Cà phê phố trên cao nguyên

Thứ Sáu, 17/01/2020, 16:53
Khác hẳn với không khí Lễ Hội cà phê lần thứ 7 (2019), con đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, vào tiết xuân đầu năm mới thật dịu dàng. Tôi tha thẩn đi theo hướng lên quán cà phê Hiếu ở cây số 3 theo lời hẹn của ca sĩ Y Phôn (Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk). Không khí cao nguyên se lạnh. Giọng hát Ngọc Lễ bỗng vang lên từ một quán hàng nào đó buồn man mác: "Từng giọt cà phê ngọt đắng. Biết em nơi đâu bây giờ". 

Câu chuyện túi cà phê muối

Thật may, gặp tôi không chỉ có ca sĩ Y Phôn mà còn cả họa sĩ Inhi. Họ là đôi bạn thân và cùng quê ở huyện Ea H'Leo (Đắk Lắk). Tôi lên Ban Mê lần này cũng chỉ vì yêu thích bài hát "Đôi chân trần" của Y Phôn. Một chàng trai Ê đê viết bài hát về hình ảnh của cha mình với tâm trạng nhớ thương da diết. Khi được giới thiệu họa sĩ Inhi cùng đến trò chuyện niềm vui trong tôi nhân gấp đôi.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ ly cà phê. Một ly cà phê Ban Mê chính hiệu tại địa chỉ cây số 3. Thấy tôi thắc mắc vì sao dân ở đây lại lấy cây số 3 làm mốc hẹn hò. Nghe ca sĩ Y Phôn giải thích mới hay cây số 3 thành phố Buôn Ma Thuột chính là ngã ba của hai con đường lớn. Nơi chỗ chúng tôi ngồi đây là nút khởi điểm cho cuộc tấn công của quân đội ta đánh vào mặt trận Buôn Ma Thuột (giải phóng 10-3-1975).

Họa sĩ Inhi bên tác phẩm “Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời”.

Đúng lúc này một cô gái mang khay cà phê ra mời chúng tôi. Những ly cà phê thơm ngát bay lên làm không khí thật mơ màng trong làn sương lạnh. Được ngồi tại ngã ba thành phố uống cà phê thật sự là một bất ngờ đối với tôi. Bất ngờ ca sĩ Y Phôn lại nhớ đến quê nhà. Anh đã rời thành phố hàng chục năm nhưng đi đâu cũng nhớ về quê hương. Nhất là người cha đã dậy anh đánh chiêng và ca hát từ khi còn bé.

Người ta đưa ra một gói đường và một ly sữa để khách dùng thêm nhưng Y Phôn lắc đầu. Anh kể mình vẫn uống cà phê đen nguyên chất như thời ở quê nhà. Anh nói cha anh thường uống cà phê cho vào túi được đun lên cho sôi chừng năm phút rồi cho một nhúm muối nhỏ. Tôi ngạc nhiên. Vì cà phê túi thì cũng có nơi đã bán nhưng cho muối thì tôi chưa thấy.

Y Phôn nói ở nhiều bản ở Đắk Lắk không ít nông dân trồng cà phê vẫn uống thế. Họ tự rang và giã cà phê thật mịn rồi cho vào túi đun với nước sôi. Đó là một thứ cà phê tươi và đậm vị do những hạt muối. 

Nhắc đến quê hương và nhớ đến người cha, ca sĩ Y Phôn bất ngờ hát bài ca của mình. Một không gian âm nhạc đặc quánh âm thanh da diết vây quanh tôi. Bài hát mà tôi bị ám ảnh suốt bao năm tháng qua. Nhiều đêm nhớ đến bố tôi cũng đã thầm hát.

Lúc này đôi mắt Y Phôn đỏ hoe vì xúc động cùng lời ca tuôn trào: "Ôi ngày tháng! Đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian! Hãy quên đi. Đôi chân cồng kềnh cha đi giữa rừng hoang vu. Lưng cha thì đội nắng gầy. Ôi tóc bạc tựa trăng soi. Cả cuộc đời và cả cuộc đời đôi chân trần".

Sau một ngụm cà phê đắng ngắt Y Phôn bồi hồi kể câu chuyện gốc gác ra đời bài hát. Đó là chuyến đi thực tế cùng cố NSND Y Moan cách đây chừng hai mươi năm. Trên đường vào một buôn rừng, hai người gặp một ông già đi ngược chiều từ xa. Một dáng vóc gầy gò đi chân trần dưới ánh nắng chói chang. Mái tóc trắng và đôi vai gầy ấy làm Y Phôn nhớ tới người cha của mình ở quê.

Y Phôn xúc động nhòa nước mắt và bất ngờ câu hát đầu tiên được cất lên trong tâm thức: "Tôi muốn quên đi tháng với ngày. Cha đi lượm từng quả ngọt cho con đỡ đói qua đêm…". Bài hát đã hoàn thành trên đường đi. Đêm đó về đoàn ca múa anh nhờ Y Moan hát thử. Không ngờ hai người say sưa đến quên cả ăn và chỉ uống cà phê. Một thứ cà phê nguyên chất Bazan đất đỏ làm thức dậy cảm xúc. Đó là đêm của thần giao cách cảm với nỗi niềm yêu thương cháy bỏng trong tâm hồn nghệ sĩ. 

Bức tranh nude "Bốn mùa".

