Chuyện chưa xa nhớ lại

Thứ Hai, 06/06/2016, 08:00
Có hai chuyện liên quan đến nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987) xin được nói ở đây:


1. a) Nhà văn Trần Ninh Hồ kể với tôi rằng, nhiều năm trước, chính anh đã nghe nhà văn Vũ Ngọc Phan nói với nhà văn Nguyễn Tuân rằng, ông rất tiếc là ngày trước đã sơ suất bỏ qua, không đưa vào bộ sách "Nhà văn hiện đại" (1942 - 1945)  của mình hai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao.

b) Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật, trong bài "Từ "Nhà văn hiện đại" đến "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam" in trong quyển "Nhà văn Vũ Ngọc Phan" do Mai Hương và Phong Lê biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1995, tr.105, thì viết: Trong một dịp tâm sự với bạn đồng nghiệp, nhà văn Vũ Ngọc Phan thoải mái nói về quyển "Truyện cổ tích Việt Nam" (1955) của ông: "Đây là một tập truyện viết rất máy móc, bây giờ đọc lại vẫn thấy đỏ tai".

Nhà văn Vũ Ngọc Phan.

Có thể xem chính những dòng Vũ Ngọc Phan viết về việc này: "...tập truyện cổ tích tôi viết ở Việt Bắc, đưa in lần đầu năm 1955 ở Hà Nội, là một tập truyện viết rất máy móc, bây giờ đọc lại vẫn thấy đỏ tai" (Vũ Ngọc Phan toàn tập, tập IV, tr.480. Nhà xuất bản Văn học, 2011).

Hai chuyện trên cho thấy rõ đức tính rất quý của một bậc nhà văn lão thành: khiêm tốn, cầu thị, sẵn sàng "hối lỗi" về thiếu sót, về bất cập, thậm chí sai lầm của mình.

Thế mà tôi thấy có người, khi nghe nhắc lại hai chuyện này thì khó chịu, cho là đã xúc phạm nhà văn Vũ Ngọc Phan. Thật là một cách nhìn thiển cận, vô lối!

2. Nhà thơ Trần Ngọc Thụ qua đời mấy năm trước. Anh công tác lâu năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đã in năm, sáu tập thơ và đôi khi có viết nghiên cứu, phê bình với một tư duy khá sắc sảo. Mấy bài thơ, nhất là bài "Em vẫn như ngày xưa", được nhạc sĩ Lê Đình Lực phổ thành một ca khúc hay. (Thanh Hoa hát). 

Tác giả (trái) và nhà thơ Trần Ngọc Thụ.

Nhưng nhớ đến Trần Ngọc Thụ, tôi nhớ ngay đến hai câu thơ anh viết khoảng 30 năm trước. Bấy giờ, nông thôn ta còn trì trệ lắm, chưa khác gì thời "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Hai câu thơ có thể nói là xuất thần của Trần Ngọc Thụ, ở bài "Con đường hàng tỉnh":

Ông lão dong trâu đi bừa
Là con ông lão ngày xưa đi cày!

Trong một buổi nói chuyện thơ với bạn đọc ở Thư viện Hà Nội ngày ấy, có nhà  thơ Trần Ngọc Thụ và bạn bè anh ở Đài Tiếng nói Việt Nam dự, tôi có nói: Đọc hai câu thơ, tôi thấy lạnh toát cả người!

3. Một ngày cuối hè năm 2010. Đất trời thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nắng như đổ lửa. Ngoài cái nóng của mặt trời, còn có cái nóng tỏa ra từ hàng nghìn, hàng vạn máy điều hòa nhiệt độ ở một nơi nổi tiếng là có nhiều nhà cao tầng nhất Trung Quốc này!

Ấy vậy mà chỉ ngồi xe chưa đến hai tiếng đồng hồ, tôi đã đến Tô Châu, Thành phố của tỉnh Giang Tô, khí trời mát lạ lùng, như là mùa thu vậy! Anh bạn Trung Quốc bảo: Không biết từ bao giờ, người Trung Quốc chúng tôi có một câu rất vui liên quan đến nơi chúng ta đến:

Ở Tô Châu, chơi Hàng Châu, ăn Quảng Châu, chết Liễu Châu.

