Nhà văn Vũ Ngọc Phan: Chàng T'rixtăng của thế kỷ XX

Thứ Sáu, 25/07/2008, 10:00

T'rixtăng và Ydơ là tên của cặp tình nhân nổi tiếng trong cuốn truyện thơ dân gian được lưu truyền từ thế kỷ thứ XII ở Pháp. Cùng với các tác phẩm "Rômêô và Juliét", "Pôn và Viếcgini", "T'rixtăng và Ydơ" được xem là một trong ba thiên tình sử đẹp nhất thế gian.

Sinh thời, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã dịch cuốn truyện thơ nói trên sang tiếng Việt. Bấy giờ (năm 1942), do đặc điểm người đọc ở ta chưa quen với cách phiên âm tên người theo tiếng Latinh nên ông đã Việt hóa tên sách ra thành "Tiễu Nhiên và Mị Cơ". Trong lời đề tặng người bạn đời yêu dấu của mình, Vũ Ngọc Phan đã viết những dòng nồng thắm: "Tặng Hằng Phương, Mị Cơ của lòng tôi".

Không chỉ là chuyện chữ nghĩa trên giấy, nhìn vào đời sống của vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương, ta có thể khẳng định: Họ cũng chính là những chàng T'rixtăng và nàng Ydơ của thời hiện đại.

Lần đầu họ biết nhau là khi Vũ Ngọc Phan bước vào tuổi 23, còn Hằng Phương mới 17. Sau này Vũ Ngọc Phan nhớ lại: "Một hôm, tình cờ tôi nhìn thấy trong nhà số 1 một cô gái dong dỏng cao, tóc bỏ xõa như vừa mới gội đầu, đang đùa với em gái nhỏ chừng bốn tuổi.

Cô có nước da trắng mịn, đôi mắt tuyệt đẹp, cười tươi, để lộ hai hàm răng trắng. Tôi nhận thấy thế chỉ trong khoảnh khắc và tự hỏi: Không biết cái ánh tranh sáng tranh tối của gian phòng có lừa tôi không?".

Kể từ lần ấy, Vũ Ngọc Phan nhận thấy mình như "bị sự say đắm về yêu đương thúc đẩy", ngoài người mình yêu ra "không nhìn thấy cái gì hết trên đời". Biết bao quan phủ, quan huyện muốn gả con gái cho ông, thậm chí họ còn hứa lo tiền cho ông sang du học tại Pháp, song Vũ Ngọc Phan nhất mực cự tuyệt. Đã có lúc mẹ ông phải thở dài: "Có lẽ con đến đi tu mất".

Về phần Hằng Phương, để đến với Vũ Ngọc Phan, cô cũng phải vượt qua bao áp lực. Sau này, khi đã thành vợ thành chồng, Hằng Phương mới cho ông xem những lá thư, trong đó có nhiều thư nặc danh của mấy cậu ấm con quan, của mấy tay sinh viên cao đẳng và cả của người trong họ Vũ Ngọc Phan muốn tranh cô gái cho con em mình.

Thư thì nói nhà ông nghèo xác xơ, không có bát ăn; thư thì nói ông bị lao, nên người xanh xao, yểu mệnh. Cũng có lúc bố mẹ Hằng Phương phải e ngại cho chặng đường gian khó sau này của con gái mình, nhưng vì cô nhất quyết chọn Vũ Ngọc Phan nên cuối cùng mọi người đều ưng thuận.

Kể từ ngày được về sống bên nhau, Vũ Ngọc Phan thường xuyên đọc sách và kể chuyện những nhân vật nổi tiếng cho Hằng Phương nghe. Đọc các tác giả lớn của Anh, Ý, Đức, Ấn Độ, hễ biết được ít nhiều ông lại truyền đạt cho Hằng Phương và "khi nghiên cứu từng giai đoạn một của văn học Pháp, tôi cũng nói lại cho cô biết".

Ngược lại, Hằng Phương cũng hay hỏi lại chồng, khiến ông phải nghiên cứu, suy nghĩ lại. Theo ông "đó là điều thích thú mà cho đến tuổi già, hai vợ chồng tôi vẫn quen trao đổi với nhau".Các cuốn sách của Vũ Ngọc Phan, mỗi khi được ấn hành, ông đều dành tặng vợ một bản thật đẹp, với lời đề tặng thật tình tứ, mặn nồng.

Như khi in cuốn "Nhà văn hiện đại" quyển I, ông viết: "Tặng Hằng Phương tập phê bình thứ nhất của tôi, để ghi tạc sự đồng tâm đồng chí của đôi ta". Còn ở quyển 4, (tập thượng) - cũng bộ sách này - ông ghi "Tặng Hằng Phương, để quên trong chốc lát đời sống khó khăn hiện thời mà giá gạo đã lên sáu bảy trăm một tạ".

