Cuộc đời như tiểu thuyết của một nhạc sĩ tài hoa

Thứ Sáu, 07/05/2021, 11:33
Phụ nữ Việt Nam có thể nói không ai không biết bài hát cực kỳ nổi tiếng có tên "Lòng mẹ": "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào...". Đây có lẽ là ca khúc Việt Nam hay nhất viết về người mẹ. Tác giả của nó là nhạc sỹ Y Vân (1933 - 1992). Bài hát đã quá quen thuộc. Nhưng tác giả thì công chúng phía Bắc chưa nhiều người biết rõ.


Nhạc sỹ Y Vân có tên khai sinh là Trần Tấn Hậu, ông được sinh ra tại Hà Nội, nhưng có quê gốc ở Thanh Hóa. Mồ côi cha từ bé, bốn mẹ con Trần Tấn Hậu phải tá túc trong một túp lều lụp xụp, xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội). Hậu là con cả. 

Hồi nhỏ, từng theo học nhạc GS Tạ Phước - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam (NVQGVN). Lớn lên, ông đi đánh đàn thuê cho các tiệm nhảy, nhà hàng để kiếm tiền giúp mẹ nuôi hai em. Sau năm 1954, ông cùng mẹ và các em vào mưu sinh ở Sài Gòn.

Nhạc sỹ Y Vân (giữa) chơi đàn cùng ban nhạc.

Năm 1953, tròn 20 tuổi, trong đêm Giáng sinh, chàng trai vừa mới lớn lên cùng một người bạn nam đi chơi phố, lang thang đến khu vực Nhà thờ lớn (gần Bờ Hồ). Bỗng chàng nhìn thấy một nàng mặc áo dài vàng, mặt hoa da phấn, cực kỳ xinh đẹp, có dáng tiểu thư khuê các trong dòng người nườm nượp đổ về nhà thờ. Chàng sững sờ, ngẩn ngơ ngắm nhìn. Nhưng rồi cô nàng nhanh chóng mất hút trong đám đông. 

Thật ngẫu nhiên, mấy ngày sau, Hậu vào một hiệu sách. Chưa kịp mua thì thấy người đẹp mặc áo vàng tối hôm trước bước vào hiệu bán đàn bên cạnh. Lập tức chàng rời khỏi hiệu sách, sang cửa hàng đàn, giả vờ hỏi mua sách nhạc, rồi chọn đàn hộ cô gái để lân la làm quen. 

Nhưng cũng chỉ như thế. Mua được đàn, cô gái cảm ơn anh chàng nhiệt tình với mình rồi ra về. Hậu nhút nhát, không dám hỏi địa chỉ, càng không dám đi theo về để biết chỗ ở của nàng. Và ngẩn ngơ, nuối tiếc. 

Những tưởng hình ảnh cô gái đẹp chỉ là một giấc mơ đối với chàng trai si tình. Nào ngờ may mắn lại đến với anh. Ít lâu sau, một người bạn của Hậu tên là Kỳ đưa anh đến giới thiệu với một gia đình giàu có để dạy đàn cho cô con gái của họ. Thì ra cô chính là nàng áo vàng chàng đã gặp hai lần mà chưa thể làm nên "chuyện" gì. Còn gì hạnh phúc hơn được dạy đàn cho người đẹp mình đang mê mẩn! 

Cô gái tên là Tường Vân, rất yêu âm nhạc và mê học đàn nên say sưa lao vào luyện tập và tỏ ra ngưỡng mộ tiếng đàn của ông thầy trẻ. Lửa gần rơm. Thế là bén dễ dàng. Gia đình Vân biết được mối tình chớm nở của đôi trẻ bèn ra sức "phá" vì họ thấy Hậu nghèo, lại vốn dĩ dị ứng với nghề cầm ca trong khi mình danh gia vọng tộc. Họ bắt con gái dừng việc học đàn và cho sang Pháp du học.

