Cha, con và hành trình với mỹ thuật Nam Bộ

Thứ Năm, 03/12/2020, 15:50
Bộ sách công phu về mỹ thuật dân gian Nam Bộ vừa ra mắt công chúng tại TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên hai cha con nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cùng bắt tay trong hành trình thực hiện bộ sách, tìm về di sản trầm tích của cha ông.


Dành cả đời để nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tên tuổi bảo chứng cho những bộ sách, công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa nghệ thuật ở vùng đất phương Nam. Lần này, dưới sự chủ biên của ông, hai cuốn sách "Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa" và "Gốm Sài Gòn" thuộc bộ sách "Tìm về mỹ thuật dân gian Nam Bộ" cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu, bằng chứng quý giá, sống động.

Ông chọn "Gốm Cây Mai" là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm dựa vào thời gian xuất hiện của các dòng gốm tại vùng đất Nam kỳ xưa. Gốm Cây Mai ra đời cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. 

Điểm nổi bật của dòng gốm này là sành cứng có men màu với xương gốm chắc bền vững. Bảng màu tuy không phong phú (màu xanh lam, màu xanh ve chai; các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng) nhưng tạo ra sắc thái riêng, nằm giữa sự mộc mạc và mỹ lệ, như một tạo tác hình khối mãnh liệt. 

Gốm Cây Mai sở hữu hầu như tất cả kỹ pháp trang trí để xuất hiện phổ biến khắp các công trình gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm bài trí, gốm thờ tự… thời bấy giờ.

Cha con nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình.

Gốm Sài Gòn là dòng gốm sứ ra đời đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong thực tế việc sử dụng tên gọi "gốm Sài Gòn" trong vài thập niên qua đã bị một số nhà nghiên cứu sử dụng tùy tiện. Họ đồng nhất gốm Cây Mai với gốm Sài Gòn hoặc để gọi chung cho tất cả dòng sản phẩm gốm sứ được sản xuất ở Sài Gòn - Chợ Lớn ngày xưa. Số khác dùng tên "gốm Sài Gòn" để chỉ dòng sản phẩm gốm sứ bạch dứu ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX.

Gốm Sài Gòn được đánh giá cao về sự lịch lãm và sắc nét với hai gam màu chủ đạo là trắng xanh và ngũ sắc được vẽ trau chuốt và kỳ công. Cùng chung số phận với gốm Cây Mai, vào giữa thế kỷ XX, dưới sức ép đô thị hóa của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng thời nguồn nguyên liệu sản xuất dần cạn kiệt, nhiều lò gốm buộc phải di dời về tỉnh Thủ Dầu Một (tức Bình Dương ngày nay) và dần mai một. 

Hiện nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và những người đồng biên soạn đang gấp rút hoàn thành cuốn sách về dòng gốm nổi tiếng nhất Nam Bộ: gốm Lái Thiêu. Ông và đội ngũ thực hiện cho biết khi tái hiện lại ba cuốn sách về ba dòng gốm quen thuộc của Nam Bộ, họ gặp không ít khó khăn. 

Bởi gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn đều là những dòng gốm đã thất truyền và ngưng hoạt động từ giữa thế kỷ XX. Cả hai dòng gốm này đều bắt nguồn từ những di dân người Hoa đến Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa và Bình Dương nên những thư tịch cổ, tài liệu xưa đều bằng chữ Hán. Do đó, để truy tìm chủ nhân của dòng gốm này hầu như vô vọng. 

"Nhưng may mắn thay trong quá trình tìm hiểu chúng tôi đã lần theo các thư tịch cổ, tài liệu xưa cũng như minh văn bằng chữ Hán trên các sản phẩm gốm để tìm gặp được một số người là hậu duệ của các nghệ nhân làm gốm xưa. Từ đó có cơ hội kiểm chứng, đối chiếu với những thông tin thu thập được" - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.

Nếu nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên sách viết về các dòng gốm thì cô con gái Huỳnh Thanh Bình lại là tác giả cuốn "Tranh tường Khmer Nam Bộ" trong bộ sách này. Cuốn sách đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer thực hiện ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu...

Tranh tường Khmer là một đại tập thành của mỹ thuật Khmer nói chung, mỹ thuật Phật giáo Khmer nói riêng. Người Khmer tiếp thu tôn giáo - văn hóa thông qua nhiều con đường trong đó có nghệ thuật tranh tường. Đối với truyền thống hội họa Khmer, tranh tường phong phú về số lượng lẫn đề tài và nội dung so với tranh kiếng, tranh cuộn vẽ trên vải preah bot, tranh dân gian vẽ trên giấy kờrăng, tranh minh họa sách chép tay… 

Tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống, nó độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật. Đặc trưng của dòng tranh tường này là luôn biến đổi theo thời gian. 

