Người giữ kỷ lục Guinness "Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất":

Duyên số bắt đầu từ đêm trắng

Thứ Năm, 16/08/2018, 08:15
Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là "Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất". Tôi nói với Tiến Hợi rằng, tôi có cảm tưởng như vai Bác Hồ là vai diễn dành riêng cho Tiến Hợi và chỉ có Tiến Hợi mới "đảm nhiệm" được một vai diễn vào loại "khó nhất" này.


Bẵng đi mấy tháng tôi mới gặp Tiến Hợi. Lại gặp ở một nơi chả liên quan gì đến "kịch cọt" cả, nhưng không sao, cứ chuyện trò vui vẻ là được. Tiến Hợi "thông báo" chỉ một năm nữa thôi là anh sẽ nghỉ hưu. Ôi chao, mới thế mà đã nói đến "nghỉ ngơi" rồi. Tôi chợt chạnh lòng,  nghĩ "Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ vào loại "độc nhất vô nhị", vậy ông này nghỉ hưu thì chuyện sẽ sao đây?".

Sinh năm 1959, năm Kỷ Hợi, các cụ ta ngày trước cứ "nhè" con cái chào đời vào năm nào là đặt tên cho con theo tên con Giáp của năm đó. Vậy mới có cái tên Tiến Hợi, mà Tiến đặt lên đầu nhé, cứ gọi là "chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi".

Năm 1978, "anh chàng Hợi" đang phân vân chưa biết chọn học trường nào thì bất ngờ "lọt mắt xanh" những người đi tuyển học viên cho lớp đào tạo diễn viên kịch nói ở Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Thế là chàng trai "thành Đỏ" (Tiến Hợi quê ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh) sau hơn hai năm "tu luyện" trở thành diễn viên chính thức của Đoàn Kịch Trường Sơn thuộc Quân khu 2.

Nghệ sĩ Tiến Hợi vào vai Bác Hồ ngày ở Việt Bắc.

Những năm tám mươi của thế kỷ trước, phải nói là những năm "hào hùng" của sân khấu kịch nước nhà (tên tuổi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng những vở kịch của ông cũng nổi lên từ những năm tháng đó). Riêng Đoàn Kịch nói Trường Sơn kế thừa truyền thống "mở đường mà tiến, đánh giặc mà đi" của bộ đội 559 anh hùng đã có nhiều vở gây được tiếng vang, chiếm được cảm tình của khán giả và sự tín nhiệm của cả cấp trên.

Chắc là do vậy nên cuối năm 1987, Đoàn được vinh dự dựng vở kịch "Đêm trắng". Một vở kịch nghe tựa đề cứ ngỡ là chuyện ở mãi đâu xa, vậy mà không thế, tác giả Lưu Quang Hà đã lấy một câu chuyện có thật trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1948 - 1949 để làm "mạch" cho vở kịch của mình và đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã cùng tập thể diễn viên trong đoàn bắt tay vào việc.

Lãnh đạo Đoàn Kịch Trường Sơn ban đầu định mời diễn viên đoàn khác đã từng đóng vai Bác Hồ nhưng bàn mãi thấy không ổn, bởi đoàn kịch của quân đội nên chuyện phải thường xuyên "lên rừng xuống biển" phục vụ bộ đội rất khó cho diễn viên "đi mượn". Cuối cùng đoàn nhất trí cử ra hai diễn viên trong đoàn và nhờ nghệ sĩ hóa trang danh tiếng Nhữ Đình Nguyên hóa trang giúp để lựa chọn. Có lẽ tuổi trẻ và hình như "chất Nghệ" sẵn có trong người mà Tiến Hợi được quyết định giao vai.

