"Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong được bảo quản như thế nào?

Thứ Hai, 17/05/2010, 10:00

Vừa qua, nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự không những của gia đình nhà văn mà còn là vinh dự chung của giới văn nghệ chúng ta.

Chu Cẩm Phong được phong tặng danh hiệu Anh hùng không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng; không chỉ ở việc gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964 - 1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh - với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác vừa lấy tài liệu sáng tác. Chu Cẩm Phong đã xuất bản được 3 tập sách: "Mặt biển mặt trận"; "Rét tháng giêng" và "Nhật ký chiến tranh". Tập "Nhật ký chiến tranh" là tập sách có sức nặng nhất của anh. Từ những dòng nhật ký của anh đã hiện lên cuộc sống, chiến đấu kiên trung bất khuất của nhân dân ta tại những vùng đất chiến tranh ác liệt nhất của Khu V (Quảng Nam, Quảng Đà và Quãng Ngãi). Nhiều sự việc, con người thực trong nhật ký còn gây xúc động cho ta suốt nhiều năm qua và tôi tin sẽ còn gây xúc động lâu dài.

Nhật ký của Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11/7/1967 đến 27/4/1971, ngày anh hy sinh. Để viết nhật ký, Chu Cẩm Phong đóng nhiều quyển sổ bằng giấy pơluya, gần như mỗi năm ghi một quyển. Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3/1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký anh viết từ năm 1967 đến cuối năm 1970 cùng một vài bản thảo viết tay và đánh máy, tôi nhớ trong đó có bút ký "Làng Tà Riềng" (tôi đã đưa chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong bản viết tay và giữ lại bản đánh máy, sau chiến tranh nhờ nhà văn Nguyễn Thành Long gửi cho báo Văn nghệ in). Tất cả các quyển sổ ghi nhật ký và một số bản thảo của Chu Cẩm Phong được đựng trong thùng đạn đại liên của Mỹ, để khi có địch càn quét, chúng tôi sẽ đào chôn hoặc cho xuống suối, sau đó sẽ tìm lại. Việc này, trong chiến tranh, cán bộ ta ở căn cứ, cả ở đồng bằng vẫn hay làm.

Như vậy là khoảng 4/5 tập "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7/1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho tôi giữ. Anh chỉ cầm theo quyển sổ đang viết dang dở để viết tiếp nhật ký cho đến khi hy sinh. Trước khi đi Quảng Đà, anh có ghé lại Nước Vin để chia tay chị PL, người yêu và có cho chị xem một số đoạn ghi về chị trước đó (theo lời chị PL kể lại) và có nói với chị là các quyển sổ ghi nhật ký những năm trước đã gửi lại cho tôi. Vì thế, sau khi Chu Cẩm Phong hy sinh, chị PL được ra Bắc đã ghé lại Cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V thăm chúng tôi và xin tôi cho các quyển sổ nhật ký của anh để chị mang ra Bắc bảo vệ tốt hơn. Ngày đó, tôi còn ít tuổi, cũng ngu ngơ lắm, nhưng nghĩ: "Chị PL có buồn khi Chu Cẩm Phong mất, nhưng một thời gian rồi chị sẽ xây dựng gia đình mới. Vậy những quyển sổ nhật ký này rồi sẽ ra sao. Tốt hơn hết, mình là đồng đội của anh nên giữ lại, sau này còn có khi dùng". Vì thế, tôi nói dối với chị:

- Đúng là tôi giữ các quyển sổ nhật ký của anh Tiến (tên thật của Chu Cẩm Phong), nhưng vừa qua tôi đi công tác, giao lại cho Cao Duy Thảo. Thảo giờ lại đi Bình Định nên không biết nó giấu thùng đại liên ở đâu nên tôi không thể đưa các quyển sổ ghi nhật ký cho chị được.

Chị PL hơi buồn. Sáng hôm sau, tôi lén giở thùng đại liên đưa cho chị bản thảo viết tay bút ký "Làng Tà Riềng" gọi là chút kỷ niệm có chữ viết tay của Chu Cẩm Phong và tiễn chị ra về. Sau đó, Cao Duy Thảo về, tôi kể lại chuyện, Thảo nói: "Mày làm thế là đúng".

Những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đựng trong thùng đạn đại liên theo tôi đến đầu năm 1975. Khi tôi cùng Phan Nghĩa An được phân đi công tác Quảng Ngãi (tháng 2/1975) tôi đã trao lại cho nhà thơ Ngô Thế Oanh giữ thùng đại liên có đựng những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đó. Ngô Thế Oanh đã mang thùng đạn đại liên ấy về tận 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng) khi giải phòng Đà Nẵng.

Theo lời nhà thơ Bùi Minh Quốc kể, khoảng 10 hôm sau ngày giải phóng Đà Nẵng, Bùi Minh Quốc đã nhận được quyển sổ ghi nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong, tức là khoảng 1/5 tập sách "Nhật ký chiến tranh" sau này từ tay một sĩ quan của chế độ Sài Gòn trao lại (anh Quốc đã kể chuyện này trong lời giới thiệu "Tuyển tập Chu Cẩm Phong"). Quyển sổ này được Chu Cẩm Phong viết từ đầu 1971 đến ngày mất (1/5/1971). Sau đó, Ngô Thế Oanh và Bùi Minh Quốc chuyển tất cả 5 quyển sổ nhật ký cho gia đình Chu Cẩm Phong ở Hội An. Tài liệu nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp để in "Nhật ký chiến tranh" (NXB Văn học) và "Tuyển tập Chu Cẩm Phong" (NXB Đà Nẵng) là do anh photo lại của gia đình.

Gần đây ở Quảng Nam - Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" do một người lính Mỹ cung cấp vậy. Do đó, tôi xin viết lại những dòng này trong lúc tôi còn sống, nhà thơ Ngô Thế Oanh còn sống, chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong còn sống, nhà văn Cao Duy Thảo còn sống để cung cấp rõ về mọi thông tin của tập sách "Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong chứ không phải để kể công lênh gì (vì làm gì có chuyện công lênh khi giữ hiện vật của đồng đội, đó là trách nhiệm). Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi

Thanh Quế
.
.