Dáng đứng văn nhân trong dáng đứng lịch sử

Thứ Sáu, 08/05/2020, 08:23
Nhà văn - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong (tên thật Trần Tiến, quê Hội An) và nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên thật Ca Lê Hiến, quê Bến Tre) có nhiều điểm khá tương đồng. Cả hai cùng theo gia đình tập kết ra Bắc, cùng học Trường Học sinh miền Nam, cùng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng từ chối cơ hội du học để trở về quê nhà chiến đấu chống Mỹ xâm lược.


Nếu Lê Anh Xuân hy sinh tại Cần Đước - Long An trong trận Mậu Thân 1968, thì Chu Cẩm Phong hy sinh trong một trận càn ở miền Trung năm 1971. Quan trọng hơn, khi họ đã nằm xuống và đều được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, thì những trang nhật ký của họ để lại đã làm thao thức bao nhiêu trái tim hậu sinh.

Tuy nhiên, nhật ký của Chu Cẩm Phong có số phận éo le hơn nhật ký của Lê Anh Xuân. Đồng đội và đồng nghiệp của Chu Cẩm Phong là nhà thơ Thanh Quế cho biết: “Để viết nhật ký, Chu Cẩm Phong đóng nhiều quyển sổ bằng giấy pơluya, gần như mỗi năm ghi một quyển.

Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3-1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký viết từ 1967 đến cuối năm 1970 cùng một vài bản thảo viết tay và đánh máy, tôi nhớ trong đó có bút ký “Làng Tà Riềng”. Tất cả các quyển sổ ghi nhật ký và một số bản thảo của Chu Cẩm Phong được đựng trong thùng đạn đại liên của Mỹ, để khi có địch càn quét, chúng tôi sẽ đào chôn hoặc cho xuống suối, sau đó sẽ tìm lại. Việc này, trong chiến tranh cán bộ ta ở căn cứ, cả ở đồng bằng vẫn hay làm.

Nhà văn - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong.

Như vậy là khoảng 4/5 tập “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7-1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho đồng đội anh là tôi giữ. Anh chỉ cầm theo quyển sổ đang viết dang dở để viết tiếp nhật ký cho đến khi hy sinh”.

Vậy 1/5 tập “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong làm sao để “châu về hợp phố”. Ngày cuối cùng Chu Cẩm Phong ghi nhật ký là ngày 27/4/1971, đó là ngày ông cùng 7 đồng đội khác bị lọt vào vòng vây của một Tiểu đoàn lính Mỹ. Cuộc chiến không cân sức, chỉ kéo dài được 4 ngày. Đến ngày 1/5/1971, Chu Cẩm Phong và ba chiến sĩ cách mạng đã hy sinh ở thôn Vĩnh Cường, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong đã rơi vào tay một sỹ quan thuộc Sư đoàn 3 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đọc xong những trang viết xúc động và can trường của Chu Cẩm Phong, sỹ quan ấy đã tặng lại cho Hoàng Đình Hiếu - sỹ quan tâm lý chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mến phục tác giả, Hoàng Đình Hiếu đã gìn giữ cẩn thận cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong.

Ngay khi Đà Nẵng vừa giải phóng, Hoàng Đình Hiếu đã tìm đến Hội Văn nghệ địa phương để trao lại cuốn nhật ký cho nhà thơ Bùi Minh Quốc, với tâm sự: “Tôi giữ cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong là nhằm bảo quản một tài liệu sống của thế hệ mình vì nội dung cuốn sách mang tính thời đại, chứa đựng nét tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên”.

Năm 2000, 4/5 cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong do nhà thơ Thanh Quế bảo quản, và 1/5 cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong do nhà thơ Bùi Minh Quốc bảo quản, đã được Nhà xuất bản Văn học gộp lại thành “Nhật ký chiến tranh” gây cảm hứng lớn cho độc giả cả nước.

Đọc “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong, dễ dàng hình dung chặng đường gian lao để đi đến thời khắc non sông liền một dải. Ngày 18/6/1970, Chu Cẩm Phong viết: “Liên tiếp vượt những đỉnh núi cao chót vót, đây đã là đất Kon Tum. Núi cao, rừng già bạt ngàn, khí hậu thay đổi khác hẳn: Gió Nam ào ào thổi trong các khu rừng, nghe như có một con thác đổ nước.

Trời Nam mà lạnh ngắt, lạnh đến nổi gai ốc, trời mù đục như trời mùa đông, các thân cây rêu xanh bám đầy. Mưa về chiều. Con đường thồ tấp nập nhộn nhịp lạ thường. Đang đợt đột xuất, người ta đi cả ngày, cả đêm. Đoàn thồ, đoàn gùi, đoàn xuôi, đoàn ngược. Tiếng chân chạy, tiếng xe lao xuống dốc phanh két két. Tránh nhau thật vất vả.

“Nhật ký chiến tranh” của nhà văn - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong.

Trong một kho hàng, đạn dược chất cao tận nóc, người ta đang tổng kê, đang đóng hàng để kịp đi trong đêm. Chiều nay đi một đoạn đường ôtô, cảm giác thật lạ. Mắt nhìn đã quen những cảnh con đường núi hẹp đầy gai, lách, giờ nhìn thấy con đường 6 thước lát bằng cây rừng, mình cứ ngỡ ngàng và thấy rộng thênh thang.

