Hậu vận buồn của nữ ca sỹ lừng danh một thời

Thứ Hai, 16/07/2018, 08:36
Mặc dù tôi từng nghe láng máng rằng Khánh Vân - con chim sơn ca quá nổi tiếng sau khi hát bài ca trên của nhạc sỹ Văn Ký đã sớm kết thúc cuộc đời ca hát vì bị bệnh tâm thần, nhưng không hình dung đến mức như tôi chứng kiến hôm đó. Và tôi triền miên, chìm đắm vào ký ức đã lùi xa…


Tôi nhớ mãi một lần vào TP Hồ Chí Minh công tác, hình như cuối những năm 80 gì đó của thế kỷ trước, đang đi trên đường cùng một người bạn cũng là dân văn nghệ sống ở thành phố này, bỗng tôi nhìn thấy một người đàn bà đã đứng tuổi, trông rất tiều tụy đi lang thang, tóc rũ rượi, vừa đi vừa hát nghêu ngao. Rõ là một người thần kinh không bình thường, chính xác là bị tâm thần.

Người bạn hỏi tôi: "Anh có biết ai đó không?". Tôi chú ý đến câu hỏi. Bà ta hát chẳng rõ bài nào vì là một người tâm thần hát, nhưng có giọng, chứ không khàn khàn hoặc như "ống bơ gỉ".

Tôi chưa trả lời được thì người bạn nói: "Khánh Vân đấy. Anh là nhạc sỹ chắc phải biết chị ấy. Người đầu tiên hát "Bài ca hy vọng" làm say đắm hàng triệu trái tim một thời đó". Tôi bất giác kêu lên: "Trời ơi! Chị ấy giờ như thế này sao?".

Mặc dù tôi từng nghe láng máng rằng Khánh Vân - con chim sơn ca quá nổi tiếng sau khi hát bài ca trên của nhạc sỹ Văn Ký đã sớm kết thúc cuộc đời ca hát vì bị bệnh tâm thần, nhưng không hình dung đến mức như tôi chứng kiến hôm đó. Và tôi triền miên, chìm đắm vào ký ức đã lùi xa…

Những năm 1958-1959, tôi là một cậu bé rất mê âm nhạc, hay hát và hát cũng hay nên bất cứ bài hát nào vừa xuất hiện mà thấy hay là tìm học bằng được. Nhưng lại thích hát bài dành cho người lớn hơn là ca khúc thiếu nhi.

Ca sĩ Khánh Vân thời trẻ.

Khi đó, "Bài ca hy vọng" xuất hiện như một hiện tượng âm nhạc đặc biệt. Thể hiện bài này là một giọng nữ cao vút, rất trong sáng, giọng lảnh lót, vang như chuông, hát rất truyền cảm, có hồn. Có cảm giác người hát đã hát bằng tất cả trái tim cháy bỏng, tha thiết nhất của mình: "Từng đôi chim bay đi/ Tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến/ gió mùa xuân…".

Sau đó, tôi được biết ca sỹ đó là Khánh Vân - một người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc sau năm 1954, công tác ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Bài này về sau được thu vào đĩa (loại đĩa than to có hai tốc độ 33 và 45 chứ không phải đĩa compak như bây giờ). Tại tất cả các rạp chiếu bóng và biểu diễn sân khấu ngày đó, trước khi tắt đèn để bắt đầu mở màn, bao giờ những đĩa này cũng được mở.

Bài hát càng có dịp lan truyền khắp nơi và nổi tiếng đến mức nhanh chóng bay vào tận miền Nam, khiến các nữ tù nhân cách mạng trong ngục cũng thuộc và luôn hát để động viên nhau giữ vững ý chí, chiến thắng kẻ thù, trong đó có đồng chí Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước.

Tuy bài hát có giá trị tự thân nhưng không thể không nhắc đến tài năng của Khánh Vân. Nếu không phải chị hát lần đầu tiên, hẳn là bài hát khó có được đời sống rực rỡ như thế. Chính nhạc sỹ Văn Ký cũng phải công nhận điều này. Sau này, hầu như ca sỹ chuyên nghiệp nào muốn phát triển sự nghiệp cũng đều tìm đến "Bài ca hy vọng".

Tôi đã nghe nhiều ca sỹ nổi tiếng hát cũng hay nhưng nghe lại giọng Khánh Vân vẫn thấy rất đặc biệt, không thể có ở các ca sỹ khác. Đó là sự hồn nhiên, không chút màu mè, không vận dụng kỹ thuật thanh nhạc, rất rực lửa, cuốn người nghe vào nội dung tác phẩm, đồng cảm với cảm xúc của tác giả. Điều này ít thấy có ở những ca sỹ sau này, nhất là lớp trẻ ra đời sau năm 1975.

Có điều đặc biệt là sau bài này, tôi không thấy Khánh Vân đem đến công chúng một siêu phẩm nào tương tự như vậy nữa. Chính xác hơn là có thể chị cũng thu thanh thêm những bài khác, nhưng do tác phẩm không có gì đặc biệt mà không khiến công chúng lưu tâm. Người ta có cảm giác như sự nghiệp ca hát của chị sớm dừng bước so với các nữ ca sỹ khác cùng trang lứa.

Nhưng sự thật thì không phải đến lúc đó người ta mới biết đến Khánh Vân. Hồi còn sống ở Sài Gòn, chưa tham gia kháng chiến chống Pháp, chị từng hát bài "Tiếng còi trong sương đêm" của nhạc sỹ Hoàng Việt được nhiều người ưa thích.