"Đó là duyên số"- Tiến Hợi tâm sự với tôi như vậy. Từ duyên số với vở kịch "Đêm Trắng" đó mà bao nhiêu năm qua, Tiến Hợi liên tục được "thủ vai" Bác Hồ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Từ kịch nói cho tới truyền hình. Từ điện ảnh (phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn") cho tới kịch hát. Đấy là chưa kể hàng trăm lần anh vào vai Bác Hồ trong các lễ hội hay trong các lễ kỷ niệm khác.

Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là "Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất". Tôi nói với Tiến Hợi rằng, tôi có cảm tưởng như vai Bác Hồ là vai diễn dành riêng cho Tiến Hợi và chỉ có Tiến Hợi mới "đảm nhiệm" được một vai diễn vào loại "khó nhất" này.

Quả thật là Tiến Hợi vào vai diễn đạt đến nỗi nhiều người biết là đang xem kịch, nhưng vẫn "đinh ninh" rằng đang được thấy Bác Hồ thật. Tôi lại hỏi Tiến Hợi: "Về ngoại hình khâu hóa trang có thể thực hiện tốt, nhưng làm thế nào để thật như thật?". Tiến Hợi bập bập mấy hơi thuốc rồi mới nói: "Quan trọng là thần thái anh ạ".

Hồi mới được phân vai Bác Hồ, diễn viên trẻ Tiến Hợi rất vui nhưng cũng nhiều lo lắng. Hai tháng cùng đoàn tập vở "Đêm trắng" là hai tháng Tiến Hợi "mất ăn mất ngủ". Anh kể: "Sáng lên sàn tập cùng mọi người. Chiều một mình ngồi xem lại các phim tư liệu về Bác Hồ. Tối đến đóng cửa phòng để nghe băng ghi âm các lần Bác Hồ nói chuyện".

"Đêm trắng" rồi cũng đến ngày công diễn chính thức. Dĩ nhiên rồi, hình tượng Bác Hồ cũng phải "chu đáo" mọi lẽ. Tiến Hợi kể rằng: "Đêm Tổng duyệt được tiến hành tại Nhà hát Lớn Hà Nội để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới "nghiệm thu". Trước giờ biểu diễn, bác Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ) vào tận phòng hóa trang. Khi vừa tới nơi bác Vũ Kỳ đã lặng người xúc động. Tiến Hợi hóa trang y như thật và thật quá làm bác Vũ Kỳ bật khóc.

Tác giả bài viết (bên trái) và nghệ sĩ Tiến Hợi.

Thành công của "Đêm trắng" và cũng là thành công của Tiến Hợi với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hơn 300 đêm diễn, vở kịch "Đêm trắng" đã đem lại "luồng gió mới" cho sân khấu kịch nói riêng và cho nghệ thuật biểu diễn nói chung.

Tiến Hợi sau hồi im lặng, tâm sự: "Tôi nhớ đêm vở "Đêm trắng" được diễn tại sân vận động thành phố Việt Trì tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Hơn 4000 khán giả háo hức và tập trung nhìn lên sân khấu. Bỗng có một ông lão vụt đứng dậy xin "Cho tôi phát biểu" đúng lúc "Bác Hồ" xuất hiện trên sân khấu. Ông được mọi người đưa về phía sau cánh gà để đảm bảo cho buổi biểu diễn được trật tự. Mọi người đã nghĩ ông này "có vấn đề" bởi ông cứ nằng nặc đòi gặp bằng được "Bác Hồ"? Khi tôi diễn xong một cảnh, vào gặp thì ông già vội quỳ xuống bái lạy. Tôi đỡ ông dậy và nói: Thưa, cháu chỉ là nghệ sĩ thể hiện vai Bác Hồ thôi chứ có phải là Bác Hồ thật đâu mà ông bái lạy. Ông già trả lời: Tôi biết chứ nhưng mà giống quá".

