Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái: Những cung bậc của “chiến tranh và hòa bình”

Thứ Sáu, 17/05/2019, 14:52
Mặc dù bị tai biến, sức khỏe chưa hồi phục hẳn nhưng gia đình và bạn hữu của họa sĩ, Đại tá Công an Nguyễn Quốc Thái vẫn quyết tâm làm cho ông một triển lãm. Một triển lãm mang ý nghĩa quan trọng, gắn với cuộc đời của người họa sĩ Hải Phòng từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc và đã có những cống hiến từ chiến tranh đến hòa bình.


Triển lãm được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam vừa qua với tên gọi "Chiến tranh và Hòa bình".

"Chiến tranh và Hòa bình" mang đến cho khán giả 90 tác phẩm hội họa đặc sắc suốt một đời làm nghệ thuật của họa sĩ, Đại tá Công an Nguyễn Quốc Thái. Kèm theo tác phẩm trưng bày trong triển lãm, người xem sẽ được cầm trên tay cuốn sách cùng tên "Chiến tranh và Hòa bình" với  khoảng 150 ký họa, tem, tranh, minh họa, bìa sách của Quốc Thái sáng tác từ 1966 đến 2017, trước khi sức khỏe không cho phép ông tận hiến cho hội họa.

Có thể nói, đây là sự kiện được coi gần như là hoạt động tổng kết toàn bộ cuộc đời và sáng tác của họa sĩ đất Cảng Nguyễn Quốc Thái sau các lần triển lãm cá nhân có tính khu biệt trước đó của ông.

Với đủ các chất liệu như chì than, bột màu, màu nước, tranh lụa, sơn dầu, các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái không giới hạn đề tài (chiến tranh - hòa bình, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…). Các tác phẩm ấy, dù đơn sắc hay đa sắc cũng đều thể hiện rõ nét tâm hồn ông với tình yêu đất nước và lòng nhân hậu, niềm trắc ẩn khi đứng trước hiện thực đời sống.

Mảnh đất Cảng Hải Phòng qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hiện lên qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái như một cuốn nhật ký bằng tranh vừa mới xảy ra: Tội ác của giặc Mỹ ở khu Thượng Lý - Hải Phòng đêm 15-4-1972; Bến phà Bính sau khi giặc Mỹ bắn phá ngày 16-4-1972; Phố Tôn Đản bị bom Mỹ trưa ngày 27-12-1972… Ở đó chiến tranh hiện lên những gam nâu, trắng, đen với tường nhà đổ nát, cầu gẫy, phà đứt, cây trụi bất kể đêm, ngày, bất kể khu vực (phố, chợ, nhà máy,…) nhưng cũng đồng thời tư thế: Sẵn sàng chiến đấu, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu của những con người vùng cửa biển.

Tinh thần quyết liệt, sẵn sàng của Hải Phòng năm 1972 là sự tiếp tục hào khí trước đó của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp nhằm bảo vệ độc lập dân tộc và được duy trì trong cả thời bình lao động sản xuất, xây dựng đất nước. Người xem có thể thấy đầy đủ trạng thái của một vùng đất qua thời gian, qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, của những cung bậc cuộc chiến tranh ác liệt thông qua những tác phẩm mà họa sĩ Nguyễn Quốc Thái ghi lại: phá hủy - hồi sinh, trắng đen - rực rỡ, xáo động - êm đềm, nghiêm trang - phóng khoáng,… đã cất trữ trong mình sinh lực sống dồi dào, khỏe khoắn.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa năm 1982, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông công tác tại Công an TP Hải Phòng. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã trình làng 3 triển lãm cá nhân tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Tranh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông đoạt giải Nhì bộ tem quân đội năm 1972; Giải Nhì bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976; Giải Nhất tranh cổ động năm 1976; Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giải thưởng Hoa Phượng Đỏ các năm 1990, 1991, 1992, 1994, 1995; Giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2016. Trong nhiều giải thưởng ấy, có lẽ giải thưởng đáng chú ý nhất là giải thưởng trong cuộc thi vẽ bìa cho hoạ báo Ba Lan (năm 1973), nơi luôn có những trào lưu tiên tiến nhất về hội hoạ trên thế giới.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái từng công tác lại Phòng Công tác Chính trị Công an TP Hải Phòng, có thời gian biên chế ở Phòng Cảnh sát giao thông, chuyên vẽ tranh về chủ đề an toàn giao thông, rồi chuyển về Bảo tàng, trình bày Bảo tàng, và từng làm việc tại Báo An ninh Hải Phòng, phụ trách mảng mỹ thuật cho đến lúc nghỉ hưu. Ông cũng là họa sỹ chuyên minh họa cho Báo Cửa Biển. Cho đến nay, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái đã có mấy chục năm hoạt động tích cực và cống hiến hết mình cho nền Mỹ thuật Hải Phòng.

Bức tranh về nữ xạ thủ Hải Phòng được họa sĩ Quốc Thái sáng tác năm 1972.