Họa sĩ Inhi lại có một ký ức về cà phê khác khi anh bật điện thoại cho tôi xem bức tranh "Bốn mùa". Đó là tác phẩm anh vẽ trong một cuộc tuyển chọn tranh cho Lễ hội cà phê quốc tế tại thành phố Buôn Ma Thuột. Inhi là thạc sĩ Mỹ thuật và giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Anh nói khi đụng chạm tới đề tài cà phê của xứ sở sương mù này quả là một thử thách cam go.

Muốn thể hiện những điều ngỡ quá quen thuộc không hề dễ như Inhi tưởng. Anh bắt đầu trải nghiệm lại những thói quen và văn hóa về cà phê trên mảnh đất quê hương. Đó là những đêm sống với con phố mùa đông thơm ngát hương cà phê. Hoặc đó là những chuyến đi xuống vườn làm cà phê cùng với mọi người. Anh lắng nghe những cô gái trò chuyện và hát những làn điệu dân ca Êđê.

Cùng với đó là những ký ức của buôn làng tràn về. Inhi nhớ những đêm theo cha hát múa bên bếp lửa và uống rượu. Lại có đêm trăng lên, Inhi mơ về những đôi mắt của cô gái buồn đến mênh mang cánh rừng mỗi khi đi chợ huyện về.

Lễ hội cà phê.

Thế là Inhi vùng dậy vẽ lên không trung hàng ngàn đôi mắt. Vừa vẽ Inhi vừa nhớ lại những lời cha hát trong buôn ngày hội: "Đôi mắt buồn ơi! Hãy vui lên khi nắng đang về và cơn mưa đang tưới khắp nương, khắp làng buôn. Cây cối xanh tươi và chim chóc reo ca khắp cánh rừng vui".

Bộ tranh tứ bình "Bốn mùa" được hình thành từ những ký ức quê hương như thế. Inhi lấy tứ bốn mùa cà phê và tạo dựng hình ảnh những cô gái Êđê tần tảo và mừng vui với thành quả lao động của mình trên những nương rẫy. Họ muốn dâng hiến hương vị nồng nàn của mảnh đất Bazan bồi đắp cho cây cà phê. Đó là cuộc bàn giao của thánh thần trong bản hòa ca đại ngàn.

Bốn cô tượng trưng cho bốn mùa. Vẻ đẹp quyến rũ của hình thể cô gái Êđê đem lại cảm xúc thẩm mỹ trong veo. Ánh sáng và sự chuyển động của màu sắc trong tranh đã tạo nên một ngôn ngữ đậm chất Tây nguyên. Đó chính là bố cục của bức tranh nude "Bốn mùa" (sơn dầu 1,2mX2,55m) của Inhi.

Câu chuyện đang hào hứng chợt ca sĩ Y Phôn hỏi đến bức tranh "Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời" của Inhi. Đây là một bức tranh lớn duy nhất còn lại của Inhi trên đất Ban Mê. Nhiều bức tranh sơn dầu của Inhi đã bán đi vì cơm áo gạo tiền. Một chủ quán cà phê đã mua bức "Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời" và quyết tâm giữ lại không bán cho ai dù đã trả giá rất cao. Nghe chuyện tôi thực sự hứng thú muốn đi xem bức tranh. Không ngờ họa sĩ Inhi lập tức đứng dậy dẫn chúng tôi đến một quán cà phê khác ở một con phố nhỏ.

Chủ quán cũng là một họa sĩ trẻ. Đó là Hồ Hậu (hội viên Hội VHNT Đắk Lắk). Anh chỉ lên bức tranh treo ở giữa nhà nói tác phẩm của Inhi dựng hình ảnh một người đàn bà (biểu tượng cho thần mặt trời) nổi giận trước hiểm họa suy tàn của môi trường do con người gây ra. Một không gian rực cháy thiêu đốt lòng người. Bức tranh gây ấn tượng sâu sắc với người xem và đoạt giải thưởng lớn. Họa sĩ Hồ Hậu mời chúng tôi ngồi uống cà phê và ngắm bức tranh. Họa sĩ Inhi ngắm bức tranh mà trong lòng tiếc ngẩn ngơ vì giờ đây nó không còn là của anh nữa.

Hãy uống bốn ngụm cà phê

Inhi bần thần bên ly cà phê. Hình như hiểu tâm trạng của bạn, ca sĩ Y Phôn đột nhiên khe khẽ hát: "Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời. Tôi như con chim lạc bay trên trời cao. Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu. Như dòng sông khao khát lời, tôi như hạt mưa không có lời…". (Đi tìm lời ru mặt trời-Y Phôn). Vậy là cả hai cùng tìm đến thần mặt trời để mong có sự giải thoát trong cõi tâm linh.

Lúc này họa sĩ Hồ Hậu mời chúng tôi những ly cà phê thơm phức. Anh say sưa nói cho tôi hay rằng hãy uống bốn ngụm cà phê mỗi sáng. Cha anh đã dậy ở ngụm thứ nhất người thi nhân hưởng hương thơm của cà phê và lắng nghe niềm khao khát của mình. Ngụm thứ hai là nhận lấy vị đắng để hướng tới tứ thơ vừa xuất hiện. Còn ngụm thứ ba ư? Không cần nói thi nhân ơi hãy cầm bút lên. Những ý tưởng sáng tạo bật dậy vào ngụm thứ tư sảng khoái. Trái tim tôi đập mạnh với niềm cảm xúc giữa những người nghệ sĩ Êđê. Đúng là câu thơ đầu tiên của tôi đã hiện ra bên ly cà phê Ban Mê.

Vương Tâm
.
.