Giải Goncourt và giải Renaudot 2017: Tác phẩm mang chủ đề chiến tranh thế giới thứ 2 lên ngôi

Thứ Ba, 21/11/2017, 12:41
Vào ngày 6-11 vừa qua, hai giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp đã lần lượt được công bố tại Nhà hát kịch Opera, Paris, Pháp. Chủ nhân năm nay của giải Goncourt là nhà văn Eric Vuillard với tác phẩm "L'ordre du jour" (tạm dịch: Chương trình nghị sự) và theo sau là nhà văn Olivier Guez - chủ nhân giải Renaudot 2017 - với tác phẩm "La disparition de Joseph Menguele" (Sự mất tích của Joseph Menguele). Điều đáng chú ý là cả hai tác phẩm đoạt giải năm nay đều có chung một chủ đề là Chiến tranh Thế giới thứ hai.


Giải Goncourt

Trước khi thắng giải chung cuộc, tác phẩm của Eric Vuillard phải vượt qua một số ứng cử viên nặng ký khác như Yannick Haenel và hai nhà văn nữ Véronique Olmi, Alice Zeniter. Nội dung tác phẩm chia làm hai phần, nhấn mạnh quá trình lên nắm quyền của nhà độc tài Hitler dưới sự hậu thuẫn của giới kỹ nghệ Đức và sự kiện Đức quốc xã xâm lược nước Áo năm 1938.

Tờ Le Monde đã viết: ""L'ordre du jour" là một quyển sách chứa đựng một sức mạnh đáng kinh ngạc trong chính sự đơn giản của nó. Trong 160 trang (nhỏ), nó cho thấy cách "những thảm họa lớn nhất thường hiện ra chậm rãi" và "vén màn những sự thật gớm ghiếc của lịch sử" nhằm kể lại quá trình rơi xuống vực thẳm của cả châu Âu qua hai khoảnh khắc".

Khoảnh khắc đầu tiên được tác giả nhắc đến trong tác phẩm của mình là vào ngày 20-2-1933, khi Adolf Hitler - người mà sau đó 1 tháng trở thành tân Thủ tướng Đức - và cánh tay phải đắc lực của ông là nhà chỉ huy quân sự Hermann Goering bí mật triệu tập 24 ông chủ của các xí nghiệp hàng đầu nước Đức như Krupp, Opel, Siemens...

Khoảnh khắc lịch sử ấy chính là khi "24 con người cứng nhắc trong 24 chiếc áo ba-đờ-suy màu đen, nâu hoặc màu rượu chát, 24 miếng đệm vai bằng len, 24 bộ đồ vét với áo chẽn, 24 chiếc quần dài với kẹp quần và chiếc gấu lớn" - theo như Eric Vuillard đã viết - quyết định hỗ trợ tài chính và ủng hộ kế hoạch thâu tóm quyền lực của nhà độc tài khét tiếng Hitler.

Eric Vuillard cùng truyện ngắn "L'ordre du jour" sau lễ trao giải Goncourt ngày 6/11 (Nguồn: Eric Feferberg - AFP).

Khoảnh khắc thứ hai và cũng là phần nội dung mà tác giả bỏ nhiều tâm huyết nhất để viết đó chính là sự kiện Anschluss (nước Áo sáp nhập lãnh thổ của mình vào nước Đức) diễn ra ngày 12-3-1938. Cuốn sách quay trở lại thực tế rằng chính một tháng trước đó, tại cuộc gặp mặt giữa Hitler và Thủ tướng Áo đương nhiệm Kurt von Schuschniggs, vào ngày 12-2 ở Vienne, Vuillard viết: "lố bịch làm sao: những ngày tháng vui vẻ nhất lại chồng lên những cuộc gặp mặt mang điềm gở của lịch sử". Nhà văn thuật lại một cách mỉa mai rằng Kurt von Schuschniggs đã không lường được việc Đức xâm lăng Áo và bữa tiệc linh đình khoản đãi tại Downing Street vào đúng hôm lính Đức tràn vào nước Áo được mô tả như một vở bi hài kịch.

Ẩn mình sau bức màn của lịch sử, với ngòi bút cẩn trọng và quan điểm "Sự thật nằm rải rác trong đủ loại bụi bặm lịch sử", Eric Vuillard đã đem đến cho độc giả một cái nhìn trực diện khi "tiết lộ những mảng tối bí mật của những điều lố bịch, những thứ ngu ngốc, của tính ngẫu nhiên, của sự nhàm chán hay sự hèn nhát" trong vỏn vẹn 160 trang sách, mà không thêm thắt bất cứ chi tiết hư cấu nào - tờ Le Monde cho biết.

