Đến với thơ ca chẳng bao giờ là muộn
- Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch: "Thơ đẹp như một nỗi buồn"
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai và “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”
- Thiếu tá - nhà thơ Hoàng Anh Tuấn: “Thơ là duyên, văn là nợ”
Thức nhận, ngỡ mình “Hoa nở muộn”
“Hoa nở muộn” là tên tập thơ đưa Bùi Quảng Bạ thật sự vào làng văn từ đầu năm 2017. Sáu mươi bảy tuổi đời mới quả quyết thế, lại tự nhận là “Hoa nở muộn”, nhưng xem ra ông nhà thơ “trẻ” này không có vẻ vội vã gì. “Rót ly rượu tìm vần/ Gửi vào thơ nỗi nhớ/ Tình em như ngọn lửa/ Nồng ấm khoảng trời riêng, Mỗi năm xuân lại đến/ Chẳng lỗi hẹn bao giờ/ Cho tình yêu vào thơ/ Ngọt ngào trong men rượu”. (Tình xuân)
Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Quảng Bạ. |
Từ hôm nhẩn nha mà đi tìm thi hứng thế, thì ngay mấy tháng sau, ông viết tặng người có tên là Thủy mấy dòng là: “Khoảng trời/ đã vỡ sau em/ Một mình/ nào có/ nên duyên bao giờ?/ Còn duyên/ sao cứ hững hờ/ Hết duyên/ lỡ để vần thơ xé lòng!”. (Tặng Thủy).
Hai ví dụ trên, cho ta một thoáng nghĩ: Rất khó nói ngay là thơ trong tập “Hoa nở muộn” ấy là trẻ trung hay già dặn có lẽ là trong một có cả hai? Băn khoăn này cứ để vậy, bây giờ có thể ghi nhận mấy câu thơ trên đang nói với ta rằng tác giả là một người nặng tình. Khối tình ấy thường được thể hiện trong những mẩu chuyện không có gì to tát, được kể lại với các ngôn từ hình ảnh cũng ngỡ như chưa chau chuốt gì nhiều.
Bài “Rơi” được trích sau đây cho ta biết nhà thơ “nở muộn” này đã sớm già tay rồi. “Hoàng hôn rơi trên lá đỏ/ Mưa rơi nắng dệt cầu vồng/ Sao trời lung linh thành phố/ Sương rơi trắng cả chiều đông…”.
Ấy là tả, là kể, là vịnh về sự rơi đấy ư? Khổ thơ, rõ là một khúc dàn cảnh dàn trận, chữ không mới, nhưng cái thứ tự của mỗi từ đặt trong mỗi câu, diễn tả một không gian và thời gian thì đã rất có toan tính xếp đặt rồi. Thơ này dễ là thơ của người có tạng tư duy lớp lang, như ông thầy môn toán, như lối quen viết từ mở đầu, là đặt vấn đề, tiếp theo là nêu vấn đề, rồi dẫn dắt… của người lập dự án khoa học đây - tôi trộm nghĩ thế, rồi tự dặn là đừng sốt ruột, hãy đọc tiếp đã, thì thấy ông Bùi Quảng Bạ hạ bút làm liền một hơi là: “Bài ca rơi trong bâng khuâng/ Thời gian rơi vào nỗi nhớ/ Vần rơi, thơ thành dang dở/ Chiều rơi lãng đãng tìm em”. (Rơi)
Một loạt chuyện rơi, cái rơi.
Gợi dẫn rơi rơi ra thế, để chỉ dồn cho thơ và em thôi!
Tiếp sau “Hoa nở muộn” năm 2017, năm 2019 Bùi Quảng Bạ ra hai tập liền, là “Hoài niệm” (quý I, 2019) và “Trăng rừng” (quý III, 2019).
Nhìn trước ngó sau, “Hoài niệm” ngổn ngang
“Hoài niệm” ngổn ngang là một sự thật trong thơ Bùi Quảng Bạ, không chỉ ở tập thơ thứ hai này, mà ở tất cả các tập khác nữa.