Là một cán bộ Công an hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái không chỉ là  một công chức mẫn cán. Ông dành nhiều đam mê và tài năng của mình cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Ông tỉ mỉ cẩn trọng với nghệ thuật. Tên tuổi của ông vượt ra ngoài địa phương để hòa mình vào bầu trời nghệ thuật của cả nước.

Những năm tháng chiến tranh, người chiến sĩ Công an Nguyễn Quốc Thái sau giờ làm việc thường tự mình cầm bảng giấy bút đi vẽ ký họa tại các con phố, những cây cầu... bị bom mỹ đánh phá để ghi lại những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử. Đến những năm sau chiến tranh, ông vẫn thường đi lang thang 1 mình vẽ ký họa ở phố Tam Bạc, phố cổ, quán hoa, biển... Người Hải Phòng quen với hình ảnh rất đỗi thân thiết của ông, một họa sĩ, một Đại tá Công an đam mê và tận hiến. 

Gần 60 năm cống hiến, ông đã để lại cho đời trên 1.000 tác phẩm đủ các chất liệu phong phú như lụa, bột màu, sơn dầu, acrylic, màu nước, chì than, sáp. Trong một bài viết về họa sĩ Nguyễn Quốc Thái trên tạp chí Tia sáng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã dành cho ông những dòng này: "Người Công an suốt đời chỉ cầm bút vẽ ấy đã đến lúc nghỉ ngơi.

Những bức tranh của ông "như mọi hoạ sĩ thuộc thế hệ trong kháng chiến chống Mỹ, trung thành với bút pháp tả thực, bút pháp mà ông học được trong trường mỹ thuật, bút pháp để ghi nhận thực tế như nó có. Ông vẽ phong cảnh, chân dung, tĩnh vật một cách chân tình, điềm đạm, bức tranh thường bình lặng tới mức, như là không phải sinh ra trong khói lửa đạn bom" (Phan Cẩm Thượng). Xưởng vẽ chật hẹp của ông đặt trên gác 2 một ngôi nhà nhỏ trong một ngách phố Văn Cao.

Tranh quây quanh bốn bức tường. Tranh chất trên gác lửng. Phác thảo, ký hoạ. Sơn nước (acrylics), Sơn dầu. Đó là những bữa tiệc của màu sắc". Họa sĩ lê Thiết Cương người giám tuyển cho triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thái chia sẻ:  "Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng khi xem lại những bức ký họa của Quốc Thái, người xem vẫn thấy đầy ắp không khí của chiến tranh, của hy sinh, của máu, nước mắt….".

Bộ tem đoạt giải của họa sĩ Quốc Thái.

Họa sĩ Đặng Tiến cũng đã nhận xét: "Quốc Thái có cá tính ào ạt, nhiều cảm xúc, và đam mê nghề nghiệp cháy bỏng. Ở mảnh đất "tấp nập áo thợ ngày đêm" này, số ít những con người dám dấn thân vào cuộc trường chinh đầy cam go đi tìm cái đẹp như ông thật đáng quý, đáng trân trọng".

Họa sĩ Quốc Thái có con trai và con dâu nối nghiệp bố là họa sĩ Quốc Thắng và họa sĩ Bình Nhi. Điều khiến ông hạnh phúc nhất cho đến lúc này chính là các con ông đã thay ông nuôi giữ ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật. Họ là những người nghệ sĩ đang âm thầm trên con đường sáng tạo. Cũng như ông, họ tiếp tục ghi lại và lưu giữ những vẻ đẹp của thế gian...

"Chiến tranh và Hòa bình là hai chủ đề xuyên suốt bản sonate cuộc đời làm nghệ thuật của họa sĩ Quốc Thái. Tại sao không phải bất kể một đề tài nào khác mà lại là chiến tranh. Không ai chọn được thời điểm sinh ra, không ai chọn được nơi sinh. "Người ta  không thể chọn để được sinh ra / Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy" (thơ Thanh Thảo). Không ai chọn chiến tranh cả.

Quốc Thái sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, ông sinh năm 1943 ở Thái Bình, quê gốc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông bắt đầu cầm bút vẽ  những bức tranh đầu tiên cũng là trong chiến tranh. Khoảng 10 năm đầu trong con đường hội họa của ông, khoảng từ 1965-1975. 10 năm đầu xanh tươi trẻ ấy nằm trọn trong một giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Như mọi người đều biết, từ năm 1966, số lượng lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã gần 300.000. Hải quân và không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đặc biệt là dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…

Chính vì vậy mà tháng 7.1966, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…". Điểm qua mấy nét chính của giai đoạn ấy để thấy Quốc Thái chọn đề tài chiến tranh hoặc đề tài ấy chọn Quốc Thái không hẳn là chọn lựa mà chính là số phận, là sự sắp đặt của hoàn cảnh, của lịch sử" (Lê Thiết Cương).

Khánh Thy
.
.