(Tô Châu khí trời ôn hòa, không gian thanh bình, yên tĩnh. Hàng Châu cách đó không xa là thủ phủ của tỉnh Giang Tô, nổi tiếng nhiều cảnh đẹp; "trên có Thiên đường, dưới có Hàng Châu" là lời nhiều người dành cho vùng đất này. Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nơi có nhiều món ăn ngon. Liễu Châu là thành phố của tỉnh Quảng Tây, nơi có nhiều gỗ tốt và quý để làm .... quan tài!)

Hàn Sơn Tự - Trung Quốc.

Ngồi xe rời Tô Châu chỉ vài chục phút, chúng tôi đã đến Hàn Sơn tự, ngôi chùa mà tiếng chuông của nó đã vọng đến tôi từ ngày nhỏ (qua bài thơ "Phong Kiều dạ bạc" cực kỳ nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế, đời Đường):

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

(Chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô
Nửa đêm tiếng chuông vẳng đến thuyền khách)

Việc đầu tiên tôi đến Hàn Sơn là tìm tấm bia khắc bài thơ "Phong Kiều dạ bạc". Bài thơ đã được khắc và sửa nhiều lần, lần này là bản do Du Việt - một danh nhân đời Thanh viết, rất đẹp dựng ở bên sân chùa. Dĩ nhiên là tôi không thể không chụp mấy kiểu ảnh ở đây.

Trước kia, tôi cũng đã từng đọc sách báo Trung Quốc và Việt Nam viết về lai lịch ngôi chùa này, thấy chỉ có vài dòng ngắn ngủi, đại loại như sau: nhà sư Hàn Sơn cùng mười vị sư tu ở chùa này, nên chùa mang tên Hàn Sơn...

Đến chùa lần này cũng là để nghe lại tiếng chuông xa xưa từ trong không trung, tưởng tượng, và cũng muốn biết rõ hơn nữa về lai lịch của nó, tôi có ý tìm một vị sư để hỏi. Ngặt một nỗi chùa rất đông khách, trong chùa ai cũng bận rộn - mặc dù hôm ấy là ngày thường, không phải ngày lễ hay ngày nghỉ. Rất may, anh bạn Trung Quốc nhiệt tình, tìm được một vị cao niên dễ đến gần 80 tuổi, đang đi lững thững ven sông. Ông cụ nói không chuẩn lắm tiếng phổ thông (cũng gọi là tiếng Bắc Kinh) nhưng do có đôi chút kinh nghiệm sau những năm ở Trung Quốc, tôi cũng nghe được đủ câu chuyện. Theo yêu cầu của tôi, ông cụ kể về lai lịch ngôi chùa, có thể nói gọn lại như sau:

Tương truyền nhà kia có hai anh em trai tên là Hàn Sơn và Thực Đức. Cha mẹ cưới một cô gái cho người anh là Hàn Sơn. Nhưng cô gái không thích người anh, mà lại có tình ý với người em. Biết chuyện, Hàn Sơn bỏ vào chùa đi tu. Thực Đức thấy vậy, cũng vào chùa tu với anh, về sau cả hai anh em cùng thành chính quả (người tu hành đắc đạo). Đời sau, người ta lấy tên người anh đặt tên cho chùa.

Câu chuyện phảng phất truyện cổ tích "Trầu cau" của Việt Nam ta.

Tôi thấy hết sức thú vị về buổi thăm chùa hôm ấy, chỉ tiếc không có thì giờ vào thỉnh chuông (mà nhà chùa có bán vé).

Câu chuyện lai lịch ngôi chùa Hàn Sơn đã nói, không biết ở Trung Quốc có sách báo nào viết chưa, nhưng ở Việt Nam, tôi tin là chưa.

Hồng Diệu
.
.