Ca sĩ Mạnh Quỳnh: Hai mươi năm vẫn khắc khoải tình quê

Thứ Năm, 21/03/2019, 09:02
Giọng hát man mác buồn, đôi khi có phần nỉ non, u sầu của Mạnh Quỳnh sớm được xếp vào loại hàng đầu của dòng nhạc Bolero, ở hải ngoại. Người ta còn gọi, đó là dòng "nhạc vàng", hoặc "sến" một thời thịnh hành, trước năm 1975 ở Sài Gòn.


Bước vào con đường ca hát, Mạnh Quỳnh có màu sắc riêng, được coi là hiện tượng đặc biệt. Anh sớm hình thành phong cách âm nhạc quê hương, chia sẻ với nỗi buồn của kẻ tha hương, nghèo khó cùng những mối tình dở dang...

Tuổi thơ khốn khó

Nếu nhìn qua, khó ai biết Nguyễn Thanh Dũng (tên khai sinh của ca sĩ Mạnh Quỳnh), là một người con lai Mỹ. Có lẽ chỉ còn đôi mắt thể hiện nét lai phần nào. Những góc cạnh còn lại Thanh Dũng đều thừa hưởng từ mẹ.

Nhưng thân phận con lai đã đem lại cho bé Dũng một cuộc sống cơ cực cô đơn từ nhỏ. Bố là một quân nhân người Mỹ, sang tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Thanh Dũng chào đời được vài năm (sinh năm 1971, tại Sài Gòn), thì bố bị mất tích, không biết chết mất xác, hay đã bí mật bỏ đi.

Cuộc đời hai mẹ con khốn khó, trên mảnh đất phồn hoa Sài Gòn, bơ vơ từ đó. Mẹ phải gửi bé Dũng về cho ông bà ngoại ở Đồng Nai nuôi nấng, dành thời gian đi lao động kiếm tiền, gửi về cho gia đình. Thanh Dũng lớn lên, trong chòm xóm của những người lao động, lận đận nghèo khó. Bữa đói bữa no, sống với ông bà ngoại, nhưng bé Dũng chịu thương chịu khó làm lụng công việc gia đình, chăm chỉ học tập. Sau hơn chục năm bươn chải, người mẹ tần tảo đã đưa được con lên Sài Gòn nuôi dưỡng và học tập, vào năm 1986. Khi ấy, Thanh Dũng đã 15 tuổi, bước vào bậc trung học.

Chàng thiếu niên, từ vùng quê lên Sài Gòn vẫn không thể quên lời hát ru của bà, cùng dàn hoa tím trong khu vườn cổ tích tuổi thơ. Chính từ miền quê này, tình yêu âm nhạc nảy sinh, trong tâm hồn cậu bé Thanh Dũng. Không ít lần Dũng đã say sưa hát trước mọi người. Những tiếng vỗ tay của họ đã nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc cho Dũng, suốt hơn mười năm, ở xứ sở Đồng Nai hiền hòa.

Năng khiếu ca hát của Thanh Dũng đã được mẹ khích lệ. Bà cho con đi học âm nhạc khi lên Sài Gòn. Bà chỉ muốn an ủi, bù đắp cho con trai mình, khi thiếu vắng tình thương của người cha. Tuy kinh tế còn khó khăn, nhưng bà vẫn chú ý cho con học văn hóa và tu dưỡng âm nhạc, qua nghệ sĩ ca nhạc cải lương Ngọc Ân ở gần nhà.

Khi ấy, Thanh Dũng học ở trường Trần Khai Nguyên, quận 5. Bà muốn nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo cho con trai, chứ không hề có mộng ước, để con trở thành ca sĩ. Nhưng không ngờ, đây có thể nói là bước quyết định quan trọng nhất, trong đời Thanh Dũng sau này. Bởi ngoài sự thấm đẫm âm sắc, trong những giai điệu truyền thống, sớm tạo nên cảm xúc âm nhạc quê hương cho Thanh Dũng. Được thầy đờn khích lệ, Thanh Dũng chỉ ước mong trở thành nghệ sĩ ca cải lương.

