Họa sĩ Thành Chương và câu chuyện lên 3 tuổi ôm gà đi hỏi vợ

Thứ Ba, 28/03/2017, 08:02
Năm 2017 này, họa sĩ Thành Chương kỷ niệm 60 năm bức tranh "Gà tồ" vẽ năm lên 8 tuổi của ông được trao giải vàng tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh năm 1957. Theo đánh giá của một số nhà phê bình mỹ thuật có uy tín trong và ngoài nước, hiện Thành Chương là một trong những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật đương đại Việt Nam.


Tài năng hội họa phát lộ từ tuổi niên thiếu

Thời gian gần đây, họa sĩ Thành Chương sau cơn "thượng đồng" với gần 200 bức tranh sơn mài về đề tài nghệ thuật SEX "Yêu 24/24", lại tiếp tục lên cơn "nhập đồng" vẽ tới 150 bức tranh gà nhân Tết Đinh Dậu 2017.

Từ xưa đến nay, trong hành trình sáng tạo của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, tình bạn của các họa sĩ nổi tiếng với các nhà thơ đã để lại những dấu ấn khá đặc biệt về sự tương tác Thi-Họa trong sự nghiệp nghệ thuật của họ. Tôi nhớ khi nhà thơ Bế Kiến Quốc còn sống, cách đây hơn hai chục năm, ông có nói với tôi một câu thật cảm động về tình bạn trong sáng tạo: "Nhóm nhà thơ chúng mình thật may mắn khi được chơi với Thành Chương vì thi ca và hội họa đương đại đang vào thời điểm giầu sức sống sáng tạo nhất!

Tôi xin xác tín một điều, Thành Chương là một thiên tài và sẽ là họa sĩ Việt Nam vĩ đại nhất ở những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Hãy tin lời tôi đi, đây không phải là một tiên tri sớm đâu nhé!".

Rồi Bế Kiến Quốc hóm hỉnh nhìn anh em chúng tôi và cười, nụ cười sau làn khói thuốc lá như một chút nắng ấm vừa hửng lên trên gương mặt rạng rỡ của ông. Có lẽ phải hiểu nhau lắm về mọi niềm vui, nỗi buồn, mơ ước trong cuộc sống, và phải nắm bắt được đến tận cội nguồn sáng tạo của tài năng Thành Chương thì Bế Kiến Quốc mới có những nhận xét như vậy.

Hoạ sĩ Thành Chương và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Qua thời gian, bạn bè chúng tôi cứ mỗi ngày một kinh ngạc về sức sáng tạo không giới hạn của họa sĩ Thành Chương. Thời gian trước đây, tôi cùng nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có nhiều đêm thức trắng tại nhà riêng của Thành Chương để xem ông vẽ.

Trước khi dựng tranh sơn mài, Thành Chương thường vẽ tranh mẫu bằng bột mầu trên giấy và sơn dầu trên vải. Ông cần mẫn vẽ suốt đêm. Lúc ấy, Bế Kiến Quốc trầm ngâm với điếu thuốc trên môi, hết điếu này tới điếu khác, mắt đăm đăm nhìn bạn vẽ. Nguyễn Văn Thọ thì thao thao chuyện "trên giời dưới bể" về các bạn văn trong và ngoài nước. Còn tôi thi thoảng bật ra mấy câu thơ ngẫu hứng về bạn bè.

Đến quá nửa đêm, mắt chúng tôi đã díp cả lại mà vẫn thấy Thành Chương thao thức vẽ. Có thằng kêu đói. Thành Chương lẳng lặng buông bút, vào trong bếp lục lọi. Một lúc sau, ông bưng ra mấy bát "mì xào kiểu Ý" thơm nghi ngút đặt lên bàn. Nhóm bạn lại quây quần xì xụp, vừa thưởng thức tài nghệ nấu nướng của Thành Chương vừa bàn về mấy bức tranh ông vừa vẽ.