Tôi có đi lại quen thân với một số nhà khoa học, một số tướng lĩnh khi chúng tôi mới trong ngoài ba mươi tuổi. Tôi nể phục bạn và cũng tiếc cho họ ở điểm này: Các ông bà bạn ấy không chỉ là chuyên gia nghề nghiệp, mà còn có lắm vốn đời. Họ nặng nỗi ưu tư với lẽ sống còn của những con người cụ thể hay đường đi nước bước của cả dân tộc. Những chuyên gia này thực ra rất có khả năng trở thành nhân vật trung tâm của văn chương nhưng vì nhiều lí do, mà họ không thể ngỏ hết cùng ai.
Tiếc cho một số đông mẫn cán tận tụy ấy, nên càng mừng và quý khi biết có những người như Bùi Quảng Bạ, là số ít thôi, các ông đã làm thêm một việc lớn nữa, ngỡ như ngoài phận sự quân nhân, là sáng tác văn thơ cho mình và cho tâm sự của bao người.
Khi sáng tác, các nhà khoa học, các sĩ quan cao cấp ấy mỗi người một vẻ. Cái vẻ riêng ở Bùi Quảng Bạ là giản dị và hiền hòa (ai đã gặp ông, rất dễ nhầm ông với một thầy giáo cấp III ở quê, nghỉ hưu thì ra phố ở với con cháu…). Cái ông giáo thật ấy là Giáo sư, Viện trưởng… lại được thân gần với các ông bà, em út và con cháu bởi phong độ khiêm dung mỗi ngày, và quý hóa hơn, rôm rả hơn là qua những trang thơ. Ông viết trong tập hoài niệm: “Sáng nay mưa xuống sớm/ Chắc trời buồn nhớ ai/ Đêm qua mây thao thức/ Nghe gió khuya thở dài”. (Mưa sớm)
“Đêm qua gió lạnh về trong mộng/ Sáng dậy mưa giăng trắng trước thềm/ Ngỡ trời thôi lạnh, mưa không đến/ Nắng hạ đã về gió đã yên”. (Mưa phùn)
Hình như chỉ “Trăng rừng” là vời vợi
Trong tập “Trăng rừng”, thơ của Bùi Quảng Bạ đã có phần phát triển cả về nội dung - đề tài, cả về nghệ thuật biểu hiện. Sự dung hợp của ý và lời trong thơ ông đã tạo cho nhịp thơ và cả bài thơ vừa có ý vị trầm lắng, lại có được sự ngân nga.
Một trong bốn tập thơ của Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Quảng Bạ. |
“Đợi em một ngày dài/ Mặt trời lên rồi lặn/ Tôi gom từng sợi nắng/ Làm ngọn đèn chong đêm/ Đợi em một mùa sen/ Trắng đầm hoa mong đợi/ Tôi gom hương đồng nội/ Trải vào giấc mơ khuya/ Đợi em qua mùa mưa/ Đợi em sang mùa nắng/ Nhặt thời gian yên lặng/ Nối dài những thương đau/ Tìm em, em nơi đâu/ Đợi cạn dần tuổi tác/ Em đã thành nốt nhạc/ Mãi ngân dài trong tôi” (Đợi).
Lập tứ và diễn ý của bài “Đợi” này dễ làm ta nhớ lại bài “Rơi” đã dẫn, mà nếu đọc trong cảm hứng sẻ chia, lại có chút so sánh, ta sẽ nhận ra sự định hình định dạng của con đường thơ Bùi Quảng Bạ đã rõ dần. Đây là sự cố gắng của tác giả mà nên hay chỉ do chính là, chỉ là tạng suy tư rồi cầm bút mà nên câu nên bài rồi thành đạt hơn như thế?
Thơ trước là do mình, rồi mới cho người như bài này, quả là đường thơ đã mở rồi.
