Ca sĩ Tuấn Vũ: Giã từ "Phượng hoàng sầu muộn"

Thứ Năm, 07/03/2019, 08:27
Tên cúng cơm của ca sĩ Tuấn Vũ là Nguyễn Văn Tài, sinh vào cuối 1959, tại vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận. Anh có giọng hát bẩm sinh hết sức kỳ lạ. Trong vắt ngọt ngào, pha chút ủy mị, nhưng lại da diết vang xa. 


Từ khi còn nhỏ, cậu bé Tài đã được đưa vào hát trong nhà thờ. Đây là nơi đã nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, và tài năng của anh sớm được phát lộ...

Cuộc mưu sinh vật lộn từ bài ca "Đom đóm"

Nhắc lại chuyện "Đom đóm", bởi chính từ bài hát ấy mà anh đoạt giải nhất ở Bình Thuận, khi mới 15 tuổi đã giúp anh nuôi hoãi bão trở thành ca sĩ. Nếu không có một chuyến đi đầy "duyên mệnh" vào năm 1979, anh mãi mãi vẫn chỉ là một anh chàng đánh cá tại miệt biển hoang sơ ở Phan Thiết, trong một xóm nghèo, với 10 anh em quanh năm vất vả.

Tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Tài hướng tới một chân trời xa lạ, mơ ước đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhưng đoàn người cùng anh ra khơi bị sóng gió bão tố đánh dạt về miền đất hoang vu ở một hòn đảo thuộc Malaysia. Thỉnh thoảng có những con tàu quốc tế đến tiếp viện thực phẩm cho những người di tản. Mọi sự ngỡ như tan vỡ khi suốt một năm sau đó, Nguyễn Văn Tài phải làm việc phục dịch, như một hộ lý trong nhà thương.

Rồi bất ngờ vào đầu năm 1981, anh được vợ chồng chủ một trang trại bò sữa bảo lãnh sang Mỹ, trú ngụ tại bang Minnesota. Tuy được chăm nuôi ăn học, nhưng Nguyễn Văn Tài vẫn phải làm việc để kiếm tiền, trang trải mọi sinh hoạt cá nhân.

Thời gian kéo dài, cùng khí hậu nơi đây mưa gió quanh năm ẩm ướt và đìu hiu, Nguyễn Văn Tài luôn sống trong tâm trạng cô đơn. Anh xin với bố mẹ nuôi chuyển về San Jose để kiếm việc làm, chờ thời cơ được ca hát. Gặp việc gì Nguyễn Văn Tài cũng làm để mưu sinh như đánh cá, hay làm thợ hàn. Rồi có đận làm cả thợ tiện và tráng men cho các thiết bị điện lạnh.

Được cái tiền công lao động tính theo giờ cũng kha khá, với khoảng 4 USD/giờ, nên Nguyễn Văn Tài rủng rỉnh, thỉnh thoảng vào những quán cà phê ca nhạc để hát cho đỡ nhớ. Nhất là những đêm "Hát cho nhau nghe", Nguyễn Văn Tài có dịp thể hiện. Giọng hát của anh làm ngạc nhiên bao người. Không ít người xa quê đã ôm mặt sụt sùi khi nghe tiếng hát buồn não lòng của anh. Quán cà phê âm nhạc là nơi gặp gỡ cho những người con tha hương trên xứ lạ. 

Và rồi duyên phận mở đường. Năm 1985, ca sĩ Trúc Mai nổi tiếng ở Mỹ đã đề nghị Nguyễn Văn Tài thu chung một bài hát, trong một CD mới. Nghệ danh Tuấn Vũ xuất hiện từ đây, khi Nguyễn Văn Tài ghép tên của hai cháu ruột lại mà thành.