Có hôm, sáng ra tỉnh dậy, không thấy bức chân dung tự họa Chương vẽ đêm hôm trước được bạn bè tán thưởng đâu nữa. Hỏi ra mới biết, Thành Chương đã xóa bức vẽ cũ đi rồi (vì chưa thấy đẹp!) và đã vẽ đè lên một bức khác. Nhìn xuống gầm bàn, tôi thấy cả một chồng tranh bột màu xếp ngay ngắn lên nhau. Và cứ thế, Thành Chương vẽ suốt đêm này sang đêm khác, vẽ như một lực điền thật sự trên cánh đồng hội họa.

Tài năng hội họa của Thành Chương phát lộ từ khi còn nhỏ tuổi. Một trong những câu chuyện khá thú vị về tuổi thơ của Thành Chương gắn với địa danh Ấp Đồi Cháy ở Yên Thế, Nhã Nam, Bắc Giang nơi cha ông là nhà văn Kim Lân và các văn nghệ sĩ nổi tiếng khác thời đầu cách mạng như: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Trần Văn Cẩn… đã đưa gia đình đi theo kháng chiến lên đây. Lúc ấy, Thành Chương mới 3 tuổi, tuy chưa biết gì nhưng tỏ ra rất yêu thích và quyến luyến một người chị là con gái nhà văn Ngô Tất Tố ở gần đó. Do vậy, Chương suốt ngày tha thẩn chơi ở nhà người chị hơn mình mấy tuổi đó.

Sự đồng cảm tri ân trong sáng tạo nghệ thuật

Có lần, mấy người anh hàng xóm tìm cách trêu chọc, bảo Thành Chương muốn lấy chị ấy làm vợ thì về nhà ôm một con gà sang đứng ở cổng nhà cụ Ngô Tất Tố để hỏi vợ, đợi đến bao giờ gia đình bên ấy ra nhận gà thì vào nhà đón chị ta về.

Nghe mấy anh xui dại, Thành Chương hý hửng về nhà ôm con gà to nhất đi hỏi vợ. Lúc ấy, cậu bé lên 3 tuổi cởi trần, mặc độc cái quần đùi, chân đi đôi giày da săng-đá to đùng của Pháp cồm cộp đi sang, nom rất oai. Đôi giày này thay cho tiền nhuận bút của nhà văn Kim Lân được trả bằng hiện vật. Cậu bé Chương cứ khư khư ôm con gà đứng trước cửa nhà cụ Ngô Tất Tố khá lâu mà không thấy ai ra nhận.

Các anh hàng xóm bảo Chương muốn lấy vợ đẹp thì phải kiên trì chờ đợi. Mãi sau, người trong nhà ra hỏi mới được trận cười nghiêng ngả khi biết Thành Chương đang quyết chí ôm gà đi lấy vợ. Câu chuyện con trẻ này làm hai gia đình nhà văn Ngô Tất Tố và Kim Lân ngày càng trở nên thân thiết. Có điều, không hiểu vì sao, cô con gái cụ Ngô Tất Tố sau này mãi cũng chẳng chịu đi lấy chồng. Có người đùa vui: Hay vì bị Thành Chương nó "ám quẻ" từ nhỏ nên mới thế!

Thành Chương vốn từ bé rất yêu các loại vật như: gà, vịt, trâu, bò… và trẻ con quanh nhà mình. Lên 8 tuổi, bức tranh "Gà tồ" của Chương gửi đi nước ngoài dự thi đã đoạt giải vàng tranh thiếu nhi quốc tế ở Anh. Sau này, khi đã thành danh trong hội họa, mảng tranh về những đứa trẻ con nông thôn quây quần bên các loài vật đã làm nên vẻ độc đáo, sống động mang phong cách hiện đại của riêng họa sĩ Thành Chương. Cảm tác trước vẻ đẹp hội họa của Thành Chương, tôi đã viết nhiều bài thơ lấy tranh của ông làm đề tài. Trong đó có bài "Ba đứa trẻ con trong tranh Thành Chương" tôi viết về chuyện cậu bé ôm gà đi hỏi vợ như sau:

