Cỏ non như thể bùa mê…

Thứ Bảy, 18/03/2017, 08:06
Ông làm thơ sớm, xuất hiện trên báo chí cũng sớm. Năm 1960, khi hai mươi tuổi, Nguyễn Văn Chương đã có thơ in trên báo Văn học, tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ. Ngày ấy, được in thơ trên tờ báo lớn, có uy tín về văn chương là cả một sự kiện đối với người cầm bút.


Nhưng số phận như bắt ông gắn bó cả đời với cái làng Mão Điền quê ông. Cái làng thuần nông bên kia bờ sông Đuống, cách bến đò Hồ không xa, một thuở lại sống bằng nghề buôn cá con. Nói tới nghề buôn cá con ngày trước là đồng nghĩa với tính năng nổ và láu cá vặt. Năm, mười, hai mươi, năm mươi…

Đấy là mánh khóe cánh lái buôn vục tay vào thúng cá, vốc lên và đếm cho khách. Với người mua cá con, thôi thì mười ăn bảy là may rồi. Ở cái làng đầy rẫy những ao chuôm gột cá con, lại đẻ ra đến gần chục nhà thơ, thì cũng thật lạ.

Hỏi ra, mới vỡ lẽ, cái làng này khởi nguồn là do nhóm người rời quê vua Lý Bát Đế (Đình Bảng, Từ Sơn) phiêu bạt về lập nghiệp. Phải chăng văn chương do nết đất là vậy? Nhà thơ Nguyễn Văn Chương khiêm nhường nhận mình chỉ là người thơ phú lom đom, chứ làng có những người văn chương tên tuổi “sáng choang” như Nguyễn Phan Hách, kèm đó là những Duy Phi, Duy Khoát, Nguyễn Duy Hợp, Huy Phách, Trịnh Văn…

Một thuở, anh em viết lách của làng thường dành ngày chủ nhật tụ tập về quê, đàm đạo văn chương, đọc cho nhau nghe những trang thơ, trang văn mới viết, như để khích lệ nhau sáng tác. Nhưng ngày ấy xa rồi. Cái làng nhỏ mà lại có hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông Duy Phi thì quá cố đã mấy năm. Ông Nguyễn Phan Hách, bận làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, rồi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Dân Trí, nhà cửa mãi gần Lăng Bác ngoài Hà Nội, xuân thu nhị kỳ, con cái  đưa về làng, còi xe ôtô inh ỏi xóm, rồi lại đi. Cây bút trẻ Trịnh Văn, từng một thời xuất hiện liên tục trên báo Văn nghệ Trẻ… yểu mệnh, ra đi đã cả chục năm.

Nhà thơ Nguyễn Văn Chương.

Ông Nguyễn Duy Hợp ôm mộng văn chương, từng ẵm mấy giải của đài, báo Trung ương, cũng đã quy tiên. Ngoảnh đi ngoảnh lại, còn mỗi thân già ở quê, nhà thơ Nguyễn Văn Chương không khỏi bùi ngùi.

Thời còn khỏe, đã có lần ông mò mẫm đi gặp nhà thơ trùng tên mình. Chả phải đi gặp để trách cứ gì, mà để được hoan hỉ gặp gỡ nhau thôi. Những năm chống Mỹ, trên báo chí thường xuất hiện hai tác giả thơ trùng tên, nên báo thường cẩn thận ghi địa chỉ dưới tên mỗi người: Nguyễn Văn Chương (Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Chương (Bình Định).

Thơ mỗi người mỗi giọng điệu, nên họ chả cần phải đổi tên làm gì. Cả hai ông Chương tôi đều biết. Ông Nguyễn Văn Chương (Bình Định), quê  Chuyên Mỹ, Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở làng có nghề mộc, nghề khảm trai nổi tiếng. Ấy vậy, không ở làng làm nghề, mà xung phong đi bộ đội, tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào, rồi về làm phóng viên báo Quân Khu Ba. Thơ ông chín rộ từ độ ấy.

