Các nhà văn nổi tiếng từng làm nghề dạy học

Thứ Sáu, 22/11/2019, 17:06
Trên thế giới có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từng làm nghề dạy học: Có người vì thiên chức khai sáng, có người vì miếng cơm manh áo. Họ giảng dạy tại những đại học danh tiếng hoặc các trường phổ thông ở thành phố và nông thôn. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nhà văn như vậy.


Lev Tolstoy

Lev Tolsoy đã mở 26 ngôi trường nhân dân và tự mình dạy học cho con em nông dân. Nhà văn đi nhiều, ông nghiên cứu hệ thống giáo dục của nhiều nước khác nhau và áp dụng những phương pháp thú vị nhất vào các trường phổ thông của nước Nga.

Tại trường phổ thông Yasnaya Polyana trên quê hương nhà văn, học sinh được hoàn toàn tự do. Không có chương trình giáo dục nghiêm ngặt, trong lớp học sinh ngồi đâu tùy thích, bài tập không được giao về nhà, mà làm ngay ở lớp. Học sinh có thể ra về bất cứ lúc nào, nhưng các em thường ngồi đến cuối giờ vì say mê học tập.

Tolstoy dạy toán, vật lý, lịch sử cho học sinh lớn tuổi. Trên giờ dạy của ông, học sinh viết những bài luận, sau đó những bài hay nhất được cả lớp cùng đọc và bàn thảo.

Nhà văn giới thiệu các ý tưởng và phương pháp của mình trên tạp chí giáo dục “Yasnaya Polyana”. Năm 1872, Tolstoy xuất bản cuốn “Vần vỡ lòng” bốn tập với những câu chuyện ngụ ngôn, sử thi, câu đố dành cho học sinh và những lời khuyên về phương pháp cho giáo viên.

Vladimir Nabokov

Vladimir Nabokov bắt đầu dạy học sau khi di cư sang Mỹ. Nhuận bút văn học của ông không đủ sống, vì vậy nhà văn phải đi dạy văn tại một số trường đại học. Đầu tiên ông giảng dạy tại trường Cao đẳng nữ Wesley. Sau đó ông được mời đến Đại học Cornell danh tiếng hơn.

Nabokov đòi hỏi sinh viên nhiều thứ: ngồi nguyên một chỗ, hiểu biết tác phẩm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trong lúc giảng bài, ông cấm sinh viên “trò chuyện, hút thuốc, đan áo, đọc báo, ngủ gật”. Phương pháp giảng dạy của Nabokov hết sức kỳ quặc. Ông có thể lặng lẽ tắt hết hết ánh sáng trên giảng đường và sau đó lần lượt bật từng ngọn đèn lên để giải thích ai là nhà văn chính “trên bầu trời văn học Nga”.

Trên bảng, nhà văn vẽ sơ đồ cuộc đấu súng của Lensky và Onegin (trường ca “Evgeny Onegin” của A. Pushkin), vị trí căn phòng của Gregor Samsa (truyện vừa “Hóa thân” của F. Kafka), toa tàu hỏa của Anna Karenina (tiểu thuyết cùng tên của L. Tolstoy). Sinh viên phải vẽ lại tất cả một cách cẩn thận. Nabokov không tiếc lời phê phán những nhà văn ông không thích và gọi họ là “tiểu nhân”, đặc biệt là Dostoyevsky, Thomas Mann và Rilke. Các giờ giảng của ông bao giờ cũng chật kín sinh viên.

Vladimir Nabokov dạy học 18 năm. Đến thời gian này, nhuận bút tiểu thuyết “Lolita” cho phép ông rời bỏ trường đại học. Khi Nabokov dạy xong tiết học cuối cùng, sinh viên đến xin bút tích của ông.

Joseph Brodsky

Joseph Brodsky làm việc nhiều nghề sinh sống: giúp việc trong nhà xác, thợ phay, thủy thủ và công nhân thăm dò địa chất. Sau khi bị tước quốc tịch Liên Xô, ông di cư sang Mỹ và trở thành “nhà thơ thỉnh giảng” tại Đại học Michigan.

