Hai họa sĩ “già” tìm mình trên tranh lụa

Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:57
Hai người đó là họa sĩ Hoàng Định và họa sĩ Bùi Việt Dũng. "Đồng bệnh tương lân" nên hai ông già "gàn" này đã rong ruổi với nhau trong nhiều cuộc vui nghệ thuật. Mới đây họ cũng đã từng rủ nhau chơi với "Giấy" trong triển lãm "Cảm âm" và nay họ lại phiêu du với "Lụa".


Những năm gần đây, tranh lụa đã bớt đi công chúng, bớt đi người vẽ - bởi nhiều lý do, khách quan cũng có, và chủ quan cũng nhiều. Cứ tưởng như chả còn mấy người sáng tác mặn mà với chất liệu lụa cổ điển, cầu kì, kĩ càng, vậy mà vẫn có hai họa sĩ tuổi cũng đã lên "ông" đang  lụi cụi chuẩn bị cho một cuộc chơi tranh lụa có tên là "Tháng Tám". Gọi là chơi, bởi các tác giả đó sẽ trưng bày những tác phẩm tranh lụa cỡ lớn - có thể nói hiếm khi thấy ở các triển lãm tại Việt Nam.

Hai người đó là họa sĩ Hoàng Định và họa sĩ Bùi Việt Dũng. "Đồng bệnh tương lân" nên hai ông già "gàn" này đã rong ruổi với nhau trong nhiều cuộc vui nghệ thuật. Mới đây họ cũng đã từng rủ nhau chơi với "Giấy" trong triển lãm "Cảm âm" và nay họ lại phiêu du với "Lụa".

Họa sĩ Hoàng Định sinh năm 1953 tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Ông nổi tiếng bởi những thiết kế ứng dụng trong đời sống và đã từng triển lãm nhiều lần ở trong nước và ngoài nước. Năm 2018, ông cùng họa sỹ Hà Lan Somsak Chaituch bầy triển lãm chung có tên  "Vũ điệu sắc màu" - một triển lãm khá thành công về nhiều mặt và được đông đảo khán giả trong và ngoài nước theo dõi. Sơn dầu là chất liệu yêu thích của Hoàng Định, tranh sơn dầu của ông chứa đầy tinh thần lạc quan và đầy ngẫu hứng. Ông sở hữu một phong cách pha trộn ảnh hưởng của trường phái ấn tượng và biểu hiện.

Họa sĩ Bùi Việt Dũng.

Là người thích tìm tòi, lần này với tính chất đặc trưng của chất liệu lụa, Hoàng Định đã khéo léo giấu đi sự mạch lạc vốn thường thấy trong tranh sơn dầu của ông vào một  không gian  tổng hoà. Khi vẽ  lụa,  Hoàng Định đã đưa cảm xúc của mình lan tỏa cùng cảm xúc của màu sắc. Ông thường sử dụng các nét vẽ ngẫu hứng, linh hoạt để bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ.

Những tín hiệu màu sắc chồng lấn gợi tả, những không gian ước định trong thiên nhiên và chính nó tạo nên sự cuốn hút đối với các tác phẩm lụa của ông. Sử dụng kỹ thuật lụa cổ điển như vẽ ướt, vừa vẽ vừa rửa, họa sĩ Hoàng Định dường  như vẫn muốn người xem sẽ cảm nhận được sự pha trộn của Á Đông với ngôn ngữ tạo hình hiện đại trong các tác phẩm lụa của mình.

Tranh Lụa của Hoàng Định thuyết phục người xem bằng  sự biến dị, chuyển tiếp của phong cách trừu tượng biểu hiệu trong tranh của người hoạ sĩ, để người xem tự tìm ra những cảm thức riêng để đến với các tác phẩm lụa lần này của ông. 

Còn với Họa sĩ Bùi Việt Dũng  sinh năm 1957, tốt nghiệp Cao  đẳng Mỹ thuật Huế thì lụa là mối duyên thầm kín mà mãnh liệt. Ông vừa là họa sỹ thiết kế Tạp chí Kiến Trúc  Việt Nam (Bộ Xây dựng) vừa là giảnh viên tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Với nghệ thuật, họa sĩ Bùi Việt Dũng cũng là người mạnh mẽ, có cách nhìn táo bạo và dứt khoát trong sáng tạo. Ông rất thích rong ruổi thưởng lãm nghệ thuật, nhưng ông lại dành sự yêu thích của mình cho tranh in và thể loại sáng tác độc bản - một thể loại nghệ thuật có nguyên tắc kĩ thuật chuẩn mực. Họa sĩ Bùi Việt Dũng cũng theo đuổi trường phái trừu tượng biểu hiện. Tranh  của ông có bút pháp khoáng đạt, màu sắc giản dị, mang tính ngẫu hứng đầy triết lý phương Đông.

