Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn:

Gã đầu bạc bay qua những cơn mưa

Thứ Bảy, 19/10/2019, 07:52
Tóc trắng xõa bay theo gió. Gió rát mặt, gió đẩy người như chúi, như ngã. Gã đang bay. Bay qua những đám mây trắng bồng bềnh, bay qua cả cơn mưa ào một cái rồi tạnh, bay qua núi đồi, làng mạc, biển khơi...  Và mặc gió, mặc mưa, ống kính gã “nuốt” hết mọi thứ một cách tham lam, vội vã. Bởi như gã nói, đầy tự hào: nước non mình đẹp làm sao!


Nhiếp ảnh gia, nhà báo Giản Thanh Sơn vừa khai mạc triển lãm và ra mắt cuốn sách ảnh “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam” tại TP Hồ Chí Minh. Cuốn sách gồm hơn 400 bức ảnh được Giản Thanh Sơn thực hiện trong hơn 20 năm qua. Cái duyên đưa ông đến và gắn bó với Trung đoàn Không quân 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370.

Đại tá Lê Việt Thắng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 nhớ lại: “Mỗi chuyến bay, chúng tôi được ngắm đất nước mình từ trên cao, thấy đẹp vô cùng, lòng đầy cảm xúc trước đất mẹ thiêng liêng. Nhưng chúng tôi chỉ biết cất giữ vẻ đẹp đó vào tim chứ không thể chụp lại vì phải làm nhiệm vụ. Gặp Giản Thanh Sơn và biết mong muốn nhiệt thành của anh, chúng tôi rất mừng. Anh không quản ngại khó khăn, vất vả đã giúp chúng tôi ghi lại cảnh đẹp Tổ quốc để cùng chia sẻ đến mọi người”.

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn.

Với Giản Thanh Sơn, ông coi những người phi công như nghệ sĩ của bầu trời, là những cánh bay không mỏi. Cánh bằng cất lên là lúc tâm hồn người phi công thả theo cái đẹp để vi vút những đường bay điệu nghệ. Với anh em phi công Trung đoàn Không quân 917, Giản Thanh Sơn đã trở thành quân nhân danh dự, là người một nhà. Bởi con người ông luôn mang tới niềm cảm hứng bất tận về sự phụng hiến, về cái hay, cái đẹp ở đời.

Trong mắt bạn bè thân hữu, Giản Thanh Sơn hiện lên như một tay máy điêu luyện, một gã lãng du với mái tóc bạc bồng bềnh phong trần. Ẩn giấu trong đó, là một trái tim hào sảng, đong đầy yêu thương. Bất kể nắng mưa, hay khoảng cách xa xôi, hễ các phi công báo sắp có chuyến bay là ông tức tốc lên đường. Nhiều khi đang ăn dở chén cơm, cứ quăng để đó mà đi cho kịp.

 Dường như ông chỉ hạnh phúc khi được bay lượn trên bầu trời, choáng ngợp nhìn ngắm quê hương xứ sở và ghi lại mọi khoảnh khắc. Ông cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với người lính trên khoang lái trong những đợt huấn luyện, ra Bắc vào Nam của đơn vị.

Ngồi trò chuyện với tôi trong quán cà phê, nhắc lại những phút giây bấm máy, đôi mắt ông chợt đỏ hoe. Ông bảo nhìn dưới đất, quê hương đã rất đẹp rồi thì khi lên cao, thu trọn hình hài quê hương trong lòng mắt, mới hiểu tình yêu Tổ quốc là như thế nào. Khi trực thăng bay qua Long An quê hương ông, bay qua miền Trung đồng khô cỏ cháy với con người và đàn gia súc bé xíu như đàn kiến, hay khi lượn qua quần đảo Trường Sa, thấy lá cờ đỏ kiêu hùng giữa con sóng lao xao, qua làng chài xóm biển yên bình..., khóe mắt ông cay xè. Nước mắt nhòa trong gió. Ông ráng chụp mà không thể chụp được, phải buông máy, vuốt ngực mấy lần. Ông khóc như đứa trẻ lâu ngày gặp mẹ.

Bây giờ, dù đã có thiết bị tối tân để chụp từ trên cao như flycam nhưng ông vẫn muốn chính tay mình cầm lấy máy ảnh, bay lên cùng chim trời, tận mắt nhìn ngắm mọi thứ mà rưng rưng bấm máy. Bởi đó chính là cảm xúc, là nhịp đập quả tim mà thiết bị kỹ thuật có tân tiến đến mấy cũng không thay thế được.

Nhờ vậy, Giản Thanh Sơn mới làm nên những bức ảnh tuyệt đẹp, khiến người thưởng lãm xúc động. Qua tay máy nghệ thuật đong đầy tự hào và yêu thương của tác giả, non nước Việt hiện lên thật hào hùng, tráng lệ và thiêng liêng. Tất cả hình ảnh gần như là file gốc, không hề được chỉnh sửa, cắt cúp. Bởi như ông nói, cảnh sắc quê mình đã quá đẹp rồi thì không còn gì để mà sửa nữa.