Ông lão ấy từng là bộ đội đoàn Sông Lô những năm kháng chiến trường kỳ. Ông cho biết dạo 1948 - 1949 bộ đội ta còn thiếu thốn lắm. Một lần đơn vị của ông dừng nghỉ bên một con suối nhỏ và tranh thủ chợp mắt thì bỗng có ai đó hô to "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm". Mọi người ban đầu chưa hiểu, nhưng sau giây lát thì cùng đồng thanh hô theo rồi chạy ùa đến bên Bác Hồ. Bác hôm ấy ăn mặc quần áo bộ đội, khăn mặt vắt vai nên khó nhận biết. Bộ đội vui và xúc động lắm.

Bác Hồ nhắc mọi người ngồi xuống và nói: "Bác đi nắm tình hình xem đời sống sinh hoạt của chiến sĩ. Bác nghe tin có người giữ chức vụ cao trong quân đội đã biển thủ công quỹ, đã cắt xén tiêu chuẩn của bộ đội nên Bác rất buồn. Lần này về Bác sẽ cùng chính phủ khắc phục". Ra thế, nội dung của "Đêm trắng" lại đúng như câu chuyện mà mình được biết nên ông lão mới "có vấn đề" như vậy. Tiến Hợi kể xong thì im lặng, anh trở về với dòng kỷ niệm không bao giờ quên.

Tôi hỏi: "Thế nào mà Tiến Hợi lại về Nhà hát kịch Hà Nội?". Tiến Hợi cho biết là năm 1988, Đoàn Kịch Trường Sơn giải thể. Anh được Sở Văn hóa Hà Nội "xin" về. Vậy là Thượng úy Tiến Hợi chuyển ngành và trở thành "người" của Rạp Công Nhân trên phố Tràng Tiền (trụ sở của Nhà hát kịch Hà Nội). Vợ anh - chị Vương Đạm Thủy - cũng xin phục viên để theo chồng.

Tôi cười: "Chị nhà hy sinh vì chồng quá đấy". Tiến Hợi cũng cười, anh cho hay hồi Đoàn Trường Sơn bắt đầu dựng vở "Đêm trắng", cô diễn viên trẻ tên Thủy được đoàn cử đi học hóa trang vai Bác Hồ (cũng vì do điều kiện nên đoàn không thể mời nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên được). Như kiểu "lửa gần rơm" mà anh diễn viên và cô hóa trang viên "phải lòng" nhau. Họ nên chồng vợ từ dạo đó. Và cũng từ dạo đó cho tới tận bây giờ, việc hóa trang cho Tiến Hợi đều do một tay vợ anh đảm trách.

Tôi bảo: "Vai Bác Hồ đã tác thành cho anh chị". Tiến Hợi gật đầu. Mà cũng duyên số thế nào ấy. Chị Thủy tuy sinh ra và lớn lên ở thành phố Việt Trì, nhưng gốc gác ở huyện Nam Đàn. Từ xã Nam Liên nhà chị sang xã Kim Liên quê Bác chỉ một thôi đường. Mà cũng tình cờ lắm cơ, chị Vương Đạm Thủy có ngày tháng sinh trùng với ngày tháng sinh của Bác Hồ mới lạ chứ. 

Đúng là ở đời có duyên có số thật. Bắt đầu từ "Đêm trắng" không ngờ tới và đầy bỡ ngỡ ngày nào, NSƯT Tiến Hợi đã "đóng đinh" sự nghiệp diễn viên của mình với vai Bác Hồ hơn ba mươi năm qua. Đi biểu diễn đã đành, có việc gì đó mà anh có dịp về các địa phương là mỗi lần Tiến Hợi lại "vào vai Bác Hồ". Chẳng là mọi người thấy Tiến Hợi thì cho dù ở trong hoàn cảnh nào, kiểu gì cũng muốn được nghe anh nói "giọng Bác". Đấy, hôm rồi về Hải Dương hỏi vợ cho thằng cháu ruột, anh cũng được yêu cầu như thế. Tiến Hợi vui lắm, bởi có được một vai diễn để đời là cả một sự nghiệp.

Nguyễn Trọng Văn
.
.