Nhạc sĩ tài hoa và những bóng hồng

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:41
Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, tầng lớp thanh niên ở Hà Nội và một số đô thị ở miền Bắc có lẽ không ai không biết hai bài hát rất nổi tiếng là “Mơ hoa” và “Ngày về” của Hoàng Giác. Cả hai bài đều cùng một phong cách: Nhẹ nhàng, điệu đà, rất ướt át, lãng mạn, phô diễn cảm giác nhớ thương bồi hồi, xao xuyến rất phù hợp với những trái tim đa cảm đang rạo rực yêu đương.


Trường hợp của nhạc sĩ Hoàng Giác có phần giống với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Số lượng tác phẩm không nhiều và chủ yếu là tình ca nhưng để lại được những thiện cảm đặc biệt cho người nghe thuộc tầng lớp tiểu tư sản thị dân khi đó.

Nhạc sĩ Hoàng Giác (1924 - 2017) quê ở làng Chèm, thuộc quận Bắc Từ Liêm ngày nay. Thân phụ ông là một người chơi đàn bầu khá hay nhưng lại theo đuổi nghiệp võ. Ông cụ từng là Chủ tịch Liên đoàn quyền anh ở Bắc Kỳ một thời.

Hoàng Giác mê âm nhạc ngay từ khi còn ngồi ghế trường phổ thông. Ông học trường Bưởi (sau này là trường Chu Văn An), bắt đầu sáng tác từ khá sớm sau khi tự trang bị được chút kiến thức về âm nhạc. Bài “Mơ hoa” là sáng tác đầu tay của ông đã lập tức nổi tiếng. Đây là một trường hợp hy hữu.

Cố nhạc sĩ Hoàng Giác thời trẻ.

Thường thì kể cả những nhạc sỹ tài ba, tên tuổi lừng lẫy cũng khó nổi tiếng ngay từ sáng tác đầu tiên. Hoàng Giác viết bài này năm 1945, khi vừa học xong phổ thông. Có lẽ mối tình đầu thầm kín nhưng khá mãnh liệt của chàng trai 21 tuổi đã khiến ông cho ra đời một ca khúc để đời.

Số là khi đó, bên hàng xóm nhà ông tại phố Ngọc Hà (Hà Nội) có một bà cụ bị ốm. Bà được cô cháu nội 17 tuổi từ Hà Đông ra chăm sóc. Cô tên là Lê Thục Đoan có vẻ đẹp chim sa, cá lặn với làn da trắng, mỏng mịn như trứng gà bóc, mái tóc đen, dày, mượt và một dáng vóc thon gọn, nhẹ nhàng, uyển chuyển khiến ông say mê ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Chàng trai đàn ngọt, hát hay cũng lọt được vào mắt xanh của nàng. Đôi trai tài, gái sắc nhanh chóng trở nên thân thiết, quyến luyến. Nhưng Hoàng Giác không dám tỏ tình. Cảm xúc dâng trào trong tim, chàng bèn nghĩ tới việc sẽ sáng tác một bài hát để tặng nàng. Chàng nhớ đến những cô gái làng Ngọc Hà vẫn gánh hoa ra chợ bán mỗi sáng sớm khi mình đi học và tưởng tượng cô nàng của trái tim mình cũng như vậy.

Thế là những nốt nhạc đầu tiên tuôn ra cùng những lời lẽ thật nhẹ nhàng, lãng mạn với cảm xúc bồi hồi, xao xuyến: “Cô hái hoa ơi! Hãy dừng bước chân. Trên đường thẳm xa. Tôi nhắn cô em đôi lời…”. Viết xong, Hoàng Giác hăm hở định hẹn gặp Thục Đoan để trao tặng kỷ vật tâm hồn. Nhưng bà nội đã qua cơn hiểm nghèo nên cô nàng trở vào Hà Đông, không kịp để lại cho chàng nghệ sỹ đa tình một lời tạm biệt. Thế là từ đó, “cạn dòng lá thắm, tuyệt đường chim xanh”.