Thời tôi làm biên tập một tờ báo, nhiều lần nhận được thơ của ông gửi về và đã nhiều lần in thơ ông. Ông lâm bệnh, mất mấy năm nay. Còn tính cách ông Nguyễn Văn Chương (Bắc Ninh) hiển nhiên là không hợp với nghề buôn cá con ở quê, mà đi dạy học và làm thơ. Có bữa gặp ông Chương - Bắc Ninh, bất chợt ông than “Nhiều lúc nhớ ông Chương - Bình Định quá!”.

Trước khi về làng làm nghề “gõ đầu trẻ”, ông Chương có thời gian ngắn dạy học trên Lục Nam (Bắc Giang). Về quê, không có điều kiện được đi đây đi đó như nhiều bạn viết khác, nhà thơ - thầy giáo Nguyễn Văn Chương lại khai thác sâu thực tế vô cùng bộn bề ở cái làng quê của mình. Những cảnh đời uẩn khúc, những tập tục vừa đẹp vừa hủ lậu, những tình làng nghĩa xóm đã cho ông những cảm xúc dào dạt. Này đây là cảnh làng quê thanh bình:

Sớm gặp mưa lác đác
Ao muống nở tím hoa
Chiều chập chờn cơn bấc
Bầu ngọn bổng ngọn la

(Heo may)

Những làng quê vùng Kinh Bắc xem ra đâu cũng thật tình tứ. Hẳn là người yêu quê hương lắm, ông mới viết được những câu thơ đẹp và nặng tình về mảnh trăng quê: Trăng non như thể trăng thề.

Cũng hiếm vùng quê nào có nhiều hội hè, đình đám như vùng Kinh Bắc. Tập tục mỗi nơi một khác. Nhưng có lẽ hội chen thì chỉ có riêng làng Ngà, bên quê ông. Ấy là cái hội một năm một lần, mở vào cái đêm không trăng, không sao, không đèn. Trai gái, đàn ông đàn bà trong làng được dịp tháo khoán, tha hồ đến hội chen  gặp gỡ. Niềm vui con người được thăng hoa, giải tỏa. Cảm xúc với cái hội dân dã, phồn thực, Nguyễn Văn Chương đã có bài thơ hay về “Hội chen”. Những câu thơ tung tẩy:

Đêm nay tháo khoán cả làng
Cái Nường cái Nõn rộn ràng xôn xao
Lư trầm hương án thì cao
Nẻo tình thì thực khát khao thì gần.

Để rồi:

Trống tùng, chiêng cũng bi ly
Cái bao lỏng trước, yếm thì tuột sau.

Để sau một năm làm ăn vất vả, con người được mãn nguyện:

Nhà gianh nhà ngói gì đây
Cả năm có một đêm nay… Tắt đèn!

Ở một người đã qua độ tuổi “Thất thập cổ lai hy”, ông mừng vì thấy quê hương ngày một đổi thay, giàu có. Nhưng ông càng chạnh lòng nhớ thuở nghèo khó. Nhìn cây gạo cổ thụ đầu làng đơm hoa đỏ như đốt đuốc giữa trời, ông bần thần nhớ  “tháng ba ngày tám” thiếu ăn thuở nào:

Tháng ba ngơ ngác trẻ nghèo
Chân chim đuôi mắt nhăn nheo thương bà
Gọi là gạo chỉ thấy hoa
Đẹp thì có đẹp nhưng mà đói cơm…

(Khúc hồi tưởng tháng ba)

Người làng quê trọng cốt cách, gia phong nếp nhà. Mừng con vào đại học,  khấp khởi vui, nhưng  lại nhiều ưu tư: “Nhà mình người ít của kiệm/ Lòng cha canh cánh lo âu”. Như bất kỳ người cha nào cũng cố gắng cao nhất cho con, nhưng ông lại nhắc nhở con mình: “Cha chạy đồng tiền bát gạo/ Con đừng chạy điểm chạy bằng…” (Dặn con vào đại học)

Là nhà thơ, nhà giáo làng, tuy nghèo về vật chất, nhưng ông có cái kiêu riêng. Bài thơ “Với người em rể”, Nguyễn Văn Chương có cái ngông của một ông đồ.

