Nhà văn nổi tiếng cũng từng bị từ chối bản thảo

Thứ Hai, 25/04/2016, 08:03
Một loạt những nhà văn đình đám như James Joyce, George Orwell, J.K. Rowling, Joanne Harris,... đều đã từng nếm mùi thất bại khi số thư từ chối bản thảo của các nhà xuất bản gửi họ có thể chất đầy vài ngăn kéo. Nhưng dường như đó lại chính là động lực để họ viết... khỏe hơn và trở nên thành công như thời gian đã chứng tỏ.


Bà JK Rowling từng được khuyên đi học viết văn

Cuối tháng 3-2016, nữ nhà văn Anh JK Rowling đã chia sẻ với bạn đọc toàn thế giới về những bức thư từ chối của giới xuất bản gửi cho bà khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà ký bút danh Robert Galbraith gửi đi. Nữ tác giả của seri truyện lừng danh "Harry Potter" chia sẻ, một vài thư từ chối có thể khiến người nhận phải xấu hổ, ngại ngùng này như một cách bày tỏ nỗi đồng cảm với những bạn viết đang trong giai đoạn nhập cuộc làng văn.

Tất nhiên không phải ngẫu nhiên bà Rowling làm việc đó. Một bạn đọc hâm mộ đã đề nghị bà đưa lên tài khoản Twitter một số thư từ chối bản thảo của nhà xuất bản. Bà cũng đã thận trọng "chua" thêm một dòng kèm theo làm rõ ý "sự chia sẻ này chỉ nhằm mục đích động viên chứ không có ý trả thù" người gửi thư.

Nhà văn Anh J.K. Rowling, tác giả seri truyện Harry Porter - Ảnh: Guardian.

Các bức thư từ chối bản thảo của bà Rowling liên quan tới tiểu thuyết đầu tiên của bà ký tên tác giả là Galbraith, cuốn "The Cuckoo's Calling" (Tiếng gọi của Cuckoo). Bà cũng thừa nhận, chính bản thảo Harry Potter cũng từng bị từ chối nhiều lần trước khi cậu bé phù thủy trở thành một trong những hiện tượng lớn nhất của văn học thiếu nhi với doanh số bán ra hơn 400 triệu bản toàn thế giới.

Khi được hỏi vì sao bà có thể giữ được động lực viết sau chừng ấy sự từ chối, bà viết: "Tôi chẳng có gì để mất cả và đôi khi điều đó khiến bạn đủ dũng cảm để thử sức". Khi kể chuyện dưới cái tên Galbraith mà không để lộ danh tính thực của mình, bà Rowling đối mặt với rất nhiều lời từ chối phũ phàng. Về sau, tác giả Galbraith đã xuất bản ba cuốn tiểu thuyết thành công nhưng cuốn đầu tiên bị rất nhiều nhà xuất bản từ chối. Thậm chí có người còn khuyên bà nên tham gia một khóa học viết văn!

Khi đưa lên mạng Twitter những bức thư từ chối này, bà Rowling đã xóa bỏ phần chữ ký dưới thư, nói rằng vì mục đích của bà là "truyền cảm hứng chứ không phải trả thù". Bà cũng không cho biết hết toàn bộ văn bản của bức thư từ chối thô thiển nhất. Đây là bức thư gửi từ email của một trong những nhà xuất bản cũng đã từ chối bản thảo "Harry Potter". Bà cho biết bà không thể chia sẻ những thư từ chối bản thảo "Harry Potter" vì chúng "bây giờ đã nằm trong một chiếc hộp bỏ trên tầng áp mái" trước khi đưa ra những bức thư gửi cho Galbraith.

Lời từ chối cụ thể và chân thành nhất là từ một đại diện của nhà xuất bản Constable & Robinson. Đây cũng chính là nơi đã khuyên bà nên đi học một lớp dạy viết văn. Trong thư, nhà xuất bản cũng nói: "Tôi rất tiếc rằng chúng tôi đã phải miễn cưỡng đi tới quyết định rằng chúng tôi không thể xuất bản được nó vì lý do thị trường".

Một bức thư ngắn khác của nhà xuất bản Crème de la Crime nói rằng họ không thể tiếp nhận thêm bản thảo mới vì đã trở thành một đơn vị trong một tập đoàn xuất bản khác. Rốt cuộc thì "The Cuckoo's Calling" cũng đã tìm được "bà đỡ" mát tay vào năm 2013 và đạt tới doanh số phát hành đáng nể trước khi bí mật về tác giả thực sự của nó được tiết lộ. Sau khi Rowling chính thức thừa nhận mình là tác giả của cuốn tiểu thuyết này, ngay lập tức nó trở thành một trong những cuốn sách hàng đầu thuộc danh mục sách… bán chạy!

