Những nghệ sĩ vào vai Bác Hồ: Hơn cả niềm tự hào

Thứ Bảy, 29/05/2010, 08:54
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với các văn nghệ sĩ. Dựng chân dung Người, nhà văn thì dùng ngôn ngữ, nhạc sĩ thì dùng âm nhạc, họa sĩ thì dùng hình khối, sắc màu. Nhưng với người làm sân khấu và điện ảnh thì khó hơn, vì họ phải tìm được diễn viên thể hiện tốt nhất câu chuyện và ý tưởng của mình.

Hình ảnh Bác Hồ trong lòng người dân Việt Nam nhiều năm nay đã trở nên rất đỗi  gần gũi và thân quen. Chính vì vậy công việc của các nghệ sĩ khi được vinh dự vào vai Bác Hồ cũng trở nên khó khăn hơn.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hãy cùng điểm lại một số gương mặt nghệ sĩ vào vai Bác Hồ được yêu mến từ trước tới nay.

Nghệ sĩ Tiến Hợi: Nhiều lần được đóng vai Bác Hồ

Trong số các nghệ sĩ đã vào vai Bác Hồ, Tiến Hợi là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm hơn cả. Trước tiên vì anh có ngoại hình giống Bác nhất. Và anh cũng là người đã đóng vai Bác trong nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh nhất. Tiến Hợi được các đạo diễn chú ý khi anh đóng vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng". Dáng dấp, con người, thần thái ở anh khi nhập vai đã toát lên được vẻ đẹp tinh thần, hình ảnh, cốt cách của Bác khiến cho khán giả rất hài lòng.

Tiến Hợi nhớ mãi một kỷ niệm xúc động, đó là khi anh đi diễn vở "Đêm trắng" ở Việt Trì (Phú Thọ). Có một cụ già, trong lúc anh đang diễn đã đứng lên: "Thưa Bác, cho cháu được phát biểu ý kiến" khiến khán giả cười ồ. Kết thúc đêm diễn, cụ già đến gần Tiến Hợi và sụp xuống lạy, làm nghệ sĩ vô cùng bối rối. Cụ bảo: "Tôi biết là anh vào vai Bác Hồ. Nhưng anh đóng Bác giống quá, khiến tôi nhớ lại kỷ niệm hồi còn ở trung đoàn Sông Lô, được đón Bác lên thăm. Tôi đã được gặp Người và phát biểu ý kiến với Người".

Nghệ sĩ Tiến Hợi vai Bác Hồ (phim "Hà Nội mùa đông năm 46).

Sau thành công của "Đêm trắng", Tiến Hợi được đạo diễn Long Vân mời vào vai Bác Hồ trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn". Gặp được Tiến Hợi là một sự "may mắn" với Long Vân, bởi vị đạo diễn này đã mất hàng năm trời tìm kiếm mà "không ra" người vào vai Bác thật ưng ý. Tiến Hợi đã rong ruổi theo đoàn làm phim khắp các địa phương: Nghệ An, Huế, Phan Rang, Phan Thiết, TP HCM... "Hẹn gặp lại Sài Gòn" kể về cuộc đời Hồ Chí Minh khi Người còn trẻ, đang nung nấu ước nguyện ra đi tìm con đường cứu nước. Vào vai Nguyễn Tất Thành tuổi 20 nhưng lúc đó Tiến Hợi đã ở tuổi 32. Tuy nhiên, nhờ sự hóa trang và tạo hình tốt nên Tiến Hợi đã hoàn thành vai diễn khiến đạo diễn Long Vân rất hài lòng.

Năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46" và ông không ngại ngần mời Tiến Hợi vào vai Hồ Chủ tịch. Nếu vai Nguyễn Tất Thành trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" trẻ trung, đầy hoài bão thì vai Hồ Chí Minh trong "Hà Nội mùa đông năm 46" lại lịch lãm, kiên định.

Nghệ sĩ Tiến Hợi cho biết, để vào vai Bác Hồ thành công, ngoài ưu thế về ngoại hình giống Bác, anh còn tìm đọc các tài liệu lịch sử, sách báo về Bác. Anh cũng lắng nghe các băng ghi âm của Người để học cách nói, cách nhả chữ cho thật chuẩn. Khi làm phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", Tiến Hợi còn được các đạo diễn tạo điều kiện đến các Bảo tàng để hiểu sâu hơn về cuộc đời và hoạt động của Người. Tiến Hợi cũng chủ động gặp nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn tiểu thuyết "Búp sen xanh" nổi tiếng để được nhà văn kể thêm nhiều chi tiết về tuổi trẻ của Hồ Chủ tịch.

Tiến Hợi rất tự hào khi mình là nghệ sĩ được vào vai Bác nhiều lần trong đời và nhận được sự quý mến của các đạo diễn, khán giả. Để giữ hình tượng đẹp về Bác, trong đời mình, Tiến Hợi không bao giờ nhận đóng vai… phản diện.

