Gió sầu vô hạn nuối trong cây

Thứ Hai, 30/07/2018, 08:43
Hàn Mạc Tử là một trong những thi sĩ mở đầu cho phong trào Thơ Mới, cũng là người thành lập “Trường thơ loạn”, một chất thơ điên đến tận cùng của sự điên, say đến tận cùng của sự say. Chẳng phải ngẫu nhiên điên, và ngẫu nhiên say bởi cuộc đời nhà thơ là chuỗi ngày bi thương của bệnh tật giày vò, thứ bệnh  phải cách li xã hội để sống đời biệt lập.


Quãng đời trai trẻ với những mối tình điên dại vô vọng, yêu trong tâm tưởng ấy, cộng với sự tài hoa thi sĩ ngây dại khác thường đã bật lên những vần thơ đặc sắc. Và, cũng chỉ có duy nhất chàng thi sĩ vắn số Hàn Mạc Tử mới viết như vậy: “Ta trút linh hồn giữa lúc đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây/ Còn em sao chẳng hay gì cả/ Xin để tang anh đến vạn ngày”. Bút tích thơ trên đang treo trong căn phòng nhỏ nơi ông sống những ngày cuối đời tại Trại Phong Quy Hoà, tỉnh Bình Định.

Đó là một căn phòng nhỏ rộng chừng 25m vuông nằm ngay đầu hồi dãy nhà một tầng sơn màu vàng nhạt, bên ngoài có dòng chữ “Phòng  lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử nằm chữa bệnh và mất vào năm1940”.

Căn phòng được chia làm hai gian. Gian bên ngoài có một chiếc tủ kính, trong tủ trưng bày những cuốn sách viết về ông do các nhà xuất bản ấn hành từ nhiều năm nay và các bài thơ của ông được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau. Trên tủ kính là bức tượng bán thân nhà thơ. Đằng trước bức tượng đặt bát hương để người đời hương khói tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Gian bên trong có một chiếc giường gỗ đơn sơ với manh chiếu cói. Cạnh chiếc giường kê tủ gỗ nhỏ. Trên giường có một tấm gỗ ghi: “Nơi phòng này 5h45’ ngày 11-11-1940 nhà thơ Hàn Mạc Tử từ trần”.

Tượng thi sỹ Hà Mạc Tử tại nhà lưu niệm.

Xung quanh tường của gian phòng đầy bút tích của chàng thi sĩ với nét chữ xiêu vẹo, nguệch ngoạc trên tờ giấy đã úa vàng phai màu thời gian. Một bên là tranh vẽ nhà thơ với một khối tâm trạng u buồn. Một bên là nhiều bức ảnh được đóng khung trang trọng. Đó là ông bà cụ thân sinh ra thi sĩ. Đó là bức ảnh chụp chân dung Hàn Mạc Tử. Còn có cả ảnh chân dung anh em ruột của nhà thơ.

Và kia nữa, một khung ảnh vừa đủ để ngắm rõ dung nhan của cả 5 nàng thơ đã làm nên huyền thoại đi vào thi ca của Hàn Mạc Tử: Hoàng Thị Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương. Mỗi nàng là một câu chuyện tình khi nồng nàn da diết, lúc khắc khoải mong chờ, lúc điên dại mông lung ở những cảnh ngộ khác nhau, nhưng đều có kết cục buồn tan vỡ, dang dở, tất cả cũng chỉ vì căn bệnh quái ác của chàng thi sĩ bị bệnh phong. Để đến nỗi ông đã bật lên 4 câu thơ: “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn?/ Làm sao giết được người trong mộng?/ Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?”.

Nét chữ nghiêng nghiêng viết trên giấy, bút tích được đóng khung treo ngay cạnh khung ảnh của năm nàng thơ. Cái đói ở đây là đói tình, vật vã vì tình, đau khổ vì tình, điên loạn cũng chỉ vì tình. Vì tình đấy dài rộng bao la quá mà chẳng ai mang đến được cho ông một chút ấm áp cho đỡ khát lòng. Bệnh tật hoành hành, tình yêu dang dở dồn đẩy chàng thi sĩ vào thơ, đau đớn và chảy máu ở trong thơ. Chính trong nỗi tuyệt vọng của tật bệnh và tình yêu đã mang đến những câu thơ gai gai, gờn gợn như sóng thuỷ triều như thế.