Tuấn Vũ vụt lên như một hiện tượng trong làng ca nhạc hải ngoại. Nó là  ánh sáng của những giai điệu bolero khác lạ, như suối chảy, như chim ca hồn nhiên với trời đất. Một khu vực âm thanh chất chứa nỗi buồn xa xứ, cất lên tự nhiên như không còn là hát nữa mà chỉ còn là sự trải lòng, với nhịp đập của con tim cô đơn. Phong cách biểu diễn của anh cũng giản dị chân thành, không điệu đà mà dùng kỹ thuật luyến láy âm sắc tinh tế, truyền cảm.

Cả tin mất bạn và nỗi buồn mất vợ

Trong 5 năm (1985-1990), giọng hát Tuấn Vũ làm khuynh đảo thị trường âm nhạc hải ngoại và trong nước. Số lượng băng đĩa của anh liên tục ra đời. Những con số phát hành kỷ lục chóng mặt. Giá cát sê của anh tăng đột biến, 1.000 USD cho mỗi bài hát tại các trung tâm ca nhạc lớn ở hải ngoại. Tuấn Vũ trở nên giàu có, sinh hoạt sang trọng. Anh đã từng sắm biệt thự với giá nửa triệu USD, đi đâu cũng có người đưa kẻ đón với danh phong "Ông hoàng sầu muộn" hay "Siêu sao bolero"…

Nhưng sau cái vẻ hào nhoáng, cuộc sống giàu có nhanh chóng ấy, là một tâm hồn yếu đuối, cả tin. Vì thời thế, ngôi biệt thự ở Cali anh nhờ bạn đứng tên, sau đó bị chiếm đoạt. Cùng thời điểm, tiền thu được anh nhờ bạn giữ hộ để kinh doanh làm ăn cũng tan biến theo mây khói. Hơn nữa, một số hãng băng đĩa cũng tìm cách quỵt nợ, không trả tiền thu những bài hát trước đó…

Nghĩa là trong cái phúc sự nghiệp lên như diều gặp gió lại ẩn sâu cái họa kèm theo. Tuấn Vũ bơ vơ hoảng loạn tâm thần. Anh ngừng hát một thời gian dài. Tin đồn anh dính nghiện thuốc phiện, ma túy trong giai đoạn này. Niềm tin của anh sụp đổ. Nỗi đau của "Ông hoàng sầu muộn" kéo dài tới 4 năm trời, trong câm lặng. Khán giả nuối tiếc và thương xót cho anh. Ước mơ ngày xưa tưởng tắt ngấm nếu không có những người bạn lớn đến vực anh dậy…

Sau này, có dịp tâm sự, chính ca sĩ Tuấn Vũ nhắc đến sự ân tình của nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Nguyên Sa và ca sĩ Lê Uyên, những người đã cứu vớt tâm hồn anh vào thời điểm đau khổ nhất. Ai cũng khuyên anh đừng đánh mất mình, vì nỗi cay đắng, bởi mình còn có cơ hội bật dậy. Hãy sống lại với niềm tin yêu cuộc đời như ngày nào. Trở lại với bà con cộng đồng và hát cho họ nghe.

Cuộc đời mãi mãi xanh tươi bởi khán giả còn thương yêu, an ủi mình, không bỏ mình khi hoạn nạn xảy ra. Nhà thơ Du Tử Lê đã đưa anh về nhà mình ở. Ca sĩ Lê Uyên cho anh hát tại phòng trà của gia đình. Anh nghiệm ra cuộc đời vẫn còn lối thoát. Tình người vẫn chan chứa nỗi yêu thương. Trời đã cho mình giọng hát thì không được phụ lòng người.

Đúng là anh đã trở lại hát với niềm vui mới. Và con tim đã vui trở lại. Tất nhiên giọng hát Tuấn Vũ đã pha màu đổ vỡ, hoang hoải của một sa mạc cát bay, trong nỗi xót xa trầm lắng. Buồn và đau. Sâu lắng, ẩn chứa những âm thanh của nước mắt rơi, qua những luyến láy buồn tênh. Giọng hát Tuấn Vũ càng nặng tình, có sức thu hút, quyến rũ hơn xưa.

