Nhà thơ Trúc Thông: Chầm chậm tới mình...

Chủ Nhật, 10/05/2009, 11:00
Nhà thơ Thúc Thông sinh ngày 8/2/1940 tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp, ông đi bộ đội một thời gian ngắn, sau đó về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Nhà thơ Trúc Thông làm thơ sớm, nhưng "chín muộn", in muộn; làm thơ từ những năm 15 tuổi mà mãi đến năm 40 tuổi mới cho xuất bản được tập thơ đầu tay trong tập "Chầm chậm tới mình" (in chung với Đào Cảng).

Cách đây chừng 4 năm, hồi gia đình nhà thơ Trúc Thông còn ở ngõ Hồng Phúc (Hà Nội) có lần tôi đã đến thăm ông. Tôi vẫn nhớ như in dáng điệu của ông lúc bấy giờ, tất tả mời khách ngồi với nụ cười hiền luôn nở trên môi. Mái tóc vừa dài vừa thưa để lộ cái đầu hói khiến người ta liên tưởng đến một nhà bác học. Ông không nói nhiều, cũng chẳng phô trương mình bằng thơ hay bằng một cách nào khác. Ấn tượng về ông ban đầu mà tôi ghi nhớ được là vết chàm trên mặt, ông đùa rằng đây là do "bà mụ đánh dấu quá tay".

Bẵng đi một thời gian, tôi không gặp nhà thơ Trúc Thông, chỉ nghe đâu đó trên các diễn đàn báo chí, ông lên tiếng ủng hộ các nhà thơ trẻ và những cách tân của họ. Rồi một ngày, tôi bất ngờ nghe tin ông bị tai biến mạch máu não…

Giờ đây, gia đình ông chuyển ra sống gần bờ sông Hồng. Ngôi nhà mà ông mơ ước đã từ lâu, kể từ khi ông viết thành công bài thơ "Bờ sông vẫn gió": "Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối... một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh/ Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha/ Cây cau cũ, giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần, rồi mẹ hãy dần dần đi".

Cũng chính vì sự thành công của bài thơ này mà trong suốt quá trình làm nhà, bà Nguyệt, vợ ông, chỉ chăm chăm thiết kế cho ông một phòng làm việc nhìn ra bờ sông Hồng ngút gió để ông tìm cảm hứng sáng tạo. Bây giờ thì ngôi nhà trở thành nơi yên lành cho ông dưỡng bệnh sau một thời gian dài sống trong trạng thái "vô vi".

Phải khá vất vả mới tìm đường đến được nhà ông. Tôi bấm chuông cửa nhiều lần nhưng không thấy ai ra mở, mặc dù đèn vẫn sáng. Tôi sợ mình đến nhầm nhà, nhưng nhìn qua khe cửa sắt, tôi nhận ra cái tủ sách và bộ bàn ghế mây cũ của nhà ông trước đây.

Bấm chuông không được, tôi gọi điện thoại tới 2 lần Trúc Thông mới bắt máy, hóa ra ông đang ngủ. Giờ đây, hàng ngày  nếu không có ai đến chơi, chuyện trò, Trúc Thông sẽ thả mình triền miên trong giấc ngủ. Với ông, ngày là đêm, và đêm lại trở thành ngày. Ông thức giấc vào 11h, dậy ăn trưa xong, ông lại ngủ cho tới 17h, khi vợ con đi làm về đánh thức. Căn bệnh tai biến mạch máu não đã khiến ông không làm chủ được mình như những ngày còn khỏe mạnh nữa.

Nhà thơ Thúc Thông sinh ngày 8/2/1940 tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp, ông đi bộ đội một thời gian ngắn, sau đó về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Nhà thơ Trúc Thông làm thơ sớm, nhưng "chín muộn", in muộn; làm thơ từ những năm 15 tuổi mà mãi đến năm 40 tuổi mới cho xuất bản được tập thơ đầu tay trong tập "Chầm chậm tới mình" (in chung với Đào Cảng).