Một đứa ngủ
Một đứa không ngủ
Còn một đứa không thức cũng không ngủ
Nó đang yêu
Nó đang yêu một đứa không phải là trẻ con
Không phải là người lớn

Ở làng quê này
Trên cánh đồng này
Nó yêu từ lúc con chó đá đầu xóm hay đi chơi đêm
Nó yêu từ lúc đám mây đêm tinh nghịch
Thích rúc vào ngực yếm các thôn nữ mà chơi trò ú tim

Nó yêu từ lúc ông lão say rượu
Mò mẫm vớt trăng ngoài sông đêm
Đang càu nhàu cãi nhau với cái bóng của mình

Lên ba tuổi ôm gà đi hỏi vợ
Nó phải lòng câu quan họ đầu bến sông Thương
Lên ba tuổi tranh làng Hồ cũng thế
Màu dậy thì trong sắc điệp tươi non

Tôi nghĩ, trong tâm hồn nghệ sĩ của Thành Chương, ký ức tuổi thơ về các miền quê bên sông Cầu, sông Thương cùng với tranh làng Hồ, dân ca Quan họ, các lễ hội dân gian và nét đẹp của kiến trúc đình, chùa xứ Kinh Bắc đã ghi dấu ấn văn hóa đặc biệt nơi ông để hóa thân vào các bức tranh mang phong cách hội họa của riêng Thành Chương. Và, bài thơ "Hồn họa" dưới đây của tôi đã phần nào khắc họa điều ấy.

  I

Mơ giấc mơ cổ vật
Những bình, hũ, thạp, vò
Cõi ngàn năm vẫn thức
Dưới mái nhà hư vô
Trong âm u huyền diệu
Mùa cổ kính thiêng liêng
Ta lắng nghe bản ngã
Tụng hồi kinh ưu phiền

Một tuổi thơ trong vắt
Dắt gọi chúng ta về
Trốn tìm trong rơm rạ
Tuổi mục đồng si mê

Cầm cọ bạn dắt đi
Đàn trâu trên vải vẽ
Mắt trâu buồn như thể
Nhớ thương đồng quê xưa

Những đứa trẻ dầm mưa
Đến giờ chưa hết lạnh
Trong bức vẽ của anh
Một mai rồi mưa tạnh

II

Một mai ai biết gốm sành
Hoá thân làm tượng
                           đất thành của chúng ta
Tượng như người thật ngỡ là
Người như tượng thật chẳng xa cách gì

Miền vô thường cõi vô vi
Lặng yên tượng kể ta nghe chuyện đời
 Đến cổ thụ cũng rong chơi
Nữa là chó đá nằm nơi góc làng

Rằm trăng mơn mởn em sang
Trách cọng rơm vàng làm áo em đau
 Áo em đêm ấy có nhầu
Anh lấy một mầu anh vẽ đền cho

Màu Kinh Bắc sắc Đông Hồ
sMùa đang quan họ mắt thờ thẫn mưa

     (Hồn hoa - Nguyễn Việt Chiến)

Chơi với nhau khá thân thiết tuy ít khi được gần gũi như cách đây hơn hai chục năm khi nhà thơ Bế Kiến Quốc còn sống, nhưng hội họa của Thành Chương và thơ của tôi gần như có một sự đồng cảm và tri âm trong sáng tạo nghệ thuật. Một người bạn văn nói vui, khi Thành Chương "lên đồng" về hội họa thì có thời điểm tôi cũng "lên đồng thơ" về tranh của Thành Chương.

Không hiểu nhận xét này có đúng hay không nhưng trong 8 tập thơ tôi đã in trong hơn hai mươi năm qua, thơ viết về Thành Chương có tới hơn chục bài. Tôi nghĩ đấy cũng là cái duyên thi-họa khi chúng tôi là bạn của nhau.

Nguyễn Việt Chiến
.
.