Bob Dylan Dylan và “mối duyên” với Trịnh Công Sơn
- Huyền thoại âm nhạc Hoa Kỳ: Bob Dylan: Những câu hỏi "cuốn đi theo gió"
- Đêm 10/4, huyền thoại âm nhạc Bob Dylan biểu diễn tại Việt Nam
Vào lúc 13h theo giờ địa phương ngày 12-10, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2016 là nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan. Cùng với tấm huy chương Nobel, Bob Dylan sẽ nhận phần thưởng trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (khoảng 20,4 tỷ Việt Nam đồng). Trong lời tuyên bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Bob Dylan được trao giải thưởng này "vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ".
Chiến thắng của Bob Dylan gây bất ngờ cho giới chuyên môn cũng như người yêu văn chương trên toàn thế giới. Bởi mặc dù có tên trong những dự đoán nhiều năm nay, nhưng ông chưa bao giờ là cái tên được đặt nhiều kỳ vọng sẽ dành giải thưởng.
Theo như mọi năm, giải thưởng Nobel Văn học thường được trao cùng tuần với các giải thưởng khoa học, vì vậy, sự chậm trễ của năm nay khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi nghi vấn. Truyền thông Thụy Điển nghi ngờ rằng nội bộ ban giám khảo có sự chia rẽ.
Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định, đây chỉ đơn thuần là vấn đề sắp xếp lịch. Những fan hâm mộ của giải thưởng Nobel đã lật lại lịch sử vào năm 2005. Một số thành viên ban giám khảo muốn trao giải cho Orhan Pamuk, tuy nhiên, cuối cùng giải thưởng về tay Harold Printer. Orhan Pamuk nhận giải vào năm 2006.
Bob Dylan. |
Bà Sara Danius - Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - lý giải với báo chí về chủ nhân của giải thưởng văn học danh giá 2016 rằng: "Trong vòng 54 năm qua, Bob Dylan chưa từng ngơi nghỉ hoạt động nghệ thuật và vẫn luôn tự khám phá những khía cạnh mới của bản thân để tạo nên những bản sắc mới".
Nếu nhìn lại quá khứ, các bạn sẽ thấy Homer và Sappho. Họ đã viết những văn bản đậm chất thơ, được dành cho trình diễn. Nó tương tự cách của Bob Dylan. Ngày nay chúng ta vẫn đọc, vẫn yêu thích Homer và Sappho. Chúng ta cũng có thể và nên đọc Bob Dylan".
Dẫn chứng bằng ca khúc Blonde on Blonde, bà Sara cho rằng đó là một ví dụ tuyệt vời về tài năng của Bob Dylan trong gieo vần, tạo những điệp khúc và lối suy nghĩ xuất chúng của huyền thoại âm nhạc.
Bob Dylan là người Mỹ thứ 259 giành giải Nobel và tác giả Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học kể từ khi một tác giả Mỹ là Toni Morrison đoạt giải này vào năm 1993. Bob Dylan tên thật là Robert Allen Zimmerman, ông sinh ngày 24-5-1941 và là một người Mỹ gốc Do Thái.
Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình, Bob Dylan đã dấn thân vào rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Từ âm nhạc tới điện ảnh, hội hoạ và cả văn chương. Ông được đánh giá là một trong những biểu tượng của văn hoá đại chúng Mỹ và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đại chúng thế giới.
Bob Dylan dường như đã trở thành "huyền thoại" âm nhạc nước Mỹ. Không chỉ nổi bật với lời ca, dấu ấn của Bob Dylan còn thể hiện ở sáng tạo trong từng giai điệu của ca khúc. Đó là sự kết hợp, khám phá nhiều thể loại âm nhạc một cách sáng tạo, từ bài hát dân gian, blues, phúc âm, roll và rockabilly với tiếng Anh, Scotland hay âm nhạc dân gian Ireland...
Đối với ông, không có bất cứ chuẩn mực nào trong âm nhạc. Bob Dylan có thể phá vỡ mọi tiền lệ về độ dài ca khúc, chủ đề hay cách diễn đạt. Ông đập đổ những bức tường ngăn cách, mở ra một bầu trời mới cho nghệ thuật sáng tác ca khúc. Sự cộng hưởng của tất cả yếu tố đó cùng với hành trình rong ruổi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình đã khiến cho cái tên Bob Dylan trở thành huyền thoại trong lòng người yêu nhạc.
Ông từng nhận nhiều giải thưởng, trong đó có giải Grammy, Quả Cầu Vàng, Pulitzer... Ông được coi là tượng đài văn hóa thế kỷ XX và được mệnh danh là "lãng tử du ca". Các nhạc phẩm của ông như Blowin in the Wind, The Times They Are a-Changin... đã trở thành "thánh ca" trong các phong trào đấu tranh vì dân quyền và phản chiến. Bob Dylan cũng từng đấu tranh chống chiến tranh tại Việt Nam.