Hoàng Giác hẫng hụt như người mất hồn vì không biết tìm Thục Đoan ở đâu. Nhà cô ở Hà Đông thì chàng không biết, mà ngày ấy không mấy nhà có điện thoại như bây giờ. Sau đó, chàng nghe tin cô đã đi lấy chồng. Thế là chấm hết một mối tình chưa thành sự thật, mới chỉ là những xúc cảm ban đầu nhưng cũng đủ mãnh liệt để nhạc sỹ cho ra một tình ca để đời.

Hoàng Giác cho biết, ca khúc này có tới 20 bản thu thanh với phần phối khí khác nhau do nhiều ca sỹ nổi tiếng hát. Mỗi người một sắc thái, ai cũng diễn tả được đầy đủ thần thái của tác phẩm. Một chuyện thú vị và cũng hiếm có trên đời. Đó là chàng nhạc sỹ trẻ những tưởng không bao giờ gặp lại được người tình đầu đời trong mộng thì sau mấy năm, biết tin chàng đã lấy vợ, cô Thục Đoan đã chủ động tìm đến thăm hai vợ chồng chàng và hằng năm, cứ đến ngày sinh nhật hai người là Thục Đoan lại mang hoa đến tặng.

Vợ chồng nhạc sỹ cũng làm việc đó đối với Thục Đoan. Họ trở thành những người bạn thân thiết, trong sáng. Việc này được duy trì suốt mấy chục năm. Các con của Hoàng Giác gọi bà Đoan là mẹ chứ không gọi là “cô”. Hai người phụ nữ cũng gọi tên nhau và xưng tên mình chứ không “chị, em”.

Những ngày cuối đời của Hoàng Giác, bà Đoan đã ở bên. Ngay tối hôm trước khi ông vĩnh viễn ra đi - tức ngày 13/9/2017 -  bà đã tới thăm ông và ở bên giường bệnh, nắm tay ông, trò chuyện đến khuya mới ra về. Quả là không dễ thấy một tình bạn đẹp, bền lâu và thánh thiện như vậy.

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946), Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong. Một lần từ chiến khu Việt Bắc về thăm nhà, ông viết bài “Ngày về ”. Bài này sau đó trở nên rất nổi tiếng chẳng kém gì “Mơ hoa”. Bài hát diễn tả tâm trạng náo nức, dạt dào cảm xúc của người con xa quê có dịp trở về nơi xưa, chốn cũ với giai điệu ngọt ngào, xao xuyến, tha thiết, bồi hồi.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác.

Mặc dù biết rõ người trong mộng năm trước đã đi lấy chồng nhưng trong tâm khảm, Hoàng Giác vẫn còn lưu giữ hình ảnh nàng và kỷ niệm đầu đời vẫn còn nguyên vẹn khiến bài hát thứ hai này chứa chất rất nhiều hình ảnh và những xúc cảm liên quan đến nàng: “Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm. Mơ đến em một ngày đầm ấm. Nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương. Tìm đến em nay còn đâu…”.

4 năm trôi qua kể từ khi rung lên tiếng lòng đầu tiên với bài “Mơ hoa”, đến năm 1949, số phận lại xui khiến Hoàng Giác gặp được một người con gái thứ hai. Với phái mày râu, chẳng cứ mối tình đầu tiên mà mối tình nào cũng đẹp, cũng mãnh liệt kể cả đến mối tình thứ n, miễn người con gái của lòng mình để lại được những ấn tượng đẹp, phù hợp với mình, khiến mình yêu say đắm.

Mối tình thứ hai của Hoàng Giác dẫn đến sự hứa hẹn hai người sẽ về chung trong một mái ấm. Nhưng rồi số phận lại xô đẩy cô nàng phiêu dạt vào miền Nam, để rồi hai người lại ly tán. Và Hoàng Giác viết nên bài “Lỡ cung đàn” với những lời ca thật nuối tiếc, xót xa: “Nửa chừng xuân cung đàn lỡ. Xa xôi rồi quên câu ước thề…”. Hoàng Giác không giấu tâm sự của mình. Ông nói rằng đến mãi về sau này, khi đã bước sang dốc bên kia cuộc đời, cứ mỗi khi cầm đến cây đàn ghita là ông lại nhớ đến kỷ niệm này.