Ông từng tự nhủ rằng, có thể "sự muộn" đó cũng có rủi may riêng. Chính trong sự vận động cho những bước nhảy chậm của mình, ông đã tích tụ được nhiều kinh nghiệm cho thơ cũng như bản thân. Đâu cứ in nhiều, in sớm mới là hay, là tốt. Dù không phải không có những nỗi niềm bức xúc. Là người làm thơ mà không được công bố, không đến được với độc giả thì cũng áy náy ghê lắm, nhưng mãi rồi ông cũng quen.

Ông hoài niệm tới quãng đường dài dẫn ông đeo đuổi nghiệp thơ thuở còn thơ ấu: Hồi Trúc Thông 15 tuổi, thầy giáo dạy tiếng Pháp của ông là Phan Khắc Hoan, nhà ở phố Bảo Khánh. Thầy biết ông làm thơ nên mỗi lần đến nhà thầy học bài, thầy thường bảo Trúc Thông đưa thơ cho thầy đọc. Có lần thầy gọi Trúc Thông lại xoa đầu bảo "cũng được đấy".

Thay vì lời cám ơn, không hiểu sao cậu bé Trúc Thông hồi ấy bực bội vô cùng, bực và tủi thân vì cái xoa đầu của ông giáo. Trong ý thức của cậu bé Thông hồi đó, cậu nghĩ mình sẽ phải cố gắng để ông giáo không xoa đầu mình được nữa.

Rồi sau này, điều đó một lần nữa lại được rung lên với lòng tự trọng khủng khiếp khi một người bạn thơ tuyên bố một câu "xanh rờn" khi Trúc Thông đưa thơ cho anh ta xem: "Tôi thấy anh cứ làm, cọc cạch đến cuối đời cũng in được một tập!". Mặc dù rất bực, nhưng Trúc Thông không nói gì, chỉ biết ngấm ngầm mà chăm chút cho sáng tạo. Ông nói: "Chẳng hiểu sao thời đó mình lại bị "ghét" đến vậy, không được in mặc dù thơ không phải là loại bỏ đi".

Rồi đất trời cũng run rủi cho ông có một tác phẩm "để đời" là bài thơ "Bờ sông vẫn gió". Nhà thơ Trúc Thông kể: "Tôi viết bài thơ này năm 1983. Chả là hồi đó, tôi và Hoàng Nhuận Cầm có một quy ước, mỗi thằng viết 15 bài thơ, không phải để in mà để biết với nhau. Bài "Bờ sông vẫn gió" được viết trong một chuyến đi thực tế. Ngày đó mẹ tôi chưa mất nhưng cụ ốm yếu lắm. Tôi hay nghĩ về cụ và trong một lần khi niềm xúc cảm mãnh liệt về mẹ và dòng sông Châu ùa đến bất chợt, tôi đã viết bài thơ đó. Bài thơ không phải sửa một câu nào cho tới lúc nó được xuất bản, trong đó những câu thơ đầu tiên cứ như là của trời cho".

Cả đời thơ Trúc Thông chỉ vọn vẹn có 4 tập với hơn trăm bài: "Chầm chậm tới mình (1985), "Maratong" (1993), "Một ngọn đèn xanh" (2000 - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) và "Vừa đi vừa ở". Ông từng nói rằng: "Trước mỗi bài thơ định viết, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Riêng với thơ tôi là người thận trọng, thận trọng ngay trong từng câu chữ. Tôi quan niệm rằng làm thơ tức là nhìn tạo vật, nhìn cuộc đời như lần đầu tiên nhìn thấy. Như một buổi sáng đầu tuần".