Cùng với đó, những vần thơ chia sẻ với cuộc sống vất vả của những người lao động, trong khu phố cần lao sớm hình thành, trong tâm hồn của cậu học trò Thanh Dũng ngày đó. Dũng đã làm thơ khá nhiều, cả trăm bài nói về những câu chuyện về đời sống nghèo khó, trắc trở. Nỗi cô đơn, thiếu tình thương của người cha cũng là suối nguồn cảm xúc thơ ca, trong tâm hồn anh.

Còn nữa, những câu chuyện tình yêu trong xóm lao động cùng khổ, cũng làm Thanh Dũng cảm hứng viết lên những câu ca cải lương, đầy nỗi niềm khắc khoải. Bâng khuâng, thơ mộng nhưng buồn da diết. Tuy vậy, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ nếu không có điều kiện trau dồi, và thời cơ lộ diện.

Thật bất ngờ, một cuộc viễn du chợt đến với gia đình của Thanh Dũng, khi được sang Mỹ theo diện con lai, vào năm 1992. Chuyến ra đi ấy, tài sản duy nhất mà Thanh Dũng đem theo, mấy trăm bài thơ tự sáng tác. Kèm theo đó cùng những giai điệu quê hương và hàng chục bản ca cải lương, mà anh thuộc nằm lòng, trong bảy năm rèn luyện.

Tình cờ trở thành ngôi sao ca nhạc

Nói tình cờ là sự thật. Khi sang tới Mỹ, hai mẹ con Thanh Dũng đầy rẫy khốn khó, phải tự bươn chải lo sinh kế. Trong hai năm ở New York, Thanh Dũng phải vừa đi làm, vừa đi học tiếng Anh. Thanh Dũng rất thương mẹ, phải bỏ dở học hành để làm thuê kiếm tiền, nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Gia đình quyết định chuyển về Thành phố Lakeville, thuộc tiểu bang Minnesota, để làm ăn sinh sống cùng với những người Việt xa xứ.

Nơi đây đã khơi dậy niềm đam mê ca hát, mà Thanh Dũng ấp ủ từ khi còn ở quê hương. Ngoài việc học nghề, Thanh Dũng đã theo một lớp học thanh nhạc và sáng tác tại nhà, do một giáo sư người Mỹ hướng dẫn.

Ngay năm sau, Thanh Dũng đi hát đám cưới, kiếm được những đồng tiền đầu tiên, bằng giọng hát của mình. Ai cũng khen Thanh Dũng hát mùi mẫn và quyến rũ lòng người. Tình cờ một lần hát trong đám cưới, có người nghe thấy Thanh Dũng hát hay quá nên đã làm cầu nối giúp anh, gửi bản thu tiếng hát đến Trung tâm băng đĩa ca nhạc "Người đẹp Bình Dương".

Chỉ một thời gian ngắn, Trung tâm này đã mời anh đến, thu âm thử một ca khúc. Thanh Dũng đã hát bài "Gõ cửa" của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh (đã mất). Đồng thời, anh cũng lấy tên Mạnh Quỳnh làm nghệ danh chính thức. Sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của Mạnh Quỳnh bắt đầu từ đây.

Khoảng đầu xuân 1996, cộng đồng người Việt ở Mỹ hồ hởi đón nhận CD đầu tiên của Mạnh Quỳnh, hát chung với Hương Lan. Ai cũng mến mộ giọng hát mới lạ, trong trẻo, chan chứa tình quê của Mạnh Quỳnh. Các trung tâm ca nhạc lớn của người Việt ở hải ngoại đều mời Mạnh Quỳnh hợp tác, biểu diễn. Anh hát những ca khúc mang đầy tâm trạng về cái nghèo, sự ly tan hay đau khổ, trong những cuộc tình. Bản thân anh cũng là một người yếu đuối trong tâm cảm.