Xưa kia tranh tường mang phong cách hội họa dân gian mà đặc trưng của nó là đồ họa hai chiều, tô màu theo từng mảng và nguyên liệu chủ yếu là bột màu, có loại chất màu lấy từ thực vật và khoáng sản tự nhiên. 

Về sau, tranh vẽ bằng sơn dầu công nghiệp, và ngày nay người nghệ nhân đã tận dụng hầu như tất cả các loại sơn có bán trên thị trường với bảng màu cực kỳ phong phú. 

Đặc biệt, các nghệ nhân đã tiếp thu phương pháp hội họa hiện đại: áp dụng luật phối cảnh và xử lý ánh sáng tạo nên những bức họa ba chiều. Rõ ràng, tranh tường Khmer luôn được đổi mới để phù hợp với thị hiếu thời đại của công chúng.

Một tác phẩm của dòng gốm Cây Mai.

Để viết nên cuốn sách có đề tài mới mẻ này, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình mất gần 10 năm đi điền dã khắp hàng trăm ngôi chùa Khmer, dừng chân qua biết bao phum sóc để sưu tầm, thu thập tư liệu. 

Chị cho biết: "Cách đây 10 năm, bị thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc mỹ thuật chùa tháp Khmer, tôi bắt đầu nghiên cứu về tranh kiếng khi đang nghiên cứu về tranh kiếng Nam Bộ nói chung. Qua đó, tôi dần dần biết thêm về một số bức tranh tường ở chùa tháp Khmer. Càng tìm hiểu, tôi càng bị chúng lôi cuốn. Thế là, tôi bắt đầu việc tìm hiểu tranh tường Khmer một cách có hệ thống. 

Điều khó khăn là tìm hiểu các tích truyện và những tình tiết được thể hiện trên tranh tường. Việc này, trước tiên phải phỏng vấn các vị sư sãi, các ông bà lão ở địa phương. Kế đó là dò hỏi các nghệ nhân và quan trọng là tìm kiếm tài liệu, kinh sách liên quan. May mắn là bà con mình chỉ dẫn rất nhiệt tình, nhờ sự nồng hậu như vậy mà tôi mới hoàn thành được cuốn sách này".

Tuy là "người một nhà", cùng hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Huỳnh Thanh Bình lại có những địa hạt nghiên cứu chuyên sâu riêng. Nếu người cha say mê câu chuyện văn hóa dân gian thì cô con gái lại say mê mỹ thuật Phật giáo. Cả hai chọn cho mình phong cách truyền tải tư liệu đặc trưng riêng, mở ra nhiều mảng đề tài có giá trị còn hiếm trên địa hạt nghiên cứu. 

Có người cha là cây đại thụ trong làng nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình được cha chỉ dẫn, dìu dắt rất nhiều ngay từ những ngày đầu chị quyết tâm bước theo con đường nghiên cứu. 

Chị chia sẻ: "Về văn hóa Khmer Nam Bộ, ba tôi cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu nhưng đối tượng chính của ông là văn học hay các loại hình sân khấu dân gian Khmer. Nói chung, ông chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer. Chính vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đó là cái ba tôi rất thích nhưng chưa làm được. Ông là người cung cấp những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này cho tôi. Ông bảo ông là người "chỉ điểm", song trong thực tế ông chỉ dạy tôi nhiều điều bổ ích để … khởi nghiệp".

Hiện nay, các dòng gốm Nam Bộ dần mai một và biến mất, thị hiếu sáng tác tranh tường Khmer dần chuyển biến theo thăng trầm thời gian. Vì lẽ đó, bộ sách "Tìm về mỹ thuật dân gian Nam Bộ" của cha con nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và các cộng sự trở thành công trình quý hiếm, mang lại cho người đọc những tư liệu và hình ảnh xác thực, phong phú. 

Trong hành trình của hai cha con, còn có sự đồng hành của nhiều bạn trẻ, để cùng nhau tìm về những dấu tích xưa và viết lại câu chuyện lịch sử của di sản, lưu giữ vốn quý của mỹ thuật truyền thống Nam Bộ đang dần lùi vào ký ức…

Phan Thi Uyên
.
.