Eric Vuillard sinh năm 1968 tại Lyon, Pháp. Ông vừa là nhà văn vừa là đạo diễn và đã gặt hái được khá nhiều thành tựu khi mới chỉ 49 tuổi. Hai bộ phim ông đạo diễn là "L'homme qui marche" và "Mateo Falcone". Ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1999. Năm 2009, ông viết cuốn "Conquistadors" và được trao giải Inaperu-Ignatius J. Reilly vào năm 2010.

Tiếp đó, hai tác phẩm "La bataille d'Occident" (tạm dịch: Trận chiến phương Tây) và "Congo" (Cộng hòa Congo) đều nhận được giải Franz Hessel vào năm  2012 và giải Valery - Larbeaud vào năm 2013. Cuốn "Tristesse de la terre: une histoire de Buffalo Bill Cody" (tạm dịch: Nỗi buồn của đất: một câu chuyện của Buffalo Bill Cody) cũng thắng giải Joseph Kessel vào năm 2015. Năm 2016, Eric Vuillard đã nhận được giải Alexandre-Vialatte cho tiểu thuyết "14 juillet" (tạm dịch: Ngày 14 tháng 7). Và nay là cuốn "L'ordre du jour" được giải Goncourt 2017.

Hầu hết các tác phẩm của ông đều được đánh giá cao và nhận được các giải thưởng văn học lớn trong nước. Năm 2016, giải Goncourt thuộc về nhà văn Lela Slimani với tác phẩm "Chanson douce" (NXB Gallimard). Sách cũng được phát hành ở Việt Nam bởi Công ty Truyền thông Nhã Nam với tên "Người lạ trong nhà".

Giải Renaudot

Cùng công bố trong ngày 6-11 với giải Goncourt, giải Renaudot thuộc về nhà văn Olivier Guez, 43 tuổi, với tác phẩm "La disparition de Joseph Menguele" (Sự biến mất của Joseph Menguele). Theo tổng kết của công ty nghiên cứu thị trường GFK, tác phẩm đoạt giải của Olivier Guez là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong mùa văn học tại Pháp vừa qua, với doanh số gần 30.000 bản. Đồng thời, cuốn tiểu thuyết này cũng đang được đề cử cho giải Médicis và giải Interallié.

Olivier Guez, chủ nhân giải Renaudot 2017 (Nguồn: Joel Saget - AFP).

Đây là tiểu thuyết thứ hai của Olivier Guez, sau tiểu thuyết đầu tay "Les Révolutions de Jacques Kostas" (tạm dịch: Những cuộc nổi dậy của Jacques Kotas) xuất bản năm 2014. Kịch bản phim "Fritz Bauer - un héros allemand" (tạm dịch: Anh hùng người Đức Fritz Bauer) của ông cũng từng được nhận giải thưởng tại các liên hoan điện ảnh năm 2015.

Tác phẩm giúp Olivier Guez trở thành chủ nhân của giải Renaudot 2017 nói về câu chuyện có thật về những năm tháng cuối đời của một cựu bác sĩ chuyên tra tấn ở trại tập trung Auschwitz (do Đức Quốc xã dựng lên trong Chiến tranh Thế giới thứ hai) có tên Joseph Menguele (1911-1979), người đã trốn sang Argentine vào năm 1949. Bị Mossad và tay thợ săn Simon Wiesenthal của Đức Quốc xã lùng bắt, ông lại tiếp tục di cư sang Brazil và mất tại đây năm 1979.

Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết - tiểu sử này, Oliviez Guez đã bỏ ra ba năm trời để tìm kiếm và thu thập các thông tin, tư liệu lịch sử. Và khi đề xuất công trình nghiên cứu của mình với tờ Le Monde vào năm nay, ông tuyên bố: "Tôi đã sống cùng nhân vật này, cùng gã đàn ông đê tiện này trong cái hoàn cảnh vô cùng tầm thường. Tôi đã leo lên võ đài, và đối đầu với hắn. Trong suốt 6 tháng đầu tiên, hắn ta đã khiến tôi phải gào thét tên hắn ta trong đêm".

Bìa tiểu thuyết thắng giải Renaudot 2017 "La disparition de Josef Menguele" (Sự biến mất của Josef Menguele) cùng chân dung thật của Josef Menguele. (Nguồn: Maison Heinrich Heine)

Những nỗ lực mà nhà văn - nhà báo tự do này bỏ ra suốt 3 năm đã không phụ lòng mong đợi của chính ông khi được xướng tên tại giải Renaudot, một trong những giải thưởng văn học lớn nhất nước Pháp.

Việc cả hai tác phẩm thắng cuộc tại hai giải thưởng văn học hàng đầu nước Pháp đều có nội dung viết về Thế chiến thứ hai một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, thế giới đã từng trải qua một thời kì đen tối chìm trong lửa đạn và những hậu quả mà nó gây ra sẽ mãi mãi là vết thương trong tâm khảm nhân loại.

Dương Anh (tổng hợp)
.
.