“Cây ngôn ngữ ra hoa" và một người thơ ra đi từ tuyến lửa
- Con gái Nhà thơ Quang Dũng: Sao bố lại làm bài thơ như viết cho con vậy ?
- Nhà thơ Tố Hữu – Trăm năm nhìn lại
- Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch: "Thơ đẹp như một nỗi buồn"
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai và “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”
Tập “Cây ngôn ngữ ra hoa” dày 526 trang ghi là “Thơ chọn lọc”. Nhưng, trong bài viết này, tôi không viết riêng về tập thơ, tôi viết về một đời thơ, của một người thơ ra đi từ tuyến lửa - Lê Thị Mây.
Trước đó không lâu, tôi cũng nhận được tập thơ “Cánh đồng thức” của Lê Thị Mây dày 435 trang do Nhà xuất bản Văn Học in. Hằng tuần, hằng tháng, hằng năm tôi đều nhận được nhiều tập thơ của nhiều người làm thơ gửi tặng và tôi đều đọc hết. Nhưng, thú thực tôi phải mất mấy tháng trời mới đọc hết gần một nghìn trang thơ của hai tập thơ Lê Thị Mây gửi tặng. Có lẽ vì tôi yêu thơ, quý trọng những người làm thơ lao tâm khổ tứ vì thơ nên kiên trì đọc hết cả ngàn trang thơ.
Một số tác phẩm của nhà thơ Lê Thị Mây. |
Mười mấy năm nay tôi không gặp Lê Thị Mây, cũng không có liên hệ gì kể cả qua facebook, nên không biết bây giờ nhà thơ ở Hà Nội hay ở Huế. Hôm vừa rồi Đại hội nhà văn các cơ quan TƯ, tôi mới gặp Lê Thị Mây. Sau đó mấy hôm, tôi nhận được 3 tập nữa cả thơ và trường ca của nhà thơ Lê Thị Mây dày gần 2000 trang in, tôi phải nhờ con trai bê lên tầng hai vì nặng...
Dạo tôi còn là Tổng biên tập Báo Tiền Phong, thường đi giao ban báo chí hằng tuần ở ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Thoảng hoặc có gặp Lê Thị Mây và lúc nào cũng thấy Lê Thị Mây nở một nụ cười rất hiền. Giờ đọc tên những tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Lê Thị Mây in ở bìa bốn các tập thơ mà tôi có, mới biết sức lao động của nhà thơ cũng ghê gớm: 8 tập thơ; 3 tập trường ca; 8 tập văn xuôi.
“Cuối ngày/ Ngả lưng/ Nửa đêm/ Gác tay lên trán/ Tóc bạc/
May còn chữ/ Tưởng nhuộm xanh được tóc...” (Cuối ngày)
Đọc những dòng này tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Lê Thị Mây lại đặt tên tập thơ chọn lọc của mình là “Cây ngôn ngữ ra hoa”. Có lẽ nhà văn, nhà thơ nào cũng mong muốn những gì mình viết ra sẽ đơm hoa kết trái cho đời; sẽ để lại dấu ấn trong tâm hồn đọc giả và cho hậu thế?! Đó phải chăng là niềm an ủi lớn nhất của người viết khi phải lao tâm khổ tứ suốt cả cuộc đời, đến bạc cả tóc.
nhà thơ Lê Thị Mây |
Tôi vừa đọc tập thơ “May” của nhà thơ Lê Quốc Hán và rất tâm đắc với thi sỹ họ Lê trong bài thơ “VỤN”: “Sách viết nghìn trang/ Mong còn/ Một chữ”. Còn MỘT CHỮ cũng là quý lắm rồi, bởi có biết bao nhà văn, nhà thơ sách in chất đống mà qua thời gian chẳng để lại chữ nào!
Mấy chục năm qua tôi đã thuộc lòng mấy câu thơ mà sau này mới biết là của nhà thơ Lê Thị Mây:
“Anh khoác ba lô về/ Đất trời dồn chặt lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày...”.
Tôi thiển nghĩ, người làm thơ thật hạnh phúc khi có được những câu thơ như thế, những câu thơ mà độc giả như tôi thuộc lòng mấy chục năm qua. Như vậy “Cây ngôn ngữ” nhỏ bé này cũng đã trổ hoa trong tâm hồn người đọc.
Lê Thị Mây sinh ra và lớn lên ở vùng quê, một thời ta gọi là TUYẾN LỬA. Tôi nghe nói Lê Thị Mây từng là thanh niên xung phong thời chiến tranh ác liệt. Đọc năm tập thơ của Lê Thị Mây mà tôi có trong tay ngồn ngộn những ký ức của một thời đạn bom khói lửa. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở tuyến lửa một thời nên đọc những dòng thơ của Lê Thị Mây, ký ức trong tôi thức dậy, hình ảnh mờ ảo trong tôi hiện rõ. Bài thơ “Chiếc nón đựng bom” thực sự gây ấn tưởng mạnh trong tôi:
“Bom ổi, bom bi lừa con trẻ hiếu kỳ/ Thửa mạ, vườn rau, giếng nước bom giấu mặt/ Nón mười sáu vành chị nhặt bom đầy ắp/ Ngực chị nghẹn đắng, môi khô rộp mùa thu...” (Trích tập thơ “Cánh Đồng Thức”). Những người trẻ tuổi sau này thật không thể hình dung có một thời như thế.