Phần mình, Hằng Phương cũng bày tỏ tình yêu thương chồng, trong đó bao gồm cả lòng biết ơn, qua những vần thơ. Bài "Lòng quê"- một bài thơ nổi tiếng của bà (được tuyển trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân) là bài thơ Hằng Phương dành riêng tặng Vũ Ngọc Phan, trong đó có những câu: "Bình minh buổi ấy gặp anh/ Rủ em ra chốn đô thành xa khơi/  Yêu anh, em hóa yêu đời/ Theo anh chắp cánh tung trời bay cao". Bài "Nhà văn thuở trước" là bài bà viết về nỗi vất vả của chồng, trong đó có đoạn: "Sớm lót dạ cháo hoa/ Trưa cơm cà, rau muống/ Chiều húp bát canh cua/ Vậy mà đêm thức suốt…".

Sau này, mặc dù đã có tuổi, song nguồn cảm xúc của tình chồng vợ trong Hằng Phương vẫn nồng thắm như thời son trẻ.  Đây là những dòng nhật ký bà viết trước khi lên bàn mổ (nghi có u ở dạ con) hồi tháng 11/1961: "Nghĩ đến chết, tôi chẳng sợ gì cả, ai cũng phải chết một lần thôi, nhưng rất thương người còn sống trên đời đau khổ. Các con tôi đã lớn, hầu hết có thể tự lập. Chỉ có một người đau khổ nhất là anh Phan. Hai vợ chồng ở với nhau đã gần bốn mươi năm, nay bỗng chốc mất nhau, đau đớn biết chừng nào!".

Điều đáng nói là những ý nghĩ này rất giống với tâm trạng của nàng Ydơ khi nhớ về T'rixtăng: "Thiếp không sợ chết! Trời bắt thiếp xin chịu, chỉ ái ngại thay cho chàng, được tin này, chàng sẽ không sống được đâu. Ái ân của đôi ta như thế đó, thiếp chết, chàng chẳng sống được, mà chàng chết thiếp cũng không sống được".

Sau ca mổ ấy, Hằng Phương sống thêm được 21 năm nữa thì tạ thế, hưởng thọ 75 tuổi! Lúc này, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã ở tuổi ngoài 80. Bình sinh, ông là nhà phê bình chưa từng một lần làm thơ, vậy mà trước nỗi đau ly biệt, ông đã đặt bút viết những dòng chứa chan nước mắt: Tập thơ em để lại/ Chan chứa bao tình người/ Nước mắt anh thấm giấy/ Tưởng em ngồi bên anh…/ Cá thia lia quen chậu/ Vợ chồng ta quen hơi/ Hương đâu đưa thoang thoảng/ Phút mơ chừng chơi vơi…

Kể từ đây, Vũ Ngọc Phan càng dồn tâm trí cho tập hồi ký, mà ở đó ông dành một phần khá lớn để nhắc lại những kỷ niệm trong 57 năm hai người sống bên nhau. Ông cũng viết thay cho cả phần Hằng Phương chưa kịp viết.

Ông đặc biệt trân trọng khi nhắc tới từng tác phẩm của vợ. Và chỉ khi tập thơ một đời của Hằng Phương (với lời giới thiệu của nhà thơ Xuân Diệu) được ông biên soạn và đưa xuất bản, ông mới chịu xuôi tay nhắm mắt…

Nếu như ở phần kết của cuốn truyện thơ "T'ristăng và Ydơ", bạn đọc bắt gặp hình ảnh những dây leo từ mộ của đôi tình nhân đâm trổ sang nhau, luồn vào huyệt mộ, dẫu cho người đời có cắt đi, nó vẫn cứ đâm cành nở hoa, như biểu tượng của tình yêu bất diệt, thì xung quanh chuyện mộ chí của vợ chồng nhà văn Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương cũng xảy ra những chuyện cảm động.

Hãy nghe con trai nhà văn Vũ Ngọc Phan, Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng kể lại: "Tôi nhớ buổi trưa hôm ấy, sau khi từ nghĩa trang về đến nhà, thấy cha ngồi im lặng trước bàn thờ mẹ khói hương nghi ngút. Bằng một giọng nghiêm trang, cha hỏi tôi: "Bên cạnh mẹ còn chỗ không?”.

Tôi ngập ngừng một lát, rồi thưa: "Dạ, thưa còn". Và đây là bức tranh hoài niệm đầy xúc động mà Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã ghi lại về nơi an nghỉ của cha mẹ mình: "Ngày nay trên sườn đồi Thanh Tước, hai ngôi mộ cha mẹ nằm cạnh nhau, hướng về phía tây, về cõi vĩnh hằng của bầu trời.

Nơi ấy ngàn năm rực sáng những buổi hoàng hôn đẹp tuyệt vời mà cha mẹ chúng tôi đã từng lặng ngắm, khi bên nhau qua những năm tháng trên cuộc đời này"

Phạm Nhật Linh
.
.