Đã đôi lần ở ta có những tranh luận về đề tài lớn và đề tài nhỏ. Thơ của Bùi Quảng Bạ hình như viết về đề tài lớn từ những thứ rất nhỏ đây: “Trăng theo ta lên rừng/ Trăng theo ta leo dốc/ Đường quanh co khó nhọc/ Chẳng ngại ngùng xa xôi/ Lên cao nghe sương rơi/ Xuống thung tìm suối hát/ Ánh trăng trùm bát ngát/ Trải rừng khuya mơ màng/ Đêm nay trăng nằm ngang/ Nhẹ nhàng như cánh võng/ Trời mắc trong yên lặng/ Ru giấc nồng biên cương” (Trăng rừng). Đọc xong thấy nhỏ hay to, cũ hay mới cũng chả quan trọng nữa, khi thơ đã ngân rung và chạm đến hồn người.
Ướp mãi “Hương xưa” những mảnh hồn làng
Trong tập “Hương xưa” Bùi Quảng Bạ có những bài thơ những câu thơ hay: “Đêm nay/ mình ở xa xôi/ Bâng khuâng thao thức/ tôi ngồi tôi mơ/ Ngoài kia/ gió lặng như tờ/ Trong này/ tích tắc kim giờ sang canh/ Dở dang/ một giấc mơ lành/ Gặp nhau thủa ấy/ mong manh ban đầu/ Thời gian/ đi với dãi dầu/ Nửa đời/ trở lại nhịp cầu ngày xưa/ Nghe như/ trời trở gió mưa/ Tôi ngồi/ tìm lại giấc mơ/ một mình”.
Bùi Quảng Bạ đi nhiều, nghiệm sinh nhiều, thì viết về cái làng ven biển ở Thái Bình cũng là phải thôi. Làng quê ấy mấy chục năm trước tôi với Đức Hậu, Vũ Siêu Thả, Kim Chuông… theo phân công của anh Bút Ngữ đón các ông Chu Văn, Hoàng Tố Nguyên, Xuận Diệu… về mở trại sáng tác. Bao nhiêu năm rồi, thành kỷ niệm thắm tươi, chúng tôi còn thế, thì Bùi Quảng Bạ nồng nàn quá đi chứ. Nhưng mà tạng của ông là sâu đằm hơn là bừng sôi dạt dào, “Chốn thu” ở quê làng ông là thế này: “Thì thầm những chiếc lá rơi/ Mùa thu chạm đất bồi hồi bước chân/ Heo may chợt đến dần dần/ Trời đem lá nhuộm rải dần sắc thu”.
Còn nắng, ngỡ như ở đâu cũng vầy vậy cả; với tác giả “Hương xưa” thì đẹp đẽ vô cùng và cũng là nguồn năng lượng diệu kỳ nâng bước tương lai nữa: “Nắng chiều hè nâng tiếng sáo ngân nga/ Nắng chiều thu tô sắc trời xanh thắm/ Nắng chiều đông sưởi đất nồng hơi ấm/ Nắng chiều xuân gọi dậy những chồi non…”.
*
Bùi Quảng Bạ mới đến với làng thơ mà đã có bạn đọc. Thơ ông giản dị, thanh thoát và có phong vị cổ; ông có nhiều bài tứ tuyệt và một số bài ngũ ngôn, là chuyện và tâm tình người thời nay, chữ là chữ thời nay, nhịp là nhịp bây giờ, mà vẫn phảng phất chất cổ thi. Người viết bài này xin được tặng ông mấy câu: “Thức nhận ngỡ mình HOA NỞ MUỘN/ Nhìn trước ngó sau HOÀI NIÊåM ngổn ngang/ Hình như chỉ TRĂNG RỪNG là vời vợi/ Ướp mãi HƯƠNG XƯA những mảnh hồn làng".
Nhà thơ ơi, ông thử dấn thêm theo hướng này xem.
17/07/2020