Cuốn sách ảnh “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam” ghi lại hải đảo và bờ biển dọc dài đất nước chữ S. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bồi hồi: “Một tập sách khá toàn diện và sống động về chủ đề biển đảo mà hiếm có nhà báo, nhà nhiếp ảnh nào có điều kiện để thực hiện nó. Từ không trung, với trang thiết bị máy ảnh chuyên nghiệp và kiến thức nhiếp ảnh tích lũy được trong nhiều thập kỷ công tác đã giúp anh xử lý, tác nghiệp thành công nhiều tác phẩm ảnh trong điều kiện không thuận lợi cho nhà nhiếp ảnh.

Một góc đảo Trường Sa Lớn qua góc máy Giản Thanh Sơn.

Qua con mắt của anh, phong cảnh bờ biển, cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên biển quê hương như đan xen, quấn quýt ôm chặt vào dải đất hàng nghìn năm lịch sử của cha ông nước Việt. Những dải cát ven biển vàng óng, những con sóng bạc đầu  từ màu xanh thẳm của biển đẩy vào, vỗ về bờ cát như điệp khúc trong những bức ảnh của Giản Thanh Sơn, mà không làm người xem chán mắt”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy thì tâm sự: “Cách đây vài năm, khi cùng ngồi xem những bức ảnh chụp biển đảo của anh Giản Thanh Sơn, tôi đã không kiềm được xúc động mà thốt lên rằng: “Mỗi hòn đảo một trái tim!”. Vì sao tôi lại nói như vậy? Ở đây, trước hết tôi không muốn dùng phép ẩn dụ để nói về những bức ảnh của Giản Thanh Sơn. Tôi cũng không muốn lạm dụng một thứ mỹ từ véo von son phấn. Lời tôi thốt lên như là cái dội lại tự nhiên từ ánh mắt. Những bức hình biển đảo của Giản Thanh Sơn không giống như những bức hình biển đảo mà ta thường thấy. Nó không được chụp từ bờ ra, cũng không được chụp từ ngoài khơi vào. Không phải là những bức ảnh tỉa tót. Nhờ từ trên cao, nên mỗi hòn đảo đều lộ ra hết vẻ đẹp của nó, với sự vạm vỡ tự nhiên nhất”.

Giản Thanh Sơn vốn nổi tiếng với không ảnh được chụp từ trực thăng. Nó giúp ông có lợi thế hơn nhiều đồng nghiệp khác bởi vô số góc xa gần hiểm hóc mà chỉ có ngồi trên trực thăng mới chụp được. Ngoài “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam”, ông còn sở hữu nhiều đầu sách ghi lại cảnh sắc Việt Nam từ trên cao như “Không ảnh Sài Gòn”, “Việt Nam nhìn từ không trung”... Các bộ ảnh đều in song ngữ Anh – Việt nhằm mang đến bạn bè quốc tế thông điệp về một Việt Nam thay da đổi thịt từng ngày, về vẻ đẹp của một đất nước yêu hòa bình, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm.

Bay qua những cơn mưa luôn là khoảnh khắc mà ông ấn tượng. Trời đang quang bỗng nhiên trực thăng lướt nhẹ dưới một đám mây mọng nước. Nước rào qua. Ông nhìn những hạt mưa rơi xiên theo gió, rồi đáp mau xuống đất. Ở dưới đó, là cánh đồng khô cằn, là sỏi đá nứt nẻ sau bao tháng ngày chang chang nắng. Ở dưới đó, có đôi mắt hằn chân chim, có khuôn mặt sạm đen của người nông dân đang ngóng ông trời. Ông nhìn mưa mà vui, mỗi giọt rơi làm niềm vui cứ dâng đầy. Giản Thanh Sơn bảo, rồi sẽ có một ngày, ông trình làng những bức ảnh chụp cơn mưa từ trên cao ấy, để thấy sự sống diệu kỳ như thế nào. 

Gần 50 năm cầm máy, rong ruổi 90 nước trên thế giới, nhưng không nơi đâu cho ông niềm xúc động dâng trào khi cầm máy như quê hương nhìn từ trên cao. Còn sức, ông còn chụp. Còn sức, là còn leo lên trực thăng. Nỗi sợ độ cao, nỗi sợ nguy hiểm tan nhanh trong thoáng chốc khi cảnh sắc đất nước hiện dần dưới những cánh bằng. Lúc đó chỉ còn niềm say sưa, kiêu hãnh tự hào để ông bấm máy, tạc họa hình hài đất mẹ.

Mai Quỳnh Nga
.
.