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra trong một gia đình Công giáo có sáu anh chị em, gồm bốn trai, hai gái ở Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình. Nhưng ngay thuở thơ bé, ông theo gia đình vào sinh sống ở Quy Nhơn, Bình Định.    

Vào đời thơ từ những ngày đầu với hai bút danh Phong Trần, Lệ Thanh, phải chăng, bút danh đó dự cảm về số phận bi thương đầy trúc trắc của thi nhân sau này? Dịch nghĩa hai bút danh gộp lại là: cuộc đời gian truân, phong ba bão táp và đong đầy nước mắt khi còn trẻ. Năm 1935, thi sĩ đổi bút danh Hàn Mạc Tử, nghĩa là chàng trai lạnh lẽo đứng sau bức rèm. Ai cũng nghĩ như vậy, riêng Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ bảo: từ “Hàn” trong bút danh của anh mình là đói nghèo. Dù “Hàn” mang nghĩa gì cũng gợi lên cho ta  tâm trạng sầu lắng, u uẩn, bàng bạc nỗi buồn nhân thế.

 Năm nàng thơ là năm nhan sắc, tính cách, xuất thân khác nhau. Họ có một đặc điểm chung đều yêu thơ Hàn Mạc Tử và yêu con người thật của ông không trọn vẹn. Duy trong số đó Mai Đình là người được gia đình Hàn Mạc Tử tin cậy nhất về độ dám xả thân vì chàng thi sĩ.

Người đầu tiên là Hoàng Thị Kim Cúc (Hoàng Cúc), mối tình câm lặng này chỉ được bày tỏ ở trong thơ với bài: “Hồn Cúc”: “Bấy lâu sát ngõ chẳng ngăn tường/ Không dám sờ tay sợ lấm hương/ Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá/ Muốn ôm hồn cúc ở trong sương”. Năm 1936, Hoàng Cúc từ Quy Nhơn theo gia đình về Huế sinh sống, ẩn thân thành một tu sĩ.

Hàn Mạc Tử ra Huế, đến chỗ ở của nàng là thôn Vĩ Dạ, nhưng cũng là chỉ để nhìn vào chứ tuyệt nhiên không chạm mặt trò chuyện câu nào. Bài “Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời vì lẽ ấy. Thật ra lúc này bệnh tình của Hàn Mạc Tử cũng đã phát, có thể vì thế mà ông ngại chạm mặt với người con gái trong mộng chăng?!

Hoàng Cúc từng đính chính mình và Hàn Mạc Tử chưa từng yêu nhau: “Hồi ấy tuy Tử ở gần nhà tôi, xong Tử và tôi xa cách như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng…”.

 Sự đau đớn giày vò bởi tật bệnh khiến cho thi sĩ khao khát tình yêu và gặp ai là đem lòng si mê khờ dại ngay người đó, bất kể gặp ở ngoài đời hay chỉ trên trang giấy. Thương Thương là một người chàng quen trong bao thư, và đã có những vần thơ nồng đượm gửi tặng nàng, nhưng rồi tình yêu ngắn ngủi qua trang thư ấy cũng chẳng đi đến đâu: “Sầu lên cho tới ngàn khơi/ Ai lau ráo lệ cho lời nói ra/ Chiều nay tàn tạ hồn hoa /nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào”.

Ảnh chụp lại những gương mặt “Người trong mộng” của thi sỹ Hàn Mạc Tử.

Không chỉ có Hoàng Cúc mà ngay cả Mộng Cầm, người con gái đã từng lên đồi thông đầy thơ mộng, nơi có Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết đã đi vào thơ ca cũng lên tiếng đính chính rằng mối duyên với Hàn Mạc Tử chỉ từ một phía Hàn Mạc Tử, còn mình lúc ấy cần một người thanh niên tráng kiện, khoẻ mạnh, thi sĩ lại ốm yếu quá.