Chú nghèo. Tôi nghèo hơn chú
Nhưng thôi ta nói chuyện giàu
Nhà tôi vài nghìn quyển sách
Thế là tôi chẳng nghèo đâu.

Cái kiêu, cái ngông của ông đồ, dễ gì thay đổi. Nhân nói về một lớp chèo, ông nói về cốt cách sống mộc và giản dị của mình “Sơn son cái cột cái kèo/ Chả sơn son được lớp chèo vai em” Để rồi, ông lại sẵn lòng hy sinh vì con cháu. Cho dù “Đi xa có khi mượn áo/ Cọc cạch chiếc xe đạp tàng”. Ấy nhưng: “Con mình ngoan chăm học/ Có người bảo thế là sang!”.

Nói về cái đạo làm trò kính thầy, tại nhà, Nguyễn Văn Chương lập ban thờ riêng thờ thầy giáo Trương Ngọc Liên. Tôi có được tiếp xúc ông Trương Ngọc Liên, hồi ông làm biên tập Báo Người Hà Nội. Ngày ấy, tôi chỉ biết ông với danh nghĩa một công chức mẫn cán, sống khép kín, có phần yếm thế trước đám anh em làm văn làm báo thường ồn ào, lắm lời.

Khi biết ông Liên từng dạy ông Chương thuở học sư phạm, phát hiện năng khiếu và khuyến khích ông Chương vào con đường văn chương, thì tôi càng thêm nể trọng cả hai ông. Ngày ông Liên mất, ông Chương từ làng ra Hà Nội chịu tang, rồi về lập bàn thờ người thầy đầu tiên hướng mình vào con đường văn bút.

Mão Điền ngày nay đã là làng giàu có. Nghề bán cá con như bị thu hẹp. Những chiếc ao gột cá đã được san lấp và mọc lên những ngôi nhà cao tầng. Ngôi nhà cấp bốn của thầy giáo Nguyễn Văn Chương vẫn khiêm nhường bên cây bưởi, cây ngâu, cây hoa sói, cây hoa mộc…

Con cái ông làm ăn thành đạt, về quê, xây ngôi nhà tầng đường bệ trước sân đón ông lên ở, mà ông không chịu nghe. Ông vẫn một mình ở ngôi nhà cấp bốn chứa chất nhiều kỷ niệm. Trong ngôi nhà, thấy giá sách mỗi năm cơi nới rộng hơn. Nhiều cuốn sách mới bên những cuốn sách gáy đã ố vàng. Trong giá sách, có gần chục cuốn của ông viết ra. Đó là dấu tích sự tích tụ chữ nghĩa, tạo ra một ông Chương riêng biệt của làng.

Có người nói: ông Chương có cái sang, cái ngông của người có chữ. Nhiều người trong làng nhà cao cửa rộng, xe pháo đề huề, mong có chút sang, chút ngông của ông, mà làm sao có được. Hàng năm, trên báo chí trung ương và địa phương vẫn đều đặn in thơ của ông.

Bạn bè văn chương gần xa thi thoảng vẫn về làng thăm ông. Bảo ông kiêu và ngông cũng là bởi mọi người quý trọng ông. Nhưng nào mấy ai nhận biết một tâm hồn mong manh, dễ yếu mềm trong ông. Bởi tâm hồn ông là tâm hồn thi sỹ. Và tôi nhớ ông đã viết những câu thơ bảng lảng: “Cỏ non như thể bùa mê dọc đường…”

Tháng 3-2017

Vũ Từ Trang
.
.