Ai cũng từng thất bại

Nữ nhà văn Joanne Harris, tác giả của một chuỗi tiểu thuyết ăn khách, cũng góp mặt trong cuộc trao đổi trên Twitter về đề tài này. Joanne Harris cho biết cô từng nhận được rất nhiều thư từ chối của các nhà xuất bản cho cuốn sách Chocolat in năm 1999 của mình. Số thư từ chối nhiều tới mức, theo Joanne Harris, nếu chất đống lại có thể "làm được cả một công trình điêu khắc". Tuy nhiên sau đó, cuốn sách được lọt vào danh sách bestseller của New York Times và tờ báo này nhận định về tác phẩm như một sự khẳng định tiếp tục việc Harris là một nhà văn Anh xuất chúng. Cuốn sách này sau đó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên của Hollywood.

Nữ tác giả người Ireland, Eimear McBride, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tay "A Girl is a Half-formed Thing" (tạm dịch: Con gái là một nửa bất toàn) đoạt giải thưởng văn học nữ giới Bailey 2014, lại là một trường hợp trắc trở khác nữa. Cuốn tiểu thuyết được bà McBride viết năm 27 tuổi và sau gần mười năm, bà không thể tìm được một nơi nào chấp nhận xuất bản tác phẩm của mình. Những bức thư từ chối bản thảo cuốn sách đã được Eimear McBride chất đầy một ngăn kéo trước khi một cuộc trao đổi đã mang lại cho cô cơ hội xuất bản cuốn sách tại một nhà xuất bản nhỏ độc lập Galley Beggar tại Norwich.

Kiệt tác sử thi "Ulysses" của nhà văn James Joyce, tác phẩm được xem là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của Ireland, cũng đã bị nhiều nhà xuất bản từ chối tới tấp trước khi có thể được in một bản cỡ nhỏ tại Paris năm 1922. Đó là nhờ công của hiệu sách Shakespeare & Co bookshop của bạn ông là Sylvia Beach. Vài năm trước đây, một bản in trong đợt ấn bản đầu tiên của "Ulysses" này đã được bán với giá 275.000 bảng Anh (392.125 USD).

Hai bức thư từ chối bản thảo của nhà văn J.K. Rowking khi bà lấy bút danh là Galbraith - Ảnh: Twitter của J.K. Rowling.

Cũng rơi vào tình trạng bị "hắt hủi" trong giai đoạn mới ngấp nghé chào đời là cuốn tiểu thuyết lịch sử trào phúng Catch-22 của nhà văn người Mỹ Joseph Heller. Một nhà xuất bản đã gửi trả bản thảo cho tác giả với lời nhận xét "nó chẳng hài hước chút nào". Tuy nhiên về sau, cuốn sách đã được bạn đọc đón nhận khi ra mắt, được nhiều tạp chí bình chọn là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tiểu thuyết này cũng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Mike Nichols.

Chuyện của Anne Frank

Tới giờ, thật khó để hình dung cuốn "The diary of Anne Frank" (Nhật ký Anne Frank) đã từng bị ít nhất 15 nhà xuất bản từ chối bản thảo. Có nhà xuất bản còn cho rằng "dường như cô gái không có nhận thức hoặc cảm xúc đặc biệt nào để có thể khiến cuốn sách thu hút được sự tò mò của độc giả".

Gần đây thôi, người ta thậm chí còn nghĩ ra chiêu trò đưa thêm người cha của Anne Frank, ông Otto vào trở thành đồng tác giả của cuốn sách để nới dài thêm thời hạn bảo hộ bản quyền, sẽ hết hạn cuối năm 2015. Tuyên bố của Quỹ Anne Frank bất chấp sự việc trong lần đầu xuất bản, ông Otto Frank - cha của Anne - đã viết trong lời bạt sách khẳng định với độc giả rằng hầu hết nội dung cuốn sách là những lời con gái mình viết ra.

Ông Otto là thành viên duy nhất trong gia đình Frank còn sống sót sau chiến tranh. Chính Otto đã sửa soạn lại bản thảo và cho in cuốn nhật ký của con gái, đồng thời lập ra Quỹ Anne Frank tại Thụy Sĩ để bảo vệ di sản của Anne. "Nhật ký Anne Frank" sẽ hết thời hạn bản quyền tại gần như toàn bộ lãnh thổ châu Âu từ ngày 1-1-2016. Luật bản quyền châu Âu quy định thời gian bảo hộ tác phẩm kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời. Cô bé Anne Frank mất năm 1945 tại trại tập trung Bergen-Belsen. Cha cô bé, ông Otto Frank mất năm 1980.

Với công bố của Quỹ Anne Frank, bản quyền của "Nhật ký Anne Frank" sẽ được kéo dài thêm tới năm 2050. Riêng với luật Mỹ, thời hạn bảo hộ bản quyền của cuốn sách này sẽ kết thúc vào năm 2047, 95 năm sau năm xuất bản đầu tiên của cuốn sách là 1952.

Trần Đắc Luân
.
.