Hai mẩu chuyện đáng suy ngẫm về nhà thơ Tế Hanh

Thứ Bảy, 11/03/2017, 08:00
Tế Hanh có bài thơ “Biển và Em”, trong đó có câu thơ tôi rất thích: “Biển một bên, em một bên”. Câu thơ giản dị như một câu nói thông thường mà lại như một phát hiện bất ngờ đầy cảm xúc. Không những thế, câu thơ là một hình tượng hàm chứa sức ẩn dụ nghệ thuật rất cao.


1.

Tặng em thế kỷ chúng ta.
Nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng.

Đó là một câu thơ hay của Tế Hanh được chọn để thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại Văn Miếu. Là người yêu thơ Tế Hanh, tôi thuộc nhiều câu thơ hay của ông. Ví dụ: “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Hay câu: “Xuân từ ngoại thành vào nội thành/ Từng bước, từng bước, từng bước xanh…”.

Riêng về hai câu đầu tiên ở trên, một lần thấy nhà văn Ma Văn Kháng dùng nó làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng nước lũ” của ông, tôi đọc lại vẫn thấy thắc mắc. Sao không nói là niềm vui, nỗi khổ như cách nói quen thuộc mà lại nói là nỗi vui nỗi khổ?

Thắc mắc ấy nhân dịp được gặp nhà thơ, tôi đã mạnh dạn trình bày: Thưa thi sĩ, theo cách nói thông thường của người miền Bắc chúng em thì nên viết là niềm vui nỗi khổ có được không ạ? Nghe tôi nói, Tế Hanh mỉm cười hiền lành độ lượng và gật đầu tỏ vẻ bằng lòng. Kết quả là lời đề từ trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng đã được đổi lại như đề nghị của tôi với nhà thơ.

Bây giờ đã 20 năm qua. Thời thiếu nữ trẻ trung đã bỏ lại sau lưng. Nghĩ lại tôi mới thấy mình hồi đó đã quá bồng bột và nông cạn. Chao ôi, “nỗi vui” và “niềm vui”, hai cặp từ đó chỉ khác nhau tí ti thôi, mà ý nghĩa khác nhau, xa cách nhau lắm. Thi sĩ dùng hai từ “nỗi vui” là có ý của ông. Phải rồi, hai từ “nỗi vui”, phải là hai từ đó mới nói được sức nặng của cái vui, cái vui kết tinh của bao vất vả nhọc nhằn của đời người. Giờ đây tôi muốn đến xin lỗi ông nhưng ông đã đi xa rồi. Ông đã đi xa, nhớ về ông tôi càng kính trọng và ngưỡng mộ ông. Ông, thi sỹ Tế Hanh thật giản dị tinh tế và sâu sắc.

2.

Tế Hanh có bài thơ “Biển và Em”, trong đó có câu thơ tôi rất thích: “Biển một bên, em một bên”. Câu thơ giản dị như một câu nói thông thường mà lại như một phát hiện bất ngờ đầy cảm xúc. Không những thế, câu thơ là một hình tượng hàm chứa sức ẩn dụ nghệ thuật rất cao.

Không nhớ là bài thơ của thi sĩ Tế Hanh được công bố năm nào. Nhưng đến lúc được nghe bài hát phổ thơ của thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa có một câu gần như y chang câu thơ nọ: “Biển một bên và em một bên” thì tôi nảy sinh thắc mắc, rõ ràng là hai bài thơ xuất hiện vào hai thời điểm khác nhau, vậy mà tại sao lại có có hai câu thơ của hai nhà thơ tài danh giống nhau đến thế?

Thắc mắc, tôi đem hỏi nhà thơ Tế Hanh thì được ông cười xòa rất vui vẻ và đáp rằng: Đây có thể là sự trùng hợp tình cờ. Hai nhà thơ cùng chung một cảm xúc, một ý tưởng gặp nhau. Cô có biết câu ngạn ngữ tiếng Pháp này không? Les grands idées se rencontrent. Những ý tưởng lớn thường gặp nhau.

Cũng thắc mắc ấy tôi đem hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa thì các bạn có biết câu trả lời của thi sĩ này là thế nào không? “Cám ơn nhà thơ lớn Tế Hanh. Ông đã vô cùng khiêm nhường và độ lượng, đã không quy kết tôi là đạo thơ của ông. Thật tình là tôi đã mượn ý câu thơ rất đẹp ấy của ông. Và điều này đã được tôi chú thích công khai khi in bài thơ của mình”.

Tế Hanh và Trần Đăng Khoa một chi tiết mà bộc lộ rõ nhân cách thi sĩ. 

Hoàng Tuyên
.
.