Thị trường mỹ thuật: Bao giờ cho đến chuyên nghiệp...

Thứ Năm, 13/08/2020, 14:37
Ít có triển lãm nào lại thu hút sự chú ý của giới họa sĩ như "Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) từ ngày 6 đến 15-8.


Lần đầu tiên, một danh sách các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật được công bố, khiến giới trong nghề bàn ra tán vào. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên thông qua triển lãm, để tôn vinh các họa sĩ tài năng đồng thời là những họa sĩ bán được nhiều tranh trong những năm qua.

1. Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bước vào "làn sóng thứ hai", cuộc triển lãm này đã được rút gọn: Không tổ chức lễ cắt băng khai mạc. Ban tổ chức cũng khuyến nghị mọi người đến triển lãm phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn… 

Theo đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, từ năm 1986, khi đất nước đổi mới và mở cửa, mỹ thuật Việt Nam dần hình thành và phát triển một thế hệ họa sĩ tài năng, có thị trường tiêu thụ tác phẩm trong nước và quốc tế. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hi vọng triển lãm này giúp công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế có được cái nhìn khái quát về sự hình thành và phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Khán giả vẫn đến với triển lãm của các họa sĩ đương đại trong mùa COVID-19. 

Dựa vào hai tiêu chí tác giả có tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt, có dấu ấn cá nhân và tác giả bán được nhiều tác phẩm và có vị trí trên thị trường mỹ thuật, Ban tổ chức và Giám tuyển của Triển lãm là họa sĩ Vi Kiến Thành đã lựa chọn ra 19 họa sĩ, gồm 12 họa sĩ ở Hà Nội: Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng và 7 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

Nhìn vào danh sách này, nhiều ý kiến cho rằng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu". Trực tiếp xem triển lãm này, người ta chưa thật sự cảm thấy choáng ngợp hay bị thuyết  phục trước các tác phẩm hội họa và những cái tên được công bố. Nhiều họa sĩ gửi những tác phẩm quá an toàn và quen thuộc, không thấy sự sáng tạo độc đáo cũng như cá tính nổi bật của họa sĩ. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể do những bức tranh tốt đã được các nhà sưu tập mua hết, nên nhiều họa sĩ gửi tới triển lãm những bức tranh "thường thường bậc trung".

2. Phạm An Hải là một trong 19 cái tên được chọn tham gia triển lãm này. Anh gửi tới ba tác phẩm tham gia triển lãm gồm "Mầu thời gian" (sáng tác năm 2019, sơn dầu trên toan, kích thước 120x200cm); "Nắng quái 2" (2019, sơn dầu trên toan, 136x105cm); và "Vũ điệu Xuân" (2019, sơn dầu trên toan, 200x120cm). 

Là người đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, được lựa chọn triển lãm tranh tại triển lãm họa sĩ đương đại Việt Nam - Đông Nam Á do Công ty Philip Morris đứng ra tổ chức, anh cho rằng thị trường mỹ thuật trong thời gian gần đây ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. 

"Rõ ràng là người Việt đã mua nhiều tranh hơn trước kia. Thị hiếu nghệ thuật của người dân mình ngày càng tốt và kinh tế phát triển thì nhu cầu sẽ càng ngày càng cao. Tôi cho rằng thị trường mỹ thuật sẽ sôi động hơn khi có thị trường thứ cấp phát triển, nghĩa là sẽ có các giao dịch của các nhà sưu tập, các nhà đầu tư".

Theo họa sĩ Phạm An Hải, việc đưa ra khái niệm tranh nghệ thuật, tranh thị trường không sai. "Tranh thì sẽ có hai loại nghệ thuật và phi nghệ thuật, thị trường nghệ thuật thì có cấp thấp và cấp cao, quan niệm như trên khác gì nói "anh bộ đội bị thương hai phát, một phát ở Khe Sanh một phát ở đùi" nói như vậy để thấy bản thân khái niệm đó đã láo nháo và lẫn lộn về mặt nhận thức" - họa sĩ Phạm An Hải không ngần ngại chia sẻ.

Trong khi đó, họa sĩ Thành Chương - người cũng có trong danh danh các "họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật" - cho rằng, việc tổ chức triển lãm để tôn vinh các họa sĩ thị trường là một bước thay đổi lớn về tư duy. Những người tổ chức triển lãm này là những người đi tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên.

Tác phẩm được trưng bày trong triển lãm.