Tất nhiên dọc những con đường này không biết bao nhiêu hố bom và anh em bộ đội đã sửa chữa đường không biết bao nhiêu lần. Chiều chúng lại ném bom phía Tây nghe rất gần. Ngủ lại giữa rừng, cũng trên một chiếc cầu. Lạnh ngắt”.

Suốt 20 năm qua, “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong đã được tái bản nhiều lần, và càng ngày càng nhận được sự yêu mến từ bạn đọc nhiều thế hệ. Nhà văn Tô Hoàng đánh giá: “Sức hấp dẫn của tập sách bắt đầu ngay từ trang một, và dù là nhật ký, là truyện người thật việc thật, chúng ta vẫn bị cuốn hút như không muốn ngừng giữa chừng, như muốn nín thở mà theo đuổi cho đến tận trang cuối.

Càng kỳ lạ hơn, vẫn là chuyện các má, các chị, các em đưa bộ đội qua đồn bốt giặc, tham gia phá ấp chiến lược để bung về quê cũ, tham gia chống càn hoặc đánh đồn tiêu diệt bọn lính Mỹ, lính Đại Hàn, chuyện tình cảm của các bà má Quảng Đà nuôi giấu, chăm nom thương bệnh binh miền Bắc… những cung cách ứng xử, suy nghĩ nội tâm, lời ăn tiếng nói, hành động anh hùng của hàng trăm nhân vật có tên hoặc không có tên mà Chu Cẩm Phong ghi vào nhật ký đều mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai. Nhiều nhân vật người thật việc thật ấy đã lờ mờ hiện lên hình ảnh, tính cách của những nhân vật văn học!”.

Thật vậy, đọc những dòng Chu Cẩm Phong viết ngày 28/6/1970, thấy hiện ra trước mắt một bức tranh đời sống đồng bào miền núi Quảng Nam thuở đó: “Hôm nay đi toàn đường dốc, lắm vắt, và không có một khe suối, hai tay bắt vắt bẩn thỉu, vấy đầy máu và bùn lầy. Hòa hôm nay mệt, mình vừa đi vừa nói đủ thứ chuyện để cậu ta quên mệt. Lúc leo lên đỉnh dốc cao gặp hai vợ chồng một anh tên là Ốp cõng con đi “đòi mòi” (có nghĩa là làm khách đi thăm bà con).

Anh chồng cõng con mang theo AK, chị vợ khoẻ mạnh mặc chiếc áo quân phục nữ, chiếc xà rạp, đội mũ mềm kiểu giải phóng quân Trung Quốc, tóc cắt ngắn, vai còn mang thêm một ống lồ ô đầy cá. Gặp tụi mình, sau khi nói đôi ba chuyện bằng tiếng Kà Tu, chị vợ lấy ra cho 2 cái bánh nếp và mời về làng uống tà vạc. Phong tục ở đây vậy, đi thăm bà con người ta mang theo quà, dọc đường không được đánh rơi, không được cho người khác, nhưng chị Ốp đã phá cả tục lệ.

Buổi chiều nghỉ lại làng Kàdi, một cái làng nhỏ. Ở đây có lớp học hẳn hoi. Vừa mới đến chưa kịp tắm rửa, Hòa đã bưng về một bi đông tà vạc hòa bột cam uống rất ngon, vừa ăn bánh nếp, bánh bắp vừa uống tà vạc thú vô cùng, nhất là sau một đoạn đường khô nước. Mình bất giác tưởng như ở Hà Nội những lần đi mệt tu một chai bia Hữu Nghị. Rửa ráy xong, mình ngồi nói chuyện với hai chú bé, một chú tên là Verơ, một chú tên là Nhom để học tiếng Kà Tu.

Nhom là chồng của Lạc. Lạc khoảng 16 tuổi, trắng trẻo, mũm mĩm, ăn mặc chải chuốt, sạch sẽ, mái tóc đen chải láng nhẫy, quấn quanh đầu một chiếc khăn để làm dáng. Về ở nhà chồng nhưng không phải làm gì, cô được đi học. Gần đây cô lại không ưng với Nhom mà đem lòng thương cậu giáo viên, cũng nhỏ như cô ta. Lạc vẫn theo hát hò nhảy múa với đám con nít trong làng quanh đống lửa nhỏ đốt giữa sân.

Plừng là tổ trưởng hợp tác, rất vui chuyện và rộng rãi, thân hình đồ sộ của anh trước ánh lửa như một tượng đồng. Anh rót cho khách những bát tà vạc đầy tràn, mời khách ăn cá khô uống rượu. Hôm nay là ngày nghỉ của hợp tác xã, anh đi đánh cá cải thiện, về chia đều cho cả làng, bà con ở nhà giặt giũ, dọn vệ sinh. Đồng bào ở làng rất hiếu khách, và ưa chuyện, có bà con có vẻ quan trọng tiết lộ cho mình biết những chuyện bí mật của làng như chuyện cô Nhiết đang đau khổ không muốn chung sống với anh Pêê nữa.

Ban đêm, ngoài sân đốt một đống lửa nhỏ, thiếu nhi và hai cậu giáo viên nhảy múa ca hát, chơi trò chơi “tin điện”. Mình dạy cho các em bài “Ra tiền tuyến”, các em thuộc rất nhanh. Trong nhà, đám người lớn say tà vạc đang hét ỏm tỏi, giọng khản đặc”.

Tâm Huyền
.
.