Cái chung của các tác phẩm lụa lần này của cả hai họa sĩ, đó là: Khi thể hiện màu, họ không can hình lên lụa rồi tô mầu theo hình đã can mà đều đặt bút vẽ thẳng lên lụa để cảm xúc được tuôn trào tự nhiên qua nét bút. Vẻ đẹp của tác phẩm tùy theo cách sử dụng ngọn bút của tác giả, của sự hòa quyện giữa màu, nét, bố cục, mảng màu trên sự mềm mại của chất liệu lụa.

Họa sĩ Bùi Việt Dũng vẫn áp dụng cách vẽ lụa truyền thống, một cách vẽ yêu cầu họa sĩ phải kiên nhẫn -  màu được pha loãng, sau đó nhuộm từng lớp, lớp màu nọ chồng lên lớp màu kia sao cho màu ngấm, thẩm thấu kỹ vào từng thớ lụa.

Ngoài ra ông áp dụng cả kỹ thuật vẽ khô vì thế tranh lụa của ông có chiều sâu huyền ảo, thâm trầm. Không gian trong tranh lụa phần nhiều được tạo nên từ các mảng lụa trống. Điểm sáng tạo này chúng ta thấy nhiều ở các bố cục của nghệ thuật truyền thống Việt Nam như trong tranh dân gian, tranh thờ… Các họa sĩ  hiện đại Việt Nam đã học tập và phát triển cách xử lý không gian đó khi muốn tập trung vào chủ đề trong tác phẩm của mình.

Họa sĩ Hoàng Định.

Trong tranh lụa phong cảnh của Bùi Việt Dũng, họa sĩ không dùng phối cảnh mà dùng các mảng trống nền lụa là một đặc thù và làm nên nét độc đáo riêng biệt trong tranh lụa của ông. Người thưởng thức thấy rất rõ vai trò của các mảng trống trong tranh lụa của Bùi Việt Dũng là làm tôn ý chính của toàn bộ bức tranh, tạo nên nhịp điệu cho bố cục. Sáng tạo không dừng lại ở việc chọn đề tài thể hiện mà còn phụ thuộc vào việc chọn thủ pháp hữu hiệu nhất để mang tới khả năng biểu đạt có hiệu quả nhất.

Triển lãm "Tháng Tám" này là triển lãm mang dấu ấn của những cảm xúc của thời gian - Họa sĩ Bùi Việt Dũng đã chia sẻ như vậy.

Những dấu ấn thời gian ấy có lẽ nó đọng lại trên từng tác phẩm tranh lụa của 2 họa sĩ Hoàng Định và họa sĩ Bùi Việt Dũng trong triển lãm này. Cả 2 họa sĩ, họ đã sống và làm việc bằng thời gian của mỗi cá nhân họ có. Họ sáng tạo và yêu thương bằng thời gian của chính họ, nhưng các tác phẩm của họ chắc chắn sẽ đồng hành cùng công chúng.

Cũng qua triển lãm này, những người yêu nghệ thuật tranh lụa Việt Nam sẽ củng cố thêm niềm hy vọng rằng tranh lụa Việt Nam sẽ sớm tìm về thời hoàng kim của nó và khẳng định niềm tự hào của hội họa Việt Nam, của chính họ…

Năm 1925, khi người Pháp mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các giáo sư người Pháp của trường đã giới thiệu và khuyến khích sinh viên sử dụng hai chất liệu là sơn mài, lụa để sáng tạo, thì khi đó nghệ thuật tranh lụa Việt Nam mới thực sự hình thành.

Những học viên đầu tiên của trường - những người sau này đều trở thành những họa sĩ tài danh như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị… đều có các tác phẩm tranh lụa xuất sắc.

Các thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, cũng nhiều người đã chọn lụa làm chất liệu sáng tác và nhiều người đã thành công như các họa sĩ Nguyễn Thụ, Mai Long, Vũ giáng Hương, Vũ Trung Lương, Linh Chi, Kim Bạch, Mộng Bích… Tranh lụa Việt Nam ra đời muộn nhưng phải khẳng định tranh lụa Việt Nam rất có bản sắc.

Kỹ thuật vẽ cũng như tạo hình, sử dụng màu sắc khác hẳn với những quốc gia cũng có tranh lụa trên thế giới. Tranh lụa Việt Nam giàu chất trang trí ước lệ hơn tả thực. Nét nổi bật nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một mảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc độ, nền vải mịn được nhuộm màu có độ trong trẻo.

Lứa họa sĩ trẻ đương đại chuyên vẽ lụa hiện nay cũng không nhiều, như Lê Thúy, Vũ Đình Tuấn, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Châu Giang, Nguyễn Thu Hương… trên con đường mòn đã trăm năm, họ cũng đã tìm ra những hướng đi mới cho tranh lụa khiến cho thể loại này đã có những khởi sắc, sau cả chục năm im tiếng…
Tô Chiêm
.
.