Cặp song ca Mạnh Quỳnh và Phi Nhung.

Từ nhỏ đến lớn, hai mươi năm sống với trong nỗi cô đơn, buồn tủi. Giọng hát anh bao giờ cũng làm tê tái lòng người. Anh liên tiếp ra CD và bán rất chạy. Chỉ trong ba năm đầu, cái tên Mạnh Quỳnh đã nổi như cồn, với các ca khúc "Vợ tôi". "Bến sông chờ", "Viết thư tình", "Vòng nhẫn cưới", "Người phu kéo mo cau", "Tình nghèo có nhau"… Từ đó Mạnh Quỳnh trở thành ngôi sao ca nhạc. Anh chạy show liên tục, biểu diễn tại các tụ điểm lớn nhất, ở Mỹ.

Đặc biệt từ năm 2000, Mạnh Quỳnh đã kết hợp với ca sĩ Phi Nhung trở thành cặp song ca hết sức ăn ý, thu hút người nghe. Hai người đã tạo nên cơn sốt bất ngờ, với dấu ấn riêng biệt, đậm đà mầu sắc quê hương. Một sự hòa điệu về những hoài niệm, mang tâm trạng nhớ nhung da diết của những người con lưu lạc, nơi đất khách quê người. Tuy anh còn hát song ca với nhiều ca sĩ khác như Hương Thủy, Tâm Đoan, hay Như Quỳnh, nhưng khán giả chỉ yêu thích nồng nhiệt, khi anh hát với Phi Nhung. Hai người là cặp song ca lừng lẫy và thu hút người nghe trong suốt 7 năm trời. 

Mạnh Quỳnh, một trong số ít nam ca sĩ ra được nhiều CD và DVD, trong vòng 20  năm qua. Tính đến nay, Anh đã phát hành tới 60 album ca nhạc, ở các thể loại. Không những thế, anh còn sáng tác nhiều ca khúc, phù hợp với dòng nhạc của mình. Những bài hát riêng đó, tạo sự khác biệt của giọng hát Mạnh Quỳnh, so với những ca sĩ khác, như Chế Linh, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Đan Nguyên… Bởi anh chỉ hát về những nỗi buồn, sự thiệt thòi của phận nghèo, cô đơn.  Giọng hát anh đậm chất dân gian, tròn vành rõ chữ luôn ẩn giấu nỗi khắc khoải, ai hoài trong tâm hồn.

"Cảm ơn cuộc đời"

Năm 2016, ca sĩ Mạnh Quỳnh đã về nước tổ chức show diễn, kỷ niệm 20 năm ca hát của mình. Đây là nguyện vọng chân thành mà bấy lâu nay anh ấp ủ. Sau đó, anh còn có chương trình về các miền quê, hát cho nông dân nghe. "Cảm ơn cuộc đời", tên của chương trình muốn gửi gắm lời yêu thương nhất, tới những khán giả yêu tiếng hát Mạnh Quỳnh, trong suốt hàng chục năm qua. Mỗi lần trở về, Mạnh Quỳnh luôn có ước nguyện, hát phục vụ những người nghèo, ở những vùng quê xa xôi.

Tình cảm chân thành của Mạnh Quỳnh đã được đền đáp, khi 2000 khán giả có mặt tại nhà hát Hòa Bình, TP HCM đã vỗ tay không ngớt. Họ đã ở lại để tặng hoa cho anh. Cho dù thời gian đã tới một giờ đêm, khán giả vẫn quyến luyến khó rời xa.

Phải nói chưa có show diễn nào được như vậy. Mạnh Quỳnh hát trong nỗi nghẹn ngào, thương nhớ những người nông dân đã nuôi dưỡng anh lớn lên, trong tình quê hương đùm bọc. Hơn hai mươi năm xa xứ, tâm hồn anh luôn luôn vang lên hai tiếng: Quê hương! Tiếng hát anh chỉ dành cho người nghèo, với những ký ức tuổi thơ, không thể nào quên.

Bội bội
.
.