Giải Goncourt 2007: Nghịch lý phản hồi nghịch lý

Thứ Ba, 01/01/2008, 10:00

Bất ngờ là thuộc tính của giải Goncourt, giải thưởng văn chương quan trọng nhất của Cộng hòa Pháp. Năm nay đương nhiên không ngoại lệ. Thoạt đầu, những tưởng Goncourt 2007 sẽ về tay một cây bút nữ.

Đó nếu không phải Yasmina Reza, tác giả cuốn sách bán cực chạy về Tổng thống Nicolas Sarkozy trong một năm chạy đua vào Điện Elysée, thì cũng là Amélie Nothomb, người Bỉ viết bằng tiếng Pháp, năm nào cũng cho ra đời một tác phẩm - luôn nằm trong nhóm best-seller một thời gian dài.

Tuy vậy, ngay từ đầu, Yasmina Reza đã không được đưa vào danh sách xét tặng Goncourt. Amélie Nothomb bị gạt ra ở danh sách cuối cùng. Và thật đáng giật mình, ở vòng bỏ phiếu sau chót, viện sĩ Goncourt Robert Sabatier, nhà văn bậc thầy, đã phá bỏ luật lệ, dành lá phiếu của ông cho Amélie Nothomb.

Đơn giản là vì nhà nữ  "hụt" Goncourt in sách ở cùng nhà xuất bản với ông. Mọi năm, danh sách cuối cùng gồm ba hoặc bốn nhà văn thôi. Năm nay, hẳn năm người.

Ba lý do được nhắc tới: 1. Số lượng đầu sách xuất bản năm nay là 727 tiểu thuyết, trong đó của các cây bút Pháp là 493, của nước ngoài 234; tổng cộng tăng 9% so với 2006; 2. Chủ đề phong phú, đa dạng; chất lượng tác phẩm nói chung khá cao, vì vậy, ban giám khảo không dễ lựa chọn; 3. Năm nay không có tác phẩm nào đột xuất bứt hẳn lên.

Thông thường, các viện sĩ Goncourt bỏ phiếu ba hay cùng lắm là bốn lần. Năm nay, họ phải bỏ phiếu tới lần thứ 14 mới tìm được tác phẩm đoạt giải. Ở vòng thứ nhất, nổi bật là cuốn "Tường trình của Brodeck" của Philippe Claudel. Dư luận chung tiên đoán cuốn ấy sẽ dành vương miện. Nhưng ở vòng sau cùng, nó thậm chí không được phiếu nào.

Các thành viên chấm giải cũng không giấu giếm nguyên cớ sự thờ ơ của họ. Một mặt, bốn năm trước, Philippe Claudel đã được nhận giải Renaudot cho "Những tâm hồn ngất ngây".

Mặt khác "nặng ký" hơn, "Tường trình của Brodeck" lấy lại chủ đề chính của Goncourt năm ngoái, "Những nữ thần nhân hậu". Chủ đề ấy là  phát xít Đức và Đại chiến thế giới thứ II. Cho nên, dù nghệ thuật rất cao cường, "Tường trình của Brodeck" cũng không vượt ra ngoài vinh quang của "Những nữ thần nhân hậu", một hiện tượng văn chương phi thường.

Ra mắt tháng chín 2006, nó được cả đông đảo bạn đọc lẫn những nhà phê bình khó tính nhất chào đón và ngợi khen. Tới nay, nguyên tại Pháp, nó đã được đón về khoảng 750 nghìn tủ sách gia đình.

Nó là tác phẩm duy nhất trong lịch sử Goncourt được suy tôn ngay ở vòng phiếu đầu tiên. Goncourt năm nay chỉ có chủ sau kỷ lục 14 vòng như vậy. Từ vòng hai, một ứng viên tưởng sẽ bị loại bỗng trội lên bên cạnh ứng viên sáng giá nhất, "Không núp bóng gì cả" của Olivier Adam.

Cuộc giằng co kéo dài mãi. Và một viện sĩ Gongcourt nữa lại phạm luật: Bernard Pivot lừng danh lần lượt bỏ phiếu cho cả hai. Kết quả, ứng viên "vớt" “Bài ca Alabama” của Gilles Leroy bước lên đài vinh quang trong xôn xao ngỡ ngàng.

Gilles Leroy mồ côi cha mẹ, phải nỗ lực lắm mới học xong đại học văn. Anh trải qua nhiều nghề ở Paris, chủ yếu là làm báo và dạy học. Mười năm nay, anh rời thủ đô hoa lệ, về sống ở nông thôn, vùng Perche.

Tại đây, anh hiến trọn đời mình cho sáng tác. Tiểu thuyết đầu tay được in năm 1987. Đến giờ, mười cuốn nữa đã đến với bạn đọc. Anh xây dựng được một vũ trụ văn chương riêng, mà linh hồn là những kỷ niệm tuổi nhỏ.

Với "Bài ca Alabama", lần đầu tiên, anh ra ngoài đề tài quen thuộc. Tác phẩm đang đề cập là tâm sự của Zelda, người vợ bất hạnh của văn hào Mỹ Francis Scott Fitzgeral (1896-1940).

Cuộc đời bi thảm của Zelda Fitzgeral từng được viết đến khá nhiều. Song phần lớn sách  về bà không đứng được, vì tác giả hời hợt, hay chen chủ quan của mình vào.

Gilles Leroy cất công thu thập, đào sâu tư liệu, nghiên cứu tỉ mỉ thư từ của vợ chồng nhà Fitzgeral. Anh không bằng lòng với thể loại tiểu sử nhân vật quen thuộc, mà hóa thân vào Zelda”.

Gilles Leroy nhập vào hồn Zelda giỏi đến nỗi nhiều độc giả tưởng như các trang sách  thấm đẫm nhớ thương là do chính bà viết ra từ hồi nào. Anh nắm rất vững các diễn biến tâm lý của Zelda.

Anh khắc họa tính cách đa diện chứ không một chiều của bà. Anh không biếm họa các nhân vật như nhiều người viết khác. Dưới góc độ nào đó, "Bài ca Alabama" rất đậm chất thời sự. Như thế, nó xứng đáng với uy danh Goncourt.

Có điều, Goncourt 2007 chưa kịp hả hê đã bị khuất lấp bởi giải đàn em được công bố cùng ngày. Ấy là giải Renaudot dành cho "ưu phiền đời học" của Daniel Pennac, 62 cái lá vàng rơi.

Lâu nay, tác phẩm nhận giải Renaudot tiêu thụ bao giờ cũng kém Goncourt. Với "ưu phiền đời học", "ông em" đã ăn đứt "ông anh". Sau ba tuần xuất hiện, "ưu phiền đời học" bán được 230 nghìn bản. Goncourt "Bài ca Alabama" còn lâu mới chạy theo kịp

Quách Vinh
.
.