Sau khi người con gái này vào Nam, nhạc sỹ ngẩn ngơ mất một thời gian thì đến năm 1951, ông nghe đồn ở Hà thành có một người con gái đẹp nức tiếng khiến bất cứ chàng trai nào cũng phải mơ ước. Nàng tên là Kim Châu. Tất nhiên, Hoàng Giác không nằm ngoài số này.

Biết ước muốn của con, song thân nhạc sỹ nhờ mai mối đánh tiếng ướm hỏi Kim Châu cho con trai mình. Nhưng Châu bị bạn bè, người thân gièm pha rằng không nên nhận lời anh chàng “xướng ca vô loài”, lại nghèo rớt mồng tơi. Nhưng nàng phớt lờ những lời đàm tiếu. Cũng vì nàng đã nhiều lần cùng cha mẹ đến Nhà hát Lớn xem ca nhạc, đã được nghe tiếng hát cùng phong cách hào hoa của chàng trên sân khấu mà mình đã ngưỡng mộ từ lâu (trong Tuần lễ Vàng sau ngày lập nước, Hoàng Giác lên diễn thuyết. Kim Châu nghe, đã tháo hết trang sức đeo trên người bỏ vào thùng để ủng hộ cách mạng). Thế rồi đám cưới nhanh chóng diễn ra. Hoàng Giác ngất ngây trong hạnh phúc. Nhưng cặp vợ chồng trẻ chỉ yên ổn được 15 năm. Đến năm 1966, một tai họa bỗng chốc đến với ông.

Số là do bài “Ngày về” quá nổi tiếng, chính quyền Sài Gòn đã dùng làm nhạc hiệu cho buổi phát thanh chiêu hồi trên Đài của họ có tên “Tiếng chim gọi đàn” (chương trình này nhằm kêu gọi các chiến sỹ giải phóng đào ngũ, về với cái gọi là “Chính nghĩa quốc gia”).

Ngày ấy, chúng ta chưa có tư duy cởi mở như bây giờ nên mặc nhiên tác giả của bài hát ít nhiều bị liên lụy. Từ đó cho mãi đến thời kỳ Đổi mới, ông chỉ lao vào dạy đàn để kiếm sống. Bà Kim Châu trở nên một người vợ rất tần tảo, chịu thương chịu khó, đã làm đủ mọi công việc cực nhọc để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Cả đời sáng tác của Hoàng Giác chỉ vỏn vẹn có chừng 20 bài hát, trong đó nổi bật, sống mãi với thời gian là “Mơ hoa” và “Ngày về”. Nhạc sỹ là người điềm đạm, không thích ồn ào, nói về mình. Ngày ông chưa qua đời, tôi đã nhiều lần đến thăm ông (vì từng có thời gian học đàn ghita ở ông) và bày tỏ ý muốn viết về ông. Nhưng ông đều khước từ mà rằng: “Hai bài hát của mình đã quá xưa cũ rồi. Mình chẳng có gì khác đáng viết đâu”. Đến khi tôi được mời làm một tuyển tập những bài tình ca, đến xin ông văn bản hai ca khúc trứ danh thì ông lại cũng từ chối. Vậy là tôi đành chịu. Cho đến hôm nay, khi ông đã về cõi vĩnh hằng tôi mới dám viết về ông. Âu cũng là xin ông ở cõi Niết Bàn đại xá cho sự tự ý của tôi.

Hoàng Giác không có bất cứ một danh hiệu gì của một nghệ sỹ nhưng tác phẩm và cuộc đời ông đáng viết thành cả một cuốn sách chứ không chỉ một bài báo, vì còn rất nhiều chuyện đời, chuyện sáng tác của ông rất phong phú mà một bài báo không thể nói hết.

Nguyễn Đình San
.
.