George Gordon Byron - Chàng thi sĩ đa tình
Ông có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca thế giới thế kỷ XIX, là cha đẻ của trường phái thơ ca ở nhiều quốc gia khác nhau với tên gọi “chủ nghĩa Byron”.
Ngoài sự nghiệp thơ ca đồ sộ, Byron còn nổi tiếng bởi những cuộc phiêu lưu tình ái và lối sống tai tiếng. Bài viết sau đây giới thiệu vài nét về khía cạnh đời sống này của ông.
George hầu như không nhớ bố mình, Đại úy John “Mad Jack” Byron, vì ông qua đời năm cậu bé mới lên ba tuổi. Nhưng những ham muốn thái quá của ông bố đã ngấm, nếu không nói là vào máu, thì ít nhất là vào lý trí non nớt của cậu con trai.
Quả thật, George không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành đứa con của bố mình: mẹ cậu ghét cậu, gọi cậu là "thằng què" (một chân của George bị đau) và có lần đã lấy gậy thông lò nện cậu một trận suýt chết. Có lẽ, sự kiện thú vị duy nhất trong thời thơ ấu của George Byron là năm lên 10, cậu được thừa kế tài sản và tước hiệu từ người bác của bố mình. Kể từ đó, George Gordon được chính thức công nhận là Lord Byron.
Nhà thơ Anh George Gordon Byron. |
Những năm học ở trường Harrow, London, Byron tỏ vẻ chậm chạp và cứng đầu, nhưng có những suy nghĩ khá đặc biệt. Lên đại học, Byron đạt được những thành tích xuất sắc ở trường Oxford. Ông có một vốn kiến thức khổng lồ, am tường văn học Anh và các nền văn hóa khác ở châu Âu lẫn các nước phương Đông.
Năm 15 tuổi, giọng nói Byron trở nên khàn khàn, dấu hiệu vỡ tiếng đó gắn liền với sự phát triển cơ thể nhanh chóng và khả năng tình dục mạnh mẽ. Byron trở thành một thanh niên cực kỳ điển trai, khuyết tật thân thể duy nhất của ông, ngoài cái chân khập khiễng (bù lại, ông rất chăm chỉ luyện tập thể thao) là thừa cân.
Để hợp mốt thế kỷ XIX, ông đã chống béo bằng cách nhịn ăn và uống thuốc nhuận tràng liều lượng lớn. Byron thay thế thức ăn bằng tình dục. Ông quả là một Casanova (người Ý, được coi là chàng lãng tử “sát gái” nhất lịch sử châu Âu) thực sự của thời đại mình, chỉ riêng ở Venice, trong một năm ông đã “lên giường” với 250 phụ nữ.
Lọt vào danh sách các “chiến công” của Byron có nữ bá tước Caroline Lamb hơn ông 3 tuổi, cô em họ Anne Isabella Milbanke (người trở thành bà Byron năm 1815) và chị gái cùng cha khác mẹ của ông, Augusta Leigh.
Tuy nhiên, George Gordon không chỉ yêu phụ nữ. Ông từng có nhiều mối quan hệ đồng giới, thường là với trẻ em vị thành niên. Kết quả là Byron trở thành tay chơi nổi tiếng nhất châu Âu. Chưa bao giờ những thành tựu thơ ca của ông thu hút được sự chú ý mãnh liệt như những lời đồn dai dẳng bám theo ông khắp nơi. Thật kỳ lạ, một trong những lời đồn tai tiếng nhất là Byron uống rượu bằng một chiếc đầu lâu. Một số nói rằng đó là đầu lâu của một nhà sư, số khác là đầu lâu của một tình nhân cũ!
Những chuyện phiêu lưu tình ái của chồng khiến phu nhân Byron bị tổn thương, và năm 1816, chỉ một năm sau khi kết hôn, bà đã làm đơn ly dị. Sau đó, Byron rời nước Anh, chuyển đến lục địa châu Âu và không bao giờ quay trở lại. Đây là cách duy nhất để trốn khỏi sự nhòm ngó của công chúng Anh.
Mùa hè năm 1816, Byron sống với bác sĩ riêng John Polidori ở Thụy Sĩ. Sau đó, từ Thụy Sĩ, Byron đến Ý, nơi ông trải qua một cuộc tình với nữ bá tước Teresa Guiccioli, một phụ nữ đã có gia đình. Ông sống ở Ý đến năm 1823, sau đó sang Hy Lạp, tại đây Byron đã giúp đỡ nhân dân Hy Lạp trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù hoàn toàn không có kinh nghiệm về họat động quân sự, Byron vẫn tham gia vào việc huấn luyện quân đội và quyên góp được số tiền cần thiết cho lực lượng nổi dậy. Ở Hy Lạp, cho đến nay ông vẫn được coi là anh hùng dân tộc.
Nhưng rồi Byron không kịp nhìn thấy các đơn vị vũ trang do ông thành lập hoạt động, ông bị sốt và mất vào ngày chủ nhật lễ Phục sinh năm 1824. Cái chết của ông khiến cả nước Anh bàng hoàng, đau xót.
Ngay sau khi Byron qua đời, bạn bè của ông đã tụ tập ở London để đọc những hồi ức về nhà thơ. Nhiều bài viết mô tả các cuộc tình mùi mẫn của Byron mà theo ý kiến của một số bạn bè, có thể làm tổn hại đến danh tiếng vẻ vang của ông đã giành được bằng quá trình lao động văn học không mệt mỏi. Sau khi quyết định không công bố những hồi ức của mình, những người bạn đã thiêu hủy chúng.