Bây giờ, mỗi buổi sáng của Trúc Thông là những giờ phút chìm dài trong giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, ông lẩn mẩn đi lại như một đứa trẻ lên 3, chân run, tay run, ăn bị vãi ra bàn, nói không tròn tiếng. Khi "lười" tập nói, ông chỉ gật hoặc lắc, cười trừ hoặc dùng tay ra hiệu. Thậm chí, thời gian đầu, Trúc Thông còn phải ăn chế độ của một đứa trẻ 4 tháng tuổi. Người vợ hiền phải đút từng thìa bột xay nhuyễn cho ông ăn, bón từng thìa nước cho ông uống. Ông không đi lại được, nên ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng phải có người bế ẵm. Một nửa người bên phải không cử động được. May nhờ đông y châm cứu nhiều tháng liền (thủy châm trực tiếp vào não), giờ đây ông mới có thể đi lại được.

Chiều chiều, khi tỉnh giấc ngủ mộng mị, ông tập đi, tập đếm từ 1 đến 10, vợ con ông phải thường xuyên chơi, đùa, chuyện trò cùng ông như với một đứa trẻ bắt đầu những tiếp nhận những va đập của cuộc đời. Nhưng dường như trong tiềm thức, sự lãng mạn của hồn thơ vẫn thỉnh thoảng trỗi dậy trong ông. Ông vẫn nhớ mình có một tập thơ sắp in nhưng mới chỉ có 20 bài, mỏng quá chưa thể in được. Lúc vui ông nói với vợ: "Ôi, để anh làm thêm 20 bài nữa rồi in cho dày dặn, làm 20 mươi bài thì đơn giản không ấy mà!".

Có lúc hứng chí, ông nhích từng bước chân một mình ra Hồ Tây hóng gió, mặc cho vợ con, người thân ở nhà lo lắng đi tìm khắp xóm. Mãi hơn 1 tiếng sau ông mới về. Hỏi ông đi đâu, ông chỉ ậm ừ không nói gì. Vài ngày sau, khi vợ hết giận ông mới thủ thỉ: "Hôm nọ đi ra Hồ Tây". Vợ giận vì lo sợ ông đi ra phố bước thấp, bước cao, đường sá thì đông đúc, chẳng may có chuyện gì xảy ra…

Nhưng chị cũng biết rằng, tâm hồn của người chồng hơn mình gần 20 tuổi luôn có những phút thăng hoa vì cái nghiệp thơ văn nó đã vận vào ông rồi, khó mà từ bỏ lắm. Hôm nhà thơ Trúc Thông nằm bất tỉnh ở Bệnh viện Việt - Xô và phải tiêm thuốc, bạn bè đến thăm nhiều. Nhà văn Trung Trung Đỉnh còn đùa: "Tiêm thuốc làm gì, lão không tỉnh đâu. Tiêm ít thơ vào là tỉnh ngay".

Có lẽ hiếm nhà thơ nào sống giản dị và chân tình với bè bạn như nhà thơ Trúc Thông. Suốt đời ông mải mê với thơ, với bạn thơ. Có lần nào đó, trong câu chuyện về thơ, ông đã từng nói với tôi rằng: "Trót đam mê rồi thì phải sống chết với nó thôi. Nghề và cũng là nghiệp văn đã mang lại cho tôi nhiều thứ, có những điều khổ ải mà cũng có những điều hạnh phúc. Hạnh phúc đó nhiều khi không chia sẻ được mà chỉ cảm nhận được".

Giờ đây, nhà thơ Trúc Thông không viết được vì tay ông run lắm. Rất may là ông vẫn còn đọc được, đọc và nhớ hết từng tên, từng khuôn mặt bạn bè. Trong phòng làm việc nhìn ra sông Hồng vẫn có những cuốn sách của bè bạn tặng mà ông đang đọc dở. Tuy nhiên, tôi đồ rằng, những cảm nhận của tâm hồn người thơ về cuộc sống bên "bờ sông vẫn gió" chắc cũng không lãng mạn, đẹp đẽ như những trang thơ của ông nữa. Vì đối mặt với cuộc đời thực, ông phải chống chọi với bệnh tật, với những cơn đau, cả những cơn buồn ngủ thường trực kéo đến làm ông bất giác thiếp đi trong bất kỳ một phút giây nào đó…

Song Kim
.
.