Từ “Bài ca hy vọng” đến “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”

Thứ Ba, 29/11/2005, 15:29

Với những tác phẩm “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”, v.v… đủ để nhạc sĩ Văn Ký ngồi vào “mâm” cùng với những tên tuổi danh giá nhất trong làng nhạc Việt Nam.

Một “ông già” vừa qua tuổi 77 (sinh ngày 1/8/1928) luôn vào Nam, ra Bắc, có mặt ở nhiều địa phương, thi thoảng ra nước ngoài, khi thì sáng tác, lúc nói chuyện, giao lưu, cũng có khi chỉ đi chơi, thăm thú. Ông chỉ đi một mình, chẳng cần phải có người nhà đi cùng để trợ giúp việc gì. Sở dĩ tôi phải cho cái từ “ông già” vào ngoặc kép vì tuy về tuổi tác, ông đã lên lão từ lâu nhưng nếu nhìn chẳng ai nghĩ ông đã ngót nghét 80 mà chỉ có cảm giác ông vừa nghỉ hưu được vài năm - nghĩa là mới chỉ ngoài 60 chút xíu.

Ông là nhạc sĩ Văn Ký, tác giả của những bài hát nổi tiếng đã đi vào lịch sử và đọng lại lâu bền trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng Việt Nam: “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”, v.v…

Hãy nói đến một “Bài ca hy vọng” của Văn Ký. Khi nào bạn buồn phiền trong lòng thấy u uất, thất vọng điều gì hãy nghe bài hát này, nhất là nếu biết hát, bạn hãy cất giọng hát trọn vẹn cả bài, để hết cảm xúc mà hát, không cần hay, chỉ cần hết mình, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản hơn, vơi đi rất nhiều nỗi niềm nặng nề: “Về tương lai! Đàn chim ơi! Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương. Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan!”.

Bài hát này ra đời trong một bối cảnh cụ thể: Năm 1958, 1959 đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều thử thách: do quân thù lật lọng, tráo trở mà việc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước không diễn ra được đúng như nội dung đã ký kết trong Hiệp định Giơnevơ. Sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm cho ra đời luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi đàn áp cách mạng, trả thù những người kháng chiến cũ. Trên thế giới thì phong trào Cộng sản quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn, phe XHCN ở Đông Âu có những bất đồng.

Một số phần tử phản động trong nước xuyên tạc cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Một tâm lý nhớ xuất hiện trong nhiều cán bộ, đảng viên - nhất là những người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày đêm họ thương nhớ quê hương nhưng không biết bao giờ mới được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Trong bối cảnh đó, Văn Ký đã viết nên “Bài ca hy vọng”. Bằng cách nhìn của một nghệ sĩ cách mạng, tràn ngập niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân, với bộ óc tư duy biện chứng, nhạc sĩ đã vô cùng hy vọng để viết nên những lời ca gan ruột: “Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời…”.

Ngay sau khi bài hát ra đời, phong trào đồng khởi ở Bến Tre đẩy cách mạng miền Nam đến một bước mới, dẫn đến việc ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đưa cách mạng liên tục phát triển… Không phải ngẫu nhiên mà những chiến sĩ cách mạng ở trong các nhà tù của Mỹ - Diệm khi ấy rất thích hát “Bài ca hy vọng”, coi bài hát như một cứu cánh tâm hồn mình. Bài hát đã vươn lên một tầm khái quát rộng lớn. Hy vọng luôn làm cho con người ta vững vàng, lớn lao hơn, vượt qua được mọi cam go, nguy khốn trong cuộc sống.

Nếu được quyền lựa chọn, tôi sẽ xếp “Bài ca hy vọng” là một trong mười bài hát hay, có giá trị nhất của nền ca khúc Việt Nam. Cũng như vậy, tôi cho rằng viết về đề tài sư phạm, thầy giáo và nhà trường, một trong những bài hát hay nhất là “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của Văn Ký. Ca khúc này không theo chiều hướng ca ngợi công đức những người “kỹ sư tâm hồn” một cách chung chung, mà thông qua một con người cụ thể, có thật ngoài đời để nói đến nghề nghiệp cao quý với tấm lòng nhân ái, chủ nghĩa nhân văn cao cả.

Về bài hát này, Văn Ký kể: “Đó là khoảng năm 1966, khi miền Bắc nước ta đang diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt do đế quốc Mỹ gây ra. Nhà nước ta tiến hành tổ chức Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3. Trước đại hội, Phủ Thủ tướng có tổ chức mời một số người sáng tác thuộc nhiều loại hình văn nghệ (nhạc, kịch, văn, thơ...) để giới thiệu về các anh hùng, chiến sĩ thi đua sẽ được tuyên dương trong đại hội. Tôi vinh dự được mời.--PageBreak--

Chúng tôi lần lượt nghe báo cáo về tất cả các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực lao động sản xuất và chiến đấu sẽ được phong các danh hiệu anh hùng hoặc chiến sĩ thi đua trong đại hội. Tôi đặc biệt chú ý đến một người tuy chỉ là chiến sĩ thi đua nhưng đã gây cho tôi ấn tượng đặc biệt và khiến tôi rất xúc động. Đó là cô gái trẻ dân tộc Tày tên là Tô Thị Rỉnh đã tình nguyện rời nơi mình đang sống để lên vùng núi cao dạy học cho trẻ em dân tộc Mông. Cô mới chỉ 20, 21 tuổi nhưng công việc của cô đã có rất nhiều trở ngại, khó khăn, nhiều nơi cô đến người ta không hề muốn cho con em đi học bởi những suy nghĩ mê tín, lạc hậu. Cô Rỉnh đã phải mất rất nhiều công sức vận động, thuyết phục bà con, đồng thời phải cùng họ đóng bàn ghế, dựng lớp học.

Để hấp dẫn, thu hút đám trẻ đến lớp, cô đã mang theo chiếc đàn tính - là loại đàn người Tày rất thích chơi - đánh cho chúng nghe. Rồi sau các buổi học, cô còn tắm giặt cho các em nhỏ. Đêm đêm, bên ngọn đèn khuya cô lại vá áo quần cho chúng. Cô đã như một người mẹ, người chị ruột của đám học trò nhỏ. Từ chỗ lúc đầu người dân Mông hờ hững với cô họ đã trở lên gắn bó, không muốn cô rời xa họ, đúng như lời ca: “Cô giáo Tày đừng về, ta giận đấy. Mái trường đây, người với rẫy nương cao luôn đợi chờ...”.

“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” đã ra đời như thế. Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng, không ai trong ngành giáo dục không ưa thích. Rất nhiều cô gái vùng xuôi do thích bài hát nên yêu nghề dạy học, thi vào ngành sư phạm và tình nguyện lên làm cô giáo ở các vùng cao. Bài hát đã đánh trúng vào sự mơ mộng, lãng mạn của những cô gái trẻ giầu mơ ước, luôn “sống ở thủ đô mà dạ ở ngàn phương, nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn”.

Ca khúc của Văn Ký luôn quyến rũ về giai điệu và sâu sắc về tư tưởng. Viết về đề tài gì, ngoài việc tạo dựng được những hình tượng âm nhạc giàu tính thuyết phục, ông luôn chú trọng đẩy nội dung lên tầm khái quát. Ngôn ngữ của ông vừa dân tộc, vừa hiện đại. Không dựa hẳn vào một làn điệu dân ca cụ thể nào - ngoại trừ bài “Tây Nguyên bất khuất” - nhưng những bài ca của ông luôn có dáng dấp đậm đà của âm nhạc dân tộc mà “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”… là một ví dụ tiêu biểu

Nguyễn Đình San
.
.