Vân phải nghe theo bố me. Thế là mối tình vừa hé nở đã bị dập tắt. Buồn đau, Trần Tấn Hậu sáng tác mấy bài hát đầu tay của mình về người con gái này để đánh dấu mối tình đầu đẹp như mơ nhưng sớm phải tắt ngấm. Đó là các bài: "Tình ta nảy giữa mùa đông"; "Đò nghèo"; "Nhạt nắng"… Hậu bắt đầu ký tên là Y Vân (tức là yêu Vân) từ đấy. Bút danh này được giữ suốt cuộc đời sáng tác của người nhạc sỹ về sau trở nên rất nổi tiếng.

Sau năm 1954, Y Vân cùng mẹ và các em rời Hà Nội vào cư trú ở Sài Gòn. Có lẽ cũng vì ông muốn rời xa nơi đã để lại cho mình một kỷ niệm đau buồn. Vào "Hòn ngọc viễn đông", ông vẫn tiếp tục nghề đánh đàn và dạy đàn, dạy nhạc để kiếm sống. Tiếp mạch sáng tác những bài hát trữ tình lãng mạn, ông cho ra đời nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe. 

Sau mối tình đầu đổ vỡ bởi sự ngăn cấm của gia đình người mình yêu, Y Vân không rung động được với ai nữa. Đến năm 1959, ở tuổi 26, từ sự mai mối của một người bạn, Y Vân gặp rồi cưới cô Như Hường, lần lượt sinh được 4 người con. Cuộc sống của nhạc sỹ êm đềm, phẳng lặng. Ông sáng tác nên hai bài hát hay về người vợ của mình: "Biển sầu", "Người vợ hiền". 

Như Hường có cô em họ tên là Trần Minh Lâm. Cô này thầm yêu trộm nhớ người nhạc sỹ hiền hậu, tài ba, đánh đàn rất lôi cuốn ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Rồi tình cảm này mỗi ngày càng mãnh liệt mặc dù cô biết rõ đó là anh rể mình. 

11 năm sau, đến 1970, thấy cô em họ quá yêu chồng mình, không chịu lấy ai, thấy thương em mà Như Hường đã sẵn sàng… nhường chồng, tác thành để Minh Lâm nên duyên với Y Vân. 

Cuộc hôn nhân này khi ấy rùm beng khắp Sài Gòn, bị nhiều người phản đối, cho rằng không thể chấp nhận. Nhưng Như Hường đã chủ động vun vén. Và hai chị em vẫn rất hòa thuận, thương yêu nhau, cùng chăm lo cho người chồng chung để Y Vân phát triển sự nghiệp sáng tác.

Nhạc sỹ Y Vân và người vợ thứ 2, bà Minh Lâm.

Dư luận có phần không đồng tình với "sự kiện" lấy vợ 2 của Y Vân và đồn đại người nhạc sỹ này quá đa tình, đa mang và còn có nhiều mối tình "linh tinh" khác. Bởi họ căn cứ vào những lời ca trong các bài hát như: "Thúy đã đi rồi" và "Cớ sao buồn vậy Kim? Cớ sao sầu vậy Kim?". 

Nhưng chính bà Minh Lâm đã cải chính và thanh minh cho chồng rằng: Nhiều khi chồng bà nghe chuyện của người khác, rồi có cảm xúc, đồng cảm với người trong cuộc mà viết nên những bài tình ca chứ không phải là chuyện của bản thân ông. Gắn bó với chồng, bà phải biết rõ tất cả. Bà Lâm còn nói rằng Y Vân rất hiền và thật thà. Quen biết cô nào ông cũng kể cho vợ. Và ông đã kể tỷ mỷ vì sao có tên Y Vân.

Những năm tháng này, công chúng Sài Gòn đều biết bài "Ảo ảnh" của Y Vân. Sự ra đời của bài hát này cũng rất "tiểu thuyết". Năm 1963, Y Vân đã lấy vợ được 4 năm và đang đứng đầu một ban nhạc nổi tiếng, cũng đã có nhiều bài hát được công chúng ưa thích. 