NSƯT Trần Lực: Cần phải thể hiện cho được cốt cách của Người

So với nghệ sĩ Tiến Hợi thì nghệ sĩ Trần Lực không có ưu thế về ngoại hình khi được mời vào vai Tống Văn Sơ (một bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông". Phim này do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang, Trung Quốc hợp tác sản xuất). Tuy nhiên, các nhà làm phim đánh giá cao khả năng diễn xuất nội tâm ở anh. Dưới bàn tay hóa trang tài tình của các chuyên gia nước ngoài, Trần Lực cũng đã được tạo hình tốt để xuất hiện trước ống kính.

Hình ảnh Bác Hồ trong giai đoạn đấu tranh cách mạng cam go ở nước ngoài đã được Trần Lực thể hiện thành công. Tâm sự về vai diễn quan trọng này, Trần Lực nói: "Theo tôi, vào vai Bác Hồ thì điều quan trọng nhất là phải diễn cho ra được khí phách, cốt cách của Người. Đã từng đóng nhiều phim, nhưng khi được chọn vào vai Tống Văn Sơ tôi vẫn rất lo lắng. Đạo diễn Khắc Lợi đã giải tỏa sự lo lắng ấy cho tôi bằng cách ông cho tôi đọc và xem nhiều tư liệu quý về Bác. Ông cũng đưa tôi đến gặp ông Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Bác năm xưa. Và ông Vũ Kỳ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Ông kể lại tỉ mỉ về các sinh hoạt, tác phong, tâm tư, tình cảm của Bác để tôi có thể có một hình dung xuyên suốt trong khi nhập vai. Tôi lục tìm trên giá sách gia đình và đọc tất cả những cuốn sách nói về Bác Hồ. Một việc nữa là tôi đầu tư học ngoại ngữ. Trong "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" có nhiều trường đoạn Bác Hồ nói tiếng Trung như người Trung, nói tiếng Anh như người Anh nên tôi phải học thêm ngoại ngữ để khi diễn khẩu hình thật tốt. Về giọng nói, tôi cũng phải tập cách nhả chữ mang hơi hướng miền Trung của Bác Hồ".

Nghệ sĩ Trần Lực vai Tống Văn Sơ (phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông).

Quá trình làm phim rất vất vả nhưng đầy kỷ niệm đẹp với Trần Lực. Xem phim, mặc dù ngoại hình Trần Lực không giống Bác nhiều như nghệ sĩ Tiến Hợi, nhưng khán giả vẫn xúc động vì khả năng biểu đạt nội tâm nhân vật của anh.

Diễn viên Minh Đức: Đóng phim về Bác cũng là quá trình học tập tấm gương đạo đức của Người.

Minh Đức rất trẻ, mới 22 tuổi, đang là sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh. Anh đã từng tham gia một số phim như "Lập trình cho trái tim", "Nhà có nhiều cửa sổ", "13 nữ tử tù"... nhưng việc được chọn vào vai Bác Hồ thời niên thiếu trong phim "Nhìn ra biển cả" của đạo diễn Vũ Châu là hoàn toàn bất ngờ đối với Minh Đức. "Nhìn ra biển cả" là phim nhựa đầu tiên kể về cuộc đời Bác Hồ thời còn đi học. Kịch bản phim của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, đã từng giành giải cao trong cuộc vận động sáng tác kịch bản về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Minh Đức kể: "Từ trước tới nay, chưa có phim nào làm về Bác Hồ thời đi học. Theo yêu cầu của đạo diễn, em phải hóa thân làm sao để thể hiện được Nguyễn Tất Thành là một thanh niên đặc biệt nhất trong số nhiều người yêu nước trẻ tuổi. Em phải tìm đọc sách kể về Bác Hồ, nhất là những chi tiết nói về thời niên thiếu của Bác thì phải nhớ kỹ. Nhớ để hiểu về tư tưởng của Bác khi người còn rất trẻ".

Cái khó nhất của Minh Đức là em còn trẻ về tuổi đời, chưa có đủ trải nghiệm để vào một vai diễn lớn với nhiều trăn trở như vai Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm bẩm sinh, cùng với sự động viên của cả đoàn làm phim, Minh Đức đã nhập vai tốt. Trong phim có cảnh Nguyễn Tất Thành đi làm thông ngôn cho nông dân. Trường đoạn nói tiếng Pháp dài tới chục phút. Minh Đức được học tiếng Pháp cấp tốc để có thể diễn tốt ở trường đoạn này. Khi "Nhìn ra biển cả" ra mắt khán giả nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Minh Đức đã nhận được nhiều lời khen ngợi, khích lệ dành cho vai diễn của mình.

Minh Đức tâm sự: "Đóng phim về Bác cũng chính là một quá trình để em học tập tấm gương đạo đức của Người. Thực sự thì thế hệ chúng em đang mất dần đi lý tưởng sống. Nhưng câu chuyện về người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hoàn cảnh nước mất nhà tan đã khiến em hiểu thêm rằng, cần phải có hoài bão lớn khi mình còn trẻ. Em cảm thấy may mắn và tự hào, thậm chí hơn cả niềm tự hào khi mình được đóng vai Bác Hồ"

Hội Quân
.
.