Theo họa sĩ Thành Chương, thị trường mỹ thuật của nước ta dù đã manh nha hình thành từ cuối thế kỷ XX những vẫn còn "lộn xộn lắm, được chăng hay chớ, chưa hề có những quy chuẩn rõ ràng, chưa thành nền thành nếp, chưa có sự bài bản chuyên nghiệp". Bản thân ông, dù đã được biết tới là một họa sĩ thị trường từ rất sớm, thậm chí là họa sĩ thị trường đầu tiên sau thời Đổi mới, nhưng ông cũng thừa nhận, tranh ông bán chủ yếu ở nước ngoài, cho người nước ngoài. Cũng có một số tranh bán qua gallery, nhà sưu tập trong nước nhưng còn "phập phù lắm". 

Họa sĩ Thành Chương bày tỏ: "Bấy lâu nay, ở nước mình có cái dở, là hay đề cao, thần thánh hóa các tác phẩm nghệ thuật. Quy định đó không phải là hàng hóa. Vì thế, khi xảy ra chuyện tranh giả, tranh nhái đã không có chế tài đủ mạnh để áp vào đó cả. Nếu quy định là hàng hóa, thì khi bắt được tranh giả có thể tiến hành thiêu hủy ngay, như là thuốc giả, băng đĩa giả… Nhưng vì không quy định là hàng hóa, nên không tiêu hủy được, không xử lý tận gốc được. Và cứ thế, từ năm này tới năm khác, thứ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn chưa dẹp được nạn tranh giả". 

Họa sĩ Thành Chương cũng thẳng thắn: "Thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu. Ở ta thì giờ mới đang cố gắng để có. Thị trường là cơ sở hạ tầng của một nền nghệ thuật. Nó nuôi dưỡng và thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Nó đem nghệ thuật và niềm vui đến cho mọi người".

3. Để thị trường mỹ thuật sôi động, bên cạnh các nhà sưu tập, các nhà đầu tư thì sự xuất hiện của các sàn đấu giá thời gian qua, đã có tác động tích cực, đáng khích lệ. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các sàn đấu giá giúp người yêu nghệ thuật có thể sở hữu một bức tranh mình yêu thích một cách khá sòng phẳng, theo kiểu thuận mua vừa bán, giúp họ đỡ bị "tù mù" về giá tranh. 

Tuy nhiên, theo họa sĩ Phạm An Hải, những sàn đấu giá nghệ thuật còn quá mới mẻ và cần thời gian để phát triển. Bởi thực tế, thời gian qua các nhà đấu giá nghệ thuật cũng có mặt trái. Ví dụ sẽ có bị tranh, tượng giả, tranh chép nhái trà trộn trọng các phiên đấu giá. Điều đó đòi hỏi các chuyên gia thẩm định ở các nhà đấu giá phải hoạt động công tâm để xác định đúng giá trị các vật phẩm đưa ra đấu giá. Cần có cả chế tài quy định những quyền hạn và trách nhiệm của các nhà đấu giá…

Thị trường mỹ thuật Việt Nam dù đang ở giai đoạn đầu tiên, song đã cho thấy nhiều điều cần căn chỉnh. Mới đây, chính họa sĩ Phạm An Hải viết trên facebook cá nhân bày tỏ thái độ khá tế nhị nhưng cũng rất thẳng thắn về việc những người buôn tranh, sau khi mua tranh của anh đã dùng nhiều chiêu trò tạo sóng phá giá. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bản thân giới họa sĩ cũng cần có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người yêu nghệ thuật. Trong khi xã hội phát triển ở nhiều lĩnh vực, đời sống tinh thần của người dân cũng đã có nhiều phát triển, thì các họa sĩ cũng đừng bỏ lỡ cơ hội. Cần phát hiện và nhanh chóng lấp các khoảng trống để đến với công chúng yêu nghệ thuật, thay vì để họ sử dụng tranh chép. 

Các cuộc triển lãm cá nhân, thay vì chỉ thuần túy để "bày cho sang", "cho nhiều người biết", hoặc "lấy số lượng, thành tích" về số lượng thì cũng cần hướng tới công chúng. Cũng nên công khai giá tranh tại triển lãm để tránh tù mù, và công chúng có thể dễ dàng sở hữu tác phẩm… Bản thân các họa sĩ cũng cần cởi mở hơn với truyền thông, để có thể qua đó lan tỏa nghệ thuật của mình tới công chúng tiềm năng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, muốn cho thị trường tranh Việt Nam mở rộng và theo đuổi kịp trào lưu, chúng ta cần những tên tuổi mới với những hướng đi cách tân. 

19 họa sĩ trong cuộc triển lãm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật như Thành Chương, Đào Hải Phong, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài… đã có những thành công nhất định trên thị trường quốc tế, vì sáng tác của họ có thể tách rời dòng chảy hàn lâm của tranh Đông Dương để tìm cho mình một chỗ đứng riêng biệt. Nhưng đối với thị trường tranh tại Việt Nam còn đang trong tình trạng chập chững, họ cần phải được nhắc đến nhiều hơn nữa...

Nguyệt Hà
.
.