng đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn luôn là một dòng chảy khác với Trần Tuấn Long mà từ khi xác định tâm thế phải vẽ về nó đến nay anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Anh vẫn vẽ bất kỳ lúc nào khi cảm hứng đến. Sáng tác trên chất liệu sơn mài, mỗi bức vẽ mất hàng tháng trời để rồi lại cất vào một xó, chờ đợi đến ngày được "bung tỏa".
Rồi đến một ngày như hôm 8-3 vừa qua, triển lãm "Giá Thánh" được khai mạc đã thực sự khiến người xem có những ấn tượng đặc biệt về mặt thị giác. Sự công phu, chỉn chu và riêng biệt về đề tài chắc hẳn cũng sẽ trở thành điểm nhấn mỗi khi người ta nhắc hay nhớ tới Trần Tuấn Long sau triển lãm này.
Trần Tuấn Long vốn là họa sĩ được biết đến với nhiều khám phá, thể nghiệm với chất liệu sơn mài. Năm 2015, anh từng được trao giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng với một tác phẩm sơn mài có tên "Hà Nội, Hà Nội". Trước đó, anh cũng từng có hàng chục giải thưởng, tặng thưởng danh giá khác. Nhưng tuyệt nhiên, những bức tranh nằm trong bộ 26 bức của "Giá Thánh" chưa từng lọt vào một triển lãm nào.
Tuy thế, nó vẫn là một "tảng băng chìm" ngốn của Trần Tuấn Long nhiều năng lượng, nhiệt huyết, đam mê dù nó vốn được vẽ ra ban đầu chỉ để người sáng tạo được thỏa nguyện tâm tưởng được thăng hoa, bay bổng. Chính vì thế, nhiều người quen biết anh từng đặt câu hỏi với Trần Tuấn Long rằng, phải chăng anh cũng là người "có căn có số" nên mới mải miết theo đuổi đề tài nhạy cảm này trong suốt gần 20 năm?
Trần Tuấn Long tâm sự rằng, điều này có hay không thì anh cũng không quả quyết, song có thể nói rằng cũng phải có "đức tin" nào đấy thì anh mới đủ sức đi một chặng đường dài như thế chỉ với một mình. Anh kể rằng anh mê đề tài này bắt đầu từ một đêm trăng, khi cùng một người bạn đến thăm đền Vua Bà ở Quảng Yên (Quảng Ninh) quê anh, thì may mắn được chứng kiến một khóa lễ diễn xướng hầu đồng.
Trong đêm trăng ấy, giữa không gian u tịch và khói hương trầm mặc ấy, các thanh đồng lần lượt hóa thân thành những ông hoàng bà chúa với sự thăng hoa một cách tự nhiên qua các vũ điệu, âm nhạc, tiếng hát, phục trang cùng các nghi lễ cúng tế đã khiến anh bị cuốn hút một cách lạ kỳ.
Một tác phẩm trong triển lãm “Giá thánh”. |
Trần Tuấn Long nói rằng, anh đã thực sự bị choáng ngợp và tự dưng có cảm giác rằng mình nhất định sẽ có cách để tái hiện những điều "mắt thấy- tai nghe - tâm cảm" này vào tranh. Sau này, có những hình tượng được anh tái hiện nhiều lần, bởi vì sự thích thú cá nhân và những nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo rất công phu. Là một đề tài "nhạy cảm", song có thể nói Trần Tuấn Long đã làm việc một cách hết sức chỉn chu, nghiêm túc và... tốn kém.
Anh dành nhiều thời gian đi thâm nhập thực tế ở những nơi thờ tự, bản điện để tìm hiểu và thực hiện nhiều cuộc nói chuyện với các nhà nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu, các thanh đồng... Nhiều lần được sống trong không khí thực - ảo khó phân định, anh đã có cho mình những cảm quan riêng về một thế giới tâm linh huyền hoặc.
Để rồi, khi tái hiện không khí ấy vào tác phẩm vẫn còn nguyên cảm giác phiêu du, siêu thực đầy mê đắm với gam màu đỏ - vàng chủ đạo, với lửa khói hương trầm, với những sênh sang áo mũ, với những vũ điệu ngập tràn sự thăng hoa của cảm xúc...
Họa sĩ Trần Tuấn Long bộc bạch rằng, đôi khi anh cũng sáng tạo trong sự thăng hoa kỳ lạ ấy, cứ như có một sự thôi thúc nào đó từ bên trong nội tâm cần phải được tỏ bày. Những lúc như thế, anh cũng tự luận giải rằng, phải chăng anh cũng là một người được các bậc tiên Thánh trao cho một nhiệm vụ đặc biệt ấy là tái hiện lại những nghi thức diễn xướng hầu Thánh ấy vào các bức tranh?
Những năm gần đây, quan niệm về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở hơn, Trần Tuấn Long cũng cảm thấy tự tin, thoải mái hơn trong việc sáng tạo. Đặc biệt là sau khi UNESCO công nhận việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã có nhiều người nước ngoài tò mò, thích thú đối với những bức tranh sơn mài khổ lớn của anh về đề tài này. Nó được chú ý là bởi lẽ tín ngưỡng thờ Mẫu vừa được vinh danh là tín ngưỡng bản địa riêng có ở Việt Nam, lại được thể hiện trên chất liệu sơn mài cũng là chất liệu thuần Việt. Một tín hiệu vui được Trần
Tuấn Long chia sẻ rằng anh đã nhận được lời mời đưa bộ tranh "Giá Thánh" đi triển lãm ở Đài Loan và hai bên đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng trước khi triển lãm diễn ra. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được những lời ngỏ muốn mua những bức tranh đơn lẻ của những người yêu tranh, người tín Mẫu và các nhà sưu tập trong và ngoài nước.
Họa sĩ Trần Tuấn Long bộc bạch rằng: "Có thể nói ra nhiều người sẽ bảo tôi dở hơi, nhưng tôi thực lòng không muốn bộ tranh này của mình rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài hay bị xé lẻ ra. Dù rằng bán cho khách nước ngoài tôi sẽ được trả giá cao hơn ở trong nước, nhưng tôi vẫn thấp thỏm hi vọng có một cơ quan, tổ chức, hay cá nhân nào ở trong nước có đủ tiềm lực mua cả bộ tranh, để những bức tranh mà tôi đã lao tâm khổ tứ suốt nhiều năm không bị mang ra ngoài biên giới mà sẽ ở lại trong nước để góp phần tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu!". Nhưng xem ra hi vọng của họa sĩ Trần Tuấn Long cũng... hết sức mong manh!