Giả hạc xuân Di Linh

Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:58
Người ta ví cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) là cô sơn nữ còn đang mộng du trong giấc mơ thần tiên. Đó là những con đèo quanh co trên độ cao 1000 mét tựa tranh vẽ trong rặng hoa dã quỳ vàng mơ. Những thung lũng dập dờn biển sóng hoa cà phê trắng xóa bên suối đàn đá vui reo. Và đâu đó hương của những vườn lan rừng ngan ngát ướp thơm cả con gió nhởn nhơ bay. 


Lộng gió cao nguyên

Di Linh là mảnh đất các nhà thám hiểm phát hiện đầu tiên trước Đà Lạt. Dấu chân của bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) dường như vẫn còn ấm nóng trên mảnh đất bazan này hơn 120 năm qua. Từ Phan Rí ông đi bộ ngược dòng sông Mao gần một ngày trời mới tới Di Linh ở độ cao 1200 mét (tháng 7-1890). Ông ngủ lại với gia đình người K’ho dẫn đường và ăn cơm bốc tay với họ.

Di Linh ngày đó được hình dung: “Ngàn lau sậy êm đềm khép mắt/ Giữa hoang sơ trầm mặc mây ngàn/ Đầy yêu thương nắng vàng ngây ngất/ Thả trăm ngàn giọt mật miên man” (Nắng gió Di Linh-Hà Thu Thủy). Ba năm sau Yersin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt-năm 1893). Ông cùng đoàn thám hiểm vạch ra những con đường từ Di Linh nối với Nha Trang, Sài Gòn, Bình Thuận và đi lên Đà Lạt. Chẳng bao lâu Di Linh trở thành cơ sở tỉnh Đồng Nai Thượng (11-1899).

Đây là vị trí thuận lợi có các đường mòn ngắn nhất đi về phía biển Đông. Hơn nữa lại nằm trong vùng thượng lưu sông Đồng Nai, cao nguyên Di Linh được coi là trung tâm hành chính phía Nam Tây Nguyên.

Mây núi điệp trùng cao nguyên Di Linh.

Thật thú vị, dấu tích căn nhà đầu tiên và cũng là trụ sở của quan Tỉnh trưởng, ở thị trấn Di Linh hiện vẫn còn nguyên bản. Kiến trúc sư Cunhac đảm đương công việc này theo thiết kế phong cách châu Âu. Những thiết bị và nội thất chính đều được mua từ bên Pháp. Chỉ có gạch ngói, cát và xi măng được mua từ Phan Thiết. Nhưng công việc chuyên chở vật liệu mới thật sự gian nan.

Lực lượng người dân tộc K’ho được điều động làm phu phen rất khắc nghiệt. Họ phải đi bộ từng đoàn để thồ gạch và vật liệu từ Phan Thiết lên Di Linh. Mỗi người gùi nặng trung bình 50kg trên lưng. Tất cả đều phải leo ngược dốc theo con đường mòn kéo từ biển lên dài 71 cây số. Nhất là con đèo Gia Bắc (nay là đường số 8) trập trùng qua dẫy núi cao. Đồng bào Thượng gọi đây là con đèo máu và không ít người đã đói lả kiệt sức và chết gục trong rừng.

Ngôi nhà hoàn thành vào cuối năm 1900. Đó là trụ sở hành chính đầu tiên của cả khu vực Nam Tây Nguyên. Cho đến nay ngôi nhà vẫn tồn tại và trở thành trụ sở văn phòng hành chính quận Di Linh (Lâm Đồng). Dấu tích gắn với ngôi nhà 120 năm này là con đường mang tên Đam Trang. Già làng Đam Trang là người có công quy dân lập ấp Di Linh. Ông đôn đốc trông nom công việc vận chuyển vật liệu xây ngôi nhà hành chính đầu tiên cho tỉnh Đồng Nai Thượng ngày đó.

Con đường vẫn được giữ tên cho đến nay như một ký ức không phai mờ của người dân cao nguyên Di Linh. Nhìn ngôi nhà trên đường nghiêng dốc bên góc phố ngày nào tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Lê Huy Nguyên (Lâm Đồng) viết: “Góc phố Di Linh/ Quán vắng/ Ly cà phê nhỏ giọt/ Giọt cà phê nhuộm chiều nâu sẫm/ Gấp hoàng hôn/ Góc phố cong mình” (Góc phố). Ngôi nhà là di sản của những ngày còn thuở hoang sơ được lưu giữ trong tâm cảm của người dân Di Linh. 

Chàng Liang Đăm và những dũng sĩ diệt Mỹ

Nói đến Di Linh là du khách đều biết tới thác Bobla nằm ở xã Liên Đầm. Dòng nước rộng 20 mét chảy từ con sông Đạ Riam ở độ cao hơn 50 mét nên vang động cả núi rừng. Nguồn nước Đạ Riam dồi dào và xoáy cuộn nên đã khoét rỗng chân núi tạo thành một hồ nước rộng và sâu. Đây là dòng thác chảy xiết và dữ dội quanh năm.