Một buổi trưa nọ, sau khi thu nhạc ở Đài phát thanh bước ra, nhạc sỹ thấy một chú bé đến làm quen và tha thiết mời vào quán nước ở bên cạnh để chú được tiếp xúc. Nể lời mời của chú bé đáng yêu, ông nhận lời. Khi vào quán, ông thấy một cô gái đang ngồi chờ sẵn. Cô cũng rất xinh đẹp, có đôi mắt to, đen, đượm buồn, toát lên vẻ lãng mạn. Chú bé giới thiệu đó là người chị ruột mình, tên là Huyền, đang là sinh viên Văn khoa. 

Trên ve áo của cô có ghim một mảnh vải đen. Y Vân hỏi thăm để tang ai thì cô nói: "Em không để tang ai mà để tang mối tình của em đó". Y Vân nghe câu nói của Huyền rất muốn hỏi kỹ hơn nhưng nghĩ cô gái sẽ cho mình là tò mò nên thôi. Huyền ghi địa chỉ của mình cho Y Vân và mời nhạc sỹ đến chơi. 

Mấy ngày sau, ông đến nhà Huyền nhưng cô đi vắng, chỉ có cậu em đã mời ông vào quán nước bữa trước ở nhà. Cậu cho biết: Hai chị em là con một gia đình điền chủ ở Long An, được bố mẹ gửi lên Sài Gòn học. Huyền mê âm nhạc, rất thích những bài hát của Y Vân, suốt ngày chỉ mải đàn hát, chểnh mảng việc học hành. Thấy vậy, ông bố bắt Huyền về quê, ép lấy chồng. Cô nhất định không chịu. Vì đã nhận lời bên nhà trai nên ông bố bị bẽ mặt, đã rất tức tối cho đăng báo từ con gái. 

Huyền tâm sự với em trai là đã thầm yêu người nhạc sỹ có những bài hát mình ưa thích từ lâu và quyết định rủ cậu cùng mình bỏ nhà, lên Sài Gòn kiếm việc làm sinh sống. Nhưng khi biết Y Vân đã có vợ, cô găm mảnh vải đen lên ve áo với ý để tang mối tình thầm kín nhưng rất mãnh liệt của mình. 

Khi biết chuyện này, ông vô cùng cảm kích và viết nên bài "Ảo ảnh" với những lời ca não nề, chua xót: "Những ân tình em đong bằng nước mắt/ Khóc cho đầy hai chữ tình yêu/ Phấn hương nồng em xem tựa tấm áo/ Đã thay màu ân ái từ lâu…".

Y Vân rất hiếu thảo với mẹ. Một đêm năm 1959, mẹ ông bưng chậu quần áo ra giặt ở máy nước công cộng. Vì đông nên phải chờ đợi đến quá 12 giờ đêm, bà vẫn còn hì hụi bên máy nước. Do quá lệnh giới nghiêm theo quy định nên bà bị bắt đưa lên "bót". Y Vân đánh đàn suốt đêm, đến gần sáng về nhà. Thấy vậy, ông thương mẹ, vừa khóc vừa viết nên bài "Lòng mẹ" để đời. Ông kể rằng, bản thảo nhòe nhoẹt nước mắt khiến ông không còn nhận ra các nốt nhạc mình đã nghĩ ra.

Năm 1992, Y Vân qua đời, thọ 60 tuổi. Lúc còn trẻ, ông có bài "60 năm định mệnh" nổi tiếng. Không ngờ đó lại là ca khúc mang tính định mệnh của ông. Và cũng thật trùng hợp, ca sỹ Hùng Cường là người đầu tiên hát bài này cũng sống đến năm 60 tuổi thì qua đời. Nhiều người nói: "Giá mà Y Vân không sáng tác và Hùng Cường đừng hát bài này thì có lẽ họ còn sống được lâu hơn".

Nguyễn Đình San
.
.