Ngỡ tưởng cuộc đời đã sang trang mới, sau những năm tháng tiếp tục đứng trên sân khấu, sôi nổi và tươi đẹp, vậy mà Tuấn Vũ lại gặp nỗi truân chuyên về đường vợ con. Đúng là nghiệp ca hát của anh không hề suôn sẻ.

Ngỡ cuộc sống riêng đã ổn định khi anh có một gia đình hạnh phúc với người vợ và một cậu con trai kháu khỉnh. Khi con trai đã lên bảy, hạnh phúc kéo dài đến năm thứ tám thì gia đình nhà vợ không muốn Tuấn Vũ đi hát nữa. Bố mẹ vợ bắt anh ở nhà cai quản một siêu thị mini của gia đình.

Một cuộc thử thách lớn đã xảy ra, với điều kiện nếu không, anh phải chia tay vợ. Đó là một yêu cầu kỳ lạ, oái oăm nhất trong đời mà Tuấn Vũ không thể lường ra được. Gia đình nhà vợ thuộc dòng gốc Hoa nên có những đòi hỏi khắt khe, dứt khoát như vậy. Do đó, anh đành phải chia tay vợ để được tiếp tục hát.

Ca sĩ Tuấn Vũ được người hâm mộ đón tại sân bay khi trở về quê hương biểu diễn.

Anh không thể bỏ hát bởi nó đã ngấm vào số phận anh như duyên nợ, nó đã từng vực anh dậy sau lần suy sụp, đổ vỡ trước đó. Tuấn Vũ ôm con ra đi, ẩn giấu trong con tim một nỗi buồn vô hạn khi phải chia ly. Khi đó anh đã ngoài 40 tuổi, bắt đầu lại hành trình viễn du mới, tha hương lang bạt lần thứ ba trên đất Mỹ. Chính trong thời điểm này, lần đầu tiên anh đã trở về Việt Nam (năm 2000), để thỏa nỗi ước mong hát cho đồng bào mình nghe sau hơn 20 năm tha hương. 

Trở về hát "Bản tình ca cho em"

Tính đến nay, Tuấn Vũ đã thu tới cả ngàn bài hát, phát hành tới hàng trăm album, nổi tiếng với nỗi buồn lắng đọng, u uẩn trong tâm hồn. Nhưng quãng hơn mươi năm tiếp theo, giọng hát Tuấn Vũ khác hẳn, trong từng lời ca quen thuộc. Vẫn những bài hát như "Cô bé ngày xưa", "Mimôza", "Phượng buồn", "Bản tình ca cho em"… đã không còn là giọng hát của "Phượng hoàng sầu muộn" nữa, mà trở nên rộn ràng trong sáng, ngọt ngào, chan chứa tình đời. Khán giả đón nhận anh trong diện mạo mới, chân tình và ngọt ngào. 

Tuấn Vũ đã nhiều lần trở về biểu diễn ở khắp các tỉnh trong nước. Đến đâu anh cũng được khán giả nồng nhiệt chào đón, bởi từ lâu họ đã ngưỡng mộ giọng hát của anh. Tuấn Vũ từng tâm sự, chính người nghe đã nuôi dưỡng tâm hồn anh và đã cứu vớt anh trong những lần suy sụp. Vì thế anh hát như một sự trả ơn và trao lại niềm vui cho khán giả. Và khi nghe "Bản tình ca cho em" thuở nào, anh rên rỉ cho sự nuối tiếc mong manh, thì giờ đây lại chan chứa hy vọng, với "dẫu tình ta tan vỡ".

Người nghe cũng luôn luôn mong mỏi rằng: "Một ngày nào đó ta vẫn yêu mãi người thôi". Đó là sự gặp gỡ giữa người nghe và ca sĩ, cùng hòa nhịp mơ mộng và đắm say.

Bội Kỳ
.
.