Người dân tộc K’ho coi thác là biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của chàng trai Liang Đăm sống ở trong buôn. Chàng có sức mạnh vô địch đã nổi dậy chống quân Chăm xâm lược (thế kỷ XIII). Một lần quân Chăm tấn công vào bản làng. Mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Chàng trai Liang Đăm đã cùng nghĩa binh chặn đánh giặc Chăm. Chàng đã bẻ cành cây Trâm xông thẳng vào quân địch mà đánh tới tấp. Giặc Chăm hoảng hốt lui quân. Liang Đăm truy đuổi đến cùng. Chiến thắng trở về chàng Liang nhập vào dòng thác và biến mất. Huyền tích ấy vẫn còn lưu dấu bên con sông Đạ Riam (bắt nguồn từ núi cao ở xã Sơn Điền)

Câu chuyện sông Đạ Riam còn được kể lại về những dũng sĩ diệt Mỹ của xã anh hùng Sơn Điền. Đặc biệt trận đánh lịch sử trên dòng sông Đạ Riam cho dù đã hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn vang vọng bản anh hùng ca của dân tộc người K’ho. Trận chiến đã xảy ra vào tháng 4-1969. Trong lần giặc Mỹ đi lùng sục bao vây chiến sĩ ta nhưng vì trời tối nên dừng quân bên sông Đạ Riam. Chúng căng lều bạt và đào công sự trên một khu đất rộng lớn.

Tám mươi tên lính Mỹ cùng đồng bọn hung hăng hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở vùng tự do giáp ranh Sơn Điền. Các chiến sĩ lập tức lên phương án tập kích kẻ địch một cách bất ngờ. Hai mũi giáp công bí mật hành quân lội ngầm vượt thác Đạ Riam. Nửa đêm đội đặc công ngụy trang đi theo đường sông bò vào tận lều trại của Mỹ. Đợi cho giặc ngủ say để bày binh bố trận. Chúng còn nghĩ quân đội ta chỉ có độn thổ may ra mới vào được chỗ chúng đóng trại.

Trẻ em người K'ho ở Di Linh.

Đúng canh năm, quân Mỹ chui lên từ công sự thì các chiến sĩ cho nổ mìn đã cài sẵn giữa lán trại. Tiếng mìn nổ là báo hiệu cuộc tấn công chớp nhoáng của các chiến sĩ đặc công phối hợp với bộ binh. Hai mũi giáp công thần tốc, trong đánh ra, ngoài đánh vào. Những công sự lính Mỹ đều là mồ chôn xác chúng. Lính Mỹ không kịp trở tay và hoảng sợ trước những dũng sĩ người K’ho. Chỉ trong vòng ba mươi phút 80 tên lính Mỹ hoảng sợ tan tác. Chúng bị dồn xuống sông Đạ Riam tháo chạy trong vô vọng. Xác lính Mỹ nhuộm đỏ khúc sông. Chỉ còn vài ba tên sống sót chạy dọc bờ sông hướng về Bảo Lộc để lại toàn bộ trang bị và vũ khí tối tân mang theo.

Chiến khu Sơn Điền nổi danh từ thời chống Pháp với 140 chiến sĩ người K’ho dũng cảm. Họ đã đứng lên kháng Pháp từ năm 1942 và trở thành địa chỉ đỏ của vùng tranh chấp với địch trong từng gang tấc. Sơn Điền còn nổi tiếng với chiến công tiêu diệt 111 tên lính ngụy và hai tên sĩ quan Pháp khi tấn công vào đồn Gia Bát (gần thị trấn Di Linh) vào 7-4-1954. Đội du kích Sơn Điền còn phối hợp với các đơn vị khác chặn đánh nhiều cuộc đi càn của giặc Pháp vào địa phận tự do trên sông Đạ Riam.

Với truyền thống yêu nước, các dũng sĩ K’ho phát huy chiến công đánh giặc trong suốt nửa thế kỷ và được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1994. Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm có lần tới Di Linh đã cảm xúc: “Mai anh về thở gió Di Linh/ Em ngồi nhớ trong thành phố cổ/ Mưa làm dấu dọc đường quốc lộ/ Gốc cây me máu chảy tên mình” (Di Linh cảm mến)

Đàn đá và vườn lan Giả Hạc

Di Linh còn được ghi dấu ấn đặc sắc ở bộ đàn đá được khai thác ở suối Đạ Riam. Đây là bộ đàn đá cổ mà người K’ho gọi là đá kêu. Bởi có phiến đá nghe như tiếng người mỗi khi có tiếng đánh ngân rung. Già làng Kbram là người phát hiện ra bộ đàn đá này. Những nhà khảo cổ cho biết đây là bộ đàn đá thời tiền sử và đã từng được con người chơi nên có sự tô điểm rất chi tiết. Đó là món quà trời ban cho người K’ho nơi thung lũng hoa vàng.

Nhắc đến hoa ở cao nguyên Di Linh ai cũng nhớ đến giống Giả Hạc Lan rừng. Giống này thường trổ hoa vào mùa xuân nên thường gọi là Giả Hạc Xuân. Bởi lẽ đa số loại Giả Hạc ở các vùng khác chỉ nở hoa vào mùa hè. Giả Hạc Lan quý nhất là loại hoa tím và trắng. Riêng Giả Hạc năm cánh trắng ở Di Linh rất có giá trị tới hàng chục triệu đồng. Có giò quý hiếm lâu năm nhiều nhánh được bán tới trăm triệu không bớt một xu.

Nghe thật khó tin nhưng theo nghệ nhân Knam (ở thị trấn Di Linh) cho biết đó là sự thật. Bông lan Giả Hạc năm cánh trắng tượng trưng cho hình ảnh “Nàng tiên Di Linh” còn đang ngủ vùi trong những áng mây trên núi cao mơ màng.

Vương Tâm
.
.