Đến khi bước vào cuộc kháng chiến, chị càng được bà con Nam Bộ biết đến. Chị có tên thật là Trần Thị Nhu, theo cha vào Sài Gòn sinh sống, có giọng hát hay ngay từ khi còn nhỏ nên đến năm 15 tuổi đã nổi tiếng ở thành phố được coi là "hòn ngọc của Viễn Đông" này. Chị sớm tham gia phong trào yêu nước, đến năm 1946 khi mới 17 tuổi đã bị giặc Pháp bắt, tống giam vào Khám lớn, tại trại 14 dành cho nữ tù nhân. Khi chị xuất hiện, ai cũng cảm phục người con gái còn trẻ măng, có gương mặt rất hiền hậu đã sớm dâng hiến tuổi xuân cho cách mạng, bị tù đầy.

Chị nhận được sự đùm bọc, yêu thương của các nữ tù nhân khác đáng tuổi chị, tuổi mẹ mình. Trong tù, cô gái có giọng hát như chim sơn ca luôn rất yêu đời thường xuyên hát cho mọi người nghe mỗi khi họ yêu cầu. Cô cũng dạy mọi người nhiều bài. Có Khánh Vân, họ được an ủi nhiều và quên đi những ngày tháng cam go trong tù. Năm 1948, chị được trả tự do.

Ra tù, chị lại cùng với ca sỹ Quốc Hương đi hát phục vụ bà con ở khắp vùng Nam Bộ. Hồi đó, chị hay hát những bài như "Lá xanh", "Nhạc rừng", "Lên ngàn" của Hoàng Việt. Đi đến đâu, hai ca sỹ cũng được nhân dân và bộ đội rất yêu quý.

Mùa hè năm 1949, Khánh Vân vào làm việc trong Ban Ca nhạc Đài phát thanh Tiếng nói nhân dân Nam Bộ. Với giọng hát trời phú, chị đã hát tất cả các loại bài hát từ trữ tình đến vui nhộn, từ đơn ca đến tốp ca, lĩnh xướng… miễn sao phục vụ được nhân dân. Lúc này chị đã rất nổi tiếng ở Nam Bộ. Nhưng chị sống giản dị, vui vẻ, hòa đồng, sống hết mình vì công việc và đồng đội.

Ngoài việc tập luyện ca hát, thu thanh hoặc đi biểu diễn, chị đã tranh thủ thời gian lặn lội đi hái rau rừng và măng để giúp cải thiện bữa ăn cho mọi người giữa bưng biền Không ít lần, máy may địch đến ném bom ở chiến khu. Mọi người phải xuống hầm trú ẩn. Khánh Vân luôn mang theo văn bản các bài hát xuống hầm tranh thủ ôn, tập ở trong hầm.

Trong mọi hoàn cảnh gian khổ, có lúc tưởng cận kề cái chết nhưng chị luôn vui tươi, rất hay cười khiến đồng đội thấy ấm lòng. Một đồng chí lãnh đạo đã nói với anh em: "Ở đâu mà có Khánh Vân thì ở đó không cần phải có chính trị viên bởi cô ấy còn làm tốt hơn nhiều".

Quả là vị lãnh đạo nào đó đã rất hiểu sứ mạng cao cả của nghệ thuật, tác dụng lớn lao của văn nghệ. Chỉ bằng lời ca, tiếng hát và lối sống, Khánh Vân đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần mọi người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong kháng chiến một cách rất hiệu quả. Hồi còn sống, Quốc Hương - một nghệ sỹ lớn - đã có lần nói về Khánh Vân đại ý: Chính ông cũng được động viên bằng cách sống rất lạc quan, yêu đời của cô ca sỹ nhỏ nhắn, yếu đuối, là lứa đàn em của mình.

Sau ngày lập lại hòa bình trên miền Bắc (1954), Khánh Vân biên chế trong Đoàn Văn công Nam Bộ tập kết ra Bắc, sau đó vào làm việc ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Chị lại sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, đi biểu diễn ở bất cứ đâu theo yêu cầu, thường xuyên cùng đoàn đến hát ở bờ sông Bến Hải, đầu bên này cầu Hiền Lương (Ngày đó chưa thống nhất đất nước, sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam, Bắc. Ta thường tổ chức cho văn công hát ở bên này vọng sang bờ bên kia để bà con nghe).

Một trong những bài chị thường hát dịp này là "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của Hoàng Hiệp. Về bài hát này, có lần chị được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác Hồ và một số đồng chí lãnh đạo khác nghe. Thấy chị nói giọng miền Nam, sau khi nghe chị hát, Bác nói: "Cháu phải tìm cách làm sao để hát được cho thật nhiều bà con miền Nam nghe bài này".

Trở lại cái lần tôi mục sở thị Khánh Vân đi lang thang ở Sài Gòn bữa ấy. Sau đó, người bạn của tôi kể rằng nữ nghệ sỹ tài danh có cuộc đời không may mắn. Chị có nỗi buồn không thể khỏa lấp trong chuyện riêng tư mới dẫn đến mắc bệnh tâm thần phải vào điều trị dài ngày trong bệnh viện.

Ra viện, chị vào nhà dưỡng lão vì không có người thân, ruột thịt. Cả đời chị sống cô đơn, chỉ biết tìm niềm vui trong ca hát. Nhưng vì đổ bệnh nên chị phải sớm dừng sự nghiệp. Chị qua đời năm 1993, hưởng thọ 64 tuổi.

Cuộc đời hoạt động và ca hát của Khánh Vân quả là đáng trân trọng.

Nguyễn Đình San
.
.