Tập thơ “Cây ngôn ngữ ra hoa”. |
Bây giờ nhiều người làm thơ chắc không viết theo kiểu này, nhưng tôi vẫn thích những hình ảnh, âm thanh “Một ngày trên cánh đồng” của Lê Thị Mây: “Trống choai choai đập cánh/ Cún nhỏ gâu gâu ra đường/ Điếu sâu kèn nhả khói/ Gân sắc cánh tay vươn ngoài sương giá./ Tiếng rì rầm hỏi han vội vã/ Tiếng lích kích cày bừa/ Tiếng lùa trâu ra khỏi chuồng gọi nhau/ Lá cỏ mật rủ sương óng ả/ Ngọn gió ngủ quên trong lùm gai vươn hối hả/ Làm rung lưới nhện mê man...”. Bài thơ khá dài, âm thanh, hình ảnh ở một làng quê Việt Nam rất sống động. Người thơ đã sống ở vùng thôn dã này, sống hết mình, yêu hết mình, và cũng hết mình khi gửi gắm biết bao ký ức vào thơ ...
Mỗi nhà thơ đều có một vùng quê nuôi dưỡng tâm hồn mình và nuôi dưỡng thơ. Lê Thị Mây viết nhiều về vùng quê “Bình Trị Thiên khói lửa”. Trong bài thơ “Bình Trị Thiên” của Lê Thị Mây, tôi đã nhận ra một người thơ đúng chất của vùng đất thơ này: “Chỉ người thôi/ Âm thầm/ Xót đau/ Chịu đựng... Những dấu chân/ Cuộn sóng cỏ thu/ Đỏ lá cờ/ Máu người nuôi cỏ./ Chỉ người thôi/ Ân tình khúc ruột/ Ba mảnh hồn/ Sông/ Núi/ Miền Trung/ Máu chảy đỏ máu đỏ thấm vào thơ...”.
Tôi luôn tâm đắc với quan niệm về thơ của ông cha mình ngày xưa: “Ý tại ngôn ngoại”. Thơ, tôi thiển nghĩ là những gì kết tinh trong tâm hồn nhà thơ được viết ra trong cảm xúc dâng trào. Thơ cần gợi và mở. Người đọc thơ bắt gặp những cảm xúc, ý tưởng mới mẻ, bất ngờ sau phía sau con chữ. Bởi vậy ông cha mình xưa kia không kể lể dài dòng trong thơ. Sau lời là ý, sau ý lại mở ra những ý nghĩa khác tùy theo sự hiểu biết của mỗi người.
Nếu như trong văn xuôi, trong tiểu thuyết hay truyện ngắn, nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình là cái đích của nhà văn nhắm đến thì trong thơ là tâm trạng điển hình được tái tạo trong những hình ảnh, cảm xúc điển hình.
Nhà văn, nhà thơ cần sự sáng tạo chứ không phải sao chép hiện thực cuộc sống. Người đọc thơ cảm nhận được chứ không phải chỉ thấy những gì cuộc sống diễn ra hằng ngày. Tình hiện đại trong thơ không phải chỉ viết về những đề tài hiện đại mà là cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện mới mẻ, mang tâm trạng của thời cuộc mới.
Tôi thích những câu thơ như thế này của nhà thơ Lê Thị Mây:
“...Bài thơ lật từng đêm thức trắng/ Soi mảnh gương không huyệt mộ dưới sao khuya... (Mảnh gương); “...Con đường vượt qua giới hạn giấc mơ/ Ta đứng trước bao điều đã muộn...” (Giới hạn); “...Thoắt tóc bạc tuổi già/ Chữ đầy tay còn nguyên một nỗi.../ Người ra đi/ Chỉ thời gian ở lại...” (Từ hoa đến trái); “...Phẳng đến nỗi mắt người không trông thấy/ Những côn trùng đào đất đợi ăn sương/ Ngày ấy đến nhích dần trong sớm rước lễ...” (Bi ca ); “Âm thầm cái bóng dưới chân/ Ngàn dặm cuộc đời xê dịch/ Vấp ngã cùng đau trong lặng câm.../ ...Quên bóng nửa khuya, trốn tìm đâu/ Tìm trong tay áo, trong chăn chiếu/ Hay bóng vừa rơi không biết đau...” (Bóng dưới chân); “...Thời gian sắp đặt thổi hồn/ Khâu tấm áo choàng dạ hội/ Có thể tấm áo liệm xa hoa/ Người ra đi/ Chỉ thời gian ở lại”... (Từ hoa đến trái); “Sáu mươi bạn cũ thưa đi lại/ Bảy mươi đọc sách cầm chừng?/ Thêm mỗi tháng ngày đêm khó ngủ/ Cá đập đuôi nghe sóng khơi...” (Biến dịch)
Thơ Lê Thị Mây như tôi thiển nghĩ không lãng mạn, bay bổng, không làm người đọc dễ thuộc, dễ nhớ như nhiều người làm thơ cùng thế hệ. Lê Thị Mây viết về rất nhiều đề tài từ chiến tranh, bom đạn, được mất đến cuộc sống muôn mầu trong thời đại kỹ thuật số, thời của thế giới phẳng... Nhưng, tôi thích những bài thơ Lê Thị Mây viết về thân phận con người, viết về sự suy tư của chính bản thân mình với sự đằm sâu qua thời gian còn đọng lại.
Người làm thơ có lẽ ai cũng mong muốn và hy vọng “Cây ngôn ngữ” mà nhà thơ cả đời chăm bón, vun trồng sẽ đơm hoa kết trái cho đời, nhưng mấy ai có được may mắn đó!
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, 11/2020