John Schafer, giáo sư văn chương ở Mỹ từng viết cuốn sách: "Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: Như trăng và nguyệt?" chọn điểm nhìn so sánh giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Nhà văn Nguyễn Trương Quý có dịp làm việc với giáo sư Schafer khi biên tập sách của ông. Anh đã có cuộc trò chuyện phỏng vấn với giáo sư về cuốn sách và mối liên hệ đặc biệt khi giáo sư John Schafer đã mang Trịnh Công Sơn và Bob Dylan trong một góc nhìn nghiên cứu rất hay về hai tác giả mà ông yêu thích.
Theo chia sẻ từ bài phỏng vấn này thì cuốn sách không phải là công trình nghiên cứu đầu tiên của John về Trịnh Công Sơn. Ông có một số công trình khác như The Trinh Cong Son Phenomenon (Hiện tượng Trịnh Công Sơn), Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Trong sách, John Schafer viết: "Những năm 60 của thế kỷ trước, Bob Dylan và Joan Baez là hai ca sĩ mà tôi yêu thích nhất. Vào cuối thập niên 60 đầu 70, khi tôi dạy Anh văn ở miền Trung Việt Nam, tôi lại được giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly.
Những bài ca của bốn người nghệ sĩ này đã in đậm vào ký ức của tôi: Khi nghĩ đến giai đoạn này, tôi nhớ về những bài ca của họ; khi nghe những bài ca của họ, tôi nhớ đến giai đoạn đầy biến động ở cả hai nước Việt và Mỹ.
Cả hai cùng sáng tác bài hát phản chiến. Họ soạn nhạc nhưng cũng được xem như thơ, ca từ xuất chúng và nhiều khi mơ hồ khó hiểu. Cả hai đều viết những bài tình ca để đời. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều nói tiếng nói của giới trẻ trong thời đại. Cả hai đều chịu ảnh hưởng và tìm cảm hứng sáng tác từ truyền thống tôn giáo".
Trong bài trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trương Quý, giáo sư John C. Schafer đã chia sẻ rằng cả hai nhạc sĩ đều bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Bob Dylan là một người mộ đạo và đã ra mắt ba album nhạc chuyên về những bài ca tôn giáo.
Trịnh Công Sơn là một Phật tử dù chỉ trên danh nghĩa; nhưng cả hai đều chia sẻ một sở thích chung là suy ngẫm về triết học và tôn giáo. John Schafer viết: "Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra hai điều này: Một là ảnh hưởng sâu xa mà hai tôn giáo đã tác động tới cuộc đời và nghệ thuật của họ; hai là sự khác nhau sâu đậm giữa hai tôn giáo này".
Ông gọi Bob Dylan "ướt sũng Kinh thánh". Ông viết: "Không có gì đáng ngạc nhiên khi một người sáng tác nhạc Mỹ, nhất là nhạc folk, dùng ngôn ngữ của Kinh thánh trong tác phẩm của mình". Ông cũng cho người đọc Việt hiểu, Kinh thánh là cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ và tiếng Anh lại đầy rẫy những câu lấy ý từ Kinh thánh.
Vì vậy khó có thể dùng tiếng Anh mà không động đến Kinh thánh. Về Trịnh Công Sơn, các đề tài Phật giáo rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của ông. Ca khúc của ông dùng nhiều từ của đạo Phật, ví dụ: Từ bi, duyên, vô thường, kiếp...
Nói về những bản tình ca, trong cuốn sách của mình, giáo sư cũng đưa ra những nhận xét: "Trịnh Công Sơn viết với giọng "yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ" còn Bob Dylan viết: "Tạm biệt là chữ dùng quá nhẹ. Nên tôi chỉ nói giã từ thôi. Tôi không nói em đã đối xử tệ bạc với tôi. Em chỉ đã lãng phí thì giờ quý giá của tôi" (Don't Think Twice, It's All Right)". Với John Schafer, ông đánh giá cao sự khiêm nhu, nhân hậu của Trịnh Công Sơn cả trong đời sống lẫn trong tác phẩm. Còn Bob Dylan lại tạo ra một hình ảnh lạnh lùng, cách biệt như thể để tự bảo vệ mình.
Cho tới nay, Bob Dylan vẫn đều đặn ra đời các tác phẩm nghệ thuật mới. Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của ông chính là trong âm nhạc với một sự nghiệp đồ sộ các ca khúc và album nhạc gây ảnh hưởng và đa dạng chất liệu từ country tới folk, rock, blues, jazz... và mới đây nhất - Giải thưởng Nobel văn học - giải thưởng danh giá nhất hành tinh đã thuộc về ông một cách ngoạn mục nhất. Điều thú vị nhất của giải thưởng Nobel là sự bí mật.
Do không hé lộ trước danh sách chung khảo lẫn sơ khảo, các nhà văn đều nhận giải trong sự bất ngờ. Tác giả Pháp Patrick Modiano đang ra ngoài ăn trưa cùng vợ khi ông được công bố đoạt giải Nobel Văn học 2014, trong khi Svetlana Alexievich không giấu được kinh ngạc trên gương mặt khi phóng viên Belarus gõ cửa nhà bà năm ngoái để phỏng vấn về giải thưởng. Hiện, chưa rõ Bob Dylan ở đâu khi giải thưởng danh giá gọi tên ông.