Trong suốt ¼ thế kỷ tiếp theo, Brodsky là giáo sư tại 6 trường đại học Mỹ và Anh, trong đó có Đại học Columbia và New York. Ông giảng dạy lịch sử văn học Nga và văn học thế giới, đặc biệt là thơ ca.

Các bài giảng của Brodsky giống như những cuộc đàm đạo thơ ca với sinh viên hơn là những tiết học thông thường ở Mỹ. Nhà thơ không tiếc nhiệt tình và sức lực để chuyển tải cho sinh viên những ý tưởng mới mẻ.

Là một nhà thơ thành đạt và người đoạt giải Nobel văn học, ông có thể bỏ nghề dạy học, thế nhưng Brodsky vẫn tiếp tục giảng bài cho đến cuối đời.

Dmitry Bykov

Dmitry Bykov là một trong những nhà văn Nga sung sức nhất hiện nay. Ông viết tiểu thuyết, thơ, tiểu sử, sách thiếu nhi, trả lời phỏng vấn, cộng tác với các báo, giảng bài, dẫn chương trình. Hiện nay ông dạy văn tại hai trường trung học phổ thông ở Moskva. Ngoài ra, Bykov còn giảng dạy tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (là giáo sư khoa văn học và văn hóa thế giới) và Trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva.

“Tôi thấy vai trò của mình là giúp học sinh hiểu rằng văn học Nga không phải là vùng đất chết, cho dù một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới nữa đi qua, mà là một lĩnh vực kiến thức rất bổ ích, cần phải biết để tránh nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc đời. Tôi coi mình là một nhà giáo trong ý nghĩa Hy Lạp cổ đại. Dưới thời Hy Lạp cổ đại, đó là một kẻ nô lệ đưa con đến trường. Tôi chính là một thầy giáo như vậy” - Nhà văn nói.

Stephen King

“Vua kinh dị” Stephen King buộc phải làm giáo viên vì cần tiền để xuất bản các cuốn tiểu thuyết của mình, vì vậy ông làm bất cứ nơi nào có thể, kể cả ở Học viện Hampden, bang Maine của Mỹ, ở đấy ông dạy tiếng Anh. Khi nhớ lại King, một số sinh viên nói rằng ông quan tâm tới từng sinh viên, đọc bài kiểm tra,  bài thi hết sức cẩn thận và chấm điểm rất công bằng.

Sự nghiệp giáo dục của King kết thúc khi một nhà xuất bản quyết định in cuốn tiểu thuyết “Carrie” của ông đã nằm chờ ba năm trong ngăn kéo. Nhận được thông tin, ngay lập tức King chia sẻ niềm vui với sinh viên. Một sinh viên sau này nhớ lại rằng thầy giáo của họ bước vào lớp với một bông hoa bồ công anh cài trên túi áo vest và nói rằng một trong những cuốn tiểu thuyết của ông sẽ được xuất bản, và sau đó sẽ được dựng thành phim.

Sau này, trong tiểu thuyết “11/22/63” của King, nhân vật chính là một thầy giáo giỏi nghề kể về mẹo dạy học mà ông thường sử dụng trong lúc làm việc: “Bí quyết thành công ở chỗ đầu tiên thu hút sự chú ý của học sinh, còn sau đó giải thích cho các em rằng quy tắc thực hiện khá đơn giản”.

Kurt Vonnegut

Trong cuộc đời mình, nhà văn trào phúng Mỹ Kurt Vonnegut, tác giả của những cuốn tiểu thuyết như “Mẹ Đêm”, “Chiếc nôi cho mèo con”, “Bữa sáng của các nhà vô địch”  đã làm đủ nghề. Kurt Vonnegut làm biên tập viên, đại lý quảng cáo, phóng viên báo cảnh sát ở Chicago và đại diện thương mại của hãng xe hơi Thụy Điển “Saab”, nhưng ông nhớ nhất quãng thời gian làm giáo viên tiếng Anh tại trường tư dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ, nhà văn gọi đó là ngôi trường dành cho “những đứa con không có não của những phụ huynh giàu có”.