Bộ sưu tập độc nhất vô nhị!
Vào cái thời nhân loại chưa phát minh ra máy ảnh, Byron đã nghĩ ra một cách độc đáo để lưu giữ kỷ niệm về những người tình cũ của mình. Ông cắt của mỗi người một dúm lông mu, bỏ vào một chiếc phong bì và đề tên chủ nhân bên ngoài.
Những “kỷ vật” này của Byron vẫn được lưu giữ tận những năm 1980 tại một nhà xuất bản nơi Byron thường công bố các tác phẩm của mình.
Vừa con vừa cháu
Trong vô số cuộc tình của Byron có cuộc tình với người chị gái cùng cha khác mẹ của mình tên là Augusta Leigh. Vào thời điểm đó, bà đã có gia đình, nhưng với một người cả gan loạn luân, thì hôn nhân có ý nghĩa gì?
Nhiều học giả đương đại cho rằng Elizabeth Medora, con gái của Augusta Leigh, thực ra là kết quả của mối tình này, và do đó, tiểu sử của nhà thơ thậm chí còn rắc rối hơn những gì chúng ta hình dung trước đây.
Yêu thương loài vật
Ngoài những phụ nữ có chồng và các chàng trai trẻ, Byron còn yêu loài vật. Vườn bách thú của ông có ngựa, ngỗng, khỉ, chồn, cáo, vẹt, đại bàng, quạ, diệc, chim ưng, cá sấu, năm con công, hai con chuột lang và một con sếu Ai Cập.
Thậm chí khi còn là sinh viên Đại học Cambridge, Byron nuôi một con gấu làm thú cưng, bất chấp nội quy của nhà trường cấm nuôi loài vật ở ký túc xá. Trong một bức thư, George Gordon thậm chí còn viết rằng anh bạn lông xù của mình là "hiện thân của lòng bác ái”.
Byron còn có cả những con vật thân thiết hơn. Ông đi du lịch với năm con mèo, một con trong số đó mang biệt danh là Beppo (tên một trong những trường ca của Byron). Có lẽ, nổi tiếng nhất trong số những người bạn bốn chân của Byron là chú chó Newfoundland Botswain chết vì bệnh dại năm 1808 khi mới 5 tuổi. Byron đã bất tử hóa Botswein trong bài thơ "Văn bia đề trên mộ chó" và dựng tượng cho nó trong hầm mộ gia đình, kích thước lớn hơn cả tượng của chính nhà thơ.
Bà Byron không chia sẻ tình yêu của chồng đối với loài vật. Sau khi ly hôn, bà viết đầy ẩn ý: "Nguyên nhân của thái độ nhân đạo và trìu mến đối với loài vật của một số cá nhân có thiên hướng bạo hành là loài vật vốn không có lý trí, và do đó chúng không thể lên án hành động vô đạo đức của chủ chúng".
Chữa bệnh bằng đỉa hút máu
Lẽ ra, cái chết của Byron năm ba mươi sáu tuổi có thể tránh được - nó là tác dụng phụ của một trong những công nghệ y học giả hiệu nhất thế kỷ XIX. Sau khi đi ngựa dưới trời mưa ở một vùng nông thôn Hy Lạp, nhà thơ phát sốt, và các bác sĩ đã chữa bệnh cho ông bằng cách hút máu đến chết. Để hạ sốt cho nhà thơ, họ đã đặt trực tiếp mười hai con đỉa vào thái dương của ông.
Ngoài ra, các bác sĩ còn ép ông uống dầu thầu dầu để gây tiêu chảy, một liệu pháp chữa bệnh phổ biến khác vào thời đó mà các nhà y học hiện đại coi là ngu ngốc. Kết quả là bầy đỉa hút của bệnh nhân vốn đã yếu đi vì sốt, khoảng hai lít máu.
Không có gì ngạc nhiên là Byron bắt đầu mê sảng và hét lên một điều gì đó không rõ ràng khi thì bằng tiếng Anh, khi thì bằng tiếng Ý. Có lẽ, ông muốn gọi luật sư của mình. Chưa đầy một ngày sau, nhà thơ trút hơi thở cuối cùng.
Ngắm nhìn thi sĩ lần cuối
Byron mơ ước được an táng tại tu viện Westminster. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối vinh dự đó – dường như người ta cho rằng cuộc đời ông quá xấu xa và tai tiếng để được yên nghỉ bên cạnh những nhân vật đức độ như nhà thơ, triết gia, nhà ngoại giao Anh Geoffrey Chaucer (1343-1400) và nhà thơ Anh Edmund Spencer (1552-1599). Thi thể của Byron được an táng tại hầm mộ gia đình ở thành phố Hucknall.
Tháng 6 năm 1938, đã xảy một sự kiện hy hữu. Không rõ vì mục đích gì, bốn mươi kẻ vô công rồi nghề nào đó đã đào hầm mộ Byron, dường như chúng muốn ngắm nhìn thi thể của ông. Tuy nhiên, lúc mở nắp quan tài, trong hầm mộ chỉ còn lại ba tên dũng cảm nhất trong số đó.
Về sau, một tên đã viết rằng thi thể của Byron "vẫn được bảo toàn nguyên vẹn". Nếu không kể trái tim, bộ óc đã được loại bỏ khi khám nghiệm tử thi và chân phải, thì Byron trông vẫn khá ổn - đặc biệt là đối với một người đã chết 114 năm trước. Ngày hôm sau, bọn chúng đã đậy nắp hầm mộ lại và để cho linh hồn nhà thơ yên nghỉ.