Mộng Cầm trả lời phỏng vấn báo như vậy khi Hàn Mạc Tử mất được ít năm và bà đã đi lấy chồng, sinh được một đàn con. Có lẽ, không có sự thật nào phơi bày rõ ràng hơn những vần thơ, Hàn Mạc Tử đã viết những câu thơ đầy bi thiết, ai oán về mối tình này: “Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng/ Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/ Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/ Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!/ Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”. Chả bao giờ ta thấy thơ Hàn Mạc Tử có gì vui vẻ, tươi sáng mà chỉ thấy âu sầu ảo não của một tâm hồn đơn côi, cô độc, lạnh lẽo đến tê người.

Và con người ta càng nhỏ bé, cô đơn hơn khi ở dưới ánh trăng. Trong thơ Hàn Mạc Tử ngập tràn trăng. Trăng rơi vãi tung toé khắp mọi nơi. Ngay kể cả trăng xa là vậy nhưng với thi sĩ thì trăng lại thật gần, đến nỗi có thể nhặt, lượm lên được: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…”.

Năm 1936, khi mới phát hiện ra bệnh phong, ánh trăng trong thơ thi sĩ vẫn còn dịu dàng, thơ mộng: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”. Nhưng rồi bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng, những vết lở ngứa ăn sâu bào mòn da thịt của nhà thơ, đến độ ánh trăng cũng hoá dại và phát cuồng theo chàng thi sĩ: “Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại đến tâm can”, “Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng điên/ Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên”, “Hôm nay còn một nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi” … Đến năm 1940, bệnh phong dữ dội nhất và huỷ hoại thân thể đến độ cùng cực, lúc này đây Hàn Mạc Tử manh nha về cái chết, nên chấp nhận sự thật: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”.

Hàn Mạc Tử ôm trong mình căn bệnh mà xã hội lúc ấy kì thị, chàng đã phải ẩn cư về một túp lều hoang vắng, chỉ đến khi bệnh tình trầm trọng chàng mới được đưa vào Bệnh viện Phong Quy Hoà. 11 ngày ngắn ngủi sống trong căn phòng này, nơi cửa sổ nhìn ra thấy sóng biển rì rào đón nắng gọi gió. Và đêm đến, không biết những ngày ngắn ngủi đó, liệu chàng có thấy trăng?!

Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, trong 11 ngày đó chàng đã ngồi lặng lẽ ở cửa sổ này hướng ra biển, hoặc là chàng còn đủ sức đi bộ dọc bờ biển trong khuôn viên của bệnh viện để nhớ về thời cách đấy không xa, mấy năm về trước “Bàn thành tứ hữu” (nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) đã khởi xướng ra “Trường thơ loạn”.

Họ, các tràng trai trẻ tụ tập nhau trên bãi cát vàng giữa mây trời sông nước viết nên những câu thơ điên loạn thấm đẫm máu và trăng. Sáng sớm của một ngày mùa thu, 5h45’ ngày 11-11-1940  Hàn Mạc Tử từ giã cõi đời trong căn phòng này. Hưởng dương 28 tuổi. Trước đó, dường như dự cảm về cái chết đang đến gần, tối thứ tư ngày 24 tháng 10 năm 1940, Hàn Mạc Tử đã viết: “Hỡi các vị thiên thần của trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hoà bình và hoan lạc, xin hãy vỗ tay lên: bởi vì đó là các mẹ và các chị dòng Saint Francois d Assise, xuống cõi trần gian để an ủi những đau khổ, lo âu của loài người yếu đuối, các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong hủi là chúng tôi đây.

Tôi muốn ca lên những bài khen ngợi, hứng uống cho thật đã những lời êm dịu của các bà, khi các bà đồng hát bài thánh ca: Hosana! Hosana! (Xin cứu với, xin cứu với)…”.  Đó là những lời trăng trối cuối cùng của Francoi Trí (Hàn Mạc Tử) cảm tạ thượng đế trước khi biết mình từ giã cõi đời, và gọi đó là sự trong sạch của tâm hồn.

Trần Mỹ Hiền
.
.