Vonnegut nhiều lần nói rằng không thể dạy người khác viết văn, nhưng sau này khi trở thành nhà văn nổi tiếng, ông đã dạy viết văn cho các nhà văn trẻ. Vonnegut là một giáo viên rất chu đáo, ông nói rằng “Giáo viên là một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của nguời học, anh ta dạy học sinh của mình giống như người làm vườn chăm sóc bông hoa, không dồn ép nó vào những cái khung chật hẹp”.

Joanne Rowling

“Mẹ đẻ” của Harry Potter Joanne Rowling trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng đã dạy tiếng Anh tại một trường phổ thông ở Bồ Đào Nha, tại đây bà lấy chồng là nhà báo Bồ Đào Nha Horse Arantes và sinh con gái Jessica. Cuộc hôn nhân không thành công, và Rowling cùng với con gái trở về Anh.

Trước khi trở thành nhà văn, Joanne Rowling là một cô giáo tiếng Anh.

Vì  quá túng tiền, người mẹ đơn thân trở lại nghề “gõ đầu trẻ”, bà tốt nghiệp một khóa đào tạo giáo viên và lại bắt đầu dạy học sinh, quả thật, lần này bà không chỉ dạy tiếng Anh, mà còn tiếng Pháp. Rowling viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình “Harry Potter và hòn đá phù thủy” khi còn là một cô giáo khiêm tốn.

Ba năm liền bà gõ cửa các nhà xuất bản, nhưng tất cả đều  từ chối in tác phẩm của một cô giáo vô danh. Chỉ đến năm 1998, Nhà xuất bản Bloomsbery mới nhận bản thảo của bà, và, vừa ra đời, cuốn tiểu thuyết ngay lập tức được công nhận là cuốn sách “Hay nhất trong năm dành cho trẻ em”.

Từ đó đến nay, các cuốn tiểu thuyết của bà liên tục gặt hái thành công và được dựng thành phim, mang lại cho cô giáo không chỉ sự nổi tiếng mà còn cả sự giàu có. Rowling bỏ hẳn nghề dạy học và hoàn toàn tập trung vào công việc sáng tác.

Dan Brown

Tác giả của những cuốn bestseller “Mật mã Da Vinci”, “Thiên thần và ác quỷ”, “Hỏa ngục” ban đầu định nối gót mẹ làm nghề chơi đàn đại phong cầm trong nhà thờ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Amhest và một năm học ở Đại học Sevilla, thậm chí ông đã phát hành một số đĩa nhạc của mình, nhưng sau đó ông đã bỏ nghề này vì nó không mang lại thu nhập.

Để kiếm sống, Brown quyết định noi gương bố mình, một thầy giáo dạy toán suốt đời, và đi dạy, ban đầu ở Trường Tiểu học  Beverly Hills, sau đó ở trường Phillips Exeter và trường Linkoln Akerman School. Brown dạy môn tiếng Anh và tiếng Pháp, chính trong thời gian này ông bắt đầu sáng tác văn học.

Mặc dù cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông “Pháo đài số” không thu được thành công đáng kể, Brown bỏ nghề giáo viên và tập trung vào sáng tác văn học. Cuốn sách thứ ba, “Mật mã Da Vinci” đã biến nhà văn thành một người nổi tiếng và giàu có.

Tuy vậy, vẫn như xưa, Brown coi giáo viên là một trong những nghề cao quý nhất trên thế giới. “Tôi lớn lên trong gia đình giáo viên, và bản thân đã làm nghề này, - ông nói trong một bài trả lời phỏng vấn, - vì vậy tôi hiểu rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội”.

